Lifestyle / Bí quyết sống

Hội chứng “sương mù não” và những điều bạn chưa biết

Sương mù não bộ không quá nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rõ dấu hiệu này để có được chất lượng cuộc sống tốt hơn.

“Sương mù não” có tên tiếng Anh là “Brain Fog”, một thuật ngữ nhằm diễn tả tình trạng mất tập trung hay có cảm giác mơ hồ về những gì mà bản thân đang cố gắng thực hiện. Thoạt nghe, căn bệnh này dường như ẩn chứa khá nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ilene Ruhoy thuộc Trung tâm chữa bệnh Thần kinh học tại Seattle, ngoài một số triệu chứng thường gặp đi kèm, chúng ta có thể yên tâm rằng hiện tượng sương mù não sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống, miễn là bạn biết cách phòng ngừa và chọn cho mình một lối sống lành mạnh.

Đi tìm một khái niệm chính xác

Nếu bạn vẫn chưa thể hình dung được sương mù não là gì, bạn chỉ cần trả lời “có” hoặc “không” cho câu hỏi sau đây. Bạn có đang gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ thành lời nói? Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn đang trải qua tình trạng “Brain Fog”. Hầu hết chúng ta đều có khả năng truyền tải suy nghĩ thành lời nói một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khi bạn gặp phải tình trạng sương mù não, bạn sẽ không thể tập trung để nghĩ về bất kỳ điều gì cũng như khó lòng vận dụng được vốn từ đang có sẵn trong đầu. Nói nôm na là tâm trí bạn đang “nghỉ dưỡng” và bạn hoàn toàn bất lực trong việc liên lạc với chúng.

sương mù não bộ 1

Sẽ có người lo sợ rằng bản thân đang bị suy giảm trí nhớ hay nhận thức, nhưng trên thực tế, sương mù não hoàn toàn khác biệt với hai căn bệnh vừa nêu. Khi gặp phải tình trạng “sương mù”, bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường như mọi người nhưng với lượng thời gian lâu hơn và tâm trí có phần mệt mỏi hơn. Một ví dụ điển hình như khi bạn quên mất nội dung cuộc trò chuyện với ai đó vốn chỉ kết thúc trước đó vài phút; hoặc giả bạn không thể nhớ rõ mình đã đỗ xe ở vị trí nào trong tầng hầm.

Nguyên nhân đến từ đâu?

Một số người cho rằng tình trạng sương mù não là dấu hiệu của tuổi tác hoặc do nội tiết tố đối với phụ nữ. Tuy nhiên, hiện tượng này lại bắt nguồn từ chính môi trường sống của chúng ta. Các loại độc tố, chất gây ô nhiễm, vi khuẩn và hóa chất là nguyên nhân trực tiếp gây ra căn bệnh sương mù não.

Trong cuộc sống hiện đại, việc tiếp xúc với các chất độc hại gần như là điều hiển nhiên đối với chúng ta. Nếu không phải khói xe thì ắt sẽ là chất thải, khói đốt từ các nhà máy công nghiệp, bằng cách nào đó chúng len lỏi vào trong cơ thể, tạo ra vô số phiền toái cho sức khỏe con người. Cuộc sống càng tân tiến bao nhiêu thì con người càng phải chịu đựng sự độc hại bấy nhiêu. Như một cơ chế tự nhiên, cơ thể bắt đầu kháng cự và đào thải những “vị khách không mời” này, tạo ra hiện tượng viêm và sốt. Quá trình này hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực vì chúng thể hiện một điều rằng cơ thể chúng ta vẫn còn đủ khả năng để chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, tần suất viêm quá nhiều lại gây ra một hệ quả khác. Thời gian viêm kéo dài dẫn đến tình trạng viêm mãn tính, gây ảnh hưởng nặng nề cho các cơ quan, đặc biệt là bộ phận tiêu hóa và hệ thần kinh.

sương mù não bộ 2

Đối với hệ thống thần kinh, sự viêm sẽ buộc các nơ-ron phải làm việc nhiều hơn, gây ra tình trạng quá tải về mặt tinh thần. Nếu chúng ta không can thiệp kịp thời bằng các biện pháp y tế, hiện tượng viêm thần kinh (viêm não) sẽ có thể xảy ra. Hệ thống thần kinh và bộ phận tiêu hóa có sự liên kết rất chặt chẽ. Tương tự như với hệ thần kinh, khi cơ quan tiêu hóa bị viêm, chúng cũng sẽ sản sinh ra các chất có hại cho cơ thể. Khi hai bộ phận chủ lực bị “tấn công”, chúng ta sẽ trải qua quá trình sương mù não.

Bên cạnh yếu tố môi trường, chế độ dinh dưỡng cũng có tác động không nhỏ đối với tình trạng sương mù não. Hàm lượng glucose trong não thấp sẽ làm bạn cảm thấy đờ đẫn, thay đổi tâm trạng và suy giảm khả năng phán đoán tình huống. Những người đang có nhu cầu giảm cân sẽ có thói quen loại bỏ các chất béo ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng hết 60% trọng lượng của não bộ là chất béo và não sẽ phải tự tiêu hóa chính mình nếu như bạn không cung cấp đủ lượng chất béo cần thiết. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều các loại phụ gia hay bị dị ứng thực phẩm cũng làm bạn rơi vào trạng thái sương mù não.

Căng thẳng, lo âu cũng có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh sương mù não. Quá nhiều hormone stress, cortisol sẽ làm tổn thương tế bào não. Một số dấu hiệu của việc căng thẳng, lo âu như mất ngủ, lười vận động cũng có thể là tác nhân gây ra sự trì trệ về mặt nhận thức cho con người.

Làm thế nào để thoát khỏi sương mù não

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng như tìm đến sự tư vấn đặc biệt từ các bác sĩ để loại bỏ các thói quen có thể dẫn đến tình trạng sương mù não.

Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Các carbohydrate phức tạp dưới dạng ngũ cốc hay chất béo lành mạnh có trong quả hạch, các loại hạt và bơ nên được xuất hiện trong thực đơn của bạn. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sử dụng những thực phẩm được chế biến từ đường và sữa.

sương mù não bộ 3

Xây dựng lối sống lành mạnh: Bên cạnh thói quen ngủ sớm và đủ giấc để có một tinh thần minh mẫn hơn, các hoạt động thể chất cũng nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày nhằm giúp máu huyết lưu thông, cải thiện sức khỏe cho trí não. Không những vậy, các loại thức uống có cồn cũng cần được hạn chế tối đa.

Xem thêm:

Viết nhật ký – Liệu pháp hiệu quả cho sức khỏe tinh thần

Đẩy lùi bệnh tật và cải thiện sức khỏe bằng âm nhạc

Nhóm thực hiện

Bài: Đào Dreamer Ảnh: Unsplash Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/MineBodyGreen
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)