Liệu pháp màu sắc: Sử dụng màu sắc để chữa lành cơ thể và tâm trí
Bắt đầu được sử dụng từ thời xa xưa trong các nền văn minh cổ đại, Color Therapy hay còn gọi là Chromotherapy (Liệu pháp màu sắc) là phương pháp y học sử dụng màu sắc để chữa lành các vấn đề về thể chất và cảm xúc của con người.
Màu sắc có mặt ở khắp mọi nơi, từ bộ quần áo bạn đang mặc, những vật dụng trong nhà đến hệ sinh thái và các nguyên tố trong tự nhiên, hay thậm chí là cả vũ trụ rộng lớn cũng được bao trùm bởi các màu sắc khác nhau.
Hầu hết mọi người đều biết màu sắc có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và hành vi của chúng ta như thế nào. Ví dụ, màu đỏ, cam và vàng – những gam màu nóng có khả năng gợi lên cảm giác hạnh phúc, lạc quan và tràn đầy năng lượng. Ngược lại, những gam màu lạnh như xanh lá cây, xanh lam và tím lại mang đến cảm giác dịu nhẹ, tươi mát và dễ chịu.
Liệu pháp màu sắc là gì?
Đây là một kỹ thuật sử dụng quang phổ của màu sắc (có thể nhìn thấy được) để hỗ trợ trị liệu sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con người.
Các ghi chép cho thấy, liệu pháp màu sắc đã xuất hiện vào thời cổ đại tại các quốc gia như Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc và Ấn Độ. Walaa Al Muhaiteeb – chuyên gia về liệu pháp màu sắc cho biết: “Màu sắc đã đi cùng với văn hóa, tôn giáo và cuộc sống loài người từ thời cổ đại đến nay. Chúng còn biểu hiện cho địa vị xã hội ở nhiều nền văn minh thời trước. Ví dụ, người hành nghề chữa bệnh ở Ai Cập cổ thường mặc một chiếc áo giáp màu xanh lam để khẳng định trọng trách vĩ đại của họ. Hay trong thần thoại Hy Lạp, Nữ thần trí tuệ Athena mặc một chiếc áo choàng vàng tượng trưng cho sự thông thái, uyên bác và dáng vẻ thiêng liêng của một vị thần”.
Ngày nay, liệu pháp màu sắc được xem như một liệu pháp y học bổ sung (được sử dụng cùng với thuốc Tây y) hoặc y học thay thế (thay thế cho thuốc Tây y). Ngoài phạm vi chữa bệnh, liệu pháp màu sắc cũng ngày càng được ứng dụng phổ biến tại các spa thông qua dịch vụ xông hơi Sauna. Dịch vụ này cho phép khách hàng lựa chọn xông hơi với ánh sáng xanh nếu họ muốn được thư giãn, giảm stress hoặc ánh sáng hồng nếu muốn thải độc cơ thể.
Cơ sở khoa học của liệu pháp màu sắc
Những nghiên cứu về liệu pháp màu sắc tính đến nay vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, vì tính hiệu quả, an toàn, đơn giản và kinh tế của chúng mà y học hiện đại ngày nay đã áp dụng rộng rãi liệu pháp này để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Ví dụ, liệu pháp ánh sáng có thể được áp dụng để chữa trị bệnh trầm cảm theo mùa (thường xuất hiện vào mùa Thu và mùa Đông). Bên cạnh đó, ánh sáng xanh cũng được sử dụng để trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, ánh sáng xanh vào ban ngày có trong ánh nắng mặt trời, đèn LED, màn hình TV, điện thoại, máy tính… có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo, nâng cao chức năng nhận thức và tình trạng tâm sinh lý của con người… Tuy nhiên, vào ban đêm, việc tiếp xúc quá nhiều ánh sáng xanh có thể khiến não bị kích thích dẫn đến việc đồng hồ sinh học bị phá vỡ do quá trình ngăn chặn melatonin, một hormone có tác dụng gây buồn ngủ.
Xem thêm:
• Khám phá ý nghĩa màu sắc của hoa hồng
• Khám phá bản thân qua bài trắc nghiệm màu sắc thịnh hành ở Hàn Quốc
• Màu sắc nào sẽ mang đến sức mạnh cho 12 cung hoàng đạo?
Ánh sáng xanh lá thay thế thuốc giảm đau?
Khi cơn đau làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày thì thuốc giảm đau là biện pháp tối ưu nhất của hầu hết mọi người hiện nay. Tuy nhiên, thuốc giảm đau thường có một số tác dụng phụ bao gồm tăng nguy cơ đột quỵ, mệt mỏi, buồn nôn… Vì vậy, các chuyên gia luôn cố gắng tìm kiếm một giải pháp thay thế an toàn, giá cả phải chăng, ít hoặc không có tác dụng phụ và không có nguy cơ gây nghiện. Tiến sĩ/ Phó giáo sư khoa Gây Mê và Dược Lý Học – Morab Ibrahim đã nghiên cứu về tác động của ánh sáng màu xanh lá đối với chứng đau nửa đầu và đau cơ xơ hóa.
Anh trai của ông là nguồn cảm hứng cho cuộc nghiên cứu lần này. Nguyên nhân là ông ấy cho biết ông cảm thấy cơn đau đầu của mình trở nên dễ chịu hơn sau khi ngồi ngắm nhìn những tán cây xanh trong vườn. Ibrahim đã thực hành theo và ban đầu ông chỉ suy đoán rằng do sự yên tĩnh của khu vườn làm cho đầu óc con người trở nên thoải mái. Tuy nhiên, khi trở về phòng hoặc bất kỳ nơi yên tĩnh nào khác, ông lại nhận thấy cơn đau đầu của mình không giảm đi như khi ở trong vườn.
Từ đó, ông thực hiện rất nhiều nghiên cứu và cho ra kết luận rằng chính màu xanh của cây cối là tác nhân gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thể chất của người đang chịu đựng cơn đau. Mặc dù, nghiên cứu của Ibrahim vẫn còn khá mới mẻ, chưa có tính xác thực cũng như chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, những người tham gia thí nghiệm cho biết chứng đau nửa đầu, đau cơ, đau xương khớp của họ giảm đi đáng kể sau 10 tuần tiếp xúc hằng ngày với ánh sáng LED màu xanh lá cây hoặc kính màu xanh lá.
Áp dụng liệu pháp màu sắc vào cuộc sống thường nhật
Bên cạnh những liệu pháp được sử dụng tại bệnh viện hay spa, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện liệu pháp màu sắc tại nhà bằng một số phương pháp như sau:
Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh
Bạn nên tắt điện thoại, máy tính, TV vài giờ trước khi đi ngủ để ngăn ánh sáng xanh từ các thiết bị này làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bạn. Các chức năng hỗ trợ chuyển đổi màu sắc màn hình điện thoại tự động hay kính chống ánh sáng xanh cũng là một lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời, đèn chiếu sáng và các thiết bị điện tử.
Sử dụng đèn ngủ
Nếu bạn cần đèn ngủ, hãy cân nhắc sử dụng đèn màu đỏ mờ. Theo nghiên cứu, ánh sáng đỏ có thể giúp kích thích sản xuất melatonin và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Thư giãn ngoài trời
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giữ sự tập trung và tỉnh táo, bạn có thể ra ngoài đi dạo ở những nơi mang lại nhiều nguồn ánh sáng tự nhiên. Hay tương tác với cây xanh cũng là một cách đơn giản giúp bạn giảm bớt căng thẳng.
Thêm nhiều màu sắc cho cuộc sống của bạn
Việc mang nhiều màu sắc vào cuộc sống hằng ngày có thể khiến bạn cảm thấy luôn lạc quan, yêu đời và tràn đầy năng lượng. Bạn có thể sơn tường nhà bằng những gam màu sáng hoặc bổ sung thêm những món đồ trang trí sặc sỡ, ăn nhiều trái cây và rau quả tuân theo quy tắc cầu vồng, sử dụng đèn nhiều màu sắc hay thêm nhiều màu hơn cho tủ quần áo của bạn…
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Healthline