Lifestyle / Bí quyết sống

Ask ELLE: Những xúc cảm rối bời trong tình yêu và công việc

Nếu cảm xúc của bạn đang rối bời, hãy hít thở thật sâu và ngồi lại với ELLE, kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của bạn nhé!

Chào ELLE, tôi đang trong tình thế rối bời. Tôi đã có một người bạn trai bằng tuổi, thanh mai trúc mã, đã gắn bó với tôi gần 10 năm. Dù anh chưa cầu hôn nhưng gia đình hai bên chỉ còn chờ chúng tôi làm đám cưới. Thế nhưng, khi tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn cho một chuyến công tác, tôi đã gặp một người khác. Từ một cuộc trò chuyện hợp ý nhau, chúng tôi đã thành bạn và giữ liên lạc suốt nửa năm qua. So với bạn trai tôi, người mãi chẳng trưởng thành, “người khác” này chín chắn, điềm đạm, có đam mê và biết mình muốn gì. Hôm qua, anh bay ra để nói lời yêu tôi, nhưng tôi chưa thể đáp lại gì. Vì tôi không chắc cảm xúc mình dành cho anh là chín chắn hay chỉ là say nắng. Tôi cũng không biết cách phải nói gì với người yêu. Tôi nên làm gì?

Phân Vân thân mến. Chắc ELLE sẽ phải thừa nhận là chúng tôi chẳng có lời khuyên chính xác nào cho bạn. Như bất kỳ ai được nghe câu chuyện của bạn, ELLE mong bạn hãy lắng nghe trái tim mình. Hãy tạm gác lại sự so sánh hai người đàn ông mà nhìn vào cảm xúc của chính bạn. Bạn đang yêu ai? Chuyện sáu tháng hay 10 năm không quan trọng bằng việc cuối cùng bạn muốn có một người đồng hành như thế nào. Chuyện say nắng cũng có thể, vì nếu nhìn sâu vào những gì bạn kể, có vẻ bạn đang bất mãn với mối tình hiện tại, và sự xuất hiện của một người khác sẽ chỉ giống như ánh đèn pha rọi sáng cho cảm giác bất mãn đó mà thôi. Nhưng, cũng có thể, vì đã đến độ tuổi trưởng thành, bạn cần một người chín chắn và quyết liệt hơn để đồng hành cùng mình, và đã may mắn gặp được người đó. Hãy xem lại chính xác xem tại sao mình lại có cảm xúc với người mới. Và khi đã biết chắc, dù chọn ra đi hay ở lại, bạn cũng nên nói chuyện với người hiện tại. Bởi vì mối quan hệ của các bạn hẳn đang có sự lung lay rồi đấy.

cô gái ngồi suy tư
Ảnh: Pexels/Yaroslav Shuraev

Trước khi đặt câu hỏi, tôi muốn miêu tả một chút về ngoại hình của mình. Tôi thích để tóc ngắn, luôn luôn có áo khoác ngoài oversize, luôn luôn đi giày sneakers và thường xuyên diện quần jeans. Tôi thấy cách ăn mặc của mình hợp mốt, năng động. Nhưng, người quản lý trực tiếp của tôi, cũng là nữ, thì không. Chị ấy giải thích, là người làm ở bộ phận “account” – chăm sóc khách hàng, tôi được kỳ vọng phải ăn mặc nữ tính, đầm công sở gợi cảm, giày cao gót. Sếp thường xuyên phàn nàn về gu ăn mặc của tôi, thậm chí có lần còn quá quắt tới mức mang sẵn một bộ đồ tới, yêu cầu tôi mặc vào trước khi đi gặp khách hàng. Tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Phải, tôi có thể bỏ việc, nhưng tôi cảm thấy như vậy thì chẳng khác gì thỏa hiệp với sự bắt nạt nơi công sở. Tôi nên làm gì?

Cương Quyết thân mến, chúng tôi ủng hộ bạn. Đã ở thời nào rồi mà phụ nữ vẫn còn phải mặc theo những khuôn mẫu giới như vậy chứ? Chúng tôi cũng băn khoăn về người quản lý trực tiếp của bạn. Tại sao chị ấy nghĩ phải ăn mặc như vậy thì mới có thể đạt được hiệu quả trong công việc? Có thể chị ấy đã từng có những trải nghiệm hoặc được truyền dạy kinh nghiệm về chuyện “làm account” khi là nữ giới. Có thể, khi ăn mặc như vậy, chị ấy cảm thấy dễ thuyết phục khách hàng hơn, đặt biệt là khách hàng nam giới. Nhưng, hơn tất cả, phong cách ăn mặc là một lựa chọn rất cá nhân. Bạn có quyền từ chối sự xét nét và ép buộc đấy và cũng đừng quên rằng phần lớn các giám đốc nhân sự hiện nay cũng sẽ không dung túng cho những hành vi ép buộc và bắt nạt đó. Trước hết, bạn cần có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với sếp về quyền được ăn mặc như mình muốn của bạn, đề nghị sếp chỉ nhìn vào hiệu quả công việc của mình thay vì trang phục mình mặc. Nếu việc đó không có tác dụng và hành vi bắt nạt vẫn diễn ra, đừng ngại tìm đến một người tư vấn trong bộ phận quản lý nhân sự để cùng tìm giải pháp. Chúc bạn may mắn.

Nhóm thực hiện

ELLE Team

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)