Một số thương hiệu thời trang, mỹ phẩm đã bắt đầu cắt kinh phí quảng cáo trên các trang báo hay chi tiền cho việc in ấn poster. Họ chọn một hình thức quảng cáo mới hơn, dễ tiếp cận trực tiếp với khách hàng hơn: Mạng xã hội. Hình thức này chưa chắc đã rẻ tiền hơn so với kiểu quảng cáo cũ, nhưng chắc chắn sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy gần gũi hơn với thương hiệu của mình.
Sự bùng nổ của cách PR mới
Anh Bùi Anh Tuấn, giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Hiki Farm chia sẻ, ban đầu, anh chỉ đưa hình ảnh các mặt hàng thực phẩm tươi sạch của mình lên Facebook để tiện quảng bá cửa hàng, giới thiệu sản phẩm. Bất ngờ thay, sau một thời gian, lượng đơn đặt hàng trên Facebook tăng dần dần. Rất nhiều comment, tin nhắn từ khắp mọi quận huyện của Hà Nội. “Từ đấy tôi lại phải cải tiến phương thức kinh doanh. Tìm hiểu về cách giao hàng, thu tiền, và các chính sách về vận chuyển… Tôi cũng tham dự ngay một khóa học về online marketing để vận dụng vào chuỗi cửa hàng của mình”, anh chia sẻ.
Việc kinh doanh trên Facebook cũng mang đến cho anh Tuấn một thách thức mới về bảo quản các sản phẩm tươi sạch và giữ uy tín. Vì thị trường phát triển hơn, đòi hỏi nguồn cung lớn luôn phải sẵn sàng đáp ứng. Tuy nhiên, các sản phẩm là thực phẩm sạch đòi hỏi bảo quản đúng cách, và không giữ được lâu.
“Có những mặt hàng không phải lúc nào cũng có sẵn trong kho mà khách hàng phải đặt thì tôi mới nhập về. Thế nhưng, làm thế cũng rất bất tiện, không có tính ổn định và mình khó phát triển lớn về sau này”. Chưa kể, một khi đã sử dụng Facebook, những người làm kinh doanh thực phẩm luôn đứng trước việc phải nghe phàn nàn liên tục từ khách hàng, và những lời phàn nàn ấy sẽ được vô số người đọc được chỉ trong vài phút.
Theo anh Tuấn cho biết, kinh nghiệm thành công khi kinh doanh trên Facebook là tính cam kết. Sản phẩm phải đáp ứng đúng chất lượng như những gì mình quảng cáo trên Facebook. Chuyển hàng cho khách hàng đúng hẹn, thái độ phục vụ niềm nở, lễ phép. Nên, khách hàng sẽ quay lại mua tiếp và truyền miệng giới thiệu cho bạn bè biết về cửa hàng.
Tất nhiên, rau sạch không phải là mặt hàng duy nhất được chú ý trên Facebook. Theo nghiên cứu của một công ty về thương mại điện tử trong năm 2013, các lĩnh vực kinh doanh Facebook phát triển nhất là: Dụng cụ thể thao (78%), Nhà hàng quán ăn (71%), Đồ thủ công mỹ nghệ (86%), Sách và văn phòng phẩm (83%).
Qua khảo sát trên 3.500 khách hàng là các shop, cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lĩnh vực máy tính, công nghệ, thời trang, mỹ phẩm, du lịch, máy móc thiết bị công nghiệp giữ mức tăng trưởng 50– 60% so với năm 2012. Trong khi đó, nhóm ngành kinh doanh hiệu quả, đạt doanh số tăng trưởng cao trong năm 2013 là: Thời trang, mỹ phẩm trung bình tăng hơn 60% doanh số, đồ trẻ em doanh số tăng khoảng 50%, đồ điện tử, máy tính công nghệ đạt doanh số tăng hơn 52%.
Độ hot của thương hiệu cá nhân
Từ khi có Facebook, đã xuất hiện thuật ngữ KOLS/Influencer chỉ những người có ảnh hưởng tới một bộ phận xã hội nào đó. Các Agency quảng cáo đã tận dụng triệt để những KOLS này để phục vụ mục đích quảng cáo/PR cho sản phẩm. Tùy vào mức độ nổi tiếng, lượng Friend/Follow và lượt Like/Share mà sẽ có những mức giá khác nhau để mua một Status/Hình ảnh/Link… Giá có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Đa số KOLS là những nhà báo văn hóa. Vì họ nắm nhiều thông tin hậu trường về đời sống nghệ sĩ, khả năng viết lách tốt, nên mỗi status của họ luôn có rất nhiều lượt người Like/Share. Tuy nhiên, cũng thật khó để xác định chắc chắn trong rất nhiều người ấn nút Like ấy, có những ai thực sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo ngầm.
Có những người xây dựng tên tuổi cho mình bằng cách trở thành một nhà bình luận xã hội. Trước một vấn đề thời sự hay các bi kịch của xã hội, những KOLS tương lai phải có khả năng bình luận, đứng về phe nước mắt, thể hiện những bức xúc của số đông, nói được nỗi lòng của những kẻ yếm thế. Nên, cứ dần dần mà nổi tiếng, và các Agency sẽ tự động liên lạc để đặt vấn đề PR.
Tuy nhiên, cái khó của những người làm việc bán status này là làm sao để giữ được uy tín của mình khi quảng cáo cho sản phẩm của người khác. Người theo dõi Facebook không phải là những người khờ khạo, họ sớm nhận ra mình đang phải nghe quảng cáo và mau chóng chán rồi bỏ đi. Có một số người nhận quảng cáo khi đang rất được yêu thích trên mạng xã hội, nhưng sau đó số lượng người theo dõi họ giảm đi nhanh chóng.
Chính vì thế, những người bán status dần dần cũng phải ứng xử như một ngôi sao thứ thiệt. Họ luôn phải giữ hình ảnh bản thân đúng như những gì họ phát biểu và cũng phải luôn nhìn trước ngó sau để không làm mất lòng những người đã trả tiền cho mình. Không phải cứ có tiền là chủ thương hiệu có thể thuyết phục được các hot Facebooker bán quảng cáo. Nhiều người có tới hàng chục nghìn người theo dõi trên mạng xã hội, nhưng vẫn nói Không khi được mời bán status của mình.
Đây là một sự đánh đổi không phải dễ dàng nhưng vẫn được những người coi kinh doanh thương hiệu cá nhân là một công việc thực sự chấp nhận. Và có thể, nhờ thế, họ càng biết cách sử dụng thương hiệu cá nhân của mình hiệu quả hơn trong tương lai.
Cái khó khác của việc kinh doanh trên mạng xã hội chính là sự quá dễ dàng trong quá trình truyền tin. Mỗi ngày, người sử dụng Facebook nhìn thấy vô vàn thông tin từ newsfeed. Đối tượng mà họ quan tâm không bao giờ chỉ có một, và sự quan tâm của họ cũng nhanh chóng biến mất khi có gì đó mới mẻ hơn. Giữ được cái tên thương hiệu của mình trên newsfeed của người dùng có lẽ là một bài toán mà cả người bán lẫn người mua status đều đau đầu, vì không có gì khó đoán và mau chóng biến đổi như mạng xã hội.
Xem thêm
9 điều lưu ý với Facebook sau khi chia tay
Thổ dân nghiện rượu, nhân loại nghiện facebook
Nhóm thực hiện
Bài: Đăng Ninh - Minh họa: Left Studio