9 bí quyết giúp bạn kiềm chế cảm xúc khi tức giận
Kiềm chế cảm xúc hiệu quả trong những tình huống căng thẳng sẽ giúp chúng ta tìm ra hướng giải quyết phù hợp và để lại ấn tượng tốt trong mắt mọi người.
Đôi khi, có những tình huống xảy ra khiến chúng ta không thể giữ được bình tĩnh để đối diện. Việc hành xử theo cảm xúc khi tức giận có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, phá vỡ các mối quan hệ và thậm chí làm tổn thương người khác. Chính vì vậy, học cách kiềm chế cơn giận dữ là điều rất quan trọng để tránh xảy ra những tình huống gây mâu thuẫn, bất hòa.
Tức giận có hoàn toàn có hại?
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Brad Bushman của Đại học Tiểu bang Ohio, tức giận là một loại cảm xúc tiêu cực, nhưng nó không quá tệ như chúng ta thường nghĩ. Tùy vào từng hoàn cảnh, tức giận khiến chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hơn, giúp ta có động lực đứng lên bảo vệ những điều mà ta cho là đúng. Trong cuộc sống hằng ngày, sự giận dữ đôi khi còn thúc đẩy chúng ta vượt qua trở ngại để đạt được những mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, cảm xúc giận dữ nếu xuất hiện không đúng thời điểm hoặc không được kiểm soát đúng cách sẽ dễ dẫn đến tình trạng bạo lực, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ. Ngoài ra, khi bạn tức giận, cơ thể sẽ tiết ra các hormone căng thẳng như Cortisol, Adrenaline, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thường hay giận dữ có nguy cơ cao bị đau tim và có thể dẫn đến đột quỵ. Chính vì vậy, chúng ta cần học cách kiềm chế cơn giận để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như để lại thiện cảm với mọi người xung quanh.
Bí quyết kiềm chế cảm xúc khi giận dữ
1. Ngưng kỳ vọng quá nhiều
Theo nhà tâm lý học Bernard Golden, tác giả cuốn sách Overcoming Destructive Anger: Strategies That Work (Vượt qua cơn tức giận: Những chiến lược hiệu quả), phần lớn cơn giận dữ bắt nguồn từ những kỳ vọng không thực tế về bản thân, về người khác và thế giới này. Đã bao giờ bạn rơi vào những tình huống trái ý muốn để rồi phải thốt lên rằng: Tại sao cuộc sống lại bất công như vậy? Sao người khác lại đối xử với tôi như vậy? Nếu người ấy thực sự yêu tôi, họ không nên làm như vậy… Để tránh những cảm xúc tiêu cực, bạn hãy ngừng đặt kỳ vọng vào những điều mình không thể kiểm soát được. Hãy tập trung vào những việc nằm trong khả năng của bản thân và chỉ dành thời gian cho những người thực sự quan trọng.
2. Nhìn nhận lại trách nhiệm của bản thân
Khi mọi việc xảy ra không như ý muốn, chúng ta thường tức giận và có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tìm cách đẩy trách nhiệm sang người khác. Hành động này chẳng những không thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề mà còn khiến tình hình thêm tồi tệ. Thay vì tỏ ra cáu gắt, khó chịu với mọi người xung quanh, bạn hãy cẩn thận nhìn nhận lại xem liệu bản thân mình có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình huống này. Khi nhận thức được trách nhiệm của mình, bạn sẽ tìm ra cách xử lý phù hợp, tránh để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến tập thể chung.
3. Giả vờ mình là người ngoài cuộc
Đôi khi, những vấn đề chưa được giải quyết triệt để khiến chúng ta cảm thấy ấm ức, khó chịu. Chính vì vậy mà ta dễ rơi vào tình trạng “nhai đi nhai lại” chuyện cũ khi đối diện với những người từng khiêu khích mình. Hành động này chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến cho mối quan hệ giữa bạn và người khác trở nên tồi tệ. Nếu như lần tới, có người khiến bạn tức giận, hãy giả vờ như mình là người ngoài cuộc. Hãy nghĩ rằng bạn chỉ chứng kiến những chuyện đã xảy ra từ xa và mọi việc không liên quan đến bạn. Điều này sẽ giúp bạn quan sát vấn đề và nhìn nhận cảm xúc của bản thân một cách sáng suốt hơn, từ đó có thể kiềm chế được cơn giận của mình.
4. Tập thiền định
Thiền chánh niệm giúp chúng ta tập trung vào cảm xúc và suy nghĩ ở hiện tại, bình tĩnh suy ngẫm về cách chúng ta nên hành xử để tránh gây mâu thuẫn, bất hòa. Trong hai thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thiền định có tác dụng hiệu quả trong việc kiểm soát cảm xúc khi giận dữ. Một nghiên cứu được công bố năm 2017 trên tạp chí Mindfulness cho thấy tập thiền mỗi ngày trong 3 tuần giúp chúng ta kiểm soát hiệu quả cơn giận, giảm thiểu hành vi hung hăng. Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian trong ngày để tập thiền. Chỉ cần khoảng 5 phút mỗi ngày cũng sẽ tạo ra nhiều khác biệt.
5. Hít thở sâu
Nếu không có thời gian để tập thiền, bạn có thể tập hít thở sâu đều đặn mỗi ngày. Phương pháp này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn có tác dụng làm chậm nhịp tim, giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh để suy nghĩ thấu đáo và tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Hãy thả lỏng cơ thể và áp dụng bài tập này khoảng 3-5 lần mỗi ngày để kiềm chế cảm xúc tốt hơn trong những tình huống căng thẳng.
6. Tập thể dục
Tập thể dục là cách để bạn bộc lộ cảm xúc tức giận một cách lành mạnh. Không chỉ có tác dụng giải tỏa căng thẳng, làm dịu tinh thần, giúp bạn kiềm chế cảm xúc một cách hiệu quả, tập thể dục thường xuyên sẽ mang lại cho bạn một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng. Bạn có thể lựa chọn những bài tập đơn giản như tập yoga, nhảy dây, chạy bộ… kết hợp với việc tập luyện ở ngoài trời để hít thở không khí trong lành, giúp cho cơ thể và tâm trí được thư giãn.
7. Nghĩ về những điều người khác đã làm cho bạn
Khi xảy ra mâu thuẫn, đừng vội vàng chỉ trích hay trút giận lên người khác bởi những lời nói lúc tức giận có thể khiến họ cảm thấy bị tổn thương. Bạn hãy bình tĩnh nhớ về những thời điểm họ đã giúp đỡ mình, biết ơn những điều tốt mà họ đã mang đến cho bạn để xua đi những cảm xúc tiêu cực của hiện tại. Hãy thử tưởng tượng trong tương lai, khi nhìn lại thời điểm này, bạn sẽ cảm thấy thế nào với cách hành xử của mình để từ đó kiểm soát bản thân, tránh để lại những nuối tiếc sau này.
8. Ngủ đủ giấc
Một nghiên cứu trên tạp chí Sleep vào năm 2020 cho thấy, chúng ta dễ dàng cáu gắt vào những ngày thiếu ngủ. Khi bạn thiếu ngủ, các hormone gây căng thẳng tăng đột ngột khiến bạn luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, dễ nóng giận. Chính vì vậy, chúng ta cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tâm trí luôn được thoải mái.
9. Sử dụng liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) thường được dùng để điều trị những căn bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn sau chấn thương, rối loạn ăn uống. Với phương pháp trị liệu này, bạn sẽ trò chuyện với chuyên gia trị liệu về những vấn đề mình đang gặp phải. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần mới sử dụng được liệu pháp này. Trò chuyện với các bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực của mình và tìm cách kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả khi đối diện với những tình huống căng thẳng.
Bài: Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: thehealthy