Được xem là căn bệnh thế kỷ, nhiều người đang phải vật lộn với trầm cảm mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết cách hỗ trợ họ. Hãy cùng ELLE điểm qua những điều bạn nên làm để giúp người thân xoa dịu tinh thần và đối phó với căn bệnh này nhé.
1. Tiến hành TÌM HIỂU
Trầm cảm không chỉ là cảm giác như một ngày, một tuần hay thậm chí một tháng tồi tệ. Đó không chỉ là cảm giác buồn hay mất cảm hứng đôi lúc. Trầm cảm sẽ cho bạn trải nghiệm như thể đang cố gắng thở dưới nước với một gánh nặng trên lưng.
Để giúp đỡ người thân, bạn cần phải chuẩn bị kiến thức về những gì liên quan đến trầm cảm. Bạn sẽ hiểu rằng, bệnh về tinh thần không phải chỉ cần chạy quanh công viên, nghe vài bản nhạc truyền cảm hứng và ăn vài món ngon là có thể giải quyết. Những hoạt động này có thể giúp ích cho sức khỏe nói chung nhưng không thể chữa trị gốc rễ căn bệnh về tinh thần. Với nhiều ca trầm cảm, bạn phải học các cơ chế đối phó, đào sâu vào nguyên nhân và biểu hiện của trầm cảm. Khi đã thấu hiểu, bạn có thể trở thành người trợ giúp hữu hiệu cho người thân hoặc bạn bè xung quanh.
2. Nhận định đúng trầm cảm như một căn bệnh
Hãy thử tưởng tượng hôm nay là một ngày tồi tệ, và có ai đó xuất hiện rồi bảo bạn “Vui lên nào!”. Lúc ấy, bạn có thể sẽ nghĩ rằng nỗi buồn của bạn quá lớn để chỉ cần “vui lên” là sẽ vượt qua. Điều này tương tự như cảm nhận của người trầm cảm, họ có thể đang quẩn quanh những suy nghĩ như tự tử và chịu đựng nỗi buồn quá lớn đến nỗi bản thân không thể tự vượt qua được.
Dù bạn không có được cảm giác như người trầm cảm, đừng nên xem nhẹ nỗi đau của người ấy và không đánh giá trầm cảm như một căn bệnh. Nếu ai đó bị ung thư, bạn không thể chỉ bảo họ “vui lên đi” như một giải pháp chữa bệnh, đúng không?
3. Lắng nghe như người hỗ trợ
Hãy nhớ rằng, bản thân bạn không thể giúp người thân thoát khỏi cơn trầm cảm. Bạn chỉ có thể là người ở bên hỗ trợ, là một đôi tai để lắng nghe, một nguồn động lực của họ. Lắng nghe là một phần quan trọng trong nhiệm vụ của người hỗ trợ. Đừng lắng nghe với ý định “sửa chữa” vấn đề, hãy lắng nghe để có thể thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến vấn đề. Bạn có thể học cách hiểu trước khi chú tâm vào giải quyết.
4. Không giả định
Bạn sẽ không bao giờ biết điều gì khiến một người rơi vào cơn trầm cảm, rằng họ “nên” trầm cảm hay không hoặc có “thật sự” trầm cảm. Trầm cảm có biểu hiện khác nhau ở mỗi người và cho người khác cảm nhận cũng khác. Bạn không nên giả định mình biết chính xác cảm giác hoặc nguyên nhân phía sau cảm nhận của họ. Đây là lý do vì sao lắng nghe trở thành một yếu tố quan trọng.
5. Chủ động giúp đỡ
“Bạn nên tìm sự giúp đỡ” có lẽ là điều bạn cho là đúng đắn để khuyên người thân. Nhưng khi trầm cảm, nguồn năng lượng và suy nghĩ bị tiêu hao rất nhiều. Người trầm cảm có thể sẽ không đủ năng lượng để tìm sự giúp đỡ hoặc trải lòng để ai đó thấu hiểu. Nếu muốn người thân bị trầm cảm chấp nhận sự giúp đỡ, bạn nên là người chủ động thu thập thông tin và đưa ra lời đề nghị thích hợp.
Nếu sẵn lòng, bạn có sắp xếp những việc như gọi điện thoại cho bác sĩ trị liệu để đặt lịch hẹn hoặc đưa họ đến phòng khám. Bạn cũng nên lưu ý rằng một số người sẽ từ chối, thế nên, bạn nên biết cách thực hiện bước tiếp theo nếu điều ấy xảy ra.
6. Ở bên và động viên
Đa số người bị trầm cảm có thể nghe thấy những lời động viên nhưng lại không mấy để tâm đến chúng. Họ có thể biết rằng có người đang ở bên họ nhưng dường như cảm xúc nặng nề bên trong đã lấn át cảm nhận về sự tồn tại ấy rồi. Vì vậy, bạn có thể thường xuyên nhắn tin hoặc gọi điện cho họ. Hãy liên tục cho họ biết rằng bạn “luôn ở đây” và họ có thể dựa vào bạn bất cứ lúc nào. Đừng trách mắng, công kích hay làm phiền, thay vào đó, bạn có thể truyền đi thông điệp yêu thương để khơi gợi suy nghĩ tích cực cho họ.
7. Kiên nhẫn
Sẽ không có giải pháp nào là nhanh chóng và dễ dàng với những người bị bệnh trầm cảm. Vì vậy, điều tốt nhất bạn có thể làm là kiên nhẫn trong cả quá trình. Sẽ có những ngày tốt, cũng có những ngày tái bệnh và cũng sẽ có ngày mọi chuyện dần tốt hơn. Tuy nhiên, sự mất kiên nhẫn của bạn sẽ khiến người bị trầm cảm nhìn nhận họ như một gánh nặng và dần trở lại trạng thái cô lập.
8. Nhắc nhở rằng họ không đơn độc
Nếu bạn tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội, có rất nhiều người đã chia sẻ câu chuyện của họ. #noshameday là từ khóa nổi bật muốn thu hút sự tập trung của mọi người đến các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Bạn có thể nhắc người thân biết rằng, họ không đơn độc trong cuộc chiến này. Nếu được, bạn có thể liên kết những người bệnh cùng nhau và tạo nên cộng đồng nơi mọi người có thể thoải mái chia sẻ khó khăn mà không sợ người khác không hiểu mình.
9. Gọi cho chuyên gia
Nếu người thân của bạn có ý định tự tử hoặc biểu hiện hành vi tự tử, hãy gọi ngay cho chuyên gia. Bạn có thể đưa họ đến bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần gần nhất hoặc thậm chí cả cảnh sát để kiểm tra tình trạng an toàn.
Hãy nghiêm túc xem xét các dấu hiệu tự tử có khả năng xảy ra với người bệnh. Có thể bạn không muốn trở thành người xấu trong mắt họ khị gọi điện báo cáo với chuyên gia nhưng mọi chuyện sẽ trở nên tệ hơn nếu bạn chỉ đứng yên, không làm gì cả và đánh mất họ.
10. Tự chăm sóc bản thân
Suy nghĩ hy sinh chính mình để giúp đỡ người thân chưa bao giờ là điều đúng đắn. Nếu muốn làm chỗ dựa cho người khác, bạn phải thật sự vững vàng trước đã. Nhiều người, với khả năng thấu cảm cao, còn có thể bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và năng lượng của người trầm cảm. Vậy nên, để có thể đồng hành cùng người thân trong trận chiến dai dẳng này, bạn cần giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Khi mệt mỏi, đừng ngại nghỉ ngơi. Khi yếu lòng, đừng ngại chia sẻ. Bạn cũng không nên đổ lỗi cho chính mình nếu cảm thấy không giúp được gì cho người thân. Hãy nhớ, luôn dành sự yêu thương, cảm thông và kiên nhẫn cho người bị trầm cảm, nhưng với sự tỉnh táo và hiểu biết.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Minds Journal