Ngày nay, với sự trợ giúp của các bài trắc nghiệm tính cách, con người có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về bản thân. Tuy nhiên, hầu hết bài trắc nghiệm đều xoay quanh công việc, tình cảm, mối quan hệ… và có rất ít bài đề cập đến những kiểu tính cách khác nhau trong vấn đề tài chính. Việc xác định mình thuộc nhóm tính cách nào dưới đây chính là chìa khóa giúp mỗi cá nhân có khả năng quản lý tài chính hiệu quả.
Có năm kiểu tính cách cơ bản: The Spender (Người chi tiêu), The Saver (Người tiết kiệm), The Investor (Người đầu tư), The Debtor (Người mắc nợ) và The “Rarely Thinks About Money” Type (Người không nghĩ nhiều về tài chính). Hầu hết chúng ta không hoàn toàn thuộc về một kiểu tính cách duy nhất. Đồng thời, không có kiểu tính cách nào tốt nhất, quan trọng là chúng ta hiểu được khuyết điểm của bản thân và làm thế nào để cải thiện điều đó.
Bạn thuộc kiểu tính cách nào?
Để xác định bản thân thuộc kiểu tính cách nào, việc đầu tiên cần làm chính là quan sát suy nghĩ và hành động của mình trong vấn đề tài chính. Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như:
- Mình có cảm thấy lo lắng sau khi tiêu xài hoang phí không? Hay mình vẫn thấy thoải mái khi số tiền đó tương xứng với giá trị của món đồ?
- Mình có thích kiểu đầu tư “được ăn cả, ngã về không”? Hay mình thích sự an toàn và tránh càng xa rủi ro càng tốt?
- Mình có thường chi tiêu vô tội vạ khi mới nhận lương và gặp khủng hoảng vào mỗi cuối tháng? Hay mình không quan tâm nhiều đến tình hình tài chính cá nhân?
- Mình có thường suy tính kỹ càng khi thanh toán một món đồ? Hay mình thích tận hưởng niềm vui khi được chi tiêu thoải mái?
Nếu bạn đã có câu trả lời, hãy cùng điểm qua những phân tích dưới đây về từng kiểu tính cách phù hợp với bạn. Sau đó, tìm ra những nhược điểm trong cách quản lý tài chính của mình và đưa ra phương án phù hợp để giải quyết.
BÀI LIÊN QUAN
Người chi tiêu
Người chi tiêu thường có xu hướng mua mọi thứ họ thích, bất kể giá rẻ hay đắt. Thực tế cho thấy, sau giãn cách xã hội, số người thuộc nhóm này tăng nhiều hơn so với trước đây. Họ thích sống thoải mái, vô tư trong vấn đề tiền bạc và thường rất hào phóng với mọi người. Đây được xem là kiểu người sống hết mình nhất so với bốn kiểu tính cách còn lại.
Nếu bạn thuộc kiểu tính cách này, bạn không cần phải hạn chế chi tiêu mà hãy sử dụng tiền một cách có ý thức. Giả sử, bạn đang muốn đặt mua một món đồ, bạn không nên ra quyết định mua ngay lập tức mà hãy để chúng vào giỏ hàng của bạn ít nhất một ngày. Vì có khả năng bạn sẽ cảm thấy không cần chúng nữa khi quay lại xem giỏ hàng vào ngày hôm sau. Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng hoàn tiền có thể giúp bạn tiết kiệm một phần chi phí mua sắm.
Vậy nên, một kế hoạch ngân sách hiệu quả sẽ giúp đảm bảo rằng bạn luôn chi tiêu trong khả năng của mình và hạn chế lãng phí. Ngoài ra, bạn cũng nên xác định rõ thu nhập, số tiền chi tiêu mỗi tháng cũng như khoản tiết kiệm cần có cho tương lai.
Xem thêm:
• 6 lời khuyên tài chính hữu ích không phải ai cũng biết
• 7 kiểu tính cách thân thiện nhất trong bài trắc nghiệm tính cách MBTI
• Tài chính lành mạnh: Xu hướng chăm sóc bản thân mới nhất
Người tiết kiệm
Bạn chắc chắn thuộc kiểu tính cách này nếu bạn thích việc tiết kiệm hơn tiêu xài phung phí. Người tiết kiệm thường chi tiêu một cách khéo léo, hợp lý và có kế hoạch. Ngoài ra, họ cũng thích mua sắm với giá hời và rất chú ý đến việc mua hàng của mình. Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu tính cách này đó là họ tiết kiệm quá mức và vô tình trở thành người tính toán, chi li, keo kiệt.
Vì vậy, người tiết kiệm không nên quá chấp nhất những điều nhỏ nhặt. Tiết kiệm là tốt, nhưng nó sẽ trở nên tiêu cực nếu bạn không thể trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống như du lịch, giải trí hoặc tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng. Hãy cố gắng nhìn sự việc đa chiều hơn. Điều đó giúp bạn bớt cực đoan và xét nét với bản thân cũng như các mối quan hệ xung quanh.
BÀI LIÊN QUAN
Người đầu tư
Sở thích kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư là đặc điểm nổi bật nhất của kiểu tính cách này. Người đầu tư thường rất thông thạo về tài chính, thích tìm hiểu về kinh tế, thị trường. Có hai kiểu người đầu tư: kiểu thứ nhất thường cẩn trọng và thích sự an toàn, kiểu thứ hai có xu hướng sẵn sàng đón nhận những rủi ro vì họ tin rằng sự mạo hiểm sẽ mang lại kết quả xứng đáng. Tuy nhiên, nếu gần đây bạn bắt đầu tham gia đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản… hoặc đơn giản là đầu tư bằng app, bạn cũng đừng vội cho rằng mình thuộc kiểu tính cách này mà hãy xem xét lại cách bạn đầu tư và nhiều yếu tố khác để xác định mình thuộc kiểu tính cách nào trong việc quản lý tài chính.
Trên thực tế, không có loại đầu tư nào mà không có rủi ro. Vì vậy, bạn chỉ nên đầu tư khi bạn hoàn toàn có khả năng chịu được tất cả rủi ro đó. Việc đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn giúp bạn xác định rõ nguồn lực tài chính của mình. Đồng thời, hãy đảm bảo bạn đã tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư và không nên làm theo người khác một cách mù quáng.
Giống với kiểu người tiết kiệm, người đầu tư cũng cần nhớ điều quan trọng là phải biết tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Bạn đang đi đúng hướng vì luôn thận trọng và có kế hoạch tài chính tốt. Tuy nhiên, bạn nên dành một khoản ngân sách mỗi tháng để phục vụ nhu cầu giải trí, trải nghiệm và tích lũy cho tương lai.
Xem thêm:
• Cách cân bằng tài chính của cả hai trong một mối quan hệ
• Những giấc mơ nói lên điều gì về tính cách của bạn?
• 10 câu hỏi về quản lý tài chính giúp bạn sống một cuộc đời như ý
Người mắc nợ
Về cơ bản, bạn sẽ thuộc kiểu tính cách này nếu bạn thường vay tiền để chi trả cho sinh hoạt phí hiện tại. Việc ít chú ý đến thói quen chi tiêu khiến bạn có khả năng dùng hết toàn bộ số tiền lương của mình ngay cả trước khi nhận được đợt lương mới. Nhìn chung, điều quan trọng nhất bạn cần làm chính là cải thiện nhận thức để giảm bớt nỗi lo về tài chính.
Đầu tiên, hãy cố gắng theo dõi chi tiêu hằng ngày hoặc hằng tuần của mình. Nếu được, bạn nên sử dụng tiền mặt thay vì thanh toán bằng thẻ hoặc app để dễ kiểm soát chi tiêu hơn. Bạn cũng có thể đi vay để giải quyết tình hình hiện tại, miễn là bạn có kỹ năng quản lý tài chính và biết rằng mình có thể trả được đúng hạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cởi mở hơn với gia đình và bạn bè nếu gặp khó khăn trong vấn đề tiền bạc. Đồng thời, tham khảo các nguồn tư vấn tài chính miễn phí trên mạng nếu cảm thấy không biết nên bắt đầu từ đâu.
Người không nghĩ nhiều về tài chính
Kiểu tính cách này chia làm hai loại: Một là những người không muốn đối diện với thực tại, phớt lờ tất cả vấn đề trong cuộc sống. Hai là những người khá giả về mặt tài chính.
Bất kể bạn là kiểu tính cách nào trong hai loại kể trên, điều quan trọng là bạn phải kiểm soát được tình hình tài chính của mình. “Tiền không phải tất cả” là một quan điểm tích cực nếu bạn nắm vững các kỹ năng quản lý tài chính. Vì vậy, hãy chú ý đến những khủng hoảng liên quan đến vấn đề tiền bạc có nguy cơ xảy ra đối với bản thân trong tương lai. Bạn có thể dành một ngày mỗi tháng để tự xem xét lại vấn đề tài chính của mình, kiểm tra tài khoản ngân hàng, đảm bảo các khoản nợ đã được trả hết và tổng kết xem thu nhập tháng đó là bao nhiêu. Bằng cách này, bạn sẽ dần hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của mình theo thời gian.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Cosmopolitan