Lifestyle / Bí quyết sống

10 lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua sự tự ti

Bất kỳ ai cũng có đôi lần trải qua cảm giác tự ti. Có người sống với nó trong một thời gian dài. Có người chỉ cảm thấy nó trong một số giai đoạn nhất định. Nhưng điểm chung là chúng ta luôn có xu hướng đánh giá thấp bản thân bởi những điểm không hoàn hảo, những thiếu sót hoặc lỗi lầm mà ta từng mắc phải.  

Lòng tự tôn ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của chúng ta. Lòng tự tôn cao có thể được hiểu là sự tự tin. Ngược lại, lòng tự tôn thấp đồng nghĩa với cảm giác tự ti, luôn nhận thấy bản thân kém cỏi và không xứng đáng được yêu thương. Tuy sự tự tin là điều tuyệt vời, nhưng để nuôi dưỡng được nó không phải là điều đơn giản, đặc biệt là với những người với sự tự ti đã bám rễ vào hành động và suy nghĩ của họ. 

Nếu bạn đang tìm cách để vượt qua tự ti và xây dựng sự tự tin vào bản thân, vào khả năng của mình thì dưới đây là 10 lời khuyên hữu ích dành cho bạn.

Lòng tự tôn (Self-esteem) là gì?

Cô gái với sự tự ti
Ảnh: Unplash/ Kinga Cichewicz

Theo nhà tâm lý học Carl Rogers, lòng tự tôn (self-esteem) là mức độ coi trọng, tự đánh giá, nhận xét về giá trị của bản thân ở mỗi người, thường chịu tác động bởi cách chúng ta so sánh bản thân với người khác và cách người khác tương tác với chúng ta. Lòng tự tôn đóng vai trò như một trong những động lực cơ bản của con người trong tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow. 

Với lòng tự tôn cao, chúng ta sẽ trân trọng cả những mặt tích cực và tiêu cực của bản thân mình. Những nghiên cứu não bộ cho thấy những người có lòng tự tôn cao mạnh mẽ hơn trong việc vượt qua những vấp ngã, nhanh chóng “chữa lành” những vết thương lòng hơn và vì vậy mà chúng ta trở nên kiên cường hơn. 

Ngược lại, những người có lòng tự tôn thấp thường có những biểu hiện của việc tự phán xét bản thân mình như: 

  • Rất nhạy cảm với những lời góp ý, đánh giá của người khác 
  • Hay suy nghĩ quá nhiều
  • Thường xuyên cảm thấy sợ hãi, lo lắng và nghi ngờ bản thân.
  • Thường có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống và cảm thấy thiếu kiểm soát
  • Khắc nghiệt với bản thân nhưng lại dễ dãi với người khác

Lòng tự trọng thấp hay sự tự ti có khả năng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như rối loạn lo âu, trầm cảm… Đồng thời, bạn cũng khó có thể duy trì các mối quan hệ lành mạnh khi bạn cư xử độc hại với chính mình. 

10 cách giúp bạn vượt qua sự tự ti 

1.Khẳng định giá trị thật sự của bạn

Khẳng định bản thân để vượt qua tự ti
Ảnh: Pexels/ Mariya Voroh

Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực về chính bản thân mình cuốn lấy tâm trí, bạn nên thực hành thói quen suy nghĩ tích cực, trân trọng và tự hào về những điều tốt đẹp của bạn. Bạn có thể làm điều này bằng cách viết ra ít nhất ba điều bạn làm tốt nhất. Hãy nhớ về danh sách bé nhỏ này mỗi khi bạn cảm thấy tự ti, chúng sẽ giúp bạn tìm lại sự tự tin sau một cú vấp ngã hay những lần bị từ chối.

2. Chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân là cách tốt nhất để giảm những suy nghĩ tiêu cực, xoa dịu căng thẳng và hạn chế mắc phải các bệnh tâm lý. 

Bạn có thể bắt đầu bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Những hoạt động này sẽ giúp tăng cường hormones hạnh phúc endorphin, giúp bạn cảm thấy dễ chịu từ bên trong và khiến tâm trạng của bạn trở nên tích cực hơn.

3. Thư giãn

Cô gái vượt qua tự ti bằng cách thư giãn
Ảnh: Unplash/ Phil Desforges

Sự căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực và làm giảm sự tự tin của bạn. Với lòng tự tôn thấp, bạn sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi những đánh giá của người khác và ép mình phải đáp ứng những khuôn mẫu do xã hội đặt ra. Những áp lực sẽ đốt cháy, ăn mòn năng lượng của bạn và khiến bạn ngày càng khép mình lại cùng với sự tự ti. 

Sau một ngày làm việc vất vả, bạn nên dành thời gian để thư giãn tâm trí, cởi bỏ những phiền muộn tích tụ trong ngày và nhanh chóng xoa dịu những vết thương lòng. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn thích như trấn an bản thân bằng âm nhạc, giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng thiền…

4. Đặt mục tiêu

Những mục tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cuộc hành trình chinh phục đích đến cuối cùng. Chúng phản ánh những thay đổi của cá nhân mỗi người và tạo động lực để chúng ta bước tiếp. Tuy nhiên, có nhiều lý do để bạn không thể kiên trì với mục tiêu của mình như đặt mục tiêu quá mơ hồ hoặc quá lớn lao, không có kế hoạch thực tế để thực hiện chúng…

Vì thế, bạn nên đặt cho mình những mục tiêu thực tế, vừa với sức của bản thân mỗi ngày và theo dõi sự tiến bộ của bạn bằng cách viết ra tất cả những thành công của bạn dù lớn hay nhỏ. Bạn có thể áp dụng công thức đặt mục tiêu theo mô hình 5 yếu tố SMART:

  • Specific – Cụ thể
  • Measurable – Đo lường được
  • Achievable – Tính khả thi
  • Relevant – Tính phù hợp
  • Time Bound – Giới hạn thời gian 

5. Giúp đỡ người khác

Có thể bạn chưa biết sự tự tin của chúng ta tăng lên khi chúng ta giúp đỡ người khác. Bởi lẽ đó là cơ hội để bạn nhìn thấy những giá trị tốt đẹp của bản thân và nhận ra mình có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Đồng thời, sự yêu mến từ mọi người xung quanh là sự công nhận tuyệt vời nhất cho những trái tim luôn cảm thấy mình kém cỏi. 

Vì vậy, đừng ngần ngại cởi mở và san sẻ với bạn bè, thành viên gia đình, đồng nghiệp… khi bạn có thể. 

Xem thêm


• Cách tạo dáng khi chụp ảnh selfie nói lên điều gì về tính cách của bạn?

• Khởi động ngày mới bằng 30 câu nói ý nghĩa giúp bạn tự tin hơn

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn không hề thiếu sự tự tin 


6. Đa dạng hóa góc nhìn của bản thân

Cô gái thử góc nhìn đa dạng để vượt qua tự ti
Ảnh: Pexels/ Cottonbro Studio

Sự tự ti khiến bạn tự nhốt mình cùng với những nhìn nhận tiêu cực về bản thân. Với cảm giác thấp kém đã ăn sâu vào trong nhận thức và suy nghĩ, bạn sẽ luôn dậm chân tại chỗ, để vụt mất những cơ hội mới và không dám thể hiện cái tôi của mình. Vì lẽ đó, mở rộng góc nhìn của bạn là điều cần thiết để thoát khỏi hình tượng mà bản thân đã tự đóng khung, là bước đi vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng lòng tự tôn.  

Bạn nên dành ra những khoảng lặng để nhìn nhận, xác định, cân nhắc và phân tích vấn đề, từ đó có góc nhìn khách quan hơn. Những người tự ti có xu hướng khắt khe và tự phán xét bản thân, khiến mọi thứ xung quanh dần trở nên tệ đi. Khi đó, bạn nên tự hỏi liệu bạn sẽ đối xử với người khác như thế nào nếu họ ở trong trường hợp của bạn bởi chúng ta thường khắc nghiệt với bản thân nhưng lại rộng lượng với người khác. Bằng cách nhìn vào tình huống qua nhiều lăng kính khác nhau, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có thể làm nhiều điều hơn bạn nghĩ. Hãy cố gắng thay thế những suy nghĩ như “Tôi không thể làm được điều đó” thành ‘Tôi sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không thử”.

7. Thử những điều mới

Chúng ta thường e ngại, thậm chí là sợ hãi sự thay đổi bởi nó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những điều không chắc chắn. Vì vậy, chúng ta thường gặp nhiều khó khăn trong việc bước ra khỏi vùng an toàn và dấn thân vào cuộc hành trình mới với nhiều rủi ro. Đặc biệt đối với những người có lòng tự tôn thấp, họ thường có xu hướng sợ thất bại, không đủ tự tin nắm bắt những cơ hội mới.

Tuy nhiên, có một sự thật là bạn càng thách thức những nỗi sợ của bản thân, sự tự ti trong bạn sẽ ngày một được đẩy lùi. Thoát khỏi “vỏ ốc” của mình và thử những điều mới là điều kiện cần để nâng cao lòng tự tin của bạn.

Đồng thời, bộ não của chúng ta thực sự giỏi trong việc học những thứ mới và bạn càng khám phá nhiều điều mới mẻ, bạn càng có nhiều cơ hội tìm thấy được đam mê của mình. Ai cũng cần một lối thoát khỏi cuộc sống thường nhật chỉ xoay quanh những điều quen thuộc nhàm chán. Bạn có thể thử bất kỳ điều gì mà bạn luôn muốn làm nhưng không có cơ hội thực hiện từ âm nhạc, nghệ thuật, khiêu vũ, may vá, nấu ăn cho đến thiết kế web. 

8. Ở bên những người mà bạn cảm thấy dễ chịu

Vượt qua tự ti bằng ở bên người mình cảm thấy thoải mái
Ảnh: Pexels/ Cottonbro Studio

Mọi người xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Vì vậy, bạn nên ở bên cạnh những người có khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy bạn tiến về phía trước. Đó có thể là bất cứ ai từ bạn bè, người thân cho đến người hàng xóm của bạn. Thay vì ôm lấy tất cả những mối quan hệ, bạn nên dành thời gian cho những ai sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những rối loạn cảm xúc của bạn, không phán xét những thiếu sót và luôn đưa ra những góp ý tích cực, mang tính xây dựng. Bên cạnh đó, một người đồng hành lạc quan sẽ giúp bạn trở nên phấn chấn bước qua sự tự ti của mình.

9. Chấp nhận bản thân

Trên đời này, có mấy ai vừa vặn với những khuôn mẫu của xã hội hay những thước đo của thế gian? Chúng ta thường dành cả đời để theo đuổi sự hoàn hảo, tuy nhiên những điều bất toàn mới là thứ vận hành thế giới này và khiến cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vì vậy, bạn nên trân trọng và yêu thương những khuyết điểm của bản thân, bởi chúng là điều làm nên sự độc đáo của bạn. Hãy thực hành khám phá chính mình, cởi bỏ mọi cảm xúc và bắt đầu khoan dung cho những yếu đuối, vấp ngã.  Đồng thời, bạn nên buông bỏ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát bằng cách chấp nhận rằng sẽ có những người không thích bạn, rằng sẽ có những lúc bạn gặp thất bại, rằng đôi khi bạn không biết mình đang làm gì… 

Chấp nhận những điểm riêng biệt và rộng lượng với bản thân là chìa khóa để nâng cao lòng tự tin của bạn. Một trong những cách để nâng cao nhận thức về chính mình là học cách tiếp nhận những lời khen. Khi mọi người dành cho bạn những lời tán thưởng, bạn chỉ cần nói “Cảm ơn!” thay vì né tránh hoặc phủ định điều đó.  

Đích đến của sự chấp nhận bản thân nên là yêu thương chính mình.

10. Ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ

Thay vì luôn chìm đắm trong những phán xét mà bạn dành cho chính mình, bạn nên trân trọng và ghi nhớ những khoảnh khắc hạnh phúc bạn có được trong cuộc sống. Khi nhìn lại, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi tích cực của bản thân và nhận ra mình đã làm được nhiều điều tuyệt vời đến thế nào. 

 

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Yến

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Ditch The Lable

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)