BÀI LIÊN QUAN
1. Không “riêng tư hóa” mọi chuyện
Là một cá nhân trong xã hội, chúng ta ai cũng có xu hướng lấy bản thân làm trung tâm. Một mặt nó sẽ khiến bạn ý thức hơn về vị trí của mình nhưng mặt khác nó lại dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc muộn phiền.
Không ai trên đời mà chưa một lần trải qua cảm giác bị từ chối hoặc bị phê bình nhưng điều quan trọng là cách bạn nhìn nhận sau những thất bại đó. Trên thực tế có rất nhiều nhà tuyển dụng nói rằng họ không lựa chọn một ứng viên vì rất nhiều lý do và yếu tố năng lực kém không phải phần lớn trong bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên nếu như bạn là ứng viên bị khước từ thì có lẽ 99% bạn sẽ nghĩ rằng mình không đủ giỏi giang hoặc không thì cũng là cả tá lý do “vì mình…”.
Lâu dần thói quen này sẽ khiến bạn cảm thấy tự ti hơn, bạn sợ rằng mình sẽ liên tiếp mắc phải sai lầm và luôn là người gây ra lỗi. Nhưng hãy thử đảo chiều lại xem, nếu ai cũng biến mình làm trung tâm thì ngoài bạn ra, người khác cũng đang bận nghĩ về chính bản thân họ đấy.
Trong các mối quan hệ cũng vậy, nếu như chuyện tình cảm không thành thì lý do sẽ đến từ nhiều yếu tố chứ không nhất thiết phải đến từ hai cá nhân. Nghĩ thoáng ra một chút và xem những thời điểm đó là cơ hội để bạn hoàn thiện bản thân mình.
2. Ngưng bảo thủ
Bảo thủ chính là tảng đá kiềm hãm bạn trong xã hội luôn chuyển động này. Nó khác hoàn toàn so với việc bạn giữ vững lập trường và có chính kiến. Hơn nữa sự nguy hiểm của việc bảo thủ đó là nó thường tồn tại ở những suy nghĩ đã ăn sâu vào trí óc, điều mà chỉ có bản thân bạn mới có thể thay đổi.
Không chịu từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá hoặc để những hành động ghen tuông làm hỏng các mối quan hệ chính là những ví dụ điển hình của lối suy nghĩ bảo thủ. Họ có thể biết rất rõ tác hại của chúng nhưng vì nó hình thành từ lâu và phục vụ những lợi ích nhất định nên vô hình chung đã tạo điều kiện phát huy cho loại tính cách này.
Dĩ nhiên thay đổi một người bảo thủ sẽ cần cuộc cách mạng nhưng không có nghĩa là không thể thành công. Tạo ra khác biệt dù là hữu hình hay vô hình thì cũng đều cần luyện tập kiên nhẫn.
Đầu tiên hãy yêu cầu những người thân nhận xét về bạn, họ sẽ là người đưa ra các ý kiến trung thực nhất. Lúc này dù muốn hay không, hãy viết tất cả những điều đó ra giấy và xem xét chúng dưới góc độ ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn. Ví dụ như hút thuốc lá vừa hại sức khỏe, vừa tiêu tốn tiền bạc… Hãy nghĩ đến viễn cảnh mọi thứ sẽ thay đổi ra sao nếu bạn loại bỏ được những suy nghĩ, thói quen đó.
Cảm thấy không thoải mái và viện cớ bào chữa là cơ chế “tự phòng vệ” sẽ xuất hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên hãy nghĩ như thế này: nếu bạn không hiểu được hai mặt của vấn đề thì sao có thể khẳng định điều mình biết là đúng? Ngưng bảo thủ sẽ là cơ hội để bạn kiểm chứng lại và hơn cả là để bản thân phát triển hơn.
BÀI LIÊN QUAN
3. Dám liều lĩnh hơn
Cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với chuỗi nguyên nhân, hành động và kết quả. Dù là đi học để có tấm bằng hay đi làm để kiếm sống thì cái người ta phải thấy được trước mắt là thành quả nhận được. Đáng tiếc rằng không phải điều gì bạn làm cũng có thể được tiên đoán.
Và như vậy bạn sẽ dần lảng tránh đi những quyết định đòi hỏi sự liều lĩnh. Ví dụ như bắt đầu một công việc ở lĩnh vực khác hoặc bạn không dám bước vào một mối quan hệ chỉ vì không chắc nó sẽ đi tới đâu. Có thể việc lảng tránh đó sẽ giữ bạn trong vòng an toàn nhưng chắc chắn cuộc sống sẽ chỉ là một chuỗi những ngày lặp lại.
Mark Manson, một blogger nổi tiếng trên mạng chia sẻ rằng anh chẳng bao giờ trả lời những câu hỏi như ”liệu tôi có đang đi đúng hướng?” hoặc “công việc này có phù hợp với tôi không?”… Mặc dù Mark có hẳn một website rất nổi tiếng về kỹ năng sống nhưng anh cho rằng việc đi tìm câu trả lời trước khi hành động đã là biểu hiện của sự thất bại rồi. Ít nhất thì hành động sẽ cho bạn trải nghiệm nhưng nếu cứ đứng yên một chỗ thì bạn sẽ chẳng nhận được điều gì cả.
Hãy làm, hãy liều lĩnh đi trong lúc bạn có thể. Bởi vì nếu không thì tất cả những gì bạn có thể làm chỉ là thốt lên hai chữ “giá như” đáng tiếc.
Nhóm thực hiện
Nguyễn Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)