Peter Pan – Hội chứng của những người không chịu lớn

Đăng ngày:

Bạn từng bắt gặp ai đang ở độ tuổi trưởng thành nhưng tính cách quá trẻ con chưa? Có thể họ đang mắc hội chứng Peter Pan, những người không chịu lớn đấy.

Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe đến hội chứng có cái tên dễ thương này. Tuy nhiên, những người mắc hội chứng Peter Pan lại không “dễ thương” chút nào đâu nhé.

Hội chứng Peter Pan là gì?

Hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến Peter Pan, nhân vật hư cấu của nhà văn James Matthew Barrie và xuất hiện trong nhiều tác phẩm của hãng Hoạt hình Walt Disney. Peter Pan mang hình hài của một thiếu niên 12 tuổi, luôn muốn vui chơi và hưởng thụ cuộc sống. Cậu chối bỏ “sự trưởng thành” và mãi mãi không chịu lớn lên. Chính vì đặc trưng ấy mà cái tên Peter Pan Syndrome – Hội chứng Peter Pan – được dùng để gọi những người cũng mãi mãi không chịu lớn lên.

Tuy nhiên, nếu trong truyện, Peter Pan có quyền lựa chọn cuộc sống của một đứa trẻ, luôn giữ cho tâm hồn thuần khiết bên cạnh một trái tim dũng cảm, thì ngoài đời, những người mắc hội chứng Peter Pan vẫn phải lớn lên về mặt thể xác. Tuổi tác và ngoại hình của họ vẫn trưởng thành theo thời gian, duy chỉ có nhận thức và cách hành xử là không khác gì trẻ con. Và từ đó, mọi phiền phức ra đời.

Hiện nay, hội chứng này có thể được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng dưới dạng rối loạn tính cách. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới xem là bệnh và không được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận là rối loạn tâm thần. Nó được xem là Tâm Bệnh Học (Psychopathology).

hội chứng peter pan

(Ảnh: Imperial Mint)

Nhận diện những người thuộc hội chứng Peter Pan

Hội chứng Peter Pan có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, nhưng đàn ông thường mắc hội chứng này nhiều hơn. Đặc trưng của những người mắc hội chứng này là thường hành xử như trẻ con và hay trốn tránh trách nhiệm của người lớn. Họ muốn mãi là một đứa trẻ vô lo, thích tận hưởng, thậm chí mè nheo bố mẹ, người thân.

Những người mắc hội chứng Peter Pan dễ tự ái. Khác với tự trọng hay tự kỷ, tính tự ái là biểu hiện của một cái tôi quá lớn và luôn muốn mọi người phải để ý đến mình. Họ cần người khác quan tâm đến cảm xúc của họ nhưng bản thân họ lại không màng đến cảm xúc của người khác. Họ dễ nổi giận chỉ vì người khác bày tỏ quan điểm không giống mình và luôn cho rằng những người xung quanh đang công kích họ. Cảm xúc bốc đồng luôn bùng phát mạnh mẽ và lấn át lý trí trước khi họ kịp nhìn nhận lại vấn đề và họ phải mất rất nhiều thời gian để vượt qua cảm xúc đó.

Họ không thể xử lý xung đột, trong mọi trường hợp. Những người mắc hội chứng Peter Pan thường phản ứng với xung đột theo 2 cách:

– Chạy trốn: Im lặng trước cuộc thảo luận, rời khỏi nhà hoặc khóa mình trong căn phòng và làm bản thân xao lãng bằng những việc khác… là cách mà các “Peter Pan” thưởng sử dụng khi phải đối mặt với một vấn đề mà họ không biết cách giải quyết. Đôi khi, họ nghĩ trì hoãn hoặc làm lơ thì vấn đề sẽ tự biến mất, giống như đứa trẻ khi sợ hãi thường hay bịt mắt và tin rằng thứ làm chúng sợ sẽ biến mất vậy.

– Trả đũa: Trước một cuộc tranh luận hoặc cãi vã, nếu không chạy trốn, người mắc Hội chứng Peter Pan sẽ phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Họ sẽ nói hoặc làm những điều tổn thương bạn giống như cách mà họ đang cảm thấy bị tổn thương. Có thể họ sẽ la hét, xúc phạm, thậm chí là ném đồ đạc.

Họ không biết ưu tiên việc quan trọng và vô tâm với mọi thứ ngoài bản thân mình. Muốn họ trả tiền thuê nhà hay giặt quần áo, nhất định phải nhắc nhở họ vì có thể tâm trí họ đang bận nghĩ đến việc thăng cấp nhân vật trong World of Warcraft. Họ có thể quên mất cuộc hẹn quan trọng vì bắt gặp một chương trình truyền hình thú vị. Nếu bạn có một ông chồng mắc hội chứng Peter Pan, bạn sẽ thấy anh ấy luôn dán mắt vào tivi trong khi bạn phải lo sắp xếp hóa đơn hoặc dọn dẹp tủ lạnh. Nếu nhờ anh ấy ra cửa hàng mua bột giặt, chắc chắn anh ấy sẽ rên rỉ, phàn nàn vì “mất thời gian” (dù anh ta chẳng bận việc gì hết). Lẽ dĩ nhiên, mong chờ anh ấy chia sẻ việc nhà là điều không tưởng.

hội chứng peter pan 3

(Ảnh: Unsplash)

Họ không giữ lời hứa và không xem đó là điều quan trọng. Họ không chịu trách nhiệm trước bất kỳ hành động nào của mình và nếu có điều gì sai, họ sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác. Tương tự như vậy, họ không thực sự nghiêm túc khi hứa hẹn điều gì đó.

Họ ghét bị từ chối và sợ hãi sự cô đơn. Đó là lý do tại sao họ muốn được bao quanh bởi mọi người mọi lúc, mọi nơi. Trong thực tế, họ luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý.

Họ thiếu tự tin. Việc dễ tự ái và ghét sự chỉ trích của mọi người xuất phát từ sự thiếu tự tin của những người mắc hội chứng Peter Pan. Những khiếm khuyết trong kiến thức thường thức và kỹ năng sống là kết quả của chuỗi ngày được cha mẹ bảo bọc cộng với tính ỷ lại, lười biếng, không chịu học hỏi. Mặt khác, những người mắc hội chứng này thích tìm đến thế giới tưởng tượng – một thế giới tốt đẹp và mọi chuyện luôn diễn ra dễ dàng – vì bản thân họ ghét bị ràng buộc bởi những khó khăn của người trưởng thành.

Người bị hội chứng này thấy rất khó thể hiện cảm xúc. Họ đã không phát triển khả năng đối phó với những thất vọng nhỏ của cuộc sống, và do đó, họ có xu hướng bị tổn thương dễ dàng. Để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương này, họ có xu hướng thể hiện thái độ “không quan tâm”. Lâu dần, họ có thể đánh mất cảm xúc và trở nên vô cảm.

elle việt nam hội chứng peter pan 4

(Ảnh: Unsplash)

Trong công việc, họ gặp khó khăn trong giao tiếp với đồng nghiệp cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ cho mình. Điều đó cộng thêm việc không sẵn sàng trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt ở một lĩnh vực khiến họ khó phát triển sự nghiệp của mình. Họ có xu hướng thích việc làm ổn định, dễ dàng, không có chí tiến thủ, tránh việc khó, ngại thay đổi, đứng núi này trông núi nọ… vì thế mà nếu công việc không dậm chân tại chỗ thì cũng chẳng đâu vào đâu. Thậm chí, một số người còn không có khả năng tự kiếm việc làm.

Trong tình yêu, những chàng trai mắc hội chứng Peter Pan sẽ vô cùng quyến rũ và hài hước trong giai đoạn tìm hiểu, nhưng hoàn toàn vô dụng trong những tình huống cần xử lý như một người lớn. Nói đúng hơn, việc phải thể hiện sự trưởng thành khiến cho họ trở nên cực kỳ căng thẳng, đôi khi là xấu hổ. Họ cũng không muốn gắn kết hôn nhân lâu dài nên sẽ có xu hướng “yêu qua đường” và bỏ chạy nếu cô gái nào muốn kết hôn hay có ý định chung sống lâu dài với họ.

Nguyên nhân xuất hiện hội chứng Peter Pan

Nguyên nhân đầu tiên gây ra hội chứng Peter Pan có thể là do cha mẹ bảo bọc quá mức khiến họ khó phát triển những kỹ năng tự đối mặt với cuộc sống. Theo nhà tâm lý học Dan Kiley, người xác định hội chứng này trong cuốn sách The Peter Pan Syndrome: Men Who Have Never Grown Up (Hội chứng Peter Pan: Những người đàn ông không bao giờ lớn) vào năm 1983, trong mỗi Peter Pan đều có một “cái bóng của Wendy”.

hội chứng peter pan 1

(Ảnh: Broke-Ass Stuart)

Trong truyện, Wendy là cô bé đáng yêu sống ở London. Peter Pan có cảm tình đặc biệt với Wendy và muốn mời cô bé đến Neverland cùng sống với mình. Tuy nhiên, chính Wendy đã chỉ cho Peter Pan thấy một thế giới mà cậu chưa từng dám đặt chân vào. Từ đó, Peter Pan sợ thế giới của người lớn, sợ phải trở thành một người đàn ông và chọn cách trốn tránh để làm một cậu bé suốt đời. Cách nói ẩn dụ của Dan Kiley ám chỉ “cái bóng của Wendy” chính là những ông bố, bà mẹ hay người thân của người mắc hội chứng Peter Pan.

Đôi khi, người ta sử dụng cái tên “Hội chứng Wendy” (Wendy Syndrome) khi đề cập đến những trường hợp này. Sau lưng Peter Pan là một Wendy hay lo lắng thì sau lưng những người mắc hội chứng Peter Pan là những bậc phụ huynh luôn muốn con cái mãi mãi là đứa trẻ trong vòng tay họ. Chính sự bảo bọc, chiều chuộng của bố mẹ đã vô tình khiến cho con cái trở nên ỷ lại, không dám đối mặt với cuộc đời. Thậm chí, sự nuông chiều quá mức còn khiến cho đứa trẻ luôn tin là mình đúng trong mọi trường hợp, luôn xem mình là “cái rốn của vũ trụ” và giữ nguyên nhận thức đó cho đến khi trưởng thành.

elle việt nam hội chứng peter pan 5

Ảnh: Unsplash

Nguyên nhân thứ hai là những người mắc hội chứng này đều quá yêu bản thân mình. Họ có xu hướng cảm thấy thoải mái với thế giới tưởng tượng tốt đẹp mà họ nghĩ ra trong đầu. Điều này có thể khiến họ đắm chìm trong những ký ức tươi đẹp thời thơ ấu và không muốn “thoát” ra để đối diện với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.

Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ sự thay đổi về vai trò của nữ giới trong thời hiện đại. Bình đẳng giới tăng cao, phụ nữ trở nên độc lập, mạnh mẽ và đôi khi có được vị trí cao hơn trong sự nghiệp khiến đàn ông cảm thấy bị lép vế hoặc phụ thuộc. Trong một số trường hợp, việc phụ nữ tự biến mình thành “nữ cường nhân”, quán xuyến mọi việc trong nhà và làm chủ chi tiêu khiến người đàn ông mất đi nhận thức về vai trò trụ cột gia đình, dần trở nên vô trách nhiệm và hình thành tính cách bốc đồng.

Cách điều trị hội chứng Peter Pan

Vì hội chứng Peter Pan chưa được công nhận là rối loạn tâm lý nên không có phương pháp điều trị xác định. Một người bị ảnh hưởng bởi hội chứng Peter Pan thường sẽ thấy rất khó điều chỉnh trong bối cảnh bình thường của xã hội và không làm được những việc đúng với mong đợi ở độ tuổi của họ. Trước hết, chính những ông bố, bà mẹ phải thay đổi cách ứng xử với con cái; những bà vợ phải bớt chiều chồng để họ có “cơ hội” trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn. Còn đối với những người mắc hội chứng Peter Pan và muốn thay đổi bản thân, cách tốt nhất là tìm đến các chuyên gia hoặc bác sĩ để có được sự tham vấn cần thiết.

Xem thêm:

Bạn biết mình đã trưởng thành khi ngừng mua những món đồ sau đây

7 dấu hiệu cho thấy bạn thực sự là một người trưởng thành

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Psychology Today, PsycholoGenie, A Consciousre Think, Syndromes Pedia, Huffington Post

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more