Nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn nằm ở việc lắng nghe cơ thể và học cách yêu thương chính mình. Mỗi khi chênh vênh, 6 lời khuyên hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn biết cách yêu thương và ưu tiên bản thân để tiếp tục vững bước trên đường đời đầy thử thách.
1. Kiệt sức không phải là dấu hiệu của việc bạn đã cố gắng hết mình
Nếu bạn có suy nghĩ rằng mệt mỏi và kiệt sức là dấu hiệu cho thấy bạn đã sử dụng toàn bộ “công lực” của mình, đây có thể là một quan niệm sai lầm. Đôi lúc chúng ta không thể tránh khỏi tình trạng burn out (hội chứng cháy sạch, hay còn gọi là hội chứng căng thẳng do tình trạng kiệt sức do áp lực công việc hoặc stress kéo dài) vì đã nỗ lực đến giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, điều đó còn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi bạn không cho phép mình nghỉ ngơi hoặc phục hồi sau căng thẳng, năng suất và sự sáng tạo sẽ theo đó giảm sút, khiến nỗ lực của bạn không đạt được hiệu quả cao nhất. Do đó, tình trạng mệt mỏi không chứng minh rằng bạn đã làm việc hết sức, ngược lại, nó chỉ ra rằng bạn cần điều chỉnh lại cách làm việc và tiếp nhận các thông tin để bảo vệ sức khỏe của mình.
Vì thế việc dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn là vô cùng quan trọng. Để vượt qua giai đoạn này, bạn hãy học cách lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Cho phép bản thân được tái tạo năng lượng bằng những buổi trị liệu tại spa, ăn uống điều độ, tập luyện thể thao và được làm những điều mình thích sẽ giúp khơi gợi nguồn cảm hứng và cải thiện khả năng tập trung của bạn. Bên cạnh đó, bạn nên học cách sắp xếp công việc một cách khoa học để đảm bảo bản thân vừa có thể nghỉ ngơi hợp lý, vừa có thể làm việc hết công suất. Ngoài ra, bạn nên học cách nói lời từ chối khi cần thiết để có thể ưu tiên những mục tiêu khác và bản thân. Khi biết cách chăm sóc bản thân một cách toàn diện, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy sự cân bằng và năng lượng tích cực để tiến về phía trước.
2. Yêu thương bản thân trước khi dành tình thương cho người khác
Có bao giờ bạn cảm thấy mình trao đi quá nhiều đến mức bỏ qua nhu cầu của bản thân, làm hài lòng người khác để rồi cảm thấy mình không được nhận lại những giá trị xứng đáng? Nếu cứ cố gắng trao đi và không quan tâm đến việc nạp lại năng lượng cho bản thân, bạn sẽ sớm rơi vào tình trạng kiệt sức. Việc trao đi, dù là vật chất hay tinh thần, sẽ không thể trọn vẹn nếu người cho thiếu đi sự đủ đầy từ bên trong. Khi chăm sóc tốt bản thân và thấu hiểu nhu cầu của chính mình, bạn sẽ biết cách giữ lại những giá trị tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực ra khỏi cuộc sống, có khả năng tự tạo dựng hạnh phúc cá nhân mà không cần phải phụ thuộc vào ai. Khi đã cảm thấy đủ đầy và trọn vẹn, đó là lúc bạn mới có thể trao đi tình thương và lan tỏa năng lượng tích cực, đến những người xung quanh.
Chăm sóc bản thân không chỉ đơn thuần là “ăn ngon” hay “mặc đẹp”, nó còn bao gồm việc lắng nghe cảm xúc, dành thời gian cho chính mình, học cách chấp nhận cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm một cách vô điều kiện. Khi trao đi từ sự đủ đầy, hành động của bạn sẽ chân thành và sâu sắc hơn, giúp người nhận cảm nhận trọn vẹn tấm lòng bạn gửi gắm.
BÀI LIÊN QUAN
3. Không cô lập bản thân
Dù bạn là một người hướng nội hay hướng ngoại, sẽ có lúc chúng ta cần không gian yên tĩnh cho bản thân và cả những tương tác xã hội nhất định để sức khỏe tinh thần và cảm xúc được cân bằng. Vì thế, tự cô lập bản thân sẽ dẫn đến tình trạng lo âu và trầm cảm, giảm khả năng xử lý tình huống và cảm xúc vì bạn không có điểm tựa vào những lúc chông chênh.
Chúng ta thường dễ nhầm lẫn rằng thiết lập ranh giới đồng nghĩa với việc tạo khoảng cách và đẩy người khác ra xa. Biết thiết lập ranh giới là một kỹ năng cần thiết giúp bạn bảo vệ bản thân trước những rắc rối và muộn phiền của cuộc sống. Tuy nhiên, ranh giới không phải là rào cản khiến chúng ta xa cách với các mối quan hệ, đó là cách chúng ta bảo vệ bản thân và đảm bảo rằng mối quan hệ đó được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Mặt khác, thiết lập ranh giới giúp duy trì sự cân bằng, bảo vệ sức khỏe tinh thần và đảm bảo rằng chúng ta không bị lấn át bởi kỳ vọng hoặc nhu cầu từ bên ngoài. Từ đó, đôi bên có thể học cách thay đổi và phát triển cùng nhau để đồng hành trên những chặng đường sắp tới.
4. Không nên hy sinh nhu cầu của bản thân
Nhiều người thường nghĩ rằng hy sinh là biểu hiện của tình yêu thương, khi chúng ta liên tục đáp ứng kỳ vọng và chiều lòng người khác. Tuy nhiên, hành động này lại có mặt trái bởi nếu bạn bỏ qua những mong muốn của mình và cố gắng làm hài lòng họ, điều đó lại thể hiện sự nhu nhược và mù quáng trong một mối quan hệ. Bên cạnh đó, việc liên tục đặt người khác lên trên bản thân sẽ dễ dàng khiến bạn cảm thấy kiệt sức, oán giận và không được trân trọng. Bạn sẽ mất đi cảm giác tự do, khiến bạn dần đánh mất chính mình và phụ thuộc vào quyết định hay suy nghĩ của họ. Điều này giống như một ly nước đã đầy, nếu bạn tiếp tục đổ thêm, nước sẽ tràn ra. Thay vì mải mê rót nước vào một cốc nước đã đầy, bạn có thể quay trở lại bên trong và vun đắp, tưới tiêu cho chính tâm hồn mình. Một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai được lắng nghe, thấu hiểu, cùng phát triển không phải là sự hy sinh một chiều. Vì vậy, ưu tiên bản thân, thiết lập ranh giới rõ ràng và dũng cảm từ bỏ những mối quan hệ độc hại sẽ là cách giúp bạn cảm thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn và bảo vệ được sức khỏe tinh thần của mình.
5. Giá trị của bản thân không đến từ sự công nhận từ người khác
Tình yêu không phải là một cuộc giao dịch khiến bạn phải liên tục thực hiện những việc lớn lao hay hy sinh bản thân để chứng minh giá trị của mình. Khi yêu ai đó, chúng ta sẽ chấp nhận họ với tất cả ưu và khuyết điểm mà họ sở hữu. Tương tự, khi bạn dựa vào sự công nhận từ bên ngoài để xác định giá trị bản thân, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác và mất đi quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Điều này làm bạn dễ cảm thấy bất an và thiếu tự tin khi đối diện với nhiều tình huống khác nhau trong xã hội.
Bên cạnh đó nếu cố gắng trở nên hữu dụng, bạn sẽ dần từ bỏ những đam mê, sở thích cá nhân để trở thành hình mẫu lý tưởng đối phương mong muốn. Tình yêu hay một mối quan hệ đích thực sẽ không đòi hỏi bạn từ bỏ bất kỳ giá trị nào đã tạo dựng nên bạn của ngày hôm nay. Vì thế, bạn không nên làm bất cứ điều gì để chứng tỏ mình xứng đáng được yêu thương bởi giá trị của một người không được xác định bởi ngoại hình, vóc dáng hay địa vị. Chính vì thế, bạn nên học cách hiểu bản thân hơn, biết rõ điều gì quan trọng và sống đúng với những giá trị đó. Khi bạn tự tin về chính mình và không để các đánh giá từ bên ngoài chi phối, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc và sự bình yên nội tại.
Xem thêm
• 10 điều giúp bạn tự chủ cảm xúc trong một mối quan hệ
• 7 dấu hiệu cho thấy bạn là người có sức mạnh nội tâm phi thường
• 8 dấu hiệu tình yêu cho thấy đối phương là người phù hợp để kết hôn
6. Bạn là nhân vật chính của câu chuyện cuộc đời mình
Cuộc đời mỗi người tựa như một cuốn tiểu thuyết độc đáo, nơi bạn vừa là nhân vật chính, vừa là tác giả viết nên câu chuyện của mình. Tuy nhiên, đó không phải là một kịch bản được định sẵn. Bạn luôn có quyền lựa chọn con đường riêng và tự do khám phá cuộc sống qua từng quyết định. Sẽ có lúc bạn cảm thấy hạnh phúc như đang trên chín tầng mây, nhưng ngược lại sẽ có lúc thế giới xung quanh bạn dường như trở nên tăm tối. Do đó, đừng để bản thân trốn sau những kỳ vọng, mong muốn hay giấc mơ của người khác. Đây là cuộc sống của bạn, vì vậy bạn nên mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và sống cho chính mình.
Hãy tập trung vào những giấc mơ, mục tiêu bạn luôn ấp ủ và phấn đấu để hiện thực hóa chúng. Khi hiểu rõ giá trị của mình, bạn sẽ trở nên tự tin, quyết đoán hơn và biết bảo vệ ranh giới cá nhân khi cần. Sống một cuộc đời có ý nghĩa là khi bạn làm chủ cuộc sống của mình. Tất cả điều đó sẽ làm bạn giàu trải nghiệm hơn và trưởng thành theo thời gian, vì vậy đừng lo sợ và hãy cởi mở tiến về phía trước nhé!
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Huy
Tham khảo: Thought Catalog