Lifestyle / Bí quyết sống

7 lời khuyên dành cho bạn khi cảm thấy bị căng thẳng quá mức

Trạng thái căng thẳng là một phần tự nhiên của cuộc sống, giúp chúng ta tập trung và tìm ra cách giải quyết vấn đề, nhưng khi tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát, nó có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy đâu là cách giúp chúng ta tự giải thoát bản thân khỏi những luồng suy nghĩ tiêu cực?

Căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại những áp lực, thay đổi hay những tình huống mang tính đe dọa trong cuộc sống. Về cơ bản, căng thẳng thúc đẩy và tạo động lực giúp chúng ta chinh phục những mục tiêu, dự định đã đề ra. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài lại gây ra hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe như mất ngủ, giảm khả năng tập trung, suy giảm hệ miễn dịch hoặc thậm chí dẫn đến các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Để đối phó với căng thẳng hiệu quả, chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản về các phương pháp quản lý cảm xúc phù hợp. Trong bài viết này, cùng ELLE điểm qua 7 lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua cảm giác tiêu cực mỗi khi căng thẳng quá mức nhé! 

1. Bạn đã từng vượt qua cảm giác này rất nhiều lần 

Tâm trí con người thường có xu hướng tập trung vào những cảm xúc tiêu cực, mặc cho xung quanh chúng ta vẫn tồn tại những khoảnh khắc tích cực và hạnh phúc. Thực tế, cuộc sống vẫn không ngừng vận động, và thời gian vẫn kiên nhẫn chảy trôi dù cho khó khăn có lớn đến đâu. Mỗi thử thách đều sẽ qua đi, và những cơ hội mới sẽ mở ra cho những ai biết kiên cường và tỉnh táo nắm bắt. Ý thức được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ đều có thể thay đổi và chính chúng ta luôn có thể làm chủ cho tương lai của mình.

Hãy thử nghĩ về cảm giác khó khăn cách đây nhiều năm, chẳng hạn như những đêm thức trắng ôn thi căng thẳng thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Khoảnh khắc ấy, mỗi khó khăn dường như là một rào cản không thể vượt qua, khiến chúng ta nghĩ rằng đó là điểm giới hạn của bản thân. Thế nhưng, khi nhìn lại hành trình đã qua, bạn nhận ra rằng những thử thách năm xưa không hẳn quá phức tạp như tâm trí đã vẽ nên. Điều đáng quý là chính những cảm xúc lo âu, những đêm trằn trọc ấy đã trở thành chất liệu quý giá cho sự trưởng thành, dạy ta về lòng kiên nhẫn, sự quyết tâm và sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người.

cô gái gặp căng thẳng
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Tương tự, những thách thức ta đang đối mặt hôm nay rồi cũng sẽ trở thành một phần ký ức đẹp trong tương lai – nơi ta có thể nhìn lại và tự hào nhận ra mình đã vượt qua tất cả một cách đầy bản lĩnh, để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Chính vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình sắp bỏ cuộc và không thể chịu đựng được nữa, bạn nên duy trì sự bình tĩnh và cố gắng nhớ lại lý do bạn bắt đầu hành trình này.

Sự choáng ngợp, mệt mỏi hay chán nản chỉ là những cảm xúc thoáng qua và nhanh chóng sẽ vơi đi. “Sau cơn mưa, trời lại sáng”, bạn rồi sẽ lấy lại ý chí, mạnh mẽ bật dậy và chiến đấu hết mình như những lần trước đây. Bạn là một người đầy kiên cường và giàu nghị lực. Chính vì thế, bạn nên học cách tin vào bản thân và bao dung với chính mình hơn nhé! 

2. Không sao cả nếu bạn cảm thấy không ổn

cô gái không ổn khi căng thẳng
Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Bạn không thể mãi trốn tránh những nỗi đau hay tổn thương vì chúng là nền tảng vững chắc giúp bạn tận hưởng niềm vui một cách trọn vẹn. Nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, nỗi buồn là điều cần thiết để nuôi dưỡng sự sâu sắc trong tâm hồn của mỗi người. Khi đối diện với những cảm xúc phức tạp, chúng ta bắt đầu học được cách chiêm nghiệm sâu sắc hơn về cuộc sống. Đây là một quá trình phát triển nội tâm, để bạn có thể tìm thấy ý nghĩa và nhìn nhận vấn đề đa chiều trong những trải nghiệm của mình.

Chấp nhận rằng bản thân không ổn chính là bước đầu giúp bạn vượt qua căng thẳng và áp lực. Khi “cơn bão cảm xúc” qua đi, bạn sẽ bắt đầu cho phép bản thân nghỉ ngơi, phục hồi và mở lòng để đón nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài. Học cách đối diện với chính mình là một điều vô cùng quan trọng để bạn nhận thấy được sự vô thường của cuộc sống, từ đó bạn sẽ trưởng thành hơn, cởi mở và bao dung hơn với bản thân.

3. Bạn không thể cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau

Khi đang trải qua giai đoạn căng thẳng, bạn sẽ dễ mất bình tĩnh, cáu gắt và thậm chí có thể vô tình tổn thương người khác. Não bộ khi phải xử lý quá nhiều thông tin và nhiệm vụ sẽ trở nên quá tải, làm giảm đi chất lượng các giải pháp được đưa ra, khiến chúng ta tốn thêm thời gian để xử lý, nhưng đôi khi kết quả lại không như mong đợi, hoặc thậm chí tồi tệ hơn.

cô gái stress quá mức
Ảnh: Pexels/Svetlana

Chính vì thế, để giảm thiểu hoặc hạn chế tình trạng bị quá tải, bạn nên bình tĩnh và lập ra một bảng to-do list (danh sách việc làm) để xác định mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ và tập trung giải quyết từng việc một. Bên cạnh đó, bạn nên chia một nhiệm vụ lớn thành các việc nhỏ hơn để dễ dàng nắm bắt và quản lý tiến độ công việc. Khi mọi vấn đề được tổ chức có kế hoạch và khoa học, bạn sẽ không còn trải qua cảm giác hoảng loạn, lo sợ sót nhiệm vụ hay trễ deadline. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại đón nhận lời khuyên hay sự trợ giúp đến từ người khác nếu cảm thấy quá tải nhé! Chính sự chia sẻ, gắn bó mỗi khi khó khăn sẽ góp phần đáng kể giúp bạn vượt qua những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống một cách thần kỳ. 

4. Luôn nhớ rằng bạn không hề cô đơn

Dù đôi khi bạn cảm thấy bản thân không thực sự thân thiết hay có kết nối sâu sắc với bất kỳ ai, nhưng bạn chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người xung quanh. Chẳng hạn, bạn có những người bạn cùng chung sở thích và với họ, bạn như một mảnh ghép quan trọng đồng điệu về mặt tâm hồn. Bạn có những người đồng nghiệp, người quen đã từng được bạn giúp đỡ và họ vẫn luôn âm thầm biết ơn bạn… dù những kết nối này không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng sự hiện diện của bạn đã và đang tạo ra những ảnh hưởng tích cực khiến người khác cảm thấy rằng họ không hề cô đơn. Và bạn luôn xứng đáng với cảm giác tương tự. 

bạn không cô đơn
Ảnh: Unsplash/Maria Balan

Bạn không hề cô đơn, lạc lõng hay phải chiến đấu một mình trong trận chiến tinh thần này. Sẽ luôn có những người sẵn sàng chấp nhận, lắng nghe bạn và yêu thương bạn, vì vậy đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Đôi khi chỉ cần một cuộc trò chuyện nhỏ, bạn sẽ có thêm động lực để vượt qua những cảm xúc khó khăn và dũng cảm tiến về phía trước, nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. 

5. Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng và được phép tạm thời “tắt nguồn” để hồi phục

Bên cạnh sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ công việc, học tập đến các mối quan hệ xã hội của một người. Khi tinh thần khỏe mạnh, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, lạc quan và hài lòng với cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, căng thẳng hoặc mệt mỏi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tinh thần của bạn đang cần sự chăm sóc. Lúc này, bạn không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo cơ thể gửi đến. Làm việc quá sức chỉ khiến bạn càng thêm căng thẳng và mệt mỏi. Vì vậy, hãy thử sống chậm lại, để cho tâm trí được nghỉ ngơi sau một thời gian dài căng thẳng.

Bạn có thể lên kế hoạch dành thời gian rời xa những công việc thường ngày, dù chỉ là vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Hãy thử đi du lịch, thư giãn trên bãi biển cả ngày để hòa mình vào thiên nhiên, hoặc đơn giản là một chuyến nghỉ ngơi ngắn ngày bên ngoài thành phố để tránh xa những ồn ào, vội vã. Đây là cơ hội tuyệt vời để nạp lại năng lượng, giúp tinh thần thư thái và giúp bạn tìm ra những giá trị mới mẻ trong cuộc sống bạn chưa từng nhận ra trước đây.


Xem thêm:

9 mẹo tâm lý giúp bạn trở nên lôi cuốn hơn

6 thói quen của người lạc quan giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn

15 mẹo giúp giảm căng thẳng nhanh chóng mà bạn nên thử


6. Người duy nhất bạn cần làm hài lòng đó là bản thân mình

Việc luôn đặt nhu cầu và mong muốn của người khác lên trước có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Vì vậy, ưu tiên bản thân không phải là điều ích kỷ, mà là cách giúp bạn hiểu rõ chính mình và sống trọn vẹn hơn. Trong một mối quan hệ, khi đối phương liên tục đặt ra những đòi hỏi về sự hài lòng của họ, điều này thường báo hiệu một nền tảng thiếu lành mạnh và cân bằng. Đã đến lúc bạn cần nghiêm túc đánh giá liệu mối quan hệ này có thực sự mang đến những giá trị tích cực cho cuộc sống của mình hay không.

Nếu nhận ra những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại, việc thiết lập ranh giới để bảo vệ bản thân và cân nhắc chấm dứt mối quan hệ hoặc giảm tương tác với đối phương là điều cần thiết. Hãy nhớ rằng, quyết định buông bỏ một mối quan hệ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối – ngược lại, đó chính là biểu hiện của tình yêu thương và sự tôn trọng mà bạn dành cho chính mình. 

căng thẳng khiến bạn hoài nghi
Ảnh: Unsplash/Sebastiaan Stam

Bạn nên dành thời gian rảnh để thực hiện những kế hoạch chưa hoàn thành, theo đuổi những dự định mà bạn luôn mơ ước, và mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Đừng ngần ngại từ chối những yêu cầu không phù hợp hoặc vượt quá khả năng của mình, vì bạn không cần thiết phải ép bản thân vào một khuôn mẫu để làm hài lòng người khác. Khi biết cách yêu thương và chấp nhận bản thân, bạn sẽ có những mối quan hệ tốt đẹp hơn và một cuộc sống hạnh phúc hơn.

7. Hãy cứ khóc mỗi khi cần thiết

Những cảm xúc tiêu cực, độc hại lâu ngày tích tụ bên trong cơ thể nếu không được giải quyết, chúng sẽ dần trở thành gánh nặng về tinh thần và thể chất. Do đó, khóc chính là một cách tự nhiên để cơ thể giải phóng những cảm xúc tiêu cực và căng thẳng, giúp bạn giảm bớt cảm giác lo âu hay mệt mỏi. Đồng thời khi khóc, cơ thể sẽ giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol và sản sinh ra các hormone hạnh phúc endorphin.

cứ khóc khi căng thẳng
Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Bên cạnh đó, khóc còn có thể xoa dịu cơ bắp, giảm đau cho cơ thể. Hành vi này còn được xem là một hoạt động lành mạnh và tự nhiên để “làm sạch” cảm xúc. Khi bạn khóc, đó không đồng nghĩa với việc bạn là một người yếu đuối. Ngược lại, bạn đã vô cùng dũng cảm khi dám đối mặt với cảm xúc của mình, thể hiện bạn không chọn những cách tiêu cực để giải tỏa tâm trạng, từ đó tái tạo năng lượng và tạo đà bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy 

Tham khảo: Thought Catalog

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)