Những lợi ích không ngờ của việc dậy sớm và cách thức để bắt đầu thói quen tích cực này
Một nghiên cứu khoa học mới đây đã công bố những lợi ích không ngờ của việc dậy sớm. Hãy tìm hiểu sâu hơn về nó và cách để thực hiện thói quen này ngay nhé!
Nếu chịu khó hồi tưởng lại thời đi học, chắc chắn bạn sẽ thấy bản thân thật khác so với bây giờ, đặc biệt là ở khoản dậy sớm. Sự thật đã chứng minh việc thức dậy sớm có nhiều lợi ích hơn bạn tưởng, mặc dù lúc mới dậy bạn có buồn ngủ cỡ nào đi chăng nữa.
Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng những phụ nữ dậy trễ có nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm cao hơn người dậy sớm. Hơn nữa, dậy sớm cũng khiến nhiều người hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Vì vậy, dù giấc ngủ thực sự quan trọng, nhưng nếu bạn có khả năng điều chỉnh thời lượng ngủ trong vòng 6 – 8 tiếng nhưng vẫn đảm bảo thức dậy được trước 7 giờ sáng, thì tại sao bạn lại không làm như thế nhỉ? ELLE sẽ chia sẻ những lý do để bạn có thêm động lực dậy sớm nhé!
Theo một nghiên cứu khoa học, nếu bạn đi ngủ sớm và thức dậy sớm, bạn sẽ có lợi thế nhất định trong việc cải thiện sức khỏe tâm lý
Medical News Today đã ghi nhận lại nghiên cứu này và xuất bản trên tờ Journal of Psychiatric Research (Tạp chí Nghiên cứu Tâm thần). Một cách khái quát, nghiên cứu đã tập trung vào mối liên hệ mật thiết giữa giữa trầm cảm và thói quen đi ngủ. Các chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm vào năm 2009 và phân tích hơn 32.000 y tá nữ – những người đã khẳng định họ không có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến trầm cảm. Trong suốt 4 năm thử nghiệm, các y tá này được yêu cầu điền vào 2 bảng khảo sát về thói quen nghỉ ngơi và sức khỏe của mình. Điều thú vị là theo thời gian, những cá nhân tự nhận mình là dậy trễ cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn những ai thức dậy sớm mỗi ngày.
Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của bạn như căng thẳng và chấn động tâm lý. Vì vậy, kết quả này không hẳn là lý do chính khiến bạn rơi vào trầm cảm. Tuy nhiên, theo như Céline Vetter, một trong những người dẫn dắt nghiên cứu, kết quả trên cũng phần nào chứng minh rằng sức khỏe tâm lý không chỉ bị ảnh hưởng bởi mỗi yếu tố môi trường hay lối sống mà nó còn chịu tác động của nhịp điệu sinh học trong cơ thể bạn (được biết đến với vai trò một đồng hồ sinh học bên trong con người).
Tất nhiên Vetter không phải là người duy nhất đề cập đến sự tương quan giữa thói quen ngủ nghỉ và sức khỏe. Trong một lần phỏng vấn với Elite Daily, tiến sĩ Dr. Sujay Kansagra – một chuyên gia trong lĩnh vực giấc ngủ cũng khẳng định dậy sớm không chỉ mang lại lợi ích về mặt tâm lý mà còn quyết định kết quả của quá trình học tập, làm việc và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn. “Dậy sớm mang lại cảm giác bạn đã hoàn thành một điều gì đó. Không những bạn có thể giải quyết khối lượng công việc nhiều hơn mà dậy sớm sau một giấc ngủ ngon còn giúp bạn hoạt động ở năng suất cao nhất nữa”, tiến sĩ nói.
Vậy nên, bước mới chuyển từ “cú đêm” sang một người dậy sớm hiển nhiên sẽ khó khăn, nhưng không phải là không khả thi. Hơn nữa, lợi ích mà nó mang lại cho bạn cũng hoàn toàn xứng đáng
Bây giờ, nếu những “cú đêm” nào đang đọc bài báo này, hãy nhanh chóng thay đổi thói quen thức khuya dậy trễ đi, vì khoa học đã giúp bạn có thêm lý do để dậy sớm rồi đấy! Tuy điều này sẽ không hề dễ dàng lúc đầu, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Kiên nhẫn là chìa khóa để thành công ngay từ lúc bắt đầu bởi vì, đối với một thói quen đã ăn sâu vào “máu” bạn, thay đổi nó đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Để có thể tạo lập thói quen dậy sớm, bạn cần chịu khó thay đổi thời gian biểu của mình ít nhất trong 2 tuần để cơ thể bạn làm quen đã. Trong 2 tuần đó, hãy tự bắt mình tuân thủ đúng theo giờ giấc ngủ nghỉ và thức dậy mà bạn đã đặt ra. Tất nhiên, trong tuần đầu tiên, mọi việc sẽ không dễ dàng, vì có thể bạn đã quen với việc dậy trễ nên thức dậy sớm sẽ khiến bạn khó chịu và vô cùng mệt mỏi. Nhưng hãy ráng chịu đựng nhé, sau 2 tuần, chắc chắn việc thức dậy sớm không còn là vấn đề với bạn nữa.
Hoặc, nếu bạn cần nhiều sự trợ giúp hơn, hãy dùng đến công nghệ. Những ứng dụng như Sleep Cycle sẽ đánh thức bạn khi bạn đang trong giai đoạn “giấc ngủ nông”, khiến bạn thức dậy dễ dàng hơn mà không gặp khó khăn nào. Đặc biệt, khi thức dậy, bạn đừng nên mở điện thoại xem tin tức ngay lập tức, hãy để ánh nắng của buổi sáng đi vào phòng bạn để cơ thể bạn quen với chu kỳ sáng tối nhé!
—
Xem thêm:
Bí quyết để có được những tấm hình selfie đẹp như người nổi tiếng
5 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang cần một kỳ nghỉ thư giãn ngay lập tức
Bài: Như Trần
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Elite Daily