5 kỹ thuật giúp bạn chữa lành sau tổn thương trong quá khứ và tha thứ cho bản thân
Đôi khi, tổn thương trong quá khứ để lại những vết sẹo vô hình, chúng lấy đi sự hồn nhiên, tích cực của một người và rất lâu mới có thể lành lại. Những tổn thương này khiến bạn cảm thấy như bị mắc kẹt trong quá khứ và không thể tiến về phía trước để đón nhận một cuộc sống mới. Vậy làm sao để vượt qua tình trạng này và tha thứ cho bản thân?
Chữa lành từ những tổn thương là một hành trình đòi hỏi thời gian, nhẫn nại và học cách yêu thương bản thân. Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta đều có thể vượt qua nỗi đau một cách dễ dàng và thuận lợi. Một tư duy lành mạnh cùng những chiến lược phù hợp sẽ giúp bạn tiến về phía trước và nhanh chóng đạt được mục tiêu chữa lành của mình. Dưới đây là 5 kỹ thuật cơ bản giúp bạn chữa lành sau tổn thương trong quá khứ và tha thứ cho bản thân.
Những loại tổn thương mà bạn gặp phải
Tổn thương có thể đến từ những trải nghiệm không đáng nhớ như việc bị bạo hành, mất mát, tai nạn hoặc chứng kiến bạo lực. Đặc biệt, chúng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách khác nhau và tạo nên những vết sẹo vô hình trong tâm hồn. Một số triệu chứng tâm lý thường gặp ở người tổn thương có xu hướng liên quan đến rối loạn lo âu, trầm cảm… Vì thế, hiểu được bản chất của từng loại tổn thương sẽ giúp bạn xác định rõ cội nguồn của vấn đề và tìm kiếm phương pháp trị liệu phù hợp. Sau đây là 3 loại tổn thương mà chúng ta thường gặp:
- Tổn thương cấp tính: Dạng tổn thương này là hệ quả từ một sự cố đơn độc, ví dụ như một vụ tai nạn hoặc thảm họa thiên nhiên.
- Tổn thương mãn tính: Dạng tổn thương này xuất hiện khi bạn liên tục chứng kiện các sự kiện căng thẳng, lặp đi lặp lại như các vụ bạo lực gia đình, học đường hoặc bệnh nặng kéo dài.
- Tổn thương phức tạp: Đây là dạng tổn thương xuất hiện khi nhiều sự kiện nặng nề, căng thẳng xảy ra, có liên quan đến một cá nhân cụ thể và mang tính xâm phạm.
Sau khi biết được loại tổn thương nào bản thân đang đối diện, bạn có thể nhanh chóng tìm ra chiến lược chữa lành phù hợp với tình trạng và mong muốn của chính mình.
Cách chữa lành từ những tổn thương quá khứ và tha thứ cho bản thân
Quá trình chữa lành đòi hỏi khả năng nhận thức và tự trò chuyện với bản thân. Bằng cách quan sát và lắng nghe chính mình, bạn có thể hiểu rõ hơn về cách phản ứng của cơ thể trước các tình huống căng thẳng và phức tạp. Sự thật này giúp bạn nhận ra những khả năng kích hoạt có thể dẫn đến sự hình thành và dồn nén của cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, bạn đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia nếu cần thiết, bởi vì họ có thể cung cấp những công cụ và phương pháp hiệu quả để hỗ trợ bạn trong quá trình chữa lành. Các chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tổn thương, hướng dẫn bạn cách xử lý cảm xúc và phát triển kỹ năng đối phó với những cơn cơn hoảng loạn (panic attack) – một tình trạng tâm lý gây nên sự bùng phát đột ngột của cảm giác lo âu hoặc sợ hãi mãnh liệt.
1. Thực hành chánh niệm và viết nhật ký
Một trong những phương pháp giúp bạn nâng cao nhận thức là thực hành chánh niệm. Đây là phương pháp thực hành sâu sắc, giúp bạn kết nối với bản thân và hiểu rõ bản ngã của chính mình. Chánh niệm cho phép bạn tập trung vào hiện tại, giảm căng thẳng và nhìn nhận mọi sự việc ở một tầm cao mới. Bạn có thể dành 5-10 phút mỗi ngày để thực hành chánh niệm bằng cách tựa lưng vào một góc yên tĩnh và tập trung vào hơi thở mà không đưa ra bất kỳ đánh giá hay phán xét nào về những suy nghĩ của mình. Khi thực hành chánh niệm lâu dài, bạn có thể hình thành một thói quen tốt, giúp bản thân dễ dàng kiểm soát, cân bằng cảm xúc trong mọi tình huống.
Một phần quan trọng của cuộc sống chính là nhìn lại, suy ngẫm và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để bạn ghi chép lại những kỷ niệm đáng nhớ. Đồng thời đây là cách giúp bạn thể hiện cảm xúc và nhận ra những vòng lặp tiêu cực bên trong tâm hồn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng biết cách xử lý những dòng chảy độc hại và dọn chỗ cho những suy nghĩ tích cực, bình yên.
2. Áp dụng các phương pháp trị liệu cảm xúc
Sự trợ giúp từ các phương pháp trị liệu chuyên nghiệp là một phần không thể thiếu trong hành trình chữa lành của bạn. Đặc biệt với những trường hợp rối loạn lo âu, căng thẳng tổn thương nghiêm trọng và bạn không thể tự mình thoát ra khỏi tình trạng ấy, sự can thiệp từ các chuyên gia, nhà trị liệu chuyên nghiệp sẽ giúp bạn không đơn độc trên hành trình chống lại những cảm xúc khó khăn và tiếp nhận phương pháp điều trị hiệu quả với phác đồ chuyên môn của họ.
Các loại trị liệu giúp chữa lành và tha thứ
- Trị liệu kể chuyện: Bằng cách kể lại câu chuyện của mình từ một góc nhìn mới, bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận về trải nghiệm đau khổ và ký ức trong quá khứ. Cách tiếp cận này cho phép bạn kiểm soát những sự việc đã xảy ra, đồng thời giúp bạn tự tin và hình dung bản thân không phải là nạn nhân của bất kỳ bi kịch nào.
- Trị liệu nghệ thuật: Thể hiện cảm xúc thông qua nghệ thuật là phương pháp tuyệt vời để giải phóng những suy nghĩ và cảm xúc khó diễn tả. Bạn có thể thực hiện một số hoạt động đơn giản như vẽ, sơn tranh, điêu khắc trị liệu… để kết nối sâu sắc với bản thân và khám phá khả năng sáng tạo của chính mình.
- Trị liệu Somatic Experiencing: Khác với những phương pháp khác, Somatic Experiencing tập trung vào việc giải phóng năng lượng bị mắc kẹt trong cơ thể do những trải nghiệm đau khổ từ quá khứ. Thay vì chỉ tập trung vào việc nói về cảm xúc, phương pháp trị liệu này giúp người trải nghiệm nhận biết và giải phóng những cảm giác vật lý liên quan đến chấn thương như căng cứng cơ, đau nhức hay cảm giác tê liệt. Bằng cách tập trung chữa lành cơ thể, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn và phát triển khả năng tự hồi phục chấn thương tâm lý.
- Kỹ thuật Tự do cảm xúc (EFT – Emotional freedom techniques): Khi trải qua những cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể gặp sự tắc nghẽn năng lượng trong cơ thể. Do đó, EFT (Emotional free techniques) là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả, kết hợp giữa các nguyên tắc của y học cổ truyền Trung Quốc và tâm lý học hiện đại nhằm giải tỏa những tổn thương bằng cách nhẹ nhàng kích thích các điểm huyệt trên cơ thể. Điều này giúp ổn định hệ thần kinh, giảm căng thẳng và cho phép cơ thể tự chữa lành.
- Chữa lành bằng âm thanh: Âm thanh có khả năng tác động đến cơ thể và tâm trí con người. Bằng cách thực hiện các kỹ thuật ví dụ như trị liệu chuông xoay, cồng hoặc âm thoa – những phương pháp được sử dụng để tạo ra những rung động cộng hưởng với cơ thể, bạn có thể thư giãn đồng thời giải phóng cảm xúc và năng lượng tiêu cực.
3. Thực hành những kỹ thuật tự yêu thương
Chữa lành và tha thứ cho bản thân có thể được xem là phần khó khăn nhất trong hành trình vượt qua tổn thương trong quá khứ. Nó đòi hỏi bạn chấp nhận bản ngã của chính mình, đồng thời hiểu rằng việc mắc sai lầm và trải qua đau đớn là những gia vị đa sắc của cuộc sống và giúp bạn trưởng thành hơn. Chữa lành không đơn thuần là vượt qua tổn thương và chấp nhận bản thân, đó còn là quá trình học cách bao dung và tự yêu thương chính mình. Khi yêu thương bản thân trọn vẹn, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy bình yên và hạnh phúc trong tâm hồn.
Đầu tiên, bạn cần nhận ra nỗi đau của chính mình. Đừng ngần ngại thừa nhận bản thân đang đau khổ và trải qua giai đoạn khó khăn. Việc chấp nhận cảm xúc của mình là bước ngoặt quan trọng giúp bạn tìm cách giải phóng nỗi đau. Sau đó, bạn nên học cách đối xử với bản thân một cách tử tế. Bạn có thể tự nói với chính mình bằng những lời khuyên tích cực, lời động viên và an ủi như thể bạn đang nói với những người mình yêu quý. Nhờ thế, bạn sẽ cảm thấy có thêm động và tự tin hơn vào bản thân và khả năng của chính mình. Cuối cùng, bạn nên tự nhắn nhủ bản thân rằng đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi việc mắc lỗi và trải qua những giai đoạn tăm tối trong cuộc sống, và cách chúng ta vượt qua sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ và vững vàng hơn trên những chặng đường sắp tới. Khi nhận ra được điều này, bạn sẽ không còn cảm thấy đơn độc trên hành trình chữa lành. Bạn sẽ cảm thấy có kết nối hơn với những người xung quanh và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách như những trải nghiệm, bài học để trưởng thành và tốt hơn mỗi ngày.
4. Thiết lập ranh giới
Thiết lập ranh giới là một kỹ năng quan trọng giúp bạn bảo vệ bản thân và duy trì sức khỏe tinh thần ổn định. Khi hiểu rõ và thực hành việc thiết lập ranh giới thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy tự tin và an toàn hơn. Những loại ranh giới chúng ta thường gặp đó là: ranh giới vật lý – giúp bạn bảo vệ không gian cá nhân và cơ thể của chính mình, ranh giới cảm xúc – giúp bạn cảm thấy thoải mái, bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân và không chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác, và cuối cùng là ranh giới thời gian – giúp bạn quản lý quỹ thời gian một cách hiệu quả để tránh kiệt sức và đảm bảo bạn có đủ thời gian để chăm sóc bản thân.
Bước tiếp theo bạn có thể thực hiện đó chính là hành động để có được ranh giới cho riêng mình. Đầu tiên, bạn nên xác định nhu của bản thân và hiểu rõ những gì sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái, an toàn. Sau đó, hãy mạnh dạn giao tiếp về giới hạn của mình để người khác tôn trọng quyền riêng tư và mong muốn của bạn. Cuối cùng, bạn nên suy nghĩ rằng việc thiết lập ranh giới là một quá trình không hề dễ dàng, nhưng nó là một phần quan trọng trong việc bảo vệ bản thân và duy trì sức khỏe. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và kiên quyết trong việc thiết lập và thực thi ranh giới để đảm bảo sự bình yên và thư thái của bản thân nhé!
Xem thêm:
• 8 dấu hiệu tình yêu cho thấy đối phương là người phù hợp để kết hôn
• 5 cách hữu ích giúp bạn chữa lành cảm xúc của bản thân
• 6 thói quen nhỏ đang cản trở bạn thành công
5. Tiến về phía trước để chữa lành từ những tổn thương quá khứ
Trong hành trình chữa lành, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chênh vênh và vô định khi phải đối mặt với những khó khăn ập đến bất ngờ. Tuy nhiên, mỗi chướng ngại đều là một bài học trên đường đời, là cú hích cho sự trưởng thành, giúp chúng ta tỉnh táo và không mắc lại những sai lầm cũ, học cách yêu thương chính mình và những điều quan trọng nhiều hơn.
Để đạt được điều đó, bạn nên phân chia hành trình phục hồi tổn thương thành những mục tiêu và bước nhỏ. Thực hành từng bước sẽ giúp bạn dần cảm thấy tự tin với những nỗ lực của bản thân và không cảm thấy áp lực bởi các yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, bạn có thể tự khen thưởng bản thân sau mỗi tiến bộ và thành tựu nhỏ. Những lời tự động viên sẽ cho bạn thêm động lực để vững bước và tiếp tục chữa lành. Thêm vào đó, duy trì một trạng thái tích cực và hy vọng vào tương lai sẽ giúp bạn hình dung về một cuộc sống tốt đẹp hơn – điều bạn xứng đáng nhận được.
Bài: Anh Huy
Tham khảo: The Minds Journal