Lifestyle / Bí quyết sống

5 kiểu người các nhà tâm lý học khuyên bạn không nên cho họ cơ hội thứ hai

Lòng bao dung và sự tha thứ là những yếu tố giúp chúng ta buông bỏ những điều tiêu cực và thanh thản bước tiếp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu lòng vị tha được đặt sai chỗ, đôi khi, bạn sẽ nhận về những tổn thương không thể lường trước.

Tin vào sự tốt đẹp của con người giúp chúng ta cởi mở hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, trong một vài mối quan hệ, nếu liên tục bị đối phương làm tổn thương mà bạn vẫn sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm của họ, lòng bao dung của bạn sẽ bị xem nhẹ và những tổn thương cứ thế ngày một chất chồng. Đặt sự vị tha đúng chỗ, ưu tiên sức khỏe tinh thần và niềm hạnh phúc của bản thân lên hàng đầu, bạn sẽ nhận ra đôi khi, loại bỏ một vài mối quan hệ là điều cần thiết. Hãy cùng ELLE khám phá 5 kiểu người mà theo các nhà tâm lý học, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho họ cơ hội thứ hai trong cuộc sống.

1. Những người hay nói dối 

Chúng ta cần tỉnh táo khi xác định ranh giới giữa những lời dối vô hại và những lời bịa đặt, toan tính. Những kẻ thường xuyên nói dối để ngụy biện cho những sai sót của bản thân, hay những kẻ liên tục dùng những lời mật ngọt để chiêu dụ bạn thực hiện mục tiêu của họ là kiểu người không xứng đáng để bạn tiếp tục duy trì mối quan hệ. Nếu bạn vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào họ sau những lần bị lừa dối, bạn vẫn sẽ tiếp tục chịu tổn thương và bị họ lợi dụng bởi những lời dối trá tinh vi của họ. Bạn có thể lựa chọn tha thứ và bước ra khỏi mối quan hệ với những người này, nhưng hãy luôn tỉnh táo và tránh đặt niềm tin nơi họ một lần nữa.

tâm lý cô gái cầm hoa tóc đỏ
Ảnh: Unsplash/Tamara Shchypchynska

2. Những kẻ thao túng cảm xúc

Những kẻ thao túng cảm xúc là bậc thầy trong việc điều khiển cảm xúc của người khác để phục vụ cho mục đích của bản thân. Giống như những kẻ thường xuyên đưa ra những lời lẽ dối trá để che đậy tội lỗi và chạm đến lòng trắc ẩn của bạn, những kẻ giỏi thao túng là những diễn viên tài ba, chuyên đóng vai nạn nhân, giả vờ yếu đuối, bất lực để làm bạn cảm thấy đồng cảm và thương hại họ. Trong một vài trường hợp, kiểu người này còn khiến bạn cảm thấy bản thân kém cỏi, không có giá trị, thậm chí khiến bạn hoài nghi về năng lực của bản thân và tự nhận mọi tội lỗi, trách nhiệm về mình. Một khi nhận thấy những dấu hiệu thao túng tâm lý kể trên, hãy mạnh dạn rời bỏ mối quan hệ và cho phép bản thân kết nối với những người thật sự trân trọng giá trị của bạn để bảo vệ sức khỏe tinh thần và niềm hạnh phúc của chính mình.

 

3. Những kẻ ái kỷ

Mang trong mình cảm giác tự trọng phóng đại và luôn khao khát sự chú ý, ngưỡng mộ, những kẻ ái kỷ có khả năng khiến mọi mối quan hệ trở nên độc hại. Điểm đặc trưng của kiểu người này là sự thiếu hụt trầm trọng trong khả năng thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc, nhu cầu của người khác. Khi đối mặt với lời góp ý hay chỉ trích, họ thường phản ứng một cách tiêu cực, thậm chí là giận dữ hoặc tỏ thái độ khinh bỉ. Điều này khiến cho việc xây dựng và duy trì một mối quan hệ lành mạnh trở nên vô cùng khó khăn.

cô gái tâm lý mặc váy hoa ở cánh đồng cho bản thân cơ hội 2
Ảnh: Unsplash/Natali Hordiiuk

Dù bạn có bao dung đến đâu và sẵn sàng trao cho họ cơ hội thứ hai, kết quả cũng có thể không có gì khác biệt. Lý do là bởi họ luôn tự cho mình là trung tâm, không bao giờ sai lầm. Theo tâm lý học, mối quan hệ với những kẻ ái kỷ thường mang tính một chiều, khiến bạn cảm thấy bản thân không được trân trọng, lắng nghe và dần dần đánh mất giá trị của chính mình. Vì vậy, bạn hãy cảnh giác với kiểu người này và bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có.


Xem thêm

• 5 cách giúp bạn vượt qua tình trạng nỗ lực ảo

• 17 sự thật tâm lý thú vị khi bạn crush một ai đó

• 7 thói quen của người Nhật giúp bạn sống khỏe mạnh và hạnh phúc


4. Những kẻ phản bội 

Liên tục bỏ qua cho những kẻ phản bội và tiếp tục duy trì mối quan hệ với kiểu người này chính là bạn tự đánh mất giá trị của mình. Khi được tha thứ quá nhiều lần, những kẻ phản bội sẽ nghĩ rằng họ có thể tiếp tục hành vi sai trái của mình mà không phải chịu hậu quả. Điều này cho thấy họ không xem trọng mối quan hệ với bạn, xem thường sự bao dung mà bạn dành cho họ và tiếp tục hành vi của mình mà không quan tâm đến cảm xúc của bạn. Trong trường hợp này, việc tha thứ cho những kẻ phản bội không có ý nghĩa bởi họ không nhận thức được sai lầm của bản thân và sẵn sàng sửa đổi nó. Nếu họ không có biểu hiện hối lỗi cho những hành vi sai trái của mình sau những lần được tha thứ, bạn nên cân nhắc rời bỏ mối quan hệ để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.

 

5. Những kẻ không ngừng chỉ trích 

Những lời góp ý chân thành, mang tính xây dựng là điều cần thiết giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, những lời chỉ trích từ những người chuyên “vạch lá tìm sâu”, tìm ra lỗi sai, khuyết điểm mà không đưa ra góp ý để đối phương chỉnh sửa, hay thường xuyên dùng lời lẽ nặng nề dưới vỏ bọc “góp ý” để phán xét tiêu cực, khiến người khác hoài nghi về năng lực của bản thân là điều bạn cần tỉnh táo phòng tránh. Theo tâm lý học, thiết lập mối quan hệ với những người thích soi mói, phán xét cuộc sống của người khác, hay thường xuyên phê phán mà không đưa ra bất kỳ giải pháp mang tính xây dựng nào sẽ khiến cuộc sống của bạn chìm trong sự tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Dần dần, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lối tư duy chỉ trích của họ và nhìn cuộc sống với đôi mắt khắt khe và tiêu cực hơn. 

cô gái mặc váy trắng kẻ sọc
Ảnh: Unsplash/Hannah Skelly

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Huyền

Nguồn: Hack Spirits

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)