Lifestyle / Bí quyết sống

7 kỹ năng cần thiết giúp bạn giải quyết mọi mâu thuẫn

Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong mọi mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ lành mạnh nhất. Vì thế, thay vì sợ hãi hay cố gắng tránh né, bạn nên tiếp cận mâu thuẫn theo cách tích cực và mang tính xây dựng, biến chúng thành cơ hội để hai bên thấu hiểu và gắn kết sâu sắc hơn.

Khi không được xử lý hoặc xử lý sai cách, mâu thuẫn có thể trở thành nguyên nhân gây ra những rạn nứt nghiêm trọng giữa hai bên. Ngược lại, nếu được giải quyết hiệu quả, chúng sẽ tạo điều kiện để cả hai thêm thấu hiểu nhau hơn. Sau đây là những kỹ năng cần thiết giúp bạn giải quyết mọi mâu thuẫn một cách tích cực, góp phần xây dựng mối quan hệ bền vững và tốt đẹp.

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong các mối quan hệ

Nhu cầu cá nhân giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền lâu. Tuy nhiên, trong hầu hết các mối quan hệ, sự khác biệt và bất đồng về giá trị, động cơ, nhận thức, ý tưởng hoặc mong muốn giữa mỗi người là điều khó có thể tránh khỏi. Những khác biệt này đôi khi không quá nghiêm trọng, nhưng vẫn có khả năng tạo ra xung đột về nhu cầu, từ đó dẫn đến mâu thuẫn. Do đó, bạn nên chủ động nhận diện và sẵn sàng xem xét những nhu cầu xung đột với thái độ cởi mở để giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh, giúp mối quan hệ thêm bền chặt và gắn bó.

hai cô gái mâu thuẫn với nhau
Ảnh: Pexels/Tatiana Fet

7 kỹ năng cần thiết giúp bạn giải quyết mọi mâu thuẫn

1. Tìm cách giảm căng thẳng nhanh chóng

Khả năng giảm căng thẳng nhanh chóng là chìa khóa giúp bạn duy trì sự cân bằng, tập trung và kiểm soát tình huống trong mọi thử thách. Nếu thiếu kỹ năng này, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái choáng ngợp khi gặp mâu thuẫn và khó phản ứng theo những cách lành mạnh. 

Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để xoa dịu căng thẳng ngay lập tức là vận động hoặc kích thích các giác quan như thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Chẳng hạn, bạn có thể thử bóp một quả bóng giảm căng thẳng, ngửi một mùi hương thư giãn, thưởng thức một tách trà thanh mát hoặc ngắm nhìn một bức ảnh yêu thích. Ngoài ra, vì mỗi người có xu hướng phản ứng khác nhau với các thông tin đầu vào từ giác quan, bạn cũng nên dành thêm thời gian để khám phá những món đồ hoặc hoạt động khác giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.

2. Nhận diện cảm xúc

Nhận diện cảm xúc không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của bản thân mà còn tạo điều kiện cho bạn nắm bắt cảm xúc của người khác. Đây là nền tảng quan trọng góp phần cải thiện khả năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn. Dù vậy, kỹ năng này lại dễ bị phớt lờ, nhất là khi bạn phải đối diện với những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ, buồn bã và sợ hãi. Tuy nhiên, né tránh những cảm xúc này có thể hạn chế khả năng xử lý xung đột của bạn, khiến mâu thuẫn càng thêm nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.

cô gái giải quyết mâu thuẫn
Ảnh: Pexels/Diana

3. Nắm bắt ngôn ngữ không lời

Khi xảy ra mâu thuẫn, lời nói của một người có thể không phản ánh đúng suy nghĩ và cảm xúc thực sự của họ. Ngược lại, các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt, tư thế, cử chỉ và giọng nói lại có thể tiết lộ những gì họ đang suy nghĩ. Chú ý đến những dấu hiệu này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất của vấn đề, cũng như tìm cách phản hồi đối phương một cách tinh tế và hợp lý để tránh gia tăng căng thẳng.


Xem thêm

• 3 bộ phim đề tài nữ quyền bạn không nên bỏ lỡ trong tháng 11/2024

• 6 mẹo nhỏ giúp bạn có thể làm mới mối quan hệ

• 5 cung hoàng đạo có khả năng phát triển mạnh mẽ dưới áp lực


4. Tập trung vào hiện tại

Nếu tiếp tục giữ cảm xúc tiêu cực từ những xung đột trong quá khứ, khả năng nhìn nhận thực tế của bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, thay vì liên tục nhìn lại và đổ lỗi, bạn nên tập trung vào những gì bản thân có thể làm ở hiện tại để cải thiện tình hình theo hướng tích cực hơn.

cô gái gặp mâu thuẫn
Ảnh: Pexels/Nayla Bernardes

5. Lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động là hành vi đảm bảo đối phương được lắng nghe và thấu hiểu. Thói quen lắng nghe chủ động và tích cực cho phép bạn kết nối sâu với nhu cầu, cảm xúc của chính mình và người khác. Đồng thời, kỹ năng này còn tạo điều kiện để bạn xây dựng lòng tin với đối phương và khiến họ thêm sẵn sàng tiếp nhận quan điểm của bạn, từ đó cùng tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn hợp lý nhất. Kỹ năng này cũng giúp bạn tránh gây hiểu lầm ở nơi làm việc, xây dựng lòng tin vững chắc trong các mối quan hệ tình cảm, giúp cho bạn và gia đình cảm thấy được quan tâm và lắng nghe. 

Thông thường, khi lắng nghe chủ động, bạn cần kết hợp với các động tác như gật đầu, duy trì giao tiếp bằng mắt và không ngắt lời đối phương. Bên cạnh đó, bạn cũng phải cho đối phương thấy rằng bạn đang thật sự lắng nghe từ góc nhìn của họ, cảm nhận và đồng cảm với những gì họ đang trải qua.

6. Sẵn sàng tha thứ

Nuôi dưỡng sự thù hằn sau mỗi lần tranh cãi không chỉ làm mâu thuẫn giữa hai bên thêm trầm trọng hơn, mà còn khiến tinh thần bạn trở nên mệt mỏi và kiệt quệ. Vì vậy, nếu có thể, bạn nên sẵn sàng tha thứ cho đối phương để cải thiện tình hình và giải phóng chính mình khỏi những cảm xúc tiêu cực.

cô gái tóc vàng mặc váy trắng
Ảnh: Pexels/Polina

7. Giao tiếp hài hước

Bạn có thể tránh được nhiều cuộc xung đột và giải quyết những mâu thuẫn bằng cách sử dụng lối giao tiếp hài hước. Kỹ năng này giúp bạn truyền đạt những điều khó nói mà không làm tổn thương người khác, cũng như góp phần xoa dịu căng thẳng. Song, bạn cần giao tiếp một cách khéo léo để tránh khiến đối phương hiểu lầm rằng bạn không nghiêm túc hoặc đang chế giễu họ.

Nhóm thực hiện

Bài: Khiết Minh

Tham khảo: HelpGuide

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)