7 khoảnh khắc trong cuộc sống bạn nên lắng nghe trực giác của mình
Trực giác, hay còn gọi là linh cảm, là khả năng đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và nhận thức bản năng thay vì suy luận logic. Trong tâm lý học, trực giác có thể được coi là sản phẩm của quá trình xử lý thông tin tự động và nhanh chóng của não bộ, dựa trên kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy. Điều này cho phép một người nhận ra tình huống một cách nhanh chóng mà không cần suy nghĩ sâu.
Hãy thử hồi tưởng lại giây phút mà bạn cảm thấy ngờ vực về một điều gì đó, nhưng bạn vẫn vẫn tiếp tục bước đi với sự lựa chọn của bản thân. Theo lẽ thường, bạn hẳn cảm thấy lo sợ về những điều không may sẽ xảy ra, nhưng có bao giờ bạn cảm thấy nội tâm mách bảo “hướng đi này là đúng” và sự việc vẫn tiếp tục diễn ra một cách suôn sẻ? Vậy làm thế nào để nhận biết khoảnh khắc tương tự, khi bạn nên lắng nghe tiếng gọi của trực giác bản thân?
1. Khi đưa ra những quyết định nhanh chóng
Điều này tưởng chừng là vô lý, nhưng trên thực tế, nếu bạn không có đủ thời gian để phân tích kỹ lưỡng vấn đề, trực giác được xem là phương án giúp bạn đưa ra sự lựa chọn nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm và bản năng bản thân. Có thể nói, trực giác tựa như “giác quan thứ sáu”, giúp chúng ta nhận biết những điều lý trí thông thường không thể nắm bắt. Khi đối mặt với một vấn đề, tiềm thức sẽ nhanh chóng sàng lọc, phân tích và đưa ra phương án tối ưu nhất. Lắng nghe trực giác không có nghĩa là bạn hành động hay suy nghĩ thiếu cân nhắc, vì trực giác sẽ cho bạn biết đâu giải pháp mà bạn nên hướng tới và cảm nhận điều gì là đúng. Dù vậy, bạn cần lưu ý phân biệt rõ ràng đâu là những tình huống cần quyết định nhanh chóng và đâu là những vấn đề cần nhiều thời gian phân tích kỹ lưỡng.
2. Khi giao tiếp với mọi người
Trong giao tiếp, trực giác có thể giúp chúng ta nhận biết những tín hiệu ngôn ngữ hình thể của đối phương như ánh nhìn, cử chỉ, tông giọng của người đối diện. Những tín hiệu này giúp chúng ta phán đoán, “bắt sóng” những cảm xúc tiềm ẩn ở đối phương khi không thể chia sẻ qua lời nói. Từ đó bạn có thể thấu hiểu mọi người một cách sâu sắc. Chẳng hạn như trong tình huống bạn đang trò chuyện với ai đó, bạn có thể cảm nhận được đối phương cảm thấy mất tự tin hay có cảm xúc nào khác thông qua ánh mắt, thái độ và hành động. Hay trong một cuộc họp, bạn có thể nhận ra ai đang thiếu tập trung, không đồng tình với những ý kiến được đưa ra thông qua các hành động khoanh tay, liếc ngang liếc dọc, thở dài hay chống cằm. Nhìn chung, bằng cách lắng nghe trực giác, bạn sẽ biết được nên điều chỉnh thái độ giao tiếp, biểu cảm sao cho hợp lý và có thể chủ động điều khiển cuộc trò chuyện với mọi người thật hiệu quả.
3. Những khoảnh khắc nguy hiểm
Có những khoảnh khắc trong cuộc sống, chúng ta bất ngờ rơi vào tình huống nguy hiểm không thể lường trước. Khi nguy hiểm ập đến bất ngờ, thông thường chúng ta sẽ không có đủ thời gian để đánh giá tình hình, và lúc này có thể hoàn toàn dựa vào phán đoán của trực giác.
Chẳng hạn, đa số chúng ta đều có xu hướng phanh gấp hoặc đánh lái tránh sang một bên khi có một vật thể bất ngờ lao ra với tốc độ cao trên đường. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi tình huống đâm phải vật cản đó và đây là một trong những phản xạ theo trực giác. Trong những khoảnh khắc “nghìn cân treo sợi tóc”, bản năng sinh tồn sẽ thôi thúc con người hành động, dẫn dắt ta tới những giải pháp đột phá và giúp ta thoát khỏi tình huống nguy hiểm một cách an toàn.
4. Khi bạn cảm thấy “an toàn quá mức”
Thật là kỳ lạ nếu bạn nhận thấy kể cả khi đang ở trong trạng thái an toàn, trực giác của bạn hoàn toàn có thể cho bạn biết về những mối nguy tiềm ẩn. Về bản chất, con người ta thường liên kết trực giác với những tín hiệu cảnh báo, chẳng hạn như cảm thấy mơ hồ rằng có điều gì đó không ổn dù mọi thứ đang diễn ra bình thường. Đã có nhiều tình huống không thể giải thích được xảy ra, khi có người may mắn tránh được một tai họa nào đó chỉ nhờ việc họ cảm thấy bất an. Chẳng hạn, một phụ nữ linh cảm rằng cô không nên đi về trên con đường quen thuộc hằng ngày và quyết định rẽ sang một con đường khác. Ngày hôm sau, cô ấy biết được rằng con đường ấy đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng và nếu cô không nghe theo trực giác của mình, rất có thể cô đã gặp phải tai nạn ấy. Chính vì vậy, bạn nên nâng cao cảnh giác trong mọi tình huống trong cuộc sống và chuẩn bị phương án dự phòng cho một số trường hợp bất ngờ có thể xảy ra, nhằm tránh gây ra những tổn thất không đáng có.
Xem thêm
• 9 thói quen đơn giản giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn
• JOMO (Joy of missing out): Tận hưởng niềm vui của sự bỏ lỡ
• 7 thói quen xấu khiến cuộc sống mất đi niềm vui
5. Nghi ngờ bản thân
Đã bao giờ bạn đứng trước suy nghĩ bản thân không đủ khả năng để vượt qua những khó khăn, thử thách? Khi hoài nghi năng lực của chính mình, điều này dễ dẫn đến việc đánh mất niềm tin và khiến bạn luôn cảm thấy bất an, lo lắng. Vào những lúc bạn cảm thấy hoang mang vô định, bạn nên thử lắng nghe tiếng nói bên trong và trực giác sẽ hướng bạn đến hướng đi phù hợp, giúp bạn tỉnh táo đưa ra những quyết định đúng đắn. Một lời khuyên dành cho bạn chính là bạn không nên để nỗi sợ hãi lấn át tâm trí nếu muốn bước ra khỏi vùng an toàn, hãy tin tưởng vào chính mình nhiều hơn và tự nhủ với bản thân rằng chỉ có dấn thân một cách mạnh mẽ, tự tin, bạn mới có thể vượt qua mọi rào cản.
6. Khi bạn đang mâu thuẫn với người khác
Trong giao tiếp đời thường, đôi lúc chúng ta khó tránh khỏi mâu thuẫn với gia đình, công việc hay bạn bè… Khi ấy, chúng ta không nên trút hết những gì bốc đồng, tức giận vào nhau vì đó có thể là cảm xúc nhất thời nhưng lại gây ra tổn thương lâu dài cho mối quan hệ. Bạn nên giữ bình tĩnh, tạm lánh mặt họ và suy nghĩ lại nguồn gốc của vấn đề, đồng thời thử đặt mình vào đối phương để có góc nhìn đa chiều hơn. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng tìm ra tiếng nói chung và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.
7. Khi đứng trước lời hứa hẹn hấp dẫn nhưng dễ dàng đạt được
Không khó để bạn tìm thấy những lời mời, đề nghị đầu tư sinh lời cao hấp dẫn trên các trang mạng xã hội, với nội dung hứa hẹn mức lương hấp dẫn và công việc nhàn hạ cho người ứng tuyển. Dĩ nhiên, không phải ai đều có thể nhận ra đó là một cái bẫy, vì các thủ đoạn lừa đảo hiện nay vô cùng tinh vi. Tuy nhiên, có những người khi được trực giác gợi ý nên xem xét kỹ lưỡng lại đã thoát khỏi trò lừa thành công và tránh được việc thất thoát một số tiền lớn.
Tương tự như trường hợp trên, cuộc sống luôn ẩn chứa vô vàn cám dỗ, những lời hứa hẹn ngọt ngào về một tương lai tươi sáng hay những cơ hội “không thể bỏ lỡ”. Thế nhưng đằng sau những lời hứa hẹn đầy thuyết phục ấy, một phần trong chúng ta lại cảm nhận có điều gì đó không ổn. Và đó là khi trực giác phát huy sức mạnh của mình, giúp chúng ta nhận biết những “chiếc bẫy” tiềm ẩn. Lắng nghe tiếng nói bên trong là một kỹ năng thiết yếu để bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đặc biệt khi đối mặt với những điều tưởng chừng như “quá tốt để trở thành sự thật”. Do vậy, bạn không nên vội vàng tin tưởng những thông tin chưa được xác thực, thay vào đó bạn nên dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn thông tin cũng như mức độ đáng tin của chúng trước khi đưa ra quyết định.
Bài: Minh Thư
Tham khảo: Hackspirit