Lifestyle / Bí quyết sống

Kỹ năng sống: 11 cách giúp bạn giữ được sự bình tĩnh khi nóng giận

Duy trì sự bình tĩnh trong cơn nóng giận là một kỹ năng sống vô cùng cần thiết. Nếu biết cách kiềm chế cảm xúc và cư xử đúng mực, bạn sẽ dễ dàng đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống.

Khi cơn bực tức bất ngờ ập đến, cảm xúc bất mãn dâng trào mãnh liệt, làm thế nào để chúng ta lấy lại sự điềm tĩnh và khôn ngoan? 11 gợi ý đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn nắm vững kỹ năng sống quan trọng này.

cô gái giận dữ cần học kỹ năng sống
Ảnh: Unsplash

1. Tự hỏi sự tức giận này liệu có hợp lý

Cơn giận dữ như một ngọn lửa hung hăng thiêu đốt tâm trí chúng ta bằng hàng tá cảm xúc tiêu cực. Lúc này, bạn hãy chịu khó lùi lại một bước, hít thở thật sâu và ngẫm nghĩ về lý do khiến bạn bức xúc.

Theo tiến sĩ tâm lý học Lauren Appio, trước lúc cố gắng hóa giải cơn giận, hãy tự xem xét cách phản ứng của bản thân. Khi ở trong trường hợp của bạn, người khác có tức giận không? Nếu họ vẫn ổn thì bạn cũng nên như vậy. Việc tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn cởi mở, khách quan sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát cơn giận hơn.

2. Gọi tên những cảm xúc có thể bị lu mờ bởi cơn giận

Rất nhiều cảm xúc có thể đang bị che giấu bởi cơn tức giận hiện tại của bạn như cảm giác yếu đuối, sợ hãi, tổn thương, bối rối… Vì vậy, khi đối mặt với cơn thịnh nộ, bạn nên kiên nhẫn chờ nó trôi qua mà không làm gì cả. Hãy chui vào một góc tĩnh lặng để trò chuyện cùng chính mình, tìm cách kết nối với những cảm xúc sâu thẳm trong trái tim. Một khi bạn có thể xác định và giải quyết mớ cảm xúc hỗn độn bị chôn vùi phía sau, cơn tức giận sẽ từ từ lắng xuống và tan biến. Đây là một phương pháp hiệu quả giúp bạn đối mặt với cơn sóng cảm xúc mãnh liệt và làm chủ kỹ năng sống cần thiết này.

cô gái không vui vẻ
Ảnh: Unsplash

3. Tạm rời văn phòng

Trong cuốn Anger Management Essentials: A Workbook for People, nhà trị liệu Anita Avedian khuyên chúng ta rời khỏi văn phòng và thong thả tản bộ để mau nguôi cơn giận. Cô giải thích rằng, khi đi bộ, cơ thể sẽ giải phóng hormone Endorphin giúp giảm đau và hạn chế căng thẳng. Nếu đang tranh cãi với đồng nghiệp, bạn nên ra ngoài khoảng 20 phút và tiếp tục câu chuyện ngay sau khi quay lại.

4. Trò chuyện cùng đứa trẻ sâu bên trong bạn

kỹ năng sống nói chuyện với chính mình
Ảnh: Odyssey

Nhà tâm lý học Margaret Paul cho biết, trong một số trường hợp, việc cảm thấy tức giận với người khác chứng tỏ bạn đang không quan tâm bản thân đúng mực. Vì vậy, hãy lắng nghe tiếng nói thẳng thắn của đứa trẻ bên trong con người bạn. Điều này sẽ làm bạn thêm bình tĩnh và cân bằng.

Thử tưởng tượng cơn giận dữ như một đứa trẻ đang quấy khóc. Bạn hãy hỏi xem vì sao nó lại cư xử như vậy. Nó đang trách hờn bạn vì điều gì? Có phải do bạn đã không lên tiếng bảo vệ chính mình? Liệu bạn có đang phớt lờ cảm giác đau lòng, cô đơn, bất lực của bản thân không?

5. Học cách cảm nhận sự xuất hiện của cơn giận

Đã bao giờ bạn vô cớ trút giận lên những người xung quanh để rồi sau đó cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ? Nhiều người không nhận ra họ đang tức giận cho tới khi những cảm xúc tiêu cực khiến họ làm tổn thương người khác.

Theo nhà tâm lý học Sari Chait, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến các phản ứng vô thức của cơ thể như vai run rẩy, nghiến răng, nắm chặt bàn tay… Việc quan sát, theo dõi và ghi chú những dấu hiệu này sẽ giúp bạn chủ động kiềm chế cảm xúc trước khi cơn giận bùng nổ.

6. Thả lỏng cơ thể

Để nắm bắt kỹ năng sống giữ bình tĩnh, bạn cần biết cách thả lỏng cơ thể bởi hầu hết chúng ta đều trải qua một số căng thẳng nhất định về mặt thể chất khi tức giận. Vì vậy, hãy massage nhẹ nhàng vùng vai, cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Cách làm này sẽ giảm bớt sự mệt mỏi về mặt thể chất cũng như xoa dịu tinh thần đáng kể.

7. Xem những thứ thú vị và hài hước

Khi tức giận, chúng ta nên dành thời gian theo dõi những video dí dỏm trên YouTube, các tập phim sitcom vui vẻ, thậm chí chọc cười hội bạn thân… Những nụ cười sảng khoái sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực giúp bạn vượt qua những cảm xúc rối ren trong lòng.

cô gái vui vẻ đi dạo
Ảnh: Unsplash

8. Tự hỏi liệu người khiến bạn giận dữ có CỐ Ý làm tổn thương bạn

Khi tiếp nhận một lời nhận xét không lọt tai từ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, bạn có đang đói bụng, căng thẳng hay mệt mỏi không? Bởi những trạng thái này khiến đầu óc chúng ta phân tâm và dễ hiểu lầm lời nói của người khác hơn đấy! Bạn cần suy nghĩ xem liệu đối phương đang cố tình phê bình, chỉ trích bạn hay họ chỉ muốn đưa ra góp ý thẳng thắn nhằm giúp bạn tiến bộ. Đừng để sự hiểu lầm hủy hoại các mối quan hệ của bạn nhé!

cô gái buồn bã
Ảnh: Unsplash

9. Viết một lá thư

Các chuyên gia khuyên rằng, chúng ta nên viết vài dòng cho người mình đang tức giận, một lá thư bạn không bao giờ gửi đi mà chỉ giữ cho riêng mình. Trong thư, hãy chân thành bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và trăn trở của bạn về vấn đề hiện tại với đối phương. Điều này sẽ mang đến cho bạn một cơ hội mới để nhìn nhận câu chuyện cũ với tâm thế lạc quan và nhẹ nhõm hơn.

10. Lắng nghe vài giai điệu yêu thích

Nhà trị liệu Sherry Shockey-Pope cho biết, lắng nghe một bản nhạc yêu thích (bài hát gắn liền với những ký ức vui vẻ, hạnh phúc) là một cách tuyệt vời để xua tan nỗi bực dọc. Những giai điệu du dương, truyền cảm sẽ khiến cảm xúc của bạn lắng xuống và dịu dàng hơn. Cô cũng lưu ý rằng, những bài hát 60 – 80 nhịp/phút (gần bằng nhịp tim) rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, hãy lập ra một list nhạc yêu thích để tự xoa dịu tâm hồn vào những ngày âm u, buồn bã.

cô gái đi dạo dưới nắng học kỹ năng sống bình tĩnh
Ảnh: Unsplash

11. Tự chăm sóc bản thân

Tự chăm sóc bản thân là kỹ năng sống cần thiết trong mọi tình huống. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái, bạn sẽ trở nên bình tĩnh và tích cực hơn. Do đó, những cơn giận vô cớ cũng không xuất hiện thường xuyên như trước. Hãy tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, theo đuổi sở thích cá nhân… để trở thành một cô gái năng động và hoàn hảo hơn mỗi ngày, bạn nhé!

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Buzz Feed
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)