Chủ yếu vẫn là do nhận thức nhầm lẫn giữa “niềm tin”, “hy vọng” và “ảo tưởng”. Do đó, trong cuộc sống đời thường, trong công việc hay tình yêu, gia đình, khi chúng ta không phân biệt được nhưng khái niệm tâm lý xã hội này, rất dễ xảy ra va chạm, mâu thuẫn và thất vọng với chính bản thân mình và các mối quan hệ tự nhiên xã hội xung quanh.
Cùng ELLE phân biệt giữa “niềm tin”, “hy vọng” và những “ảo tưởng” đang diển ra rất phổ thông trong xã hội hiện đại.
1. Sự khác nhau giữa: “niềm tin”, “hy vọng” và “ảo tưởng”
Niềm tin là sự nhận thức có bằng chứng và chứng minh xác thực về con người, sự vật hiện tượng trong cuộc sống. “Niềm tin” từ điểm khởi đầu đến kết thúc đều đem lại cho chúng ta cảm giác an toàn, chắc chắn, tâm lý xúc cảm cân bằng và khả năng chuẩn bị, xác định các kế hoạch và thực hiện các kế hoạch một cách chắn chắn trong cuộc sống.
Hy vọng là những mong muốn cải thiện chất lượng con người và cuộc sống theo cách tích cực dựa trên một số những tiềm năng sẵn có cộng với sự nỗ lực, lòng quyết tâm của con người trong tự nhiên và xã hội. “Hy vọng” đem lại cảm giác phấn chấn trong giai đoạn đầu, sự nỗ lực liên tiếp trong giai đoạn tiếp theo và cuối cùng có thể là niềm vui khi gặt hái thành quả hay sự chấp nhận thất bại khi kết quả không được như ý muốn.
Ảo tưởng là sự tưởng tưởng mơ hồ được tạo nên từ những mơ ước, lý tưởng xuất phát từ những đồn đoán, suy diễn, áp lực về con người, sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Ảo tưởng đem lại cho chúng ta cảm giác phấn chấn lúc khởi đầu, hoang mang ở giai đoạn tiếp theo và thất vọng, suy sụp ở giai đoạn sau cùng.
BÀI LIÊN QUAN
2. Những ảo tưởng phổ biến dễ bị nhầm lẫn với niềm tin và hy vọng:
– Niềm tin có tiền là có tất cả:
Đồng tiền không có sức mạnh tiên phật như mọi người vẫn đồn đại, nó chỉ là một cách rút gọn của sức lao động con người, lao động về chân tay hay trí tuệ và lẽ dĩ nhiên là nó có hạn. Ai giữ nhiều tiền thì người đó hoặc đã bỏ ra rất nhiều trí tuệ, sức lao động hoặc đang giữ trí tuệ và sức lao động của người khác hoặc chỉ đơn giản là tiền nhiều nhưng giá trị thật không cao do nguồn tiền không chính đáng. Có tiền nhiều bạn không mua được sức khỏe, không chữa được bệnh nan y, không mua được tình yêu thương hay hạnh phúc. Có tiền bạn có thể giữ thân thể và giữ miệng của người xung quanh nhưng không giữ được trí tuệ và xúc cảm của họ. Vì vây, tiền chỉ là phương tiện hỗ trợ nhưng không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc. Quyết tâm làm giàu, bất chấp sức khỏe, luật pháp, mâu thuẫn gia đình, sứt mẻ tình bạn, tình anh em, tình yêu để mong tìm kiếm hạnh phúc thì chỉ là “ảo tưởng”.
– Niềm tin ngoại hình đẹp sẽ luôn hạnh phúc và thành công:
Rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thước phim tình cảm lãng mạn với những diễn viên chính có vẻ đẹp không tì vết, những ngôi sao trong làng giải trí nổi tiếng mà khát khao thay đổi ngoại hình vốn không hoàn hảo nhưng rất tự nhiên và duyên dáng của mình. Những ngôi sao màn bạc, những hoa hậu người mẫu đẹp long lanh là do được chăm sóc từ A đến Z bởi cả một ê-kíp từ trang điểm, trang phục đến ngoại hình, thậm chí cả kỹ xảo photoshop để có những khuôn hình hoàn hảo, hay kỹ thuật trang điểm và ánh đèn sân khấu, nhạc nền làm tăng cảm xúc thích thú của người xem và mục đích chính là để góp phần vào đời sống giải trí phong phú của khán giả. Cởi bỏ hết lớp áo váy, trang điểm, họ cũng sẽ trở về với cơm áo, gạo tiền và sự bình dị thiếu hoàn hảo như ai. Và thực tế đằng sau ánh đèn sân khấu hay danh tiếng là những chuỗi ngày lao động vất vả cật lực, đối diện với ganh tị, đố kỵ, tin đồn, thậm chí cả sai lầm của bản thân nữa. Và do đó hạnh phúc, bình yên và của cải vẫn lọt tầm tay họ như chúng ta thấy nhiều ví dụ điển hình của showbiz Việt Nam hay thế giới. Vẻ đep hoàn hảo hay danh tiếng chỉ là bước đệm nhưng không phải là đích đến để chúng ta giữ được tình yêu hay hạnh phúc nếu ta không thực sự dành thời gian và nỗ lực cho yêu thương. Vì vậy, niềm tin rằng chỉ cần đẹp và nổi tiếng là không cần phải cố gắng trong học tập, công việc hay tình yêu lại cũng là… “ảo tưởng”.
– Niềm tin có quyền lực và các mối quan hệ xã hội sẽ luôn giàu có, thành đạt:
Bạn có thể thấy mình may mắn khi sinh ra trong một gia đình giàu có quyền thế, hay cố gắng kết nối với các cá nhân cộng đồng có những điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cá nhân mình. Nhưng trong thực tế, mọi mối quan hệ công bằng và lành mạnh đều là mối quan hệ có qua có lại dựa trên những tương tác tương thích và đem lại những hỗ trợ tích cực. Và nếu bạn không có những điều kiện tương thích hay những đóng góp tích cực, quyền lực sẽ không ở bên bạn lâu dài, các mối quan hệ cũng dần xa cách.
– Niềm tin các thế lực siêu nhiên có thể phù hộ vô điều kiện:
Thực tế là thế giới đã có những niềm tin về tâm linh khác nhau, tâm linh làm cho ta thêm mạnh mẽ trước những biến cố và gian nan của cuộc sống. Tâm linh và thần linh là tưởng tượng hay có thật hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, tuy nhiên hãy tạm cho thần linh có thật thì thần linh cũng không phù hộ cho những cá nhân hay tâp thể lười biếng, ích kỷ hay có những lối sống tư duy tiêu cực. Có thần linh hay không thì nếu chúng ta không làm việc thì không có thu nhập, không học tập thì không có kiến thức, không đối xử tốt với nhau thì sẽ không hạnh phúc khi ở bên nhau, không đối xử tốt với thiên nhiên và muôn loài khác thì sẽ phải sống trong một môi trường mất cân bằng sinh thái. Thế giới đã tôn vinh nhiều thần linh nhưng không vị thần nào cho đến giờ cứu được người bệnh ung thư, những ca nhiễn HIV giai đoạn cuối, giúp con người trường tồn vĩnh cửu hay hồi sinh những loài động thực vật đã tuyệt chủng. Vì thế “Niềm tin vào sức mạnh của thần linh mà chỉ cần chăm chỉ cúng bái, cầu nguyện mà không có nỗ lực của bản thân cũng là “ảo tưởng”.
– NIềm tin có thể áp dụng quan điểm chính trị, tôn giáo, nghệ thuật lên toàn thể xã hội:
Trong mỗi vùng miền hay trên toàn thế giới, chưa có một cá nhân hay tổ chức nào có thể đưa ra những quan điểm chính trị, tôn giáo nghệ thuật chuẩn mực đến mức có thể đem áp dụng cho tất cả các đối tượng, nhóm người hay cá nhân trong xã hội có một cuộc sống an nhàn, không thử thách. Bởi trong thực tế, mỗi cá nhân hay nhóm người có những lợi ích khác nhau và có thể lợi ích của cá nhân hay nhóm người này có thể là bất lợi cho cá nhân cộng đồng khác và bất lợi cho thiên nhiên, môi trường. Do đó, việc gây áp lực để áp dụng chung một niềm tin, quan điểm chính trị, tôn giáo, nghệ thuật lên toàn xã hội hay toàn thế giới đã gây ra nhiều hiểu lầm, xung đột và đỉnh điểm là những cuộc chiến tranh khốc liệt, gây tổn thất nặng nề về tự nhiên, con người, kinh tế, xã hội.
BÀI LIÊN QUAN
3. Niềm tin nằm ở đâu?
Rõ ràng “ảo tưởng” là một tâm lý không mong muốn và chúng ta thường vô tình mắc phải mà không hề nhận ra. Người viết tin rằng, mọi định nghĩa về “niềm tin”, “hy vọng” hay “ảo tưởng” không thể khái quát trong một vài dòng mô tả hay quy định hay áp lực nào. Mỗi cá nhân chúng ta có thể tìm hiểu những bí quyết sống phù hợp và có quyền tự định nghĩa, lựa chọn xem mình nên đặt “niềm tin” ở đâu, “hy vọng” thế nào để tránh bị “ảo tưởng” và tự tận hưởng cũng như tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Nếu là người yêu tín ngưỡng, bạn sẽ có niềm tin vào thần linh, nếu bạn yêu khoa học bạn tin vào trí tuệ, nếu bạn yêu nghệ thuật bạn tin vào xúc cảm, …
Tuy vậy, chúng ta không nên áp đặt và gây áp lực yêu cầu người xung quanh phải tin theo “niềm tin”, “hy vọng” hay “ảo tưởng” của mình, nhằm phục vụ lợi ích cho mình hay cộng đồng mình tham gia mà thay vào đó hãy để bản thân và mọi người được tự do lựa chọn để xây dựng gia đình và xã hội đoàn kết nhưng vẫn đa dạng, sinh động và giàu sắc thái.
Trong bài viết này người viết muốn đặt “hy vọng” vào những tiềm năng sẵn có, đặt “niềm tin” vào những người, việc và xúc cảm có thật và có kiểm chứng thực nghiệm tai nghe mắt thấy, những việc và những phẩm chất mà chúng ta có thể tự mình rèn luyện, trải nghiệm và kiểm chứng mà có được không có tiền nào mua nổi, không thần linh nào giúp đỡ và không ngoại hình hoàn hảo nào thay thế nổi. Cho dù lúc đầu mọi thứ sẽ khó khăn, vất vả và thành quả đạt được rất chậm nhưng khi bạn đạt đến một thành quả nào đó, cuộc sống sẽ mỗi ngày một dễ dàng và chắc chắn hơn. Chúc bạn đặt niềm tin đúng người, đúng nơi và đúng thời điểm để tránh mắc phải tâm lý “ảo tưởng”.
______
Xem thêm
Khắc phục bệnh tâm lý đa tính cách trong xã hội hiện đại
Tìm hiểu tâm lý sợ gắn kết ở phụ nữ hiện đại
ChKhám phá bản thân: Giải mã 15 cơ chế tự vệ tâm lý
Nhóm thực hiện
Tạp chí Phái Đẹp ELLE