11 kiểu người độc hại bạn nên loại bỏ khỏi cuộc sống của mình

Đăng ngày:

Để có được vòng tròn xã hội lành mạnh, đôi khi chúng ta cần phải học cách nhìn nhận và chọn lọc các mối quan hệ. Bởi nếu liên tục ở cạnh những người độc hại, họ không chỉ tước đi niềm vui và hạnh phúc mà còn cản trở sự phát triển cá nhân của chúng ta.

Khi bạn sống và làm trong một môi trường lành mạnh, bạn có cơ hội được chia sẻ và tiếp nhận những giá trị tốt đẹp, góp phần tạo nên cuộc sống tích cực và muôn màu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những người độc hại, có ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, khiến bạn cảm thấy tồi tệ hoặc thậm chí cố ý làm tổn thương bạn. 

Dưới đây là 11 kiểu người độc hại bạn nên loại khỏi cuộc sống của mình để đón những năng lượng tích cực. 

1. Người thích soi mói 

Những lời góp ý đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và trưởng thành của chúng ta, bởi chúng mang tính xây dựng, cung cấp góc nhìn mới, giúp người được góp ý rõ hơn về những gì bản thân đã làm tốt và những gì cần phải điều chỉnh. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với sự chỉ trích và dè bỉu tiêu cực. Người có ý soi mói thường phán xét và cố gắng tìm thấy lỗi sai của bạn để bắt bẻ dù là nhỏ nhất. Nếu bạn tiếp xúc với những người này về lâu dài, lòng tin của bạn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc, khiến bạn hoài nghi về năng lực của bản thân ngay cả trong lĩnh vực bạn thực sự giỏi. Típ người này luôn “ngụy trang” lời nói của họ dưới dạng “góp ý chân thành”, nhưng thực tế họ chỉ muốn chê bai và làm bạn nản chí. 

típ người độc hại thích soi mói người khác

Ảnh: Unsplash/ Mahdi Chaghari

Hạn chế tiếp xúc và gặp gỡ họ sẽ giúp tâm trí bạn trở nên nhẹ nhàng hơn, tránh xa nguồn năng lượng tiêu cực và tập trung hoàn thiện bản thân. Bạn có thể dành thời gian cho những người thực sự quan tâm và ủng hộ bạn, như gia đình, bạn bè hay người thương. Ở cạnh họ, niềm tin vào bản thân của bạn sẽ được củng cố tích cực, góp phần giúp bạn tự tin hơn vào khả năng của mình. 

2. Những người thường thu hút thị phi

Có những kiểu người luôn thích theo dõi những vụ việc thị phi, họ thu hút những rắc rối, sống trong hỗn loạn và thường xuyên thổi phồng vấn đề, tạo ra mâu thuẫn không cần thiết chỉ để cảm thấy thú vị. Và dĩ nhiên, khi bạn tiếp xúc quá nhiều hay thân cận với những người này, dù vô tình hay hữu ý, họ sẽ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.  

típ người độc hại thu hút thị phi

Ảnh: Unsplash/ Emilia Tukhvatullina K

Nên nhớ rằng, bạn không cần phải chịu trách nhiệm cho rắc rối của người khác, đặc biệt là những rắc rối họ tự tạo ra. Vì thế, hãy hạn chế gặp gỡ với những “thỏi nam châm độc hại” này, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên dễ thở và tích cực hơn rất nhiều. 

3. Những người khiến bạn cạn kiệt năng lượng

Bạn có từng gặp những người sau mỗi lần trò chuyện, bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời và kiệt sức? Họ giống như những “kẻ hút năng lượng”, hút hết nguồn năng lượng tích cực và khiến bạn cảm thấy kiệt quệ. Kiểu người này có xu hướng than thở về những vấn đề của họ, biến mọi cuộc trò chuyện trở thành nơi trút giận, nỗi buồn và không hề quan tâm đến cảm nhận của bạn. 

Chia sẻ vấn đề hay trút bầu tâm sự với bạn bè là điều hoàn toàn bình thường, nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ trở thành “thùng rác cảm xúc” của họ. Nếu cảm thấy sự hiện diện của những người này làm cho cuộc sống trở nên nặng nề hơn, bạn nên mạnh dạn đặt ra giới hạn gặp gỡ, trò chuyện và chủ động ưu tiên nhu cầu của bạn thân. Mặt khác, bạn có thể dành thời gian để chăm sóc sức khỏe và những mối quan hệ lành mạnh – những người luôn biết cách lắng nghe và chia sẻ nhẹ nhàng, vừa đủ, không chỉ nghĩ cho bản thân họ và “xả” hết những điều tiêu cực vào người đối diện. 


Xem thêm

• Tìm hiểu về năng suất độc hại và cách khắc phục tình trạng này

• Các loại đá quý 12 cung hoàng đạo cần tránh sử dụng để không thu hút năng lượng tiêu cực

• Silent Treatment: Dấu hiệu của sự im lặng độc hại trong mối quan hệ


4. Người giỏi thao túng 

Những người giỏi thao túng thường sử dụng mánh khóe để đạt được điều mình muốn. Biệt tài của họ là khả năng giao tiếp, chính vì thế típ người này sẽ khéo léo kiểm soát và lợi dụng lòng tin của bạn. Chẳng hạn, họ thường chọn cách nói bóng gió như: “Sao bạn không được như anh A?”, “B giỏi hơn bạn nhiều”, “Mấy cái chuyện đơn giản vậy mà bạn cũng không biết, bạn thật kém cỏi”… Sau đó, nếu bạn phản ứng với những lời nói trên, họ có thể trả lời một cách phủ định như: “Bạn quá nhạy cảm, chỉ là đùa thôi mà” hoặc “Bạn không thể chịu được một chút áp lực sao?”. Họ sử dụng lời nói để khiến bạn nghi ngờ chính mình, mất tự tin và trở nên phụ thuộc vào sự công nhận của họ. Bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng bất lực, như thể cuộc sống của chính mình đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Hơn nữa, họ rất giỏi “đánh vào tâm lý”, điều đó khiến bạn nhanh chóng bẻ cong những nguyên tắc vốn có của mình.

típ người độc hại thao túng người khác

Ảnh: Unsplash/ Tetiana Kobzeva

Để vượt qua vấn đề này, bạn phải thực sự lý trí và đủ tỉnh táo để không bị tác động bởi những lời mật ngọt và dối trá từ họ. Sau đó, bạn hãy bình tĩnh  và tìm cách dần loại bỏ họ ra khỏi vòng tròn quan hệ của mình. Hãy tin vào trực giác và bắt đầu quan sát kỹ lưỡng, khi đó bạn sẽ nhận ra ai đang cố gắng thao túng bạn. Bằng việc giữ khoảng cách với họ, bạn sẽ dễ dàng lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình và đưa ra những quyết định phù hợp cho từng vấn đề.

5. Người hay ganh tỵ

Khi chúng ta kiên định và bền bỉ với những mục tiêu được thiết lập, một ngày nào đó thành công sẽ đến  như một món quà để đáp lại những quyết tâm và nỗ lực không ngừng. Trên hành trình ấy, những người thật lòng yêu thương sẽ ủng hộ và động viên bạn trên chặng đường đạt được mục tiêu, đồng thời họ chia sẻ niềm vui khi bạn gặt hái được thành quả ngọt ngào. Mặt khác, người ganh tỵ với thành quả chúng ta đạt được sẽ tỏ ra thờ ơ hoặc thậm chí tiêu cực khi bạn đạt được thành công. Họ luôn dõi theo từng bước đi và âm thầm ganh đua hoặc đố kỵ trực tiếp với bạn một cách gây gắt. Sự ganh đua không lành mạnh này sẽ tạo ra bầu không khí căng thẳng, ảnh hưởng đến bạn và cả những người trong môi trường xung quanh. Đôi lúc nó có thể kìm hãm sự phát triển của bạn, thậm chí phá hoại những nỗ lực một cách độc hại. 

Trước khi kiểu người này làm  tổn thương bạn, hãy hạn chế tiếp xúc và tạo khoảng cách với họ. Nếu cần thiết, hãy thiết lập ranh giới rõ ràng để bảo vệ tâm lý và năng lượng của mình. Tất cả chúng ta đều xứng để được hạnh phúc và thành công, vì thế đừng để sự độc hại từ những người có dụng ý không tốt với bạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hành trình ý nghĩa bạn đang hướng đến. 

6. Người thường xuyên nói dối

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ gặp những người có xu hướng không nói sự thật về mọi thứ xung quanh. Điều này có thể khiến sự tin tưởng trở nên mong manh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ. Thói quen nói dối này có thể xuất phát từ mong muốn che dấu những lỗi lầm hoặc thao túng người khác để đạt được mục đích riêng của mình. 

kiểu người nói dối

Ảnh: Unsplash/ Uliana Soboleva

Nền tảng của bất kỳ mối quan hệ nào đều nên được xây dựng và củng cố bằng niềm tin. Nếu thiếu vắng yếu tố quan trọng này, bạn chỉ dần cảm thấy mệt mỏi và rã rời khi phải đối mặt với những điều không mong muốn, vì thế hạn chế tiếp xúc với kiểu người độc hại này là việc làm vô cùng cần thiết. 

7. Người ái kỷ quá mức

Người “tự yêu bản thân” quá đỗi, hay còn được là người ái kỷ thường có xu hướng đặt bản thân lên trên hàng đầu và luôn luôn coi trọng nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, một số đặc điểm thường thấy ở típ người này là thiếu lòng thấu cảm, sống cá nhân và ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân trong cuộc sống. Lâu dài, họ sẽ khiến bạn cảm thấy nhỏ bé và không được trân trọng. Hơn nữa, những người ái kỷ sẽ vô tình bào mòn sự tự tin của bạn, khiến bạn trở nên dễ bị tổn thương và chênh vênh.

Bạn có thể học cách mặc kệ và quan tâm đến nhu cầu của bản thân hơn. Hãy để bản thân được bao quanh bởi một môi trường tích cực, lành mạnh sẽ giúp cho tinh thần của bạn trở nên khuây khỏa và thoải mái. Vì vậy, đừng ngần ngại tách bản thân ra khỏi những người khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu giá trị. 

8. Người thích đóng vai nạn nhân

Đôi khi trên đường đời, có thể bạn sẽ gặp phải người thích “đóng vai nạn nhân” – người thường cho rằng bản thân là người chịu thiệt dù sự thật có ra sao. Họ luôn tìm kiếm sự đồng cảm từ người khác, nhưng đôi khi chính điều đó lại khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ lòng trắc ẩn. Những người này có đặc điểm chung là muốn nhận được sự chú ý và thương hại từ người khác, sử dụng những câu chuyện về việc họ bị đối xử bất công để thu hút sự đồng cảm. Họ thường không nhận trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc sống cá nhân và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Vì vậy, nếu bạn cảm nhận được những người này đang cố gắng thao túng tâm lý khi tiếp xúc với bạn, hãy đặt ranh giới rõ ràng và giữ vững lập trường để không bị cuốn vào câu chuyện hay cảm xúc họ tạo ra trong cuộc hội thoại.

Sự đồng cảm là điều quý giá, nhưng khi mải mê cuốn vào vòng xoáy than thở, oán trách do họ tạo ra, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong nguồn năng lượng tiêu cực, gây căng thẳng và lo lắng trong chính cuộc sống của riêng mình. 

kiểu người độc hại đóng vai nạn nhân

Ảnh: Pexels/ Yaroslav Shuraev

Để bảo vệ cho sức khỏe tinh thần của chúng ta, việc thiết lập ranh giới với những người thường “đóng vai nạn nhân” là điều cần thiết. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, thử thách liên tục ập đến, vì vậy việc nhu cầu ở bên cạnh những người thân yêu, gần gũi để bản thân có thể thoải mái bộc bạch tâm tư, cảm xúc là điều cần thiết. Thế nhưng, nó  hoàn toàn khác với việc bạn bị lợi dụng lòng trắc ẩn và cố tình dẫn dắt bạn hiểu sai sự thật. Do đó, hãy dành năng lượng quý giá cho những người bạn thực sự yêu thương và trân trọng cảm xúc của bạn. 

9. Người thích “ngồi lê đôi mách” 

Thành ngữ “ngồi lê đôi mách” dùng để chỉ những người thường rảnh rỗi, la cà khắp nơi để nghe ngóng chuyện người này đem mách cho người khác, thường là những chuyện riêng tư hoặc vặt vãnh. Trong bất kỳ môi trường nào, bạn có thể gặp những  nguồn cơ của mâu thuẫn và xung đột từ họ – “chuyên gia” truyền tai những tin đồn hay thông tin chưa được xác thực, gây tổn hại đến người bị bàn tán và tạo ra một môi trường độc hại cho cả người nói lẫn người nghe. Thậm chí, típ người này có thể bịa ra những câu chuyện không có thật chỉ để tận hưởng cảm giác khoái chí khi bàn tán về đời tư, vấn đề của người khác. 

kiểu người bàn tán linh tinh độc hại

Ảnh: Unsplash/ Omar Lopez

Để đối phó với những người độc hại này, bạn nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân với họ hoặc những người thân cận với họ để bảo vệ quyền riêng tư. Nếu tin đồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, hãy đối mặt trực tiếp và làm việc rõ ràng với người đã lan truyền tin đồn để làm rõ sự thật và yêu cầu họ dừng lại hoặc đính chính thông tin chính xác.

10. Người thường xuyên lợi dụng bạn

Không phải lúc nào lòng tốt của chúng ta sẽ được đáp lại. Một kiểu người độc hại tiếp cận bạn chỉ vì muốn lợi dụng bạn để đạt được mục đích của họ, sau đó họ sẽ không quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của bạn. Nếu bạn là một người nhạy cảm, bạn sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và không được trân trọng. Bởi vì khi bạn giúp đỡ họ quá thường xuyên, họ mặc nhiên xem đó là lẽ thường tình, điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy lòng tốt của mình không có giá trị. 

kiểu người thích lợi dụng

Ảnh: Unsplash/Kateryna Hliznitsova

Một mối quan hệ vững chắc được xây dựng bởi những yếu tố khác nhau, lòng biết ơn chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp cho con người trở nên hạnh phúc, thân thiện và tình cảm hơn. Sẵn lòng giúp đỡ bạn bè là một cử chỉ đẹp, tuy nhiên nó không đồng nghĩa với việc bạn bỏ mặc mọi nhu cầu, mong muốn cá nhân để làm hài lòng họ mọi lúc. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân, điều này  sẽ giúp cho bạn có thêm thời gian và năng lượng để vun đắp cho những mối quan hệ thực sự xứng đáng.

11. Những người thường suy nghĩ tiêu cực 

Những người tiêu cực có xu hướng nhìn thế giới này thông qua một lăng kính xám xịt và chỉ tập trung vào mặt tiêu cực của mọi thứ. Họ luôn nhìn vào những mặt  hạn chế và thiếu đi niềm tin vào những giải pháp hay khả năng thiết thực để giải quyết vấn đề. Buồn bã hay bi quan là loại cảm xúc bình thường chúng ta sẽ trải qua trong cuộc sống, đặc biệt khi đối diện với khó khăn hoặc thất bại. Tuy nhiên, khi sự tiêu cực trở thành thói quen và liên tục xuất hiện trong tâm trí, bạn có thể thấy rõ năng lượng ấy toát ra từ thần thái, lối sống sinh hoạt… của họ – những yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người đó và những người xung quanh.

Bạn có thể giúp đỡ những người này bằng cách ở bên cạnh họ, động viên và có thể tìm kiếm những giải pháp trị liệu. Thế nhưng, bạn không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của người khác. Nếu bạn đã có ý muốn hết lòng giúp đỡ, nhưng họ liên tục xem bạn là nơi để “trút” mọi khổ hạnh và tiêu cực, tâm lý của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là lúc bạn nên cân nhắc việc rời xa khỏi những mối quan hệ tiêu cực, vốn là điều cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống và khiến tâm trí bạn nhẹ nhàng hơn. 

người tiêu cực

Ảnh: Unsplash/Aimie Lee Bliem

Trong một vài trường hợp đặc biệt như người đó là người thân, bạn bè lâu năm, hoặc đồng nghiệp… – những mối quan hệ bạn không thể cắt đứt hoàn toàn hoặc khiến bạn cảm thấy có lỗi, khó xử nếu hành động dứt khoát. Bạn không cần phải từ bỏ mối quan hệ với họ, thay vào đó hãy khéo léo hạn chế trò chuyện khi không cần thiết và chủ động tạo khoảng cách. Ngoài ra, hãy chủ động đề xuất những hoạt động tích cực khi ở bên họ, như tham gia vào các hoạt động giải trí, thể thao, hoặc những buổi họp mặt vui vẻ. Điều này không chỉ giúp cải thiện tâm trạng của bạn mà còn có thể tạo ra những khoảnh khắc tích cực, góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận của họ.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy

Tham khảo: High Perspective

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more