Hình dáng của tình yêu thương
Nếu hỏi bất cứ ông bố bà mẹ nào về mong ước họ dành cho con, có lẽ tất cả đều sẽ nói: Khỏe mạnh và hanh phúc. Và ai cũng có thể tự tin mà khẳng định rằng họ sẽ làm tất cả để con mình có được những điều đó. Nhưng, đáng tiếc rằng chúng ta, trong sự tự tin của một người yêu thương con hết mực, có thể làm những điều thực chất đang đi ngược lại mục tiêu đó.
Trong sự phẫn nộ nhắm đến những kẻ đã gây ra cái chết cho cháu Vân An những ngày này, một tin tức khác đã dạt xa khỏi tâm điểm dư luận. Đó là thông báo về kết quả khám nghiệm của một vụ việc xảy ra cách đây vài tháng, một cô bé 6 tuổi tử vong do bị bố đánh khi dạy học. Thoạt tiên, hai vụ việc có vẻ khác xa nhau, một bên là những kẻ máu lạnh hành hạ một đứa trẻ, một bên là người cha thực sự yêu thương con nhưng ra tay quá đà. Nhưng sự thật là, kết cục của cả hai chẳng khác gì nhau cả.
Không khó để lên án những kẻ thực sự độc ác, cố tình làm tổn thương, hành hạ trẻ em nhân danh chữ “dạy”. Nhưng, với những người thực sự đang cố gắng dạy dỗ con thì sao? Chúng ta có thấy họ đáng trách. Đó là câu hỏi không dễ trả lời, vì chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà cả tiêu chuẩn xã hội và pháp luật vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm thế nào là bạo hành trẻ em.
Tôi có thể kể cho bạn đọc những ví dụ mà tôi đã được nghe tâm sự với tư cách là một người dạy học.
Một học trò của tôi tự nhận là người khá hiếu động và không tập trung, và mỗi lần phạm lỗi gì, em sẽ bị đánh đòn. Những trận đòn thoạt tiên có khiến em thấy đau về thể xác, nhưng về sau chúng mất dần tác dụng. Mỗi lần bố mẹ đánh, em chỉ tự hỏi tại sao bố mẹ lại phải khắc nghiệt với mình như vậy, họ có thực sự yêu thương mình không? Khoảnh khắc được rời khỏi nhà lên Sài Gòn học đại học với em là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời.
—
“Mỗi lần bố mẹ đánh, em chỉ tự hỏi tại sao bố mẹ lại phải khắc nghiệt với mình như vậy, họ có thực sự yêu thương mình không?”
Một học trò của tôi kể, khi em học lớp 4, vì bị điểm kém trong bài kiểm tra của một môn học em luôn giỏi, bố mẹ đã nổi giận mắng mỏ và phạt em bằng cách đóng cửa đuổi em ra ngoài hành lang chung cư giữa đêm. Trải nghiệm hoảng loạn, cô đơn ấy đã hằn sâu trong tâm trí em cho đến tận lúc này, dù em đã đủ lớn để hiểu rằng hành lang chung cư không có gì nguy hiểm. Sau lần đó, mỗi khi có bài kiểm tra tại lớp, em sẽ run sợ và căng thẳng tới mức nôn ói. Tiếc rằng bố mẹ không thực sự hiểu đó là phản ứng do rối loạn hậu sang chấn, mà chỉ vội mang em đến các bác sĩ điều trị bệnh tiêu hóa. Điểm của em chỉ kém dần đi, và lại càng khiến bố mẹ giận dữ và mắng mỏ em liên tục.
Và một trường hợp khác nữa, một học trò có thành tích học tập xuất sắc nói rằng dù học rất giỏi, em gần như chẳng biết kế hoạch của mình trong tương lai là gì. Và dù ở chung với bố mẹ, em gần như tránh việc phải nói chuyện về những chủ đề liên quan đến cá nhân em. Nguyên do là vì trong suốt quãng thời gian em học cấp 2 và cấp 3, mỗi khi điểm của em đi xuống vì bất cứ lý do gì, bố mẹ sẽ thực hiện “chiến tranh lạnh”, chỉ đi ra vào thở dài than ngắn nhưng không mảy may hỏi han gì đến em cả. Họ cho rằng đó là cách để thể hiện sự thất vọng của họ dành cho con. Và em cố gắng hết sức để làm họ vui lên, và không có cơ hội để giãi bày.
Tôi chọn kể lại những câu chuyện này, để chúng ta có thể thấy rằng, những tổn thương của con trẻ không phải lúc nào cũng quan sát được. Hoặc đôi khi có thể quan sát được, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhìn thấy. Bạo hành trẻ em không chỉ thể hiện ra bằng những hành động bạo lực làm tổn thương thân thể (bao gồm cả việc đánh đòn, trói tay chân, làm tổn thương bằng lửa, nước hay vật thể…) mà còn bao gồm cả những hành động gây tổn thương tâm lý (mắng chửi, gọi con bằng những từ ngữ mang tính xúc phạm, đe dọa, cố tình đẩy con vào tình huống gây ra sự hoảng loạn…), bỏ mặc không chăm sóc (để con đói ăn đói mặc, không chăm sóc y tế khi cần thiết…) và cả xâm hại, quấy rối tình dục.
Trong bốn loại bạo hành trẻ em kể trên, bạo hành tình dục và bỏ mặc có lẽ dễ khiến cho người ta phẫn nộ vì chúng đã đứng sẵn trên ranh giới giữa đúng và sai. Thế nhưng, bạo hành thân thể và tâm lý thì khó phân định hơn nhiều, đặc biệt là trong những nền văn hóa cho cha mẹ có quyền trừng phạt con nếu con không đạt được mục tiêu mà họ đặt ra dù là ở học tập hay cư xử. Vấn đề lớn ở đây là người ta thường đánh giá thấp những tổn thương lâu dài mà trẻ sẽ gặp phải nếu không có hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe vật lý. Thế nhưng, phần lớn các trường hợp, những tổn thương thường được con trẻ che giấu, và để tránh bị tổn thương nhiều hơn, chúng sẽ chọn xa rời cha mẹ khi có thể, che giấu những vấn đề cá nhân vì không tin bố mẹ sẽ thấu hiểu hay vì sợ bị trừng phạt. Và cuối cùng, chúng sẽ tìm đến những nguồn hỗ trợ khác khi gặp khó khăn, thay vì tìm đến cha mẹ (hãy tưởng tượng xem, nếu những người con trẻ tìm đến là những kẻ xấu xa đang giăng bẫy chờ chúng thì sẽ có hệ quả nào?). Và cũng không ít trẻ sẽ mang theo những tổn thương tinh thần trong suốt phần đời còn lại. Đôi khi, những tổn thương và trải nghiệm đó sẽ khiến chúng trở thành những người bạo lực, và lệch lạc trong lối sống và hành động.
—
“Bố mẹ nói với em, khi con lớn lên, con sẽ hiểu bố mẹ làm vậy là vì muốn tốt, là vì bố mẹ yêu thương con. Khi đó em nghĩ, vậy tại sao bố mẹ không làm cho con hiểu ngay lúc này là bố mẹ yêu thương con? Sao phải làm con tổn thương, đau khổ để thể hiện tình yêu đó?”
Làm cha mẹ không bao giờ là chuyện dễ dàng. Bản thân người viết bài này cũng là một người mẹ. Và tôi hiểu rõ giữa bộn bề cuộc sống, có những lúc chúng ta không cư xử như một bậc cha mẹ lý tưởng mà chúng ta muốn trở thành. Tuy nhiên, việc hiểu rõ tác động mà cách “dạy con” hay hành động bột phát của mình gây ra lên con là điều ai cũng phải làm. Nuôi con khôn lớn là quá trình học hỏi, và không có cha mẹ nào hoàn hảo, nhưng sẽ có những cha mẹ ham học hỏi hơn những cha mẹ khác.
Tôi sẽ kết lại bài viết này với lời chia sẻ mà một học trò đã nói với tôi: “Bố mẹ nói với em, khi con lớn lên con sẽ hiểu bố mẹ làm vậy là vì muốn tốt, là vì bố mẹ yêu thương con. Khi đó em nghĩ, vậy tại sao bố mẹ không làm cho con hiểu ngay lúc này là bố mẹ yêu thương con? Sao phải làm con tổn thương, đau khổ để thể hiện tình yêu đó? Em chỉ muốn nhìn thấy được rõ hình dáng của tình yêu thương của cha mẹ mỗi ngày, dù em còn nhỏ hay đã lớn, như thế là một yêu cầu quá đáng lắm hay sao?”.
Bài: Phương Thủy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE