Niềm vui, năng lượng tích cực là khắc tinh của sự lão hóa. Dưới đây là 6 hành vi độc hại bạn cần tránh để duy trì thái độ sống tích cực, lưu giữ nét thanh xuân bền bỉ với thời gian.
1. Hối hận về những việc đã qua
Không ai có khả năng đảo ngược dòng chảy của thời gian. Khi một sự việc qua đi, chúng ta buộc phải chấp nhận để nó ở quá khứ. Vì vậy, thay vì nuối tiếc những sai lầm, chúng ta chỉ còn cách thừa nhận và học hỏi từ chúng để tránh những sự việc tương tự trong tương lai. Hối hận thường đi kèm với cảm giác căng thẳng, lo âu, và trầm cảm. Những cảm xúc này có thể làm tăng mức cortisol trong cơ thể, hormone liên quan đến stress, dẫn đến lão hóa sớm. Bên cạnh đó, cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Tìm kiếm niềm vui ở hiện tại, tập trung vào những kế hoạch hứa hẹn mà bạn muốn thực hiện trong vòng nhiều năm tới, tưởng tượng về một phiên bản tích cực hơn ở tương lai và dành thời gian vạch ra từng bước để hiện thực hóa điều đó… – những hoạt động này giúp bạn chú tâm tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại, sống trọn vẹn hơn. Tương lai được quyết định bởi những hành động ở thời điểm hiện tại, vì vậy, hãy luôn tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc và giữ vững niềm tin về những tháng ngày tích cực ở phía trước, bạn nhé!
2. Than vãn
Giải tỏa cảm xúc là nhu cầu chính đáng. Khi đối diện với những điều bất như ý, ai cũng muốn tìm đến một chỗ dựa tinh thần như bạn bè, người thân để giãi bày, tâm sự. Nhưng nếu liên tục than vãn về cuộc sống thay vì tìm kiếm một giải pháp phù hợp cho những trăn trở của bản thân, chúng ta không chỉ khiến những người xung quanh cảm thấy mỏi mệt mà còn khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Nghiên cứu New Studies of Human Brains Show Stress May Shrink Neurons (Nghiên cứu mới về não bộ con người cho thấy căng thẳng có thể gây teo nơron) được Đại học Stanford công bố vào năm 1996 khẳng định: than vãn 30 phút mỗi ngày có thể gây tổn hại đến não bộ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những hormone được sản sinh trong quá trình căng thẳng có thể gây teo nhỏ thùy hải mã – một phần của não bộ có chức năng lưu giữ ký ức và định hình nhận thức của con người. Nếu cứ mãi than phiền về những điều bất lợi trong cuộc sống, bạn đang khiến não bộ già đi nhanh hơn, từ đó khả năng ghi nhớ và nhận thức sẽ không còn linh hoạt và nhạy bén.
Cuộc đời là tập hợp của những chuỗi ngày hạnh phúc và cả những trải nghiệm không vui. Ai cũng đều phải trải qua những khó khăn riêng và học cách vượt qua những bất lợi trong cuộc sống. Thay vì chỉ tập trung vào những điều mình chưa đạt được, những khó khăn mà bản thân đang trải qua, thực hành lòng biết ơn là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp bạn có thêm động lực để bước tiếp trong cuộc sống và đối diện với những điều bất như ý đang hiện diện. Bạn có thể chuẩn bị một quyển sổ tay, vào cuối ngày, hãy viết ra 5 điều tốt đẹp bạn cảm thấy biết ơn nhất trong ngày. Thay đổi góc nhìn và biết ơn vì những gì bản thân sở hữu sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống trọn vẹn và đáng sống.
BÀI LIÊN QUAN
3. Ít sáng tạo
Sáng tạo là nguồn gốc cho sự phát triển của nhân loại. Những công trình kiến trúc, các tác phẩm văn học, hội họa… đều có những thay đổi nhất định theo từng thời đại, phản ánh sự đi lên của xã hội và tư tưởng của con người.
Các hoạt động sáng tạo không chỉ mang lại sự thư giãn, niềm vui mà còn là chìa khóa giúp chúng ta chống lại sự lão hóa. Theo một nghiên cứu của Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medicine), mức độ sáng tạo cao có thể giúp gia tăng tuổi thọ. Trên thực tế, nhiều nhà sáng tạo, nghệ sĩ có cuộc sống hạnh phúc và trường thọ vì họ không tiếp nhận một cách thụ động những ý tưởng có sẵn, thay vào đó, họ luôn chủ động trong quá trình sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm mới mang dấu ấn cá nhân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lười sáng tạo có khả năng gây hại đến sự phát triển của não bộ. Khi không thường xuyên tham gia vào các hoạt động mang tính sáng tạo, não bộ không được kích thích, từ đó khả năng hoạt động và phát triển bị suy giảm. Bên cạnh đó. thiếu hoạt động sáng tạo có thể khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề, giảm khả năng tư duy linh hoạt. Vì vậy, để kích thích khả năng sáng tạo và đẩy lùi quá trình lão hóa của não, bạn có thể dành các khoảng thời gian rảnh trong ngày để viết nhật ký, ghi lại các khoảnh khắc trong ngày, vẽ phác thảo hoặc làm thủ công. Tham gia vào các workshop sáng tạo như làm gốm, vẽ tranh… cũng giúp bạn thư giãn và nâng cao tinh thần sáng tạo.
4. Lười vận động
Trong nhịp sống hối hả, công việc dường như chiếm toàn bộ thời gian trong ngày của tất cả chúng ta. Thời gian chơi thể thao, tham gia các hoạt động vận động thể chất trở nên xa xỉ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nâng cao sức khỏe thể chất bằng các hoạt động nhỏ trong ngày như đi bộ từ bãi xe đến chỗ làm, sử dụng thang bộ thay vì thang máy, giãn cơ sau mỗi 30 phút làm việc… Vận động cơ thể thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu, giảm cholesterol – nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch. Đồng thời, vận động giúp giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác hạnh phúc, giúp cải thiện tâm trạng và giảm lo âu hiệu quả. Thay vì ngồi một chỗ quá lâu trước màn hình máy tính, hãy dành thời gian đi bộ xung quanh cơ quan sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng làm việc, giãn cơ… để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, cải thiện chất lượng sống toàn diện.
Xem thêm
• 7 thói quen của người Nhật giúp bạn sống khỏe mạnh và hạnh phúc
• 4 dấu hiệu cho thấy bạn cần ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình ngay bây giờ
• Khám phá 7 luân xa trên cơ thể chúng ta
5. Luôn chỉ trích người khác
Những lời chỉ trích gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của người chịu chỉ trích lẫn người chỉ trích. Khi bạn thường xuyên trách móc, phê phán người khác, bạn có thể trở nên tiêu cực hơn, không còn khả năng nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực và chỉ nhìn thấy những lỗi sai, những điều bất như ý trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn cũng mất đi khả năng đồng cảm, khiến mọi người dần rời xa bạn để rồi những gì còn lại là cảm giác cô đơn, trống rỗng khi không có ai kề bên để lắng nghe những tâm sự từ bạn vào những phút yếu lòng. Điều này có thể khiến bạn dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu. Tệ hơn, cảm giác cô đơn có thể khiến bạn mắc những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe thể chất. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, người cô đơn có nguy cơ cao hơn mắc bệnh tiểu đường loại 2, và dễ mắc bệnh tim mạch hơn người bình thường.
Nếu muốn ai đó cải thiện một điều gì đó, bạn có thể đưa ra những lời góp ý, lời khuyên chân thành, mang tính xây dựng thông qua góc nhìn của bạn. Nhưng trước khi góp ý, hãy chỉ ra những điều tích cực mà họ đã đạt được để động viên và tạo không gian thoải mái giúp họ dễ dàng đón nhận những gợi ý tiếp theo từ bạn. Khi đối diện với một vấn đề nào đó, hãy rèn luyện tư duy đa chiều và nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau để thật sự hiểu tình huống trước mắt trước khi đưa ra những phán xét quá vội vàng.
6. Cố gắng thay đổi bản thân để hòa nhập với số đông và làm hài lòng người khác
Ép bản thân che giấu cảm xúc và bộc lộ những điều trái với suy nghĩ chỉ để làm hài lòng người khác sẽ khiến sức khỏe tinh thần kiệt quệ về lâu dài. Khi bạn cố gắng đáp ứng kỳ vọng của người khác hoặc không được sống là chính mình, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và lo âu, dẫn đến mức cortisol tăng cao trong cơ thể. Điều này càng thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, gây nên những bệnh lý nghiêm trọng về tinh thần lẫn thể chất. Thay vì cố gắng bám trụ ở một nhóm, một cộng đồng không trân trọng sắc màu của bạn và cố gắng gượng ép bản thân để làm hài lòng họ, hãy mạnh dạn rời đi và tìm kiếm những người phù hợp hơn với bản thân – những người thật sự yêu thương và chấp nhận những giá trị mà bạn sở hữu. Khi sống thật với bản thân, bạn không phải gồng mình để đáp ứng kỳ vọng của người khác, từ đó giảm bớt căng thẳng và lo âu. Một môi trường cho phép bạn sống thật với chính mình sẽ giúp bạn tự tin phát huy những tiềm năng vốn có, thúc đẩy bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày để sống trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Ngân
Tham khảo: YourTango