Lifestyle / Bí quyết sống

Làm sao để kiềm chế cơn giận

(Phái đẹp - ELLE) Trong khi tìm cách giảm bớt lo lắng và làm dịu những cơn giận dữ của mình, tôi đã tìm thấy mối giao hòa giữa niềm tin và khoa học.

1

Trong cuốn hồi ký xuất sắc gần đây, Fury (Cơn giận) – viết về kinh nghiệm của riêng mình trong việc kiềm chế cơn giận, Koren Zailckas bày tỏ: “Trầm cảm là sự tức giận thiếu đi sự nhiệt tình”. Nhưng tôi thì lại có vấn đề ngược lại: tôi luôn thừa nhiệt tình trả thù cho tình trạng trầm cảm của mình.

Trong một thời gian dài, tôi có cảm giác mình đang chiến đấu với những người lạ. Có lần, tôi đã đập vào cửa sổ của chiếc taxi bị người khác giành mất và lũ trẻ thì phải đứng dưới mưa. Tôi tức giận đến nỗi thậm chí không nhận thấy rằng mình đang tự làm tổn thương bàn tay mình và một chiếc xe buýt đang hướng về phía chúng tôi. Tôi thậm chí mất trí đến nỗi đã chửi thề trước mặt bọn trẻ và cũng không thèm nhớ đến việc đó. Lần khác, tôi đã la hét trước mặt một cô nhân viên giữ cửa ở ngân hàng ngay sau khi cô mở cửa giúp tôi với một vẻ mặt thiếu thiện cảm. Tôi rất xấu hổ với việc mình đã làm nhưng không thể dừng lại.

Đi tìm sự thay đổi và cải thiện tình hình

Theo gợi ý của một người bạn, tôi đã tìm đến một trung tâm điều trị ở quận 3. Bác sĩ Hoài Trang, một nhà châm cứu – nhà thảo dược học, là một phụ nữ trẻ thanh lịch với dáng vẻ bình tĩnh và đáng mến. Chị Trang để tôi nằm trên bàn, bôi dầu hương liệu lên cơ thể và bắt đầu châm cứu. Tôi nhắm mắt lại và lắng nghe những lời chị nói nhẹ nhàng. Chị bảo tôi hãy thư giãn, lắng nghe những nhu cầu nội tại của chính bản thân mình và gác lại lo lắng ưu phiền sang một bên. Buổi điều trị đã khiến tôi cảm thấy thoải mái vô cùng.
Và sau đó tôi đã có một quyết định nhanh chóng: chuyển nhà ra ngoại ô thành phố. Tôi đã trấn an bản thân mình, cố gắng thoát khỏi sự lo lắng và mất ngủ khi tôi bắt đầu thấy luyến tiếc cuộc sống ở trung tâm trước đây. Một buổi tối, chồng tôi bước vào căn phòng khách rộng rãi và thấy tôi ngồi trên sofa, xem Ăn, Cầu nguyện, Yêu và khóc nhưng chứng lo lắng của tôi tan biến từ lúc nào. Còn chứng mất ngủ? Tôi đã không hề uống một viên thuốc ngủ nào kể từ khi tôi đến trung tâm trị liệu. Thật là kỳ diệu. Tôi bắt đầu tự hỏi: phải chăng bác sĩ Hoài Trang đã mang lại cho tôi một hướng dẫn tinh thần mới, chỉ cho tôi đi đúng hướng.

Cơ chế điều tiết những cơn giận dữ

Theo Srinivasan S. Pillay, một giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Life Unlocked: 7 Revolutionary Lessons to Overcome Fear, hạch hạnh nhân nằm ngay ở tâm của bộ não là nơi xử lý các yếu tố gây sợ hãi của con người: sự sợ hãi vừa là bản năng, vừa là sự vô thức của não bộ. Pillay viết rằng nghiên cứu hình ảnh não bộ và nghiên cứu về những người bị tổn thươngvỏ não cho thấy chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi trong khối hạch hạnh nhân mà không biết những gì chúng ta đang sợ trong vỏ não. Kích hoạt liên tục tới hạch hạnh nhân có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và nhận thức kém.

Sự sợ hãi và giận dữ có liên quan với nhau. Cả hai đều phản ứng trước mối đe dọa và có nhiều tính năng chồng chéo lên nhau về mặt sinh lý học – tim đập nhanh sẽ làm tăng hoóc môn gây căng thẳng. Hơn nữa, các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra các tế bào trong não được gọi là tế bào thần kinh. Chúng nhận cảm xúc của những người xung quanh và phát ra một số cảm xúc tương tự trong não. Đây là cơ sở của sự đồng cảm, của đám đông giận dữ và cả những cuộc ẩu đả. “Khi người khác bày tỏ cảm xúc, chúng ta phản ứng lại với cảm xúc của họ” ông nói. “Họ có thể thậm chí không công khai bày tỏ sự tức giận hay sợ hãi.” Nhiều người có một vẻ bề ngoài trầm tư nhưng bên trong thực sự đang giận dữ. Và khi tiếp xúc với họ, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay điều đó qua giọng nói và ánh mắt.

Để làm dịu những cơn giận dữ, Pillay đưa ra giải pháp thiền định, điều trị và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của nỗi sợ hãi. Ông đưa ra ví dụ về một phụ nữ đã ngủ thiếp đi mỗi đêm khi xem chương trình Cảnh sát và những tên cướp.Cô không ý thức được rằng các trận đấu súng trên ti vi đã kích hoạt hạch hạnh nhân của cô. Mặc dù bộ não nhận thức của cô biết rằng không có gì nguy hiểm, nhưng khi cô bảo chồng mình tắt ti vi đi thì mức độ lo lắng của cô giảm hẳn. Với tôi, khi bắt đầu chuyển đến sống ở trung tâm quận 1, tôi đã bị sốc bởi tiếng ồn và sự đông đúc. Tôi đã cố gắng thích nghi nhưng không biết rằng thể trạng của mình không phù hợp. Và những tiếng ồn hàng ngày đã kích hoạt hạch hạnh nhân của tôi làm tôi thấy căng thẳng, lo âu triền miên và nổi giận với tất cả mọi người.

Cơn tức giận biến mất và sự bình yên trở lại

“Chúng ta rất nhạy cảm đối với những gì diễn ra xung quanh và thật khó để phân biệt cái gì của chúng ta và cái gì là không”, bác sĩ Hoài Trang chia sẻ. “Hãy sống với những gì hiện hữu ở hiện tại và nhận thức với trực giác của mình, chúng ta sẽ luôn cảm thấy tốt hơn”.

Khi nghe tôi kể về sự thay đổi của mình, một người bạn thân vốn là bác sĩ đã cười và nói: “Loại thuốc và phương pháp điều trị duy nhất cho những cơn giận dữ chính là giữ một tâm trí cởi mở và giữ niềm tin vào quá trình điều trị”. Tôi vẫn duy trì chế độ điều trị một cách khoa học: uống dầu cá, chạy bộ và ngủ đủ giấc. Nhưng nếu tôi không cởi mở tấm lòng, cố gắng tìm hiểu những nhu cầu nội tại của bản thân mình và tin tưởng vào sự phục hồi, tôi sẽ không bao giờ có được sự thanh thản như hiện nay.

Bài Linda Pham

PHÁI ĐẸP – ELLE

ELLE.VN

 

 

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)