Lifestyle / Bí quyết sống

Chúng ta cần học hỏi những gì từ các quốc gia thân thiện với môi trường?

Những năm gần đây, con người đã bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường. Mục tiêu về một thế giới xanh hơn, sạch hơn đang được nhiều quốc gia hướng đến và nỗ lực thực hiện. Trong đó, một số quốc gia đã và đang đi đầu trong công cuộc cải thiện môi trường sống và hướng người dân đến một lối sống xanh hơn, sử dụng tài nguyên có trách nhiệm hơn.

Vậy, chúng ta có thể học được điều gì từ các quốc gia đi đầu trong việc xây dựng xã hội thân thiện với môi trường. Sau đây là các kết quả thu được từ năm 2020. 

1. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ đi đầu thế giới về mức độ thân thiện với môi trường với chỉ số thể hiện môi trường (EPI) là 87,42/100, lý do là quốc gia này đã mở rộng chính sách về môi trường. Nền kinh tế xanh khuyến khích người dân sử dụng tài nguyên có trách nhiệm hơn, đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế. Điều này đã giúp Thụy Sĩ tiến gần hơn đến những mục tiêu của tổ chức môi trường OneEarth: sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo, bảo vệ và tái tạo 50% tổng đất đai và đại dương trên thế giới, đồng thời chuyển sang nền nông nghiệp tái sinh, ít carbon trong vòng 30 năm nữa. Để đạt đến một môi trường ít carbon, Thụy Sĩ đang hoạt động tích cực để chiến đấu với hiệu ứng nhà kính. Chiến thuật mà họ sử dụng là đánh thuế carbon. Quốc gia này sẽ nâng nhẹ giá tiền của những sản phẩm làm gia tăng khí thải như xăng dầu và khí đốt, nhằm khuyến khích các công ty và cá nhân sử dụng những vật liệu thay thế thân thiện hơn với môi trường. 

Chính phủ Thụy Sĩ cũng đang nỗ lực hạn chế đô thị hóa, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Đạo luật Quy hoạch không gian của Thụy Sĩ góp phần bảo tồn không gian tự nhiên của quốc gia này, trong đó bao gồm những hồ nước trong suốt và nguồn nước, giúp cho cho nguồn nước của quốc gia này đạt chất lượng tốt hơn.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Thụy Sĩ
Ảnh: Pexels/ Tranmautritam

2. Pháp

Nhắc đến nước Pháp, người ta thường nghĩ đến sự thoải mái và thong thả. Tuy nhiên, đất nước này cũng có những sự hạn chế nhất định, nhờ vậy mà Pháp có thể đạt được chỉ số EPI là 83,95%, đứng vị trí thứ hai trên thế giới. Vào năm 2015, Pháp ban hành Đạo luật Thay Đổi Năng Lượng Vì Sự Phát Triển Xanh (LTECV), một kế hoạch toàn diện nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào các loại năng lượng có hại cho môi trường. Dự kiến vào năm 2025, Pháp sẽ giảm 25% tỷ trọng năng lượng hạt nhân. Năm 2030, mục tiêu của quốc gia này là giảm 40% khí thải nhà kính, tăng 32% nguồn năng lượng tái tạo và giảm 30% mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Pháp hy vọng rằng vào năm 2050 sẽ giảm được mức tiêu thụ năng lượng xuống 50%.

Nước Pháp cũng đưa ra Chương Trình Năng Lượng Thường Niên (PPE), tập trung vào sự hiệu quả của năng lượng. Điều này có ý nghĩa gì với người dân Pháp? Chính phủ khuyến khích và phát triển nhiều loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, có thể kể đến xe hơi điện không người lái, đồng thời tặng cho mọi người một khoản “tiền thưởng” khi họ bỏ đi các loại xe hay các vật dụng chạy bằng năng lượng hóa thạch.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Pháp
Ảnh: Pexels/ Julia Khalimova

3. Đan Mạch

Mạch nước ngầm ở Đan Mạch là một trong những mạch nước ngầm sạch nhất trên thế giới. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Đan Mạch (EPA), đó là kết quả của những cố gắng không ngừng nghỉ của quốc gia này nhằm làm sạch nước thải quốc gia và bảo vệ môi trường nước với sự giúp sức của hơn 1.000 nhà máy xử lý nước thải. Có lẽ một phần do chi phí duy trì nhà máy xử lý nước màgiá nước ở Đan Mạch khá cao, nhưng đây là một điều tích cực. Nhờ vậy, cư dân Đan Mạch sẽ hạn chế sử dụng nước quá mức.

Tại Đan Mạch, Copenhagen được mệnh danh là thành phố “xanh nhất thế giới”. Tại đây, CopenHill, hay còn được biết đến là Amager Bakke, là nhà máy năng lượng chuyển đổi rác thải thành năng lượng sạch, cung cấp nhiệt và điện cho hàng vạn hộ gia đình. Ngoài ra, nhà máy này còn được người ta sử dụng làm đồi tuyết nhân tạo để trượt tuyết. Copenhagen còn cung cấp nhiều phương tiện sạch cho công dân di chuyển như xe buýt điện, xe đạp điện có thể thuê với giá phải chăng, và bạn còn có thể vi vu trên những chiếc thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời trên những dòng nước sạch nhất thế giới.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Đan Mạch
Ảnh: Architect’s Newspaper

4. Malta

Cũng như Đan Mạch, chỉ số EPI cao ở Malta có liên quan mật thiết với chất lượng nước tiêu dùng cao và công nghệ xử lý nước cao cấp. Đây là kết quả của việc tận dụng hiệu quả từng giọt nước trước vấn đề khan hiếm nước tại quốc gia này – do lượng mưa thấp và nhiệt độ cao, nguồn nước tự nhiên thấp và bị thất thoát trong quá trình bay hơi, theo Cơ quan Môi Trường Châu Âu. Điều này cũng đã mang những ảnh hưởng nhất định đến cư dân Malta. Thứ nhất, giá nước cao là một động lực để hạn chế việc sử dụng nước quá nhiều. Thứ hai, thị trường đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng nước tiêu thụ. Ví dụ, việc mua những thiết bị sử dụng lượng nước quá mức cần thiết như máy giặt, toilet, máy rửa chén đang ngày càng trở nên khó khăn, do đó, người dân phải lựa chọn những biện pháp thay thế khác thân thiện với môi trường hơn.

Những chính sách môi trường khác đã giúp Malta đạt được chỉ số EPI cao gồm Kế hoạch Năng Lượng và Khí hậu quốc gia, Đạo luật Hành Động Khí Hậu và Chiến lược Phát Triển Carbon thấp. Tất cả đều là lời kêu gọi hướng tới chính phủ và công dân nhằm giảm sự biến đổi khí hậu thông qua những nỗ lực khác nhau, chẳng hạn như trồng cây và sử dụng những nguồn tài trợ hướng tới nền kinh tế carbon thấp.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Malta
Ảnh: Health Europa

5. Thụy Điển

Những năm đầu của thập niên 90 đánh dấu bước ngoặt về sự thân thiện với môi trường của Thụy Điển: chuyển từ dầu sang hệ thống sưởi tại khu vực. Hiện nay, hơn 80% nước nóng và nhiệt tại các chung cư ở Thụy Điển đều được cung cấp nhiên liệu bởi hình thức sưởi ấm thay thế này, giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.

Växjö, thành phố “xanh nhất châu Âu” ở Thụy Điển, không chỉ sử dụng hệ thống sưởi tập trung mà còn có nhiều tòa nhà tiết kiệm năng lượng được xây dựng bằng gỗ, khoảng một nửa lượng điện của thành phố được lấy từ cây cối và giao thông công cộng dựa vào khí sinh học (thường lấy từ chất thải thực phẩm) và năng lượng tái tạo khác. Nhiều khu vực khác của Thụy Điển còn có những “ngôi nhà thụ động”, chuyển đổi năng lượng từ thân nhiệt của con người, các thiết bị điện và ánh sáng mặt trời thành năng lượng để cung cấp nhiên liệu cho các ngôi nhà. Tương tự, nhiệt lượng cơ thể từ hơn 250.000 người đi lại hàng ngày tại Ga Trung tâm của Stockholm được sử dụng để tạo ra nhiệt. 

Västra Hamnen là một ví dụ khác ở Thụy Điển về sự phát triển môi trường sinh thái. Đây là khu vực hoàn toàn trung hòa với carbon và sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Đây là khu vực không còn xa lạ gì với việc quản lý rác thải. Phương pháp hút chân không từng được sử dụng để đẩy rác sinh hoạt xuống khu vực lòng đất trung tâm, nơi rác thải thực phẩm được thu nhặt. Augustenborg là một thành phố sinh thái phát triển khác. Vào năm 2010, thành phố này có 10.000 mái nhà xanh hấp thụ nước mưa và giảm lũ lụt.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Thụy Điển
Ảnh: Wikimedia Commons

6. Vương Quốc Anh

Chỉ số EPI cao của Anh là nhờ vào việc hạn chế sử dụng nhựa. Vào năm 2018, Nữ hoàng Elizabeth ban hành lệnh cấm sử dụng chai nhựa và ống hút ở hoàng gia, cũng như giới thiệu những hộp đựng sinh học có thể phân hủy theo Chương trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc. Ở bên ngoài khu vực hoàng gia, nhiều nhà hàng và siêu thị cũng đã thực hiện sáng kiến không sử dụng đồ nhựa và lựa chọn thay thế bằng các loại giấy tái chế. Scotland, quốc gia thuộc Vương quốc Anh đầu tiên ngừng bán và sản xuất tăm bông nhựa. Ngoài ra, bạn cũng không thể tìm thấy các hạt nhựa trong mỹ phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân tại Vương quốc Anh.

Chính phủ cũng khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện chạy bằng điện thay vì các phương tiện chạy bằng xăng dầu thông qua việc cung cấp các khoản tài trợ hàng nghìn đô la. Đây là một động lực để mọi người lựa chọn các phương tiện di chuyển gây ít khí thải ra môi trường.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Anh
Ảnh: World of Travel

7. Luxembourg

Theo mạng lưới Chỉ số Quản trị Bền vững, Luxembourg đã thực hiện Đạo luật Nước năm 2017, cung cấp cho nông dân từ quỹ nước quốc gia nhằm giảm ô nhiễm nước ngầm. Đạo luật này còn cung cấp ít chi phí hơn cho các nhà máy xử lý nước thải lạc hậu, do đó, nếu các nhà máy này muốn nhận trợ cấp, họ phải tuân thủ quy định thân thiện với môi trường. Luxembourg cũng rất nổi trội trong việc thiết lập các khu vực bảo vệ nguồn nước. Trong vòng 5 năm, có 10 khu vực đã được hoàn thành và 24 khu đang chờ xây dựng. 

Kế hoạch Bảo vệ tài nguyên Thiên nhiên của Luxembourg giúp xây dựng và phục hồi cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và khu vực sinh thái. Theo Hệ thống Thông tin Đa dạng Sinh học cho Châu Âu (BISE), một số ví dụ về các phương pháp tiến bộ mà đất nước đang theo đuổi bao gồm: tạo hành lang cho động vật hoang dã trên các con đường chính và đảm bảo sự di cư của các loài thủy sản bằng cách khôi phục nguồn nước và giảm thiểu các công trình kỹ thuật. 

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Luxembourg
Ảnh: Time Out

8. Áo

Bên cạnh việc thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý chất thải, ô nhiễm không khí và sử dụng hóa chất (thuốc trừ sâu và phân bón), Áo còn đặc biệt nổi tiếng với ngành nông nghiệp hữu cơ. Khoảng 16,2% tổng số nông sản và 19,2% diện tích canh tác của đất nước là hữu cơ. Để canh tác được coi là hữu cơ, các trang trại ở Áo phải đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như loại trừ việc sử dụng phân bón nhân tạo và tái chế chất thải nông trại. Ngoài ra, quốc gia này còn có lệnh cấm với các loại thực phẩm biến đổi gen.

Học hỏi sự thân thiện với môi trường ở Áo
Ảnh: Wallpaper Cave

9. Ireland

Chính phủ và nhân dân Ireland đã rất nỗ lực trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Quốc gia này đã cam kết tuân theo các chỉ thị của Thỏa thuận xanh châu Âu năm 2019, liên quan đến việc thực hiện “các biện pháp đánh thuế môi trường hiệu quả bao gồm thuế đăng ký xe phát khí thải và thuế carbon”, theo Ủy ban châu Âu. Chương trình Phòng chống Rác thải Quốc gia của Ireland còn hướng dẫn công dân của họ cách tái chế và có lối sống thân thiện với môi trường hơn. Một số người hiện nay đã ủ phân để hạn chế lãng phí thực phẩm và sử dụng các website tuyên truyền về việc giảm rác thải và các chất thải khác. 

Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Năng lượng Bền vững Ireland (SEAI), Ireland sẵn sàng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Gần 90% năng lượng tái tạo của quốc gia này có nguồn gốc từ gió, sinh khối rắn và nhiên liệu sinh học lỏng. Ngoài ra, việc sử dụng ô tô điện tại quốc gia này đã tăng 64% trong năm 2017. 

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Ireland
Ảnh: Wallpaper Access

10. Phần Lan

Nổi tiếng là quốc gia thân thiện với môi trường, Phần Lan dạy cho chúng ta điều gì? Đầu tiên, phải kể đến nguồn cung cấp nước sạch: hơn 80% ao hồ ở Phần Lan đạt điều kiện xuất sắc. Đây cũng là nơi có không khí trong sạch nhất ở châu Âu, có lẽ một phần do 70% diện tích đất là rừng và có lượng khí thải hạn chế. 

Phần Lan cũng đang ấp ủ những kế hoạch lớn hơn. Đến năm 2030, quốc gia này hy vọng sẽ thay thế 10% tổng số ô tô bằng ô tô điện. Ngoài ra, họ dự đoán việc sử dụng xe đạp và đi bộ như một hình thức di chuyển sẽ tăng 30%, cộng với việc giảm lượng dầu nhập khẩu, điều này sẽ làm giảm lượng khí thải đáng kể.

Học hỏi sự thân thiện môi trường ở Phần Lan
Ảnh: Study in Finland

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Tân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Reader\'s Digest

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)