Hướng nghiệp: 6 cách giúp người trẻ chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân

Đăng ngày:

Làm thế nào để có được một công việc ổn định, sở hữu mức thu nhập dư dả và lộ trình thăng tiến rõ ràng? Đó có lẽ là một trong những băn khoăn lớn nhất của người trẻ hiện nay, khi họ đang chuẩn bị rời giảng đường đại học để bước chân vào thị trường lao động. Vì vậy, hướng nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các bạn trẻ hiện thực hóa ước mơ và xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

Hướng nghiệp không chỉ giúp chúng ta chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích và thế mạnh của mình, mà còn cho phép ta hiểu rõ bản thân hơn, khám phá những nhu cầu, thách thức và cơ hội của từng nhóm ngành, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp dài hạn. Việc định hướng nghề nghiệp cũng giúp chúng ta tránh được những lựa chọn sai lầm khiến ta nuối tiếc vì lãng phí thời gian và công sức. 

Xu hướng lựa chọn việc làm của Gen Z

Dựa vào khảo sát 23.000 sinh viên, Anphabe – doanh nghiệp tư vấn tiên phong về các giải pháp toàn diện xây dựng Nguồn nhân lực Hạnh phúc và Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn – công bố một khảo sát về nghề nghiệp của nhóm đối tượng lần đầu đi làm (1998 – 2010), hay còn gọi là Gen Z với 7 “phát hiện” thú vị sau đây:

1. 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì. Xét về yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của Gen Z, ngạc nhiên thay, họ chủ yếu chỉ dựa vào sở thích và năng lực cá nhân. Vai trò của nhà trường và nhà tuyển dụng trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp là rất thấp. (Tức là các bạn tự hướng nghiệp cho chính mình).

xu hướng hướng nghiệp giới trẻ

Ảnh: Pexels/Gülşah Aydoğan

2. Mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, Gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng “mở” sau khi tốt nghiệp.

34% sinh viên Gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty Start-up hoặc tự kinh doanh riêng.

8% các bạn cho rằng “chẳng cần đi làm công ty, làm tự do cũng tốt”

14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các “nhà hoạt động xã hội tương lai””.

3. Không ngại làm việc trái ngành học, Gen Z cởi mở với vô vàn lựa chọn nghề nghiệp.

4. “Internet” là chân lý. Trong khi sự hiện diện online của các doanh nghiệp là rất hạn chế. Với đặc trưng của một công dân “Internet”, Gen Z được xem là “chuyên gia săn lùng sự thật”. Khi lựa chọn công ty, Gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh.

5. 40% sinh viên từ năm đầu đã tích cực tham gia các hoạt động gặp gỡ nhà tuyển dụng và xây dựng trải nghiệm đi làm. Tuy nhiên, họ lại đánh giá các hoạt động của các công ty là rất hạn chế. Ví dụ: Sinh viên nhóm ngành Y Dược, Kiến Trúc – Thiết Kế – Xây dựng đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp rất thiếu và yếu; Nhóm sinh viên Nông – Lâm – Ngư nghiệp và Điện – Điện tử – Viễn Thông – Tự động hóa cho rằng có nhiều hoạt động hỗ trợ từ doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa tốt…

6. Dưới 50% sinh viên Gen Z thực sự tự tin theo tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm. (theo khung năng lực của doanh nghiệp)

7. Thế hệ Z “tài năng nhưng mong manh dễ vỡ”. Họ là thế hệ thích học hỏi nhưng lại ngại bị phê bình; Làm việc trách nhiệm nhưng điểm yếu là không chịu được áp lực; Thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi.

hướng nghiệp cho giới trẻ với kỹ năng làm việc nhóm

Ảnh: Pexels/Arina Krasnikova

Giờ hãy nhìn vào các ngành nghề và công việc ưu tiên của Gen Z:

Ẩm thực & Nghỉ dưỡng, Dịch vụ tài chính, Bán lẻ/ Bán sỉ/ Thương mại, Bán hàng/ Phát triển thị trường, Kế toán/ Tài chính/ Đầu tư, Dịch vụ/ Chăm sóc khách hàng… Những ngành hay công việc này sẽ khó mà mang lại những mục tiêu như thứ tự những lựa chọn được ưu tiên.

Có vẻ xu thế của Gen Z đang là mong muốn một công việc thu nhập khá và ổn định, có nhiều thời gian cho cuộc sống. Điều này có lẽ là thách thức lớn với các bạn trẻ bởi sẽ ít cơ hội “việc nhẹ lương cao” cho những người mới gia nhập thị trường lao động. Phải chăng các bạn trẻ đang bị “lạc lối”?

Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho những bạn trẻ ham học hỏi, dám dấn thân và chấp nhận thách thức, muốn có nhiều trải nghiệm. Bởi có lẽ sau một thời gian nữa các bạn sẽ thấy thành quả là sự vượt trội so với những bạn bè cùng trang lứa. Về phía các doanh nghiệp, nhìn lâu dài có lẽ đây sẽ là lúc để thay đổi quan điểm từ “giữ chân nhân sự” bằng các động lực mang tính vật chất sang việc “gắn kết nhân sự” bằng việc phát triển và mang lại cho người lao động nhiều giá trị hơn.

Gen Z nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung cần hướng đến sự thay đổi tư duy, phát triển các năng lực làm việc để chủ động ứng phó với môi trường xung quanh thay đổi rất nhanh. Khi đó các mục tiêu này sẽ trở nên bền vững.

cùng genz hướng nghiệp

Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

Trung bình mỗi người dành trọn một phần ba cuộc đời mình để làm việc. Vì vậy, chọn được một con đường phù hợp với bản thân sẽ giúp chúng ta có thể đạt được trạng thái work-life balance (cân bằng giữa cuộc sống và công việc) để có động lực phấn đấu mỗi ngày. Dưới đây là 6 cách giúp người trẻ chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.     

1. Hiểu rõ sở thích, thế mạnh và mong muốn của bản thân

Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hướng nghiệp. Hiểu rõ thế mạnh và sở thích của bản thân sẽ giúp bạn tận dụng tối đa khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong việc, đồng thời tìm thấy sự tự tin, niềm hứng khởi và động lực làm việc lâu dài, bền bỉ. 

Bên cạnh đó, việc xác định rõ những mong muốn và giá trị bản thân đề cao sẽ giúp chúng ta dễ dàng xác định mục tiêu nghề nghiệp phù hợp, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp đúng đắn, hiệu quả. Để khám phá sở thích, thế mạnh và xác định những giá trị mà bản thân đề cao, hãy thử trả lời những câu hỏi sau đây:

Câu hỏi về sở thích:

• Bạn thích học hỏi về điều gì?

• Bạn thường làm gì lúc rảnh rỗi?

• Bạn thích công việc lao động chân tay hay lao động trí óc?

• Bạn thích làm việc trong nhà hay ngoài trời?

Câu hỏi về giá trị:

• Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn?

• Điều gì là ưu tiên của bạn trong cuộc sống?

• Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc đời bạn?

• Bạn mong muốn đóng góp vào sự thay đổi nào của đất nước và xã hội?

Câu hỏi về thế mạnh và tính cách:

• Định nghĩa của bạn về thành công là gì?

• Đâu là điều mà bạn luôn khao khát trong cuộc sống?

• Điểm mạnh nào của bản thân khiến bạn yêu thích nhất?

• Kỹ năng nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất?

2. Xác định động lực và mục tiêu nghề nghiệp

Sau khi đã hiểu rõ về bản thân, hãy xác định động lực giúp bạn mong muốn gắn bó với công việc. Chẳng hạn, nếu là người yêu thích sự ổn định, bạn có thể trở thành một nhân viên văn phòng đi làm lúc 9 giờ sáng và về nhà lúc 5 giờ chiều mỗi ngày, thay vì phải thường xuyên đi đây đi đó hay làm những công việc có giờ giấc không cố định.    

Song, hầu hết các ngành nghề sẽ không thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của bạn. Vì vậy, hãy xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu và động lực giúp bạn làm việc, bao gồm:

• Lương bổng

• Phúc lợi

• Quyền hạn trong công việc

• Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

• Tính chất, mức độ linh hoạt của công việc

• Cơ hội thăng tiến trong công việc 

3. Xác định mục tiêu dài hạn

Mục tiêu dài hạn là mục tiêu bạn muốn đạt được trong khoảng thời gian dài, từ 3 đến 5 năm trở lên. Sở hữu mục tiêu dài hạn rõ ràng, cụ thể là một điều vô cùng quan trọng trong hướng nghiệp, giúp những bạn trẻ dễ dàng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và mục tiêu đã đặt ra. Hơn nữa, mục tiêu dài hạn còn là động lực lớn giúp các bạn trẻ chủ động tìm kiếm cơ hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó không ngừng học hỏi, phát triển và đạt được mục tiêu nhanh chóng. 

cô gái mặc vest nghĩ về hướng nghiệp

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Ví dụ, nếu bạn muốn làm việc trong lĩnh vực tài chính trong 10 năm tới, hãy nghiên cứu về xu hướng phát triển, tỉ lệ đào thải và ảnh hưởng của tự động hóa đến từng ngành nghề trong thập kỷ tới. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng xác định được mục tiêu nghề nghiệp và lộ trình phát triển cụ thể trong tương lai. 


Xem thêm

• Những dấu hiệu cho thấy bạn cần tìm công việc mới

• Cách áp dụng quy tắc 1-3-5 để phân bổ và giải quyết công việc hiệu quả

• Gợi ý 6 loại sổ tay hữu ích cho công việc và cuộc sống của bạn


4. Thực hiện những bài trắc nghiệm tính cách, hướng nghiệp

Thay vì phải loay hoay giữa vô vàn lựa chọn nghề nghiệp ngẫu nhiên, các bài trắc nghiệm sẽ giúp bạn đưa ra quyết định dựa trên những con số, thống kê và thông tin khách quan từ hệ thống những câu trả lời của bạn về bản thân và mục tiêu của mình. 

Cụ thể, những bài trắc nghiệm tính cách giúp bạn gọi tên, khám phá sâu về tính cách, sở thích, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, bạn sẽ trả lời được những câu hỏi như “Mình là ai?”, “Mình thích làm gì và không thích làm gì?”, “Mình mong muốn điều gì?”… Cùng với đó, những bài trắc nghiệm hướng nghiệp sẽ giới thiệu đến bạn nhiều ngành nghề khác nhau. Bằng cách so sánh, đối chiếu kết quả trắc nghiệm với từng mô hình nghề nghiệp khác nhau, bạn sẽ tìm được nghề phù hợp nhất với tính cách và năng lực của mình. 

thực hiện bài trắc nghiệm tính cách để hướng nghiệp

Ảnh: Pexels/nana

Tuy nhiên, kết quả từ những bài trắc nghiệm thường có xu hướng dán nhãn và chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, đừng hoàn toàn dựa vào chúng để đưa ra quyết định cuối cùng. Thay vào đó, hãy kết hợp kết quả trắc nghiệm với các yếu tố khác (thực tế thị trường lao động, những mong muốn sâu xa…) để có cái nhìn toàn diện và lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân. 

5. Tìm hiểu về các nhóm ngành và từng lĩnh vực nghề nghiệp

Bên cạnh việc tìm hiểu về thế mạnh, sở thích và các mục tiêu cá nhân, việc hiểu rõ về nhóm ngành và từng lĩnh vực nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hướng nghiệp, giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường lao động, hiểu rõ về đặc thù của từng ngành, từ đó lựa chọn sáng suốt và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho quá trình học tập và làm việc. 

Vì vậy, hãy lập danh sách các ngành nghề bạn đang quan tâm, tìm hiểu kỹ về các vị trí, chức vụ, lộ trình thăng tiến và dự đoán xu hướng tuyển dụng của ngành trong tương lai. Đặc biệt, việc xác định rõ bạn muốn làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi lựa chọn nghề nghiệp đáng kể. 

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia

Ngoài việc tìm hiểu về bản thân và tự tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hướng nghiệp để nhận được những đánh giá chuyên môn và khách quan. Nếu bạn đang là sinh viên, hãy tận dụng tối đa sự hỗ trợ và tư vấn ở trung tâm giới thiệu việc làm và phát triển nguồn nhân lực mà các trường đại học, cao đẳng thường cung cấp. 

Bên cạnh đó, chuyên viên khai vấn nghề nghiệp (career coach) – những người được đào tạo chuyên nghiệp có thể sẵn sàng lắng nghe, đưa ra lời khuyên giúp bạn đánh giá năng lực, hướng nghiệp, xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng cụ thể và khai mở tối đa mọi tiềm năng để thành công. Trước khi quyết định thuê một nhà khai vấn nghề nghiệp, hãy tìm hiểu kỹ về các chứng chỉ, lý lịch, chuyên môn, kinh nghiệm và tính cách để đảm bảo họ phù hợp với nhu cầu của bạn.  

Một số gợi ý từ chuyên gia giúp các bạn trẻ tìm được ngành học và công việc phù hợp

Theo chuyên gia hướng nghiệp Nga Tran – founder và người điều hành của TN Keyskills (đơn vị cung cấp và đồng hành cùng các khách hàng qua 4 mảng dịch vụ chính: Hướng nghiệp, Tâm Lý, Du học, Kỹ năng sáng tạo và hội nhập), các bạn học sinh, sinh viên có thể tham khảo quy trình hướng nghiệp sau đây để tìm ra ngành học và công việc cho bản thân:

Quy trình hướng nghiệp đúng dành cho học sinh:

Bước 1 – Hiểu mình

Bao gồm sở thích, khả năng, năng lực học tập, cá tính, giá trị nghề nghiệp, điều kiện hoàn cảnh gia đình, sức khỏe (nếu ngành nghề muốn theo đuổi yêu cầu).

Bước 2 – Hiểu nghề

Bao gồm kết nối và xác định được nhóm ngành nghề phù hợp với điểm mạnh và đặc tính sở thích nghề nghiệp nổi trội, hay gọi là mục tiêu nghề nghiệp tương lai. Đồng thời biết cách tra cứu thông tin nghề nghiệp mục tiêu được tuyển dụng trên thị trường lao động nhằm hiểu về yêu cầu năng lực làm việc (bằng cấp, khả năng, kinh nghiệm) của nhà tuyển dụng với ứng viên ( bạn phải cập nhật liên tục thông tin trong suốt thời gian học đại học vì thị trường liên tục biến động về nhu cầu tuyển dụng và năng lực của ứng viên) điều này rất quan trọng để bạn có những bước chuẩn bị về kiến thức và kỹ năng trong thời gian học tập, từ đó tự tin bước ra thị trường lao động chuyên nghiệp.

cô gái ngồi trên giướng thiết kế bản đồ nghề nghiệp cho bản thân

Ảnh: Pexels/Taryn Elliott

Bước 3 – Chọn ngành

Sau khi xác định được mục tiêu nghề nghiệp, tìm hiểu về thị trường lao động, bạn sẽ biết là nhà tuyển dụng yêu cầu bằng cấp về công việc (tốt nghiệp ngành nào, hệ đào tạo…, từ đó bạn tìm và chọn ngành học có chương trình đào tạo gần với mục tiêu nghề nghiệp , nghĩa là bạn học ngành này ra có thể làm nghề đó). Các bạn cần biết là học một ngành ra làm được nhiều nghề, hoặc học 2 ngành tên gọi khác nhau nhưng đều làm được nghề nghiệp mục tiêu của bạn.

Bước 4 –  Tìm trường

Sau khi chọn được ngành học thì mình tìm những trường:

– Có thế mạnh đào tạo về ngành học của mình, chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp.

– Phù hợp với năng lực học tập (điểm xét tuyển khối thi và điểm học ba), môi trường phù hợp với cá tính của bạn (bạn thích tham gia nhiều hoạt động, thích thực hành hay muốn học nghiên cứu… thì sẽ chọn trường đáp ứng nhu cầu đó cho mình).

Bước 5 – Lập kế hoạch 

Nâng cao năng lực học tập và ra quyết định lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân.

Hãy chọn ngành/trường phù hợp với nhiều điểm thuận lợi của bản thân thay vì chỉ quan tâm đến độ hot và ranking cao.

hướng nghiệp cho học sinh sinh viên

Ảnh: Pexels/Darina Belonogova

Quy trình hướng nghiệp đúng cho sinh viên

Bước 1 – Hiểu mình: điểm mạnh, điểm cần nỗ lực)

Bước 2 – Hiểu nghề: tên nghề nghiệp, vị trí công việc muốn theo đuổi từ ngành học của mình, yêu cầu năng lực làm việc từ nhà tuyển dụng….

Bước 3 – Chọn lĩnh vực: lĩnh vực mong muốn, phù hợp với cá tính)

Bước 4 – Tìm công ty: mô hình công ty, môi trường làm việc, văn hóa, cơ hội phát triển..)

Hay nói cách khác là bạn phải mô tả được bản thân bạn trong nghề nghiệp/công việc mong muốn.

Bạn hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình để tìm câu trả lời.

–       Tại sao tôi muốn chọn nghề này/công việc này?

–       Nghề này/công việc này phù hợp với tôi như thế nào? (điểm mạnh)

–       Nghề này/công việc này đòi hỏi năng lực làm việc ra sao?

–       Nghề này/công việc này đáp ứng/thỏa mãn những nhu cầu/sở thích/mong đợi nào của tôi?

–       Tôi cần vượt qua những thử thách về chuyên môn, kỹ năng nào để có cơ hội được làm nghề này/công việc này?

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Hà.

Tham khảo: Coursera, chuyên gia hướng nghiệp Nga Tran.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more