Lifestyle / Bí quyết sống

Hiệu ứng Pratfall: Vì sao chúng ta yêu thích một người vì sự không hoàn hảo?

Bạn đã từng cảm thấy một người nào đó trở nên dễ mến hơn khi họ có khuyết điểm hoặc mắc lỗi lầm chưa? 

Trong lễ hội âm nhạc do Đại học Yonsei tổ chức, nữ ca sĩ IU đã vô tình làm rơi chiếc bánh sinh nhật mà các sinh viên dành tặng cho cô ngay trên sân khấu. Khoảnh khắc vụng về này cùng biểu cảm hốt hoảng rất đỗi đáng yêu của cô đã “đốn tim” rất nhiều người hâm mộ. Bên cạnh đó, Lee Kwang Soo khiến khán giả yêu thích bởi anh chàng thường lâm vào những tình huống rất hài hước do sự hậu đậu của mình. Hay câu chuyện RM – chàng thủ lĩnh của nhóm nhạc đình đám BTS và “thành tích” đánh mất 33 cặp AirPods luôn khiến chúng ta bật cười khi nhớ đến. 

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao những hành động vụng về và lúng túng của người nổi tiếng lại khiến họ “ghi điểm” trong mắt công chúng hiệu quả như vậy? Đây là một hiện tượng tâm lý nổi tiếng mang tên Pratfall – khi bạn trân trọng và yêu mến những sai lầm

Hãy cùng ELLE khám phá những điều thú vị về hiệu ứng này và lý giải vì sao sự không hoàn hảo ở một cá nhân xuất chúng có thể mang đến sự đồng cảm cho chúng ta nhé!

Hiệu ứng Pratfall là gì?

IU hiệu ứng pratfall
IU vô tình làm rơi chiếc bánh sinh nhật mà các sinh viên dành tặng cho cô ngay trên sân khấu Ảnh: AllKpop

Hiệu ứng Pratfall được phát hiện bởi nhà tâm lý học xã hội Elliot Aronson vào năm 1966, thông qua một thí nghiệm. Ông cho 48 sinh viên nam trường Đại học Minnesota xem 4 đoạn trả lời câu hỏi: Đoạn thứ nhất về một người diễn viên trả lời đúng 92% câu hỏi, đoạn thứ hai về một người bình thường trả lời đúng 30% câu hỏi, đoạn thứ ba về người diễn viên trả lời đúng 92% và làm đổ cốc cà phê, đoạn thứ tư về người bình thường trả lời đúng 30% với hành động tương tự. Kết quả cho thấy, nhóm sinh viên cảm thấy có thiện cảm hơn với người diễn viên mắc lỗi ở tình huống thứ 3. Trong khi, người bình thường mắc lỗi giống như vậy lại khiến nhóm khán giả khó chịu. 

Do đó, hiệu ứng này được định nghĩa là sự cuốn hút mà một người nổi trội hơn số đông (chẳng hạn như người nổi tiếng) tạo ra khi họ có những hành động vụng về và hậu đậu. 

Hiệu ứng Pratfall được lý giải như thế nào?

Lý giải hiệu ứng pratfall
Ảnh: Pexels/ Olia Danilevich

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta dùng những danh từ vô cùng tôn trọng như “ngôi sao”, “thần tượng”… để gọi những người nổi tiếng, điều này xuất phát từ tâm lý luôn xem họ là những người ở vị trí xa vời mà người bình thường khó có thể tiếp cận. Đồng thời, chúng ta cũng thường có xu hướng đánh giá cao những người có đặc điểm nổi bật và tài giỏi hơn so với phần đông xã hội. Vì vậy, việc chứng kiến ​​một ai đó thuộc “đẳng cấp” khác cũng mắc những sai lầm như bất kỳ ai sẽ khiến chúng ta cảm giác thấy gần gũi và đồng cảm hơn. 

Hiệu ứng Pratfall bắt nguồn từ lý thuyết so sánh xã hội được Leon Festinger đề xuất vào năm 1954. Lý thuyết cho rằng so sánh là khuynh hướng tự nhiên của con người và đó là cách để ta đánh giá chính mình cũng như xác định rõ vị thế bản thân giữa thế giới vô hạn. Do đó, sự hoàn hảo từ những người vốn đã có tài năng hơn người kích hoạt cảm giác tự ti và đôi lúc là đố kỵ, khó chịu ở những cá thể bình thường trong cuộc sống. Đây dường như là một bản năng của con người.

Khi phát hiện ra rằng những người mà chúng ta ngưỡng mộ cũng làm đổ cà phê, vấp ngã, làm vỡ đồ đạc hay gặp những thất bại trong tình cảm, sự đồng cảm sẽ được đánh thức. Điều này củng cố lòng tự trọng, sự tự tin và khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi nhận thấy rằng không có ai là hoàn hảo về mọi mặt và bất cứ ai cũng có thể có những hành động ngớ ngẩn và vụng về.


Xem thêm

25 hiệu ứng tâm lý đầy thú vị có thể bạn chưa nghe bao giờ 

• Làm sao để thoát khỏi mối quan hệ kiểm soát và thao túng tâm lý?

• Cách tạo dáng khi chụp ảnh selfie nói lên điều gì về tính cách của bạn?


Sai lầm tạo nên con người 

Hiệu ứng pratfall là gì
Ảnh: Pexels/ Anastasiia Chaikovska

Con người thường mong muốn mọi việc trong đời mình diễn ra một cách hoàn hảo từ học tập, sự nghiệp cho đến việc tìm kiếm nửa kia. Tuy nhiên, hoàn hảo chỉ là một khái niệm và khi càng theo đuổi sự hoàn hảo, bạn càng dễ dàng đánh mất chính mình. 

Hiệu ứng Pratfall cho thấy không có ai là không gây ra lỗi lầm, kể cả những thiên tài hay những ngôi sao luôn xuất hiện trong ánh hào quang và thất bại không phải lúc nào cũng mang đến sự tiêu cực. Những sai lầm trong quá khứ là nền tảng quý giá để bạn học tập và định hình lại mục tiêu của mình. Mặc dù sự không hoàn hảo từ người khác có thể xoa dịu trái tim chúng ta, nhưng ít ai biết học cách trân trọng và chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình. Vì vậy, hãy yêu lấy những thất bại của mình cũng như yêu lấy bản thân. Đôi khi, điều xấu hổ trong mắt bạn lại là những điều đáng yêu trong mắt người khác. 

Mặc dù hiệu ứng Pratfall phổ biến hơn ở người nổi tiếng, bạn vẫn có thể ứng dụng nó để cải thiện những mối quan hệ xung quanh bạn. Việc phát hiện ra rằng ai cũng đều mắc lỗi có thể mang chúng ta lại gần nhau hơn. Dù chúng ta có tài giỏi đến đâu, không ai có thể tránh khỏi những sai lầm ngớ ngẩn. Bạn nên mở lòng để trò chuyện về những vấn đề của bản thân với người khác. Việc này có thể khiến người nghe cảm nhận được sự tin tưởng bạn dành cho họ. Đồng thời, bạn có thể nhận được những lời khuyên quý giá để vượt qua khó khăn. 

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Yến

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Exploring Your Mind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)