Lifestyle / Bí quyết sống

Lauren Singer – Cô gái chứa 6 năm rác thải chỉ trong một chiếc lọ

6 năm rác thải trong một chiếc lọ, một lối sống tưởng chường như bất khả thi, nhưng hãy xem Lauren Singer làm điều đó như thế nào!

6 năm qua, Lauren Singer, một cô gái trẻ tại thành phố New York đã chọn cho mình lối sống khá đặc biệt – không rác thải (zero-waste lifestyle). Bạn có tin rằng lượng rác mà Lauren tạo ra trong 6 năm chỉ để vừa một chiếc lọ thủy tinh?

Zero-waste lifestyle có thể được hiểu là lối sống không hoặc tạo ra rất ít rác thải, bằng cách sử dụng các vật dụng bền vững, kết hợp với tái chế và ủ phân vi sinh để xử lý rác hữu cơ. Hãy tìm hiểu xem cơ duyên nào đã đưa Lauren Singer đến với lối sống độc đáo này.

Lauren Singer và lọ thủy tinh chứa rác trong 6 năm. (Ảnh: instagram)

Lauren Singer từ thuở bé đã luôn yêu thích những hoạt động bảo vệ môi trường, đó cũng là lý do cô theo học khoa nghiên cứu môi trường tại Đại học New York. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2012, khi Lauren nhận thấy cô bạn cùng lớp của mình luôn mang bữa trưa được đựng trong hộp xốp, ăn bằng thìa, nĩa nhựa và uống nước trong chai dùng một lần. Với cương vị là một người theo học ngành môi trường, Lauren nghĩ những sinh viên như cô nên là những người góp sức bảo cho Trái Đất chứ không phải đầu độc nó bằng đống rác họ đang thải ra hằng ngày.

Lauren cũng nhìn nhận lại bản thân mình. Dù khi đó cô đang thực hiện chiến dịch đấu tranh ngăn chặn những tác hại của ngành công nghiệp khí đốt nhưng hằng ngày cô vẫn ăn fast food, những thực phẩm kém dinh dưỡng đựng trong bao bì dùng một lần, hay mua sắm quần áo sản xuất từ ngành thời trang “ăn liền” (fast-fashion, một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới).

Bao bì dùng một lần. (Ảnh: vempi.en.ecplaza.net)

Điều gì đó trong Lauren đã thôi thúc cô cần phải thay đổi. Cô quyết định loại bỏ nhựa và nylon ra khỏi cuộc sống. Tuy nhiên, Lauren không biết bắt đầu từ đâu khi nhận ra nhựa hiện hữu hầu như ở tất cả các vật dụng cơ bản hằng ngày. Sau đó, Lauren Singer biết đến Bea Johnson qua trang blog “Zero Waste Home”, một bà mẹ hai con ở California, và Bea đã là người truyền cảm hứng cho Lauren khái niệm thế nào là zero-waste lifestyle. Lauren Singer bắt đầu tìm tòi và áp dụng lối sống này vào cuộc sống của cô tại thành phố New York.

Bea Johnson, người đã truyền cảm hứng cho Lauren về lối sống zero-waste. (Ảnh: jinjaritual.com)

Bắt đầu bằng việc dừng mua thực phẩm đóng gói, Lauren Singer mang túi, hộp đựng, chai, lọ đến cửa hàng để mua sắm. Rau củ, trái cây Lauren sẽ mua ngay tại chợ nông sản địa phương từ nông dân. Thay vì mua thức ăn sẵn hay snack ở cửa hàng, Lauren tự nấu nướng tại nhà và sáng tạo cho mình những món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe. Nếu quá bận rộn, Lauren sẽ mang hộp đựng hay bình nước đến cửa hàng để đựng thức ăn hoặc cà phê mua mang đi.

Mang túi vải đến mua sắm ở cửa hàng để hạn chế bao bì. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Túi vải và hộp kim loại là vật dụng thay thế hoàn hảo cho bao bì nhựa. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Tự mang cốc đến mua nước uống tại cửa hàng. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Thay vì mua sắm tại siêu thị, Lauren mua thực phẩm tại chợ nông sản địa phương. (Ảnh: trashisfortossers.com)

Tiếp theo, Lauren tập làm những nhu yếu phẩm hằng ngày như kem đánh răng bằng dầu dừa và baking soda, lăn khử mùi, sữa dưỡng thể từ sáp và tinh dầu… Việc tự học làm các sản phẩm hóa mỹ phẩm ngoài giúp tiết kiệm chi phí mua sắm, nó còn giúp Lauren biết chính xác những loại chất gì được đưa vào cơ thể của mình. Cô cũng bắt đầu thay thế những sản phẩm từ nhựa bằng các sản phẩm từ thiên nhiên có thể phân hủy làm từ tre, gỗ… hoặc những sản phẩm có độ bền cao như kim loại.

Bàn chải nhựa thay bằng bàn chải tre, dao cạo một lần thay thế bằng dao cạo kim loại, giấy vệ sinh bao bì nhựa thay thế bằng bao bì giấy. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Kem đánh răng từ baking soda, dầu dừa và tinh dầu. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Các dụng cụ vệ sinh được làm từ những chất liệu bền vững và có thể tái chế. (Ảnh: trashisfortossers.com)

Kế đến, thay vì mua quần áo mới, Lauren mua sắm ở những cửa hàng second-hand (quần áo đã qua sử dụng) hay trao đổi quần áo với bạn bè. Việc sử dụng đồ second-hand là một cách hữu hiệu giúp giảm thiểu rác thải, nhất là các sản phẩm thời trang “ăn liền” (fast-fashion) có tuổi thọ ngắn, được sản xuất tràn lan và quá trình gia công kém chất lượng đang là tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm. Quy tắc mua sắm của Lauren là hãy mua những món đồ mà chắc chắn bạn sẽ mặc bây giờ, đừng mua để dành cho những dịp nào đó trong tương lai vì có thể bạn sẽ không bao giờ mặc đến chúng.

Mua sắm quần áo tại cửa hàng second hand. (Ảnh: trashisfortossers.com)

https://www.instagram.com/p/BbvFTYxl5Zh/?taken-by=trashisfortossers

Mặc quần áo đã qua sử dụng hay may bằng vải tái chế không hề làm bạn trông kém thời trang chút nào phải không?

https://www.instagram.com/p/BVD2o0wlJse/?taken-by=trashisfortossers

Việc cuối cùng mà Lauren làm là tối giản hóa cuộc sống. Cô loại bỏ bớt đồ đạc và chỉ giữ lại những vật dụng thực sự cần thiết mà cô chắc chắn sẽ sử dụng hằng ngày. Khi có ít đồ đạc, bạn sẽ có xu hướng trân trọng và gìn giữ nó cẩn thận hơn, nhờ đó giúp giảm thiểu thời gian dọn dẹp và tiền bạc cho việc mua sắm.

Căn hộ của Lauren tại New York rất tối giản. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Ít đồ đạc giúp bạn có xu hướng gìn giữ chúng cẩn thận hơn và giảm bớt thời gian dọn dẹp. (Ảnh: trashisfortossers.com)

Thật đúng như vậy, từ khi áp dụng lối sống zero-waste, Lauren đã tiết kiệm cho mình một khoản tiền kha khá vì không phải tốn kém vào việc mua sắm đồ dùng, quần áo mới, thực phẩm cũng rẻ hơn do không bị đội giá chi phí bao bì. Việc ăn uống lành mạnh cũng giúp cho Lauren có sức khỏe tốt, ít bệnh tật và tinh thần hạnh phúc hơn. Nhờ số tiền tiết kiệm được, Lauren từ bỏ vị trí quản lý tại một công ty lớn và thành lập doanh nghiệp cho riêng mình.

Tính đến nay, Lauren Singer đang là chủ sở hữu của The Simply Co. và Package Free Shop, công ty và cửa hàng chuyên cung cấp những vật dụng, sản phẩm được sản xuất bền vững phục vụ cho lối sống không rác thải. Công ty của Lauren còn liên kết với những doanh nghiệp sản xuất bền vững khác để cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Lauren Singer cũng chia sẻ những bí quyết về lối sống zero-waste trên trang blog cá nhân Trash Is For Tosser, truyền cảm hứng cho hàng triệu người về một lối sống lành mạnh và hạnh phúc.

Công ty The Simply Co. chuyên sản xuất các sản phẩm tẩy rửa với bao bì thân thiện với môi trường. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Cửa hàng The Package Free Shop với những sản phẩm cần thiết phục vụ cho lối sống không rác thải. (Ảnh: trashisfortossers.com)
The Package Free Shop còn bày bán những sản phẩm của những doanh nghiệp bền vững khác. (Ảnh: trashisfortossers.com)

Trong một buổi diễn thuyết tại TED Talk, Lauren Singer chia sẻ có người nói phải chăng cô chọn cho mình lối sống này để tỏ ra khác biệt? Cô cho rằng mình cũng chỉ là người bình thường như bao người khác, một con người nhỏ bé thì có thể thay đổi được điều gì hay bảo người khác nên sống thế nào? Việc lựa chọn lối sống này đơn giản chỉ là đáp ứng những giá trị mà Lauren tin tưởng trong cuộc sống, và phần nào đó thông qua trang blog và doanh nghiệp của mình giúp mọi người có thêm những ý tưởng, những công cụ để giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường sống của chính họ.

Hình Lauren Singer 23
Cách ủ phân rác hữu cơ khi sống ở thành thị. (Ảnh: trashisfortossers.com)
Có vô vàn cách thức đơn giản mà Lauren đã chia sẻ để giúp mọi người tự giảm thiểu rác thải, chẳng hạn như việc sử dụng ống hút bằng kim loại thay cho ống hút nhựa. (Ảnh: Says.com)
Cách đóng hành lý zero-waste khi đi du lịch. (Ảnh: trashisfortossers.com)

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Có thể chúng ta nghĩ việc sử dụng nhựa, nylon, nhất là các sản phẩm dùng một lần một cách thoải mái và loại bỏ chúng khỏi tầm mắt thì môi trường sẽ trở về trong sạch. Thế nhưng, mọi sự sống trên Trái Đất là một chuỗi mắt xích tạo thành một vòng tròn khép kín. Rác thải nhựa khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, xâm nhập vào cơ thể động vật, cây cối và cuối cùng quay trở lại cơ thể con người bằng đường thức ăn. Nếu hằng ngày, mỗi chúng ta bớt dùng đi một chiếc túi nylon, bớt đi một chiếc cốc nhựa thì hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu mảnh rác nhựa sẽ không còn bị thải ra môi trường. Như Lauren Singer đã từng nói: “Tôi muốn được nhớ đến về những điều mình làm khi còn sống trên Trái Đất này, chứ không phải về đống rác mà tôi đã để lại”.

Hạt vi nhựa (thường được dùng trong các loại hoá mỹ phẩm như kem đánh răng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết…) được tìm thấy trong cơ thể của cá. (Ảnh: steemit.com)
Nếu mỗi chúng ta chung tay thực hiện những hành động nhỏ hằng ngày để bảo vệ môi trường, thì trong tương lai, những hình ảnh đau lòng này có thể sẽ không còn tái diễn nữa. (Ảnh: onegreenplanet.org)
Con người hoàn toàn có thể quyết định việc tương lai chúng ta sẽ được bơi lội trong làn nước trong xanh hay đại dương đầy rác. (Ảnh: news.nationalgeographic.com)

Xem thêm:

Trang Nguyễn – Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sinh tồn của loài người

4 xu hướng công nghệ định hình tương lai công nghiệp thời trang bền vững (phần 1)

Nhóm thực hiện

Bài viết: Trần Ánh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)