Người “hung hăng thụ động” thường thích làm người khác nổi giận và mất bình tĩnh, trong khi họ vẫn tỏ ra thản nhiên và cư xử như thể mình chẳng làm gì sai. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải có các kỹ năng giao tiếp phù hợp để cải thiện mối quan hệ và giúp họ thay đổi.
ĐỊNH NGHĨA NGƯỜI “HUNG HĂNG THỤ ĐỘNG”
Những người “hung hăng thụ động” thường không bao giờ công khai thể hiện sự gây hấn của họ trong giao tiếp. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang chơi trò chơi trí tuệ với họ mặc dù bạn không hề đăng ký. Sự gây hấn thụ động là một hình thức của sự tức giận, được thể hiện bằng một nụ cười thay vì những biểu hiện như cau có, giận dữ… một cách trực tiếp. Dưới đây là một số ví dụ:
- Chồng bạn mang về nhà thêm một một ly kem sau khi bạn đặc biệt yêu cầu anh ấy không làm điều này bởi vì bạn đang cố gắng giảm cân.
- Một người bạn liên tục đến trễ một tiếng đồng hồ trong buổi hẹn ăn tối khiến bạn phải chờ đợi nhiều lần.
- Một đồng nghiệp luôn hứa sẽ giúp đỡ bạn trong một dự án nhưng lại chẳng có bất kỳ động thái nào.
Hành vi “hung hăng thụ động” đi từ khó chịu đến thao túng và trừng phạt. Điều này khác với việc thỉnh thoảng lơ đãng, lười biếng hoặc bận rộn. Sự gây hấn thụ động thường lặp đi lặp lại và có một sự giận dữ ngấm ngầm đi kèm. Những người “hung hăng thụ động” thường hứa hẹn bất cứ điều gì với bạn nhưng sau đó thường làm ngược lại. Họ che giấu sự tức giận bên dưới một bề ngoài vui vẻ tuân thủ. Họ không đưa ra câu trả lời thẳng thắn mà thường có những lời đáp mơ hồ như là “Tôi sẽ cố gắng khắc phục”, “Tôi sẽ liên lạc với bạn sau”… Cuối cùng, họ không làm theo nên bạn lại tiếp tục nhắc nhở.
Họ thường được sinh ra trong các gia đình nguyên tắc – nơi rất khó thể hiện sự tức giận một cách tự nhiên và thoải mái nhất. Họ thích nghi bằng cách chuyển những cảm xúc này vào những hành vi ít rõ ràng hơn, điều này mang lại cho họ cảm giác sở hữu quyền lực và sự kiểm soát. Họ là bậc thầy trong việc trốn tránh trách nhiệm bằng cách làm tổn thương người khác theo những cách có vẻ vô tình hoặc không thể tránh khỏi. Những người “hung hăng thụ động” nhồi nhét sự tức giận vào hành vi và sau đó gián tiếp truyền qua bạn.
chúng ta nên có kỹ năng giao tiếp như thế nào khi gặp những người “hung hăng thụ động”?
1. Giữ thái độ tích cực
Lối suy nghĩ tích cực chính là cách hữu hiệu giúp bạn đối phó với các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Những người “hung hăng thụ động” thường khiến bạn đi vào con đường tiêu cực. Giữ thái độ lạc quan nghĩa là bạn không đưa bản thân mình xuống “ngang hàng” với họ thông qua việc trả đũa lại cũng bằng thái độ hung hăng. Không la hét, giận dữ quá mức hoặc có những hành vi vô văn hóa. Nếu giữ được sự tích cực, bạn sẽ ở trong trạng thái tốt hơn để giải quyết vấn đề.
2. Tập trung vào chính mình
Khi tiếp xúc với kiểu người này, bạn nên tập trung vào chính bạn thay vì tập trung vào người đó. Thái độ của họ sẽ kiểm tra độ kiên nhẫn của bạn. Bạn phải đầu hàng ý tưởng rằng những người này sẽ thay đổi mà không cần bạn lên tiếng. Họ không có động lực để thay đổi trừ khi có ai đó cảnh báo họ về hành vi của mình. Tuy nhiên, có những tình huống không phù hợp để lên tiếng trực tiếp, chẳng hạn như khi bị một ông chủ trả thù hoặc sa thải, bạn nên để cảm giác ấm ức qua đi bằng cách chấp nhận sự bất lực trong việc thay đổi đối phương.
3. Thẳng thắn với họ
Bạn nên nói với người đó một cách trực tiếp nhưng với thái độ không gay gắt, cho họ biết rằng hành vi của họ đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Với giọng điệu điềm tĩnh, bạn hãy nói với một người luôn luôn đi muộn rằng bạn sẽ rất cảm kích nếu họ có thể đến đúng giờ khi cả hai ra ngoài ăn tối. Sau đó bắt đầu xem xét phản ứng của họ. Họ có thể sẽ hứa hẹn đủ điều, tuy nhiên hãy chờ xem độ đến đúng giờ có cải thiện hay không. Nếu họ lảng tránh hoặc đưa ra lời bào chữa, hãy yêu cầu họ làm rõ về cách giải quyết vấn đề. Nếu không có gì thay đổi, hãy tiếp tục đặt giới hạn hoặc ngừng lập kế hoạch cho bữa tối.
4. Cố gắng thấu hiểu
Người “hung hăng thụ động” có thể che giấu những vấn đề từ thuở ấu thơ khiến họ khó bộc lộ cảm giác của mình. Vì vậy, bạn có thể dành thời gian để lắng nghe tâm tư của người ấy. Biết đâu sau cuộc trò chuyện thân mật, họ trở nên cởi mở hơn và bạn sẽ biết rõ nguyên nhân khiến đối phương trở thành người như vậy. Sự thấu hiểu và cảm thông luôn là “chìa khóa” vàng để cải thiện bất cứ mối quan hệ nào.
Tóm lại, điều cần lưu ý khi giao tiếp với một người “hung hăng thụ động” là bạn cần có kỹ năng làm chủ phản ứng và thái độ của chính mình trước khi tìm cách để kiểm soát hành vi của họ.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Minds Journal Lược dịch: Thu Trang