Tại sao không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi nghề nghiệp?
Có một quỹ đạo rất rõ ràng mà tất cả chúng ta đều phải tuân theo từ khi vừa được sinh ra: đi học, chọn một công việc, làm công việc đã chọn cho đến lúc tài chính của bản thân cho phép bạn được nghỉ hưu. Chúng ta có xu hướng chọn một con đường sự nghiệp và sau đó tiếp tục thực hiện nó trong hơn 30 năm. Quỹ đạo này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ và chúng ta đã không để tâm quá nhiều về nó.
Nhưng nếu bạn đang thực sự nghĩ về vấn đề này, hãy thử tự hỏi một vài câu hỏi nhỏ. Có phải hơi điên rồ khi chúng ta chọn ra hướng đi của cuộc đời mình ở tuổi 16, 17 hoặc 18? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bước sang tuổi 30 và nhận ra rằng bản thân không cảm thấy vui với công việc hiện tại? Làm gì khi bạn đã chiến đấu không ngừng cho việc giành được một tấm bằng với đầy thách thức và những chi phí tốn kém chỉ để nhận ra: “Tôi thật sự không muốn làm công việc này mỗi ngày”? Điều gì sẽ xảy ra nếu một trận đại dịch ập đến làm bạn mất việc và khi đó, lần đầu tiên trong đời, bạn tự nghĩ: “Công việc này có phải là điều tôi thực sự mong muốn?”. Hai trong số rất nhiều câu chuyện về việc thay đổi nghề nghiệp dưới đây có thể giúp bạn tìm thấy câu trả lời cho chính mình.
RẤT NHIỀU NGƯỜI ĐANG LÀM CÔNG VIỆC MÀ HỌ YÊU THÍCH VÀ ĐAM MÊ, TẠI SAO TÔI LẠI KHÔNG?
“Chuyển đổi nghề nghiệp có thể là một điều nghe có vẻ khó khăn đến mức khiến bạn phải suy nghĩ rất nhiều về nó mà vẫn không biết bắt đầu từ đâu” – Jay Willis, nhà báo kiêm cựu luật sư tại Portland, nhận định. Do đó, điều đầu tiên bạn có thể làm là ngừng nói với bản thân rằng bạn không thể thay đổi lựa chọn nghề nghiệp của mình hoặc bạn đang rơi vào bế tắc. Sự sợ hãi cùng những rào cản tinh thần khác sẽ xuất hiện ngay khi bạn bắt đầu có mong muốn thoát ra khỏi lĩnh vực hiện tại. Song, giải pháp dành cho vấn đề này là lờ đi sự sợ hãi và tập trung vào những bước nhỏ nhất trong quá trình chuyển việc của bạn. Will Sutton, một nhân viên cảnh quan ở London, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo đã cho lời khuyên: “Tôi đã có chút sợ hãi khi bắt đầu và lúc đó tôi nghĩ: “Bạn bè của tôi đều làm công việc mà họ yêu thích và thực sự đam mê, tại sao tôi lại không thể? Hãy tự giúp chính mình bằng cách đặt sự sợ hãi vào một góc, tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và bắt tay thực hiện những bước thay đổi đầu tiên”.
Sutton đối mặt với những rào cản tâm lý và sự sợ hãi bằng cách thừa nhận với bản thân và những người khác rằng thay đổi về nghề nghiệp là điều thật sự cần thiết với anh. Chia sẻ nghiêm túc về mong muốn thay đổi công việc của bản thân với người thân và bạn bè xung quanh cũng giúp anh cảm thấy thoải mái và tốt hơn rất nhiều.
BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT VÀ CAM KẾT XÂY DỰNG NHỮNG ĐIỀU ẤY THEO THỜI GIAN LÀ BƯỚC ĐÀ CHO CÚ NHẢY VỌT TRONG CHẶNG ĐƯỜNG THAY ĐỔI NGHỀ NGHIỆP CỦA BẠN
Bạn có thể sẽ không nhận được công việc mơ ước khi bắt đầu hành trình chuyển đổi nghề nghiệp trong ngày hôm sau, tháng sau, hoặc thậm chí trong những năm sau đó. Do vậy, việc tích lũy kinh nghiệm bằng những hành động nhỏ nhất và cam kết thực hiện nó theo thời gian là cách để bạn đến gần hơn với mong muốn thay đổi nghề nghiệp của mình.
Jay Willis chia sẻ, quá trình đưa anh từ một luật sư trở thành một nhà báo đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự quyết tâm. Willis biết mình muốn viết lách thay vì hành nghề luật khi anh 29 tuổi và công cuộc đổi việc của anh ấy bắt đầu từ một blog nhỏ. Trang blog này không tạo ra quá nhiều thay đổi đáng kể cho quá trình thay đổi nghề nghiệp của Willis trong suốt một năm. Nhưng đây là tiền đề để Willis tích lũy kinh nghiệm công việc ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và cho anh tự tin để xin việc tại một tạp chí. Willis không nhận được công việc mơ ước ngay ở lần xin việc này nhưng mối quan hệ trong lĩnh vực mà anh muốn tham gia đã được mở rộng hơn. Anh nhận viết bài như một cộng tác viên vào mỗi tối và cuối tuần cho đến khi trở thành một nhân viên chính thức.
Tương tự với Willis, Sutton cũng bắt đầu quá trình chuyển hướng sự nghiệp từ một nhân viên quảng cáo sang nhân viên kiến tạo cảnh quan với những thay đổi nhỏ nhất nhưng cam kết thực hiện nó liên tục và dài hạn. Sutton nhận ra bản thân thích ở ngoài trời thay vì 8 tiếng trong văn phòng. Anh cũng cảm thấy mình thích những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu những thông tin và tham gia một khóa học về cảnh quan trên mạng hai ngày một tuần trong khi tiếp tục công việc tại công ty quảng cáo. Sau khi tích lũy được kiến thức cho công việc mới và cảm thấy thật sự thích nó, Sutton đã quyết định chuyển hướng hoàn toàn sang công việc mới với sự động viên của chính vợ mình, người luôn nhận ra sự vui vẻ của Sutton khi anh bắt tay vào thực hiện những công việc của một nhân viên cảnh quan.
THẬT ĐÁNG SỢ KHI THỰC HIỆN NHỮNG BƯỚC NHẢY VỌT SANG MỘT LĨNH VỰC MỚI NHƯNG CUỘC SỐNG QUÁ NGẮN NGỦI ĐỂ BẠN CHẦN CHỪ LÀM THEO TIẾNG GỌI CỦA TRÁI TIM
Sutton và Willis đều 29 tuổi khi họ bắt đầu khám phá ra bản thân cần một sự thay đổi cho định hướng nghề nghiệp của mình. Cả hai người họ đều đang sinh sống ở những thành phố đắt đỏ và thay đổi công việc có thể gây ra những khó khăn về tài chính cũng như lấy đi rất nhiều thời gian của họ.
Willis chia sẻ, 95% các email, cuộc gọi và đơn xin việc mà anh gửi đi đều không được trả lời. Quá trình chuyển đổi nghề nghiệp sang một lĩnh vực hoàn toàn mới đầy rẫy sự thất bại và vô vàn sự từ chối. Điều này có thể là trở ngại tinh thần lớn nhất trong quá trình chuyển việc và nó khiến bạn cảm thấy chùn chân. Nhưng bạn phải tiếp tục làm điều đó, bởi trong vô số lần bị từ chối, chúng ta chỉ cần một sự đồng ý để chính thức bắt đầu xây dựng một sự nghiệp mới mà bản thân hằng mong muốn.
Thông thường, một CV xin việc từ một ứng viên trái ngành không là vấn đề quá lớn với nhà tuyển dụng. Bà Nicole Balsam, giám đốc thương hiệu của công ty Eastward Partners có trụ sở tại NYC, chia sẻ: “Khi tôi nhìn thấy profile của một ứng viên thể hiện rằng họ vừa mới thay đổi định hướng nghề nghiệp sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, tôi không cảm thấy có bất kỳ vấn đề hay định kiến gì với những ứng viên này”. Các kỹ năng mà bạn có được từ những công việc trước đó, dù lĩnh vực ấy dường như không liên quan đến công việc hiện tại, lại có thể sẽ hữu ích theo nhiều cách khác nhau cho vị trí mới mà bạn đang ứng tuyển. Nhưng trên thực tế, khi bạn chuyển sang một ngành nghề hoàn toàn mới, bạn có thể phải chấp nhận lùi lại một vài bước cả về chức danh lẫn thu nhập.
Cả Willis và Sutton đều không hối tiếc về con đường của họ. Sẽ không có gì là lãng phí hay vô nghĩa nếu bạn quyết định chuyển hướng hoàn toàn sang một lĩnh vực mới. Từ chi phí dành cho việc học đại học hay cao học, thời gian và sức lực bạn dành ra để xây dựng sự nghiệp cũ, tất cả những điều này đều đóng vai trò như những bước đệm quan trọng giúp bạn hướng tới những điều mà bản thân cảm thấy đúng đắn và phù hợp nhất với chính mình.
Bài viết: Mộng Ngọc
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: mrporter