Lifestyle / Bí quyết sống

Lý giải khoa học về sức mạnh của những cái ôm

Một số người cho rằng thể hiện tâm tư, tình cảm bằng những cái ôm là cách làm có phần quá riêng tư và ngại ngùng. Trong khi những người khác luôn thích được trao cho người thân thương những chiếc ôm ấm áp. Dù bạn là người yêu thích san sẻ những cái ôm hay không, hẳn là bạn không khỏi thắc mắc vì sao những cái ôm lại mang đến cảm giác dễ chịu đến vậy.

Có ý kiến cho rằng con người vốn dĩ được sinh ra cùng những “cái ôm”. Chúng ta dành cả khoảng thời gian ấu thơ trong vòng tay của cha mẹ và những người thương yêu, và cảm thấy an toàn trong những vòng tay đó. Cái ôm đối với con người quan trọng đến mức mở một số nơi, bạn cần phải trả tiền để có những cái ôm kéo dài hàng giờ. Đơn cử như “Cuộc tụ hội những cái ôm” đầu tiên trên thế giới ở Portland vào năm 2015 (Cuddle Con) gây xôn xao dư luận một thời. 

Thực chất, đã có những lý giải khoa học về sức mạnh của những cái ôm. Đặc biệt, đối với những người luôn cần như cái ôm như một liều thuốc cho tâm hồn, cái ôm mang đến cho họ sự gần gũi, sự gắn kết và sự yên tâm. Vì thế, nếu bạn luôn muốn được ôm ấp khi yếu lòng hay chỉ đơn giản là cần một cái ôm mỗi ngày từ những người thân thương của mình, hãy cứ tự tin làm điều đó. Cái ôm có những lợi ích không ngờ cho sức khỏe đã được lý giải dưới lăng kính khoa học. 

“Sức mạnh” của những cái ôm đến từ đâu?

cô gái ôm bạn trai
Ảnh: Unsplash/Natalia Sobolivska

Những cái ôm giải phóng một loại hormone đặc biệt gọi là oxytocin, hormone này sẽ tăng cao, tạo nên một liên kết mạnh mẽ khi bạn hôn hoặc ôm một người thân yêu của mình, tạo cho bạn cảm giác hân hoan, dễ chịu.

Tiến sĩ Marisa Cohen, nhà trị liệu hôn nhân – gia đình kiêm nhà khoa học về các mối quan hệ, cho rằng những cái ôm có tác dụng giảm căng thẳng và hỗ trợ điều hòa nhịp thở. Bà cũng cho rằng: “Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh những cử chỉ thân mật có thể làm giảm căng thẳng, chúng thúc đẩy cảm giác an toàn và tin cậy. Ôm ấp truyền tải cảm giác yêu thương và kết nối, đồng thời như làm tăng sự hạnh phúc và sự hài lòng trong mối quan hệ”.

Tiến sĩ, nhà trị liệu các cặp đôi Krista Jordan cho biết những cái ôm sẽ sẽ kích thích các hormone hạnh phúc của bạn, làm tăng các phản ứng thể chất tích cực. Bà Jordan nói: “Oxytocin là hormone giúp bạn cảm thấy gần gũi, kết nối và an toàn. Nó cũng là một loại thuốc giảm đau, vì vậy hormone này khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn về mặt thể chất theo đúng nghĩa đen. Ngoài ra, hormone này được tiết ra một cách tự nhiên trong quá trình cho con bú, giúp những người mẹ gắn kết hơn với con của họ”.

Vì oxytocin làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc, hormone này đồng thời cũng tạo nên một “tường chắn” bảo vệ cơ thể bạn. Theo một cách nào đó, từ việc sống hạnh phúc hơn do sự gia tăng của oxytocin, bạn cũng dần cải thiện hệ thống miễn dịch của mình. Bà Jordan cho biết: “Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khi cơ thể đón những những tiếp xúc tích cực trong 30 phút, nó có thể đả thông tới 50% lượng cortisol. Cortisol là một loại hormone liên quan đến căng thẳng, nếu không được lưu thông, nó có thể phá hỏng các tế bào. Vì thế, vào cuối ngày, một cái ôm 30 phút là “liều thuốc” nhiều bác sĩ chỉ định để dung dưỡng cơ thể của bạn”.

Những cái ôm có thể khiến bạn “say nắng” người khác không?

cô gái và cái ôm bạn trai
Ảnh; Pexels/Vlada Karpovich

Tiến sĩ, nhà trị liệu các cặp đôi Krista Jordan giải thích rằng chỉ ôm ấp là chưa đủ để yêu một ai đó: “Việc yêu một người bao gồm nhiều yếu tố và quá trình khác nhau, từ oxytocin đến pheromone (các hormone não sử dụng để tìm ra khả năng tương thích di truyền cho các thế hệ sau), cho đến trải nghiệm từ thời thơ ấu cùng những người đầu tiên chăm sóc chúng ta”. Bà cũng chia sẻ thêm: “Những giác quan khác như xúc giác, khứu giác và vị giác cũng góp phần tạo ra cảm giác rằng đối phương là người phù hợp để cam kết lâu dài cùng bạn”.


Xem thêm

7 hình thức nghỉ ngơi có thể bạn chưa biết

9 cách để nạp thêm năng lượng ngoài việc ngủ

Cách tạo dáng khi chụp ảnh selfie nói lên điều gì về tính cách của bạn?


Không thích những cử chỉ ôm ấp thân mật có phải một điều không tốt?

khoa học về sức mạnh của những cái ôm
Ảnh: Unsplash/Joseph Pearson

Các nhà trị liệu cho biết, do những “vết thương” liên quan đến sự đụng chạm cơ thể trong quá khứ, nhiều người cảm thấy việc ôm ấp có xu hướng gây ra những tác động tiêu cực lên tinh thần họ hơn là xoa dịu. Tuy nhiên, bà Jordan đã phát hiện ra rằng bạn có thể vỗ về những đối tượng nhạy cảm với sự đụng chạm này bằng những cử chỉ nhẹ nhàng như vỗ nhẹ lưng của họ. Dù thế, hãy để những người thân cận với họ thực hiện điều này trước tiên, khi họ đã dần quen với những sự tiếp xúc, bạn có thể dễ dàng tương tác và xoa dịu họ.

Thế nhưng, hãy luôn nhớ rằng bạn không nên ép bản thân phải thoải mái với những cái ôm nếu chúng khiến bạn lo âu hoặc khó chịu. Nhưng đồng thời cũng đừng ngại mở lòng mình với những kết nối mà bạn tin tưởng. 

Chúng ta là những bản thể vô cùng thú vị với những sở thích và xu hướng khác nhau. Dù những lợi ích về mặt khoa học mà cái ôm mang lại là điều không thể phủ nhận, không phải ai cũng thích được ôm ấp và có thể được chữa lành bằng ôm ấp. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm kiếm cách chữa lành cho riêng mình, không ôm ấp người khác nhưng ôm ấp những chú thú cưng của mình cũng là một “liều thuốc xoa dịu” lý tưởng cho tâm hồn.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: Elite Daily 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)