Lifestyle / Bí quyết sống

5 lợi ích tuyệt vời của thiền chánh niệm trong thời đại dịch

Là hoạt động truyền thống bắt nguồn từ Phật giáo phương Đông, thiền chánh niệm đang lan truyền mạnh mẽ và được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Trong nhịp sống đô thị hối hả, bộn bề, đa số chúng ta đều mong muốn kết nối sâu sắc với tâm hồn mình hoặc tìm về nương náu giữa lòng thiên nhiên xanh mát. Do đó, ngày càng có nhiều người theo đuổi thiền chánh niệm để tự thấu tỏ bản thân cũng như đạt đến sự tĩnh tại, bình yên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ môn này trở thành phương pháp chữa lành tinh thần vừa đơn giản vừa hiệu quả dành cho tất cả mọi người.

thiền chánh niệm cô gái dưới tán hoa
Ảnh: Next Divas

Thiền chánh niệm là gì?

Thiền chánh niệm còn được gọi là thiền tỉnh thức hay thiền minh sát. Trong cuốn sách Wherever You Go, There You Are (Nơi Ấy Cũng Là Bây Giờ Và Ở Đây), tác giả Jon Kabat-Zinn định nghĩa: Chánh niệm là sự tỉnh thức, chú tâm vào những điều đang xảy ra trong hiện tại. Ý niệm này dẫn dắt mọi người tự nhìn nhận quan điểm của mình, sống hòa hợp với thế giới xung quanh cũng như ý thức sâu sắc về tính chất toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.

Thiền chánh niệm là một quá trình tự quán chiếu, tự soi xét bản thân và hành động có ý thức. Nền tảng vững chắc của triết lý này là lòng nhân từ và sự thông tuệ của con người. Vì thế, việc thực hành thiền chánh niệm sẽ giúp chúng ta sống có mục đích rõ ràng trong thời khắc hiện tại, không gợn lo âu, ưu phiền.

thiền chánh niệm cô gái chắp tay
Ảnh: Mindfulness In Motion

Bộ môn này nuôi dưỡng tinh thần rộng lượng, minh triết và điềm tĩnh chấp nhận thực tại. Nếu thiếu mất chánh niệm, mỗi người rất dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, bất an trong sâu thẳm tâm hồn. Khi những vấn đề này tích tụ và chất chồng theo thời gian, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong quá khứ và xa lìa thực tại, cuối cùng đánh mất niềm tin vào giá trị cốt lõi của bản thân.

Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi phút, chúng ta chìm đắm trong 3.000 ý nghĩ. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, một người trưởng thành mất khoảng 47% thời gian mỗi ngày vì lang thang trong tâm trí chính mình. Điều này có nghĩa là chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian và năng lượng cho những suy nghĩ mông lung, rối rắm. Thế nhưng, có một tin vui là mọi người hoàn toàn có thể học cách kiểm soát ý thức cũng như tiềm thức của mình thông qua thiền chánh niệm. Hoạt động này cho phép chúng ta tận dụng tối đa sức mạnh của tâm trí, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần.

Cách thực hành thiền chánh niệm trong cuộc sống

thiền chánh niệm cô gái ngồi thiền
Ảnh: Harrow Times

Việc thực hành thiền chánh niệm sẽ đạt được hiệu quả cao nhất trong môi trường yên tĩnh, thoải mái, không chịu sự chi phối từ thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, tư thế ngồi sẽ giúp chúng ta dễ dàng tập trung hơn vào hơi thở. Bởi với tư thế này, hoạt động của tay, chân và các giác quan đã bị hạn chế tối đa.

Sau khi giữ được hơi thở chậm rãi, bạn hãy nhìn nhận, soi xét các cảm xúc, suy nghĩ thật chú tâm. Sau đó, chúng ta nên cố gắng giải quyết chúng một cách bình tĩnh và thấu đáo nhất. Điều này sẽ giúp người tập đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong mọi mặt đời sống. Cuối cùng, bạn cần kiên trì luyện tập mỗi ngày để tự mình trải nghiệm trọn vẹn trạng thái hạnh phúc tại tâm.

5 lợi ích thần kỳ của thiền chánh niệm đối với sức khỏe tinh thần

1. Kiểm soát căng thẳng

cô gái dưới bóng cây
Ảnh: Unsplash

Nhịp sống hiện đại bộn bề với vô vàn áp lực đang khiến nhiều người trở nên bất an và mệt mỏi. Sự căng thẳng kéo dài sẽ gây ra chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh tim mạch… thậm chí là tự tử. Một nghiên cứu kéo dài 5 năm đã chứng minh rằng, các hoạt động thiền định và chánh niệm có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng đáng kể. Kết quả cho thấy, những người bệnh thực hành thiền chánh niệm trong vòng 8 tuần có khả năng kiểm soát tâm trạng tốt hơn hẳn nhóm đối chứng.

2. Tăng cường trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc là khả năng tự nhận thức cảm xúc và quản lý tâm trạng của mỗi người. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết cách cư xử khéo léo, đúng mực thay vì hành động trẻ con, bốc đồng. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy, thiền chánh niệm đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân cải thiện năng lực điều chỉnh cảm xúc. Trong những tình huống khó khăn, họ đã chủ động phân loại cảm xúc cũng như giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý hơn.

3. Hạn chế triệu chứng trầm cảm

cô gái ngồi thiền bên cửa sổ
Ảnh: Spiritual People

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các biện pháp can thiệp dựa vào thiền chánh niệm có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm cũng như sự tái phát của căn bệnh này ở bệnh nhân. Điều đó khẳng định rằng, phương pháp điều trị chánh niệm sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn so với những người không luyện tập.

4. Giảm lo lắng

Trong tâm thần học, lo lắng là một dạng rối loạn thần kinh khiến bệnh nhân khó chịu, sợ hãi quá mức đồng thời gây ra những hành vi cưỡng chế hoặc tấn công hoảng loạn. Tình trạng này kéo dài có thể khiến chúng ta mất khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình. Theo một số nghiên cứu, những người bị rối loạn lo âu tham gia thiền chánh niệm có xu hướng khỏi bệnh nhanh hơn so với những người điều trị bằng các phương pháp khác.

5. Nâng cao khả năng thích ứng

Khả năng thích ứng là khả năng chủ động đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống thay vì ngồi yên chấp nhận sống chung với áp lực, căng thẳng. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp thiền định, trị liệu nhận thức và các bài tập thấu cảm để cải thiện khả năng thích nghi của người bệnh. Đa số bệnh nhân đều khẳng định, họ cảm thấy tự tin và suy nghĩ tích cực hơn khi đối mặt với nghịch cảnh.

Với những lợi ích tuyệt vời trên, thiền chánh niệm là gợi ý chữa lành vô cùng phù hợp dành cho mọi người trong mùa đại dịch. Chỉ cần kiên nhẫn ngồi thiền giữa một không gian tĩnh lặng khi rảnh rỗi, bạn đã có thể thấu hiểu nội tâm và trở nên lạc quan, hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Xuân Mai Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Learning Mind
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)