Hôn nhân vs Facebook

Đăng ngày:

Chuyện tình yêu, chuyện vợ chồng thì muôn đời rắc rối và không phải đợi mạng xã hội xuất hiện, người ta mới biết vụng trộm ngoài vợ ngoài chồng, nhưng Facebook quả thực đã đặt hôn nhân vào một cuộc thử thách mới.

Muốn chia tay đã khó, chia tay xong còn khó hơn

Đã qua mất cái thời sau mỗi lần chia tay, chúng ta lại cho hết ảnh chụp chung, CD nhạc cũng như những vật kỉ niệm khác vào hộp rồi giận dữ hay thổn thức cất đi và sống tiếp. Bây giờ, việc chia tay thường được đánh dấu bằng việc tất cả ảnh chụp chung được lặng lẽ xóa đi trên Facebook, đổi sang trạng thái “single”, cặp đôi “unfriend” nhau. Và tất nhiên, ai cũng có thể nhìn thấy thao tác đó của bạn. Trong thời của mạng xã hội, việc chia tay của hai người không còn là chuyện cá nhân và vì thế, càng trở nên khó khăn hơn.

Nghiên cứu tại đại học California (Mỹ) cho thấy rằng Facebook và các mạng xã hội khác khiến cho việc chia tay trở nên khó khăn hơn vì bạn sẽ phải tìm cách xử lý cả những thông tin đời thực giữa riêng hai người, và những thông tin trên mạng xã hội. Kết luận này cũng được xác nhận với nghiên cứu của hai giáo sư khác tại đại học Lancaster (Anh), khi họ phỏng vấn 24 người ở độ tuổi từ 19 đến 34. Tất cả nhóm người này đều từng chia tay người yêu và đều thuộc vào thế hệ có mức độ sử dụng các sản phẩm công nghệ số và mạng xã hội cao. Kết quả cho thấy, 40% thông tin chung của hai người là ảnh, 20% là các trang mạng mà họ thường xuyên ghé thăm cùng nhau, và các CD nhạc chỉ còn là 7%.

Các nghiên cứu trên cho thấy, ngay cả khi bạn không còn tay trong tay với người kia nữa, những gì dính líu đến họ vẫn luôn xuất hiện trong trang cá nhân của bạn, chưa kể đến trang cá nhân của những người bạn chung. Một nửa trong số 24 người tham gia thí nghiệm kể trên nói rằng họ xóa toàn bộ những gì liên quan đến người yêu cũ khỏi trang cá nhân, 8 thừa nhận là họ giữ lại tất cả, và 4 người nói rằng họ giữ lại những gì quý giá. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã sẵn sàng xóa bỏ tất cả, thì Facebook cũng không để bạn quên đi mọi chuyện một cách dễ dàng.

Bản chất của mạng xã hội là “network” và sự phức tạp của những mối quan hệ nhiều chiều này sẽ lưu giữ lại những gì bạn không muốn giữ. Nhiều người tham gia thí nghiệm của trường Lancaster chia sẻ rằng họ cảm thấy rất khó khăn để quên đi nỗi buồn khi thấy người cũ day đi day lại những vết thương lòng hoặc cảm thấy ghen tị với niềm hạnh phúc mới của người kia. Cho dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn mọi người chỉ muốn trưng ra những gì vui vẻ, hạnh phúc nhất của cuộc đời họ lên Facebook và giấu đi những nỗi buồn, nhưng điều ấy chưa chắc đã tạo ra hiệu ứng tốt, vì những người vừa chia tay, đặc biệt là những người bị “đá” lại không hề hài lòng với việc người kia đang sống bình thường.

Đó là chưa nói đến chuyện khi một người chuyển từ trạng thái “In A Relationship” sang “Single”, họ sẽ phải đối mặt với việc giải thích với bạn bè trên Facebook tại sao họ lại chia tay hay trả lời câu hỏi “Bạn ổn cả chứ?”. Họ muốn giấu nỗi buồn, nhưng lại không thể thoát khỏi thắc mắc của những kẻ không liên quan. Cảm giác đau khổ vì thế mà càng khó bị xóa tan.

Một vấn đề khác với mạng xã hội sau chia tay là câu hỏi: Liệu chúng ta có tiếp tục là “friend” với người kia hay không? Và kể cả nếu chúng ta có “unfriend” người ấy, vậy còn bạn thân, họ hàng, gia đình của anh/cô ta thì sao?

Nếu bạn xóa họ khỏi danh sách bạn bè của mình, mạng xã hội của bạn có thể sẽ thay đổi theo những cách không mấy tích cực. Bạn có thể bị đánh giá là trẻ con, là không tôn trọng mọi người. Nếu bạn không xóa họ, đôi khi họ có thể làm cho vết thương lòng của bạn sưng tấy lên bằng việc đăng lên những bức ảnh hay thông tin về người cũ. Và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể quyết định: Thôi, không dùng Facebook một thời gian nữa vậy vì mạng xã hội, như đã nói ở đầu bài viết, lúc này cũng đã trở thành nơi để nói chuyện về công việc.

Sống sót hậu chia tay

Ka-Yuet Liu, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu vấn đề mạng xã hội tại đại học UCLA (Mỹ) cho biết rằng: “Một khi bạn đã đăng cái gì đó trên mạng, thì nó sẽ luôn tồn tại ở đâu đó, và bạn sẽ không dễ dàng xóa bỏ thông tin ấy, kể cả khi đã ấn nút delete”.

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là bạn sẽ bị những ký ức cũ hay tiêu cực đeo bám mãi mãi. Điều quan trọng vẫn là việc bạn dứt khoát rời bỏ khỏi chúng. Một doanh nhân đã chấp nhận không lên Facebook, Twitter, Instagram… để có thể vượt qua nỗi buồn sau khi chia tay với người vợ sắp cưới: “Hãy làm những việc khác, offline, như đi xem phim, tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc đơn giản là làm việc, gặp những người mới, đừng để cuộc sống xã hội online điều khiển mình”. Dẫu thế, anh cũng thừa nhận đó là một quyết định cần nhiều nỗ lực, có nhiều người đã sống cực kỳ lệ thuộc vào Internet và đời sống xã hội của họ không thể duy trì bình thường nếu thiếu các trang web hay ứng dụng kể trên.

Vậy nếu bạn không thể rời bỏ được mạng xã hội của mình, bạn nên làm gì? Có một điều nghe có vẻ khá “thiếu người lớn” là “block“ người kia, nhưng thực ra đó là việc cần làm. Bằng cách đó, bạn có thể tránh được tất cả những gì người kia đang nói và thể hiện trong một thời gian, cho đến khi bạn đã sẵn sàng coi họ là bạn. Nghe thật khó tin, nhưng một điều tra đã cho thấy 71% trong số 1.000 người tham gia khảo sát thừa nhận rằng họ vẫn muốn theo dõi và tìm kiếm thông tin về người yêu cũ trên mạng. Việc “block“ họ ngăn cản chính bạn rơi vào những phút yếu lòng, tìm kiếm các thông tin để thấy thêm đau khổ.

Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) đã thực hiện một cuộc điều tra với hàng nghìn người về các vấn đề liên quan đến hậu chia tay, kết quả cho thấy 36% ở độ tuổi 18 đến 29 và 23% người ở độ tuổi 30 đến 49 chọn cách “block“ người cũ sau khi chia tay. Phần lớn trong số họ coi đó là cách duy nhất để có thể vượt qua nỗi buồn và tiến bước đến với người khác.

Các chuyên gia cho rằng việc “block“ cũng có ích với cả người kia. Họ sẽ khá bàng hoàng khi nhận ra người cũ đã chặn đứng việc giao tiếp của cả hai, nhưng sau đó họ sẽ có thời gian và sự bình tĩnh để trở lại là bạn bè.

Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế số lượng người có thể đọc được các status của mình bằng các bước cài đặt cơ bản. Việc chia sẻ các thông tin quá riêng tư của mình khi đang đau buồn cho nhiều người không chỉ có hại cho hình ảnh của bạn trong số đông, mà còn có thể tạo ra các cơ hội cho những kẻ muốn lợi dụng bạn hay ganh ghét với bạn.

Cuối cùng, hãy thành thật với bản thân. Nhìn chung, chúng ta không muốn có hình ảnh của một kẻ bị “đá”, một kẻ “thua cuộc” trong cuộc chạy đua tìm lại hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là màn kịch bạn muốn tạo ra để thỏa mãn việc làm cho người kia thấy đau khổ, hãy nên ngừng làm việc đó càng sớm càng tốt. Bạn không nên thể hiện rằng mình bi lụy sầu thảm, nhưng cũng không nhất thiết phải tỏ ra là mình vui vẻ. Hãy chọn sự trung tính, bình tĩnh và làm chủ các trạng thái tâm lý của mình. Đó là cách bạn dần lấy lại được sự thoải mái sau những ngày tan nát con tim.

Xem thêm 9 điều lưu ý với Facebook sau khi chia tay

Xem thêm Thổ dân nghiện rượu, nhân loại nghiện facebook

Xem thêm Kinh doanh trên Facebook: sự đánh đổi không dễ dàng

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên – Ảnh: Corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more