Những điều cần lưu ý về hội chứng “trầm cảm cười”

Đăng ngày:

Bạn có biết rằng rất nhiều người đang dùng nụ cười để che giấu nỗi buồn bên trong? Mặc dù trầm cảm không có khuôn mặt, nhưng vẫn có một vài dấu hiệu giúp bạn nhận ra và biết đâu, có thể giúp đỡ người thân của mình sớm hơn.

chứng “trầm cảm cười” là gì?

Nếu bạn tìm kiếm hashtag #faceofdepression trên các mạng xã hội, bạn sẽ thấy hàng trăm bức ảnh có những người đang mỉm cười hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trên thực tế, họ đang bị trầm cảm.

Một nụ cười chán nản chứng tỏ chúng ta đang cố tỏ ra vui vẻ trong khi đau khổ vẫn hằn sâu bên trong tâm hồn. Những người mắc chứng trầm cảm cười thường có cuộc sống xã hội năng động, họ có gia đình, bạn bè và công việc. Họ trông có vẻ rất thành công và khá hạnh phúc nhưng bạn không bao giờ biết những gì đang ẩn giấu đằng sau lớp mặt nạ đẹp đẽ này. Đôi khi chính bản thân họ cũng không biết mình đang có vấn đề, vì vậy họ không tìm kiếm sự hỗ trợ hay giúp đỡ nào.

cô gái tóc vàng bị trầm cảm cười

Ảnh: Unsplash

Phần tồi tệ nhất của hội chứng này là dường như có một mối liên hệ giữa nụ cười trầm cảm và ý nghĩ tự tử. Họ có vẻ rất năng động và nhiệt tình trên bề mặt nhưng đằng sau cánh cửa đóng kín, họ có thể cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Sau khi giọng ca chính của Linkin Park – Chester Bennington tự kết liễu đời mình, cô vợ Talinda đã chia sẻ một bức ảnh của anh chỉ vài ngày trước khi anh tự sát: Chester đang mỉm cười vui vẻ với gia đình, không ai biết những suy nghĩ tiêu cực đang chạy qua đầu anh lúc đó.

Mặc dù nụ cười trầm cảm đang ẩn sau một mặt nạ hạnh phúc nhưng vẫn có nhiều cách để bạn có thể nhận ra căn bệnh nguy hiểm này ở người thân hoặc chính bạn. Các dấu hiệu của chứng “trầm cảm cười” thường gặp nhất bao gồm:

– Giảm hứng thú với sở thích và hoạt động mà người đó từng yêu thích.

– Thay đổi cân nặng và khẩu vị.

– Mệt mỏi và mất tập trung.

– Mất ngủ.

– Suy nghĩ về các tình huống tiêu cực lặp đi lặp lại.

– Hạnh phúc một cách gượng gạo và không tự nhiên.

cô gái đang buồn bã

Ảnh: unsplash

chúng ta nên làm gì để giúp đỡ những người mắc chứng bệnh này?

1. Giúp họ nhận ra họ có vấn đề

Nhiều người không muốn thừa nhận rằng mình đang bị trầm cảm vì họ không muốn tỏ ra yếu đuối. Hãy cho họ biết bạn luôn yêu thương và ủng hộ họ bất kể điều gì xảy ra.

2. Hãy là một người lắng nghe tốt

Điều này có nghĩa là bạn nên chủ động lắng nghe người bạn muốn giúp đỡ để họ cảm thấy bạn đang thấu hiểu những gì họ nói. Đừng chỉ nói rằng “Mọi thứ sẽ ổn thôi” mà hãy cùng nhau suy nghĩ về những cách có thể thực hiện để đối phó với tình huống khó khăn và đề nghị giúp đỡ người ấy nếu bạn cảm thấy mình có thể làm gì đó.

giúp đỡ người bị trầm cảm

Ảnh: unplash

3. Giúp họ tăng cường lòng tự tin

Một số chuyên gia cho rằng lòng tự tin của chúng ta là hệ thống miễn dịch cảm xúc, và khi nó bị phá vỡ, chúng ta bắt đầu cảm thấy thấp thỏm và chán nản. Hãy tìm cho người thân của bạn một hoạt động hoặc dự án có ý nghĩa để giúp họ cảm thấy hăng hái và nhiệt huyết trở lại.

4. Quan tâm nhiều hơn đến những người bạn yêu thương

Một hoặc hai tin nhắn mỗi tuần mà chúng ta gửi cho nhau dường như là đủ trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhưng đối với những người bị “trầm cảm cười” thì không. Bạn nên gọi cho họ bất cứ khi nào bạn nghĩ về họ, hỏi thăm xem họ đang làm gì. Tuy nhiên, đừng yên tâm một cách nhanh chóng mà hãy thường xuyên quan tâm họ và đảm bảo bạn không bỏ qua bất kỳ triệu chứng đáng báo động nào ở trên.

giúp đỡ người bệnh

Ảnh: unsplash

5. Giúp họ hành động như một người hạnh phúc

Hãy cố gắng khuyến khích người đang bị “trầm cảm cười” làm tất cả những việc mà một người khỏe mạnh sẽ làm. Bạn có thể cùng họ đi mua sắm, đi xem phim hoặc chạy bộ trong công viên mỗi sáng. Hoạt động thể chất ảnh hưởng đến cảm xúc, vì thế mà hành động như một người hạnh phúc có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn.

6. Đề nghị họ tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh hơn và bắt đầu tập thể dục

Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy khó khăn khi đến phòng tập, nhưng tập thể dục tại nhà có thể tốt cho họ. Các chuyên gia tin rằng một số loại trầm cảm là do thiếu một số yếu tố quan trọng trong cơ thể chúng ta (ví dụ như serotonin hoặc vitamin D) và sự thiếu hụt này thường có thể được khắc phục với sự trợ giúp của chế độ ăn uống  cũng như vận động lành mạnh.

7. Đề nghị thử trị liệu và điều trị y tế

Rất khó để chúng ta tự mình phá vỡ chu kỳ trầm cảm. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn bè hoặc người thân của bạn vượt qua căn bệnh tâm lý này nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hãy để người thân của bạn hiểu rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp không có gì là sai và cũng không làm cho họ trở nên yếu đuối, đáng thương.

cô gái tập thể dục chống bệnh trầm cảm cười

Ảnh: unsplash

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thu Trang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Brightside

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more