Lifestyle / Bí quyết sống

Học cách giao tiếp tốt qua những thói quen

Bạn có muốn học cách giao tiếp tốt qua những thói quen? Hãy cùng ELLE tham khảo bài viết này.

Học cách giao tiếp tốt sẽ có rất nhiều điều lợi trong cuộc sống: giúp chúng ta có nhiều ý tưởng thú vị, giúp phát triển các mối quan hệ, hiểu rõ những điều đối phương muốn nói, giúp công việc gặp nhiều thuận lợi, gia đình vui vẻ sum vầy và tình cảm lứa đôi được vun đắp. Giao tiếp là hình thức trao đổi thông tin, quan điểm sống và sự sẻ chia giữa người với người. Giao tiếp không chỉ thông qua lời nói mà còn bằng hành động và các ngôn ngữ hình thể khác. Bạn giao tiếp tốt hay chưa tốt đều bắt nguồn từ nền tảng gia đình và môi trường sống xung quanh. Sự hình thành tính cách của bạn từ bé cũng sẽ tác động không nhỏ đến các kỹ năng giao tiếp của chính bạn.

.

Giao tiếp tốt là cửa ngõ đến thành công
Giao tiếp tốt là cửa ngõ đến thành công

Giao tiếp tốt trước hết phải xuất phát từ chính con người bên trong của chúng ta vì sự chân thành hay thật giả đều có thể được nhận biết qua cách ta tiếp xúc và phản hồi với sự việc và hiện tượng trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Giao tiếp là một kỹ năng và kỹ năng này có thể được học hỏi và rèn luyện mỗi ngày. Học giao tiếp là học những bài học về kỹ năng. Nếu sự học hỏi và rèn luyện về kỹ năng của bạn là đều đặn, chúng sẽ trở thành thói quen, đồng thời giúp định hình phong cách sống. Một lối sống tích cực với nhiều thói quen tốt sẽ giúp bạn thu hoạch được nhiều điều bổ ích.

Hãy cùng ELLE ngẫm lại một số thói quen bạn nên được rèn luyện để có một phong cách giao tiếp tốt nhé.

1. Thói quen đọc sách báo, bao gồm cả báo in lẫn báo mạng

Trong thời đại ngày nay, thông tin không phải là vàng, mà là “kim cương”. Bạn có càng nhiều thông tin bao nhiêu, trí thông minh của bạn càng có cơ hội được củng cố và phát triển bấy nhiêu. Nếu bạn không có cơ hội “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, hãy chu du khắp nơi bằng những cuốn sách đã được đúc kết từ kinh nghiệm của kẻ khác và bằng những trang mạng với đầy ắp thông tin của thế giới. Khi chúng ta đọc những câu chuyện của người khác, ít nhiều chúng ta cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân: cách xử lý tình huống, cách giao tiếp hiệu quả và cách sống tích hơn…  Sách báo còn cho chúng ta nhiều kiến thức bổ ích khác về các nền văn hóa khác nhau, là cơ sở giúp chúng ta đúc kết ra được cách giao tiếp và ứng xử nào là phù hợp nhất ở từng vùng miền, lãnh thổ khác nhau.

.

Thói quen đọc sách báo sẽ giúp bạn có rất nhiều kiến thức bổ ích
Thói quen đọc sách báo sẽ giúp bạn có rất nhiều kiến thức bổ ích

2. Học cách nhận lỗi, xin lỗi và cảm ơn

Không ai hoàn hảo, mỗi người đều có khiếm điểm, không chỉ ngoại hình mà còn trong tính cách. Cách giao tiếp thể hiện một phần của tính cách. Việc biết nhận lỗi và xin lỗi khi lỡ làm điều sai luôn được đánh giá cao cũng như luôn dành được sự tha thứ nhanh từ người mà bạn gây ra lầm lỗi. Đừng ngại khi tự nhận mình sai và nói lời xin lỗi, nó giúp rất nhiều trong việc giải quyết các vấn đề tưởng chừng bế tắc. Tương tự với “xin lỗi” là “cám ơn”. Việc ghi nhận sự giúp đỡ của kẻ khác qua những lời cảm ơn sẽ khiến các mối quan hệ trở nên khắng khít. Con người thường giao tiếp hiệu quả khi họ có được những cảm nhận tốt về nhau. Thường những cảm nhận tốt là tiền đề của sự tin tưởng. Một khi bạn có được sự tin tưởng hay tín nhiệm, mọi việc ắt diễn ra suôn sẻ, và thành công chỉ còn tính bằng thời gian.

3. Khiêm tốn bao nhiêu cũng là ít, tự kiêu một tí cũng là nhiều

Trên thế giới này có biết bao điều mới lạ mà càng học càng thấy kiến thức của bản thân là quá ít. “Học, học nữa, học mãi” sẽ giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống. Sự khiêm tốn cũng giúp bạn khích lệ đối phương chia sẻ và giãi bày nhiều thông tin và kiến thức hay ho, đồng thời khiến đối phương cảm thấy mình được trân trọng và đề cao. Người càng tài giỏi, sự khiêm tốn càng cao. Tính tự kiêu chỉ khiến mọi người chung quanh cô lập bạn. Một khi bị cô lập, bạn sẽ lạc lõng và biết được rất ít thông tin cũng như kiến thức. Khiêm tốn là một đức tính tốt mà ELLE nghĩ, chúng ta cần rèn luyện mỗi ngày. Đừng bao giờ tự cho rằng mình tài giỏi, có tất cả và không cần phải lắng nghe hay học hỏi gì nữa.

4. Thay vì phán xét, hãy học cách lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông

Bạn có thích bị ai đó phán xét không? Nếu bạn không muốn thì người khác cũng không muốn. Mỗi người đều có những lý do riêng cho những quyết định mà họ chọn lựa. Nếu bạn chịu khó lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông, tự đặt bản thân vào địa vị của người khác, bạn sẽ hiểu được nhiều hơn chỉ bề mặt của một vấn đề. Từ việc hiểu và cảm thông, bạn sẽ tạo nên những mối quan hệ tốt. Những mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn thành công trong tương lai. Chỉ có lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông, bạn mới trở thành một người dễ mến trong mắt người khác.

.

Lắng nghe để học được nhiều hơn
Lắng nghe để học được nhiều hơn

5. Chân thật với chính bản thân và những người xung quanh

Bạn có mệt mỏi khi lỡ nói dối ai và phải tìm đủ mọi lý do để giấu nhẹm việc đó? Ta có câu thành ngữ “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, vậy thì nói dối làm chi cho mệt vậy? Đằng nào sự thật cũng phơi bày. Bạn hãy là chính bạn thôi, có sao nói vậy, có gì nói đó, không cần phải thêm bớt hoặc không nói thành có. Hãy giữ cho cuộc đời của bạn càng đơn giản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Sự chân thật sẽ giúp bạn có được lòng tin của nhiều người xung quanh. Mọi người đều thích giao lưu và kết bạn với những người chân thành. Ở bên cạnh họ, mọi thứ đều rất bình an và cuộc sống cũng tươi đẹp hơn. Sự dối trá và quanh co chỉ khiến bạn stress và có thêm nhiều người xa lánh bạn.

6. Giữ lời hứa: nói được làm được

Trong tất cả các mối quan hệ, việc bạn coi trọng lời hứa với đối phương thể hiện tinh thần tôn trọng mối quan hệ giữa bạn với họ. Việc tô hồng bản thân để có được thiện cảm với mọi người chung quanh nhằm tăng sự thu hút trong các cuộc trao đổi, nói chuyện là điều không nên nếu bạn không muốn đối tác thất vọng về bạn ngay sau vài lần gặp gỡ. Để xây dựng uy tín đòi hỏi thời gian nhưng điều đó thật đáng giá. Một khi lòng tin mất đi, bạn hứa quá nhiều nhưng làm được quá ít, đó hẳn là một thói quen xấu, và tiếng đồn không hay cũng sẽ dần vang xa, hậu quả tất yếu là đến một lúc nào đó, không ai có thể dành niềm tin cho bạn dù bạn có giao tiếp với họ tốt đến thế nào.

Tạm kết:

Để giao tiếp đạt hiệu quả, mỗi chúng ta cần phải học hỏi và quan sát rất nhiều, tiếp theo là thực hành một số nguyên tắc mà chúng ta cảm thấy tâm đắc, và kế đó là biến các nguyên tắc đã được thực hành thành những thói quen. “Học cách giao tiếp tốt bắt đầu từ việc học cách tạo ra những thói quen tốt”.

Xem thêm

Học cách giao tiếp khi nóng giận

Học kỹ năng giao tiếp: nói bằng trái tim

4 kỹ năng giao tiếp hàn gắn tình yêu

Nhóm thực hiện

Bài: H.L / Ảnh minh họa: Sưu tầm
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)