Theo số liệu từ nền tảng chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu Statista, tính đến tháng 9/2023, chỉ có 26% Gen Z tại Mỹ sử dụng các ứng dụng hẹn hò, trong khi tỷ lệ này ở những người dùng lớn tuổi hơn lên đến 61%. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các ứng dụng hẹn hò không còn hấp dẫn với những người trẻ thuộc thế hệ Z?
4 lý do khiến Gen Z dần từ bỏ các ứng dụng hẹn hò
1. Sợ bị từ chối
Theo báo cáo xu hướng hẹn hò của Gen Z do ứng dụng hẹn hò Hinge công bố vào tháng 2/2024, hơn 90% trong số 15.000 Gen Z sử dụng ứng dụng này cho biết họ sợ bị từ chối, và 56% thừa nhận nỗi lo này đã ngăn cản họ theo đuổi các mối quan hệ tiềm năng. Trong khi đó, tạp chí Time của Mỹ nhận định rằng, nếu các thế hệ trước có nhiều kinh nghiệm hơn trước những cảm xúc tiêu cực do bị từ chối và dễ dàng vượt qua chúng, thì Gen Z – những người sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ – lại gặp nhiều khó khăn hơn. Những trải nghiệm bị từ chối hoặc bị “ghost” khi sử dụng ứng dụng hẹn hò rất dễ khiến họ bị tổn thương, cũng như ảnh hướng đến lòng tự trọng, giá trị bản thân và sức khỏe tinh thần của họ. Vì vậy, các ứng dụng này dường như không còn là nơi mang lại cảm giác an toàn và sự hài lòng về bản thân cho những người trẻ thuộc thế hệ Z như trước.
BÀI LIÊN QUAN
2. Phải trả phí để sử dụng các tính năng hữu ích
Không chỉ Gen Z, ngày càng nhiều người dùng nhận ra rằng hầu hết các ứng dụng hẹn hò hiện nay đang ưu tiên lợi nhuận hơn trải nghiệm của họ. Các nền tảng này thường ẩn đi nhiều tính năng hữu ích sau các gói trả phí hằng tháng hoặc hằng năm. Trong khi đó, người dùng lại có xu hướng muốn tìm được một nửa phù hợp trong thời gian ngắn, thay vì kéo dài thời gian sử dụng ứng dụng.
3. Bị quấy rối trên ứng dụng
Bị quấy rối là một trong những lý do chính khiến Gen Z ngày càng mất niềm tin vào các ứng dụng hẹn hò. Một khảo sát năm 2022 của Viện Tội phạm học Australia cho thấy, có đến 3/4 người tham gia khảo sát từng bị lạm dụng hoặc quấy rối trực tuyến trên các ứng dụng hẹn hò, và một số thậm chí còn bị lạm dụng trực tiếp từ những người họ kết nối. Ngoài ra, theo tờ The Conversation, những nạn nhân bị quấy rối còn phản ánh rằng các nền tảng hẹn hò thường phản hồi chậm trễ và thiếu hiệu quả trước các báo cáo về hành vi lạm dụng. Bên cạnh đó, việc chặn hoặc báo cáo kẻ quấy rối dường như chỉ là giải pháp tạm thời, không thực sự ngăn được họ tiếp tục gây hại cho người dùng khác.
Xem thêm
• [ELLE Voice] Gen Z: Một thế hệ hoang mang và cởi mở
• Cô đơn ảnh hưởng đến người trẻ như thế nào?
• 7 dấu hiệu “red flag” khi hẹn hò online mà bạn cần lưu ý
4. Mong muốn có những kết nối chân thực hơn
Việc bị bão hòa bởi thời đại công nghệ số đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng những mối quan hệ chân thực hơn của nhiều Gen Z. Theo tạp chí Time, phần lớn Gen Z ở độ tuổi đại học đang quay lại các phương pháp truyền thống để tìm kiếm nửa kia, như thông qua các mối quan hệ tại trường học, qua bạn bè hoặc những cuộc gặp gỡ tình cờ… Bên cạnh đó, việc hẹn hò với những người đã quen biết cũng giúp giảm thiểu những lo lắng và bất an mà Gen Z phải đối mặt khi sử dụng các ứng dụng hẹn hò.
Những lời khuyên giúp Gen Z tìm được nửa kia ngoài đời thực
1. Thể hiện rõ ý định
Nếu đang tìm kiếm một mối quan hệ ngoài đời thực, Gen Z có thể thử chia sẻ ý định này với bạn bè và những người quen biết. Không chỉ giúp Gen Z mở rộng mạng lưới xã hội, họ còn có thể dựa trên hiểu biết về tính cách và sở thích của Gen Z để giới thiệu những đối tượng phù hợp nhất.
2. Tương tác với thế giới thực
Tương tác nhiều hơn với thế giới thực sẽ giúp Gen Z mở rộng mạng lưới xã hội, cũng như tăng cơ hội tìm được nửa kia phù hợp. Theo đó, Gen Z có thể tham gia các hoạt động và sự kiện về chủ đề mình yêu thích, hoặc gia nhập các câu lạc bộ, hội nhóm để kết nối, làm quen với những người có cùng đam mê và quan điểm sống.
3. Mang lại giá trị tích cực cho người khác
Thay vì chỉ tập trung tìm kiếm đối tượng hẹn hò, Gen Z nên đầu tư cho việc xây dựng những mối quan hệ chân thành và tìm cách mang lại giá trị tích cực cho cuộc sống của người khác. Điều này không chỉ khiến đối phương cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn, mà còn góp phần giúp Gen Z trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hơn thế, đây còn có thể là nền tảng cho một mối quan hệ tích cực và bền vững trong tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh