Lifestyle / Bí quyết sống

Đi tìm lý do đằng sau sự xúc động và cách cân bằng lại cảm xúc

Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy buồn, vui vô cớ hay bỗng nhiên xúc động mà không có một lý do nào cả. Những cảm xúc này có thể đến bất chợt hoặc cũng có lúc "thường trực" bên trong như một phần tính cách của chúng ta. Hãy cùng ELLE khám phá nguyên nhân khiến bạn dễ xúc động và cách để tìm lại sự quân bình trong cảm xúc nhé.

Theo Emma Carpenter – nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, không có cảm xúc “tốt” hay cảm xúc “xấu”, bởi cảm xúc chính là tín hiệu để chúng ta nhận biết những nhu cầu căn bản của bản thân. Tất cả cảm xúc sinh ra đều nhằm thúc đẩy chúng ta, cung cấp thông tin cho chúng ta, giúp chúng ta kết nối với mọi người và với chính mình. Mặc dù một vài cảm xúc có thể mang lại cho chúng ta sự đau đớn về tinh thần, nhưng chúng đến là để chỉ cho ta biết điều mà ta cần thay đổi.

Điều quan trọng không phải là cảm xúc chúng ta đang có, mà là cách chúng ta đối mặt, phản ứng với chúng. Đôi khi, sự thiếu hiểu biết trong nhận thức có thể khiến chúng trở nên thiếu lành mạnh và cân bằng. Do vậy, chúng ta cần phải thấu hiểu bản chất, nguồn gốc của sự xúc động để có thể “đi qua” thay vì “mắc kẹt” trong chúng. Ví dụ, khi gặp phải những cảm giác tiêu cực, hãy lắng lòng lại để nhìn nhận, quan sát bản thân hơn là “cuống cuồng” và sợ hãi. Phản ứng điềm tĩnh của chúng ta trước cảm xúc chính là nhân tố giúp ta tháo gỡ và xóa bỏ những vướng mắc trong tinh thần.

Tại sao bạn lại dễ bị xúc động?

1. Thiếu ngủ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giấc ngủ có liên quan mật thiết đến tâm trạng của chúng ta. Ngủ không đủ giấc sẽ khiến chúng ta khó xác định cảm giác của bản thân hoặc bị mất cân bằng trong cảm xúc. Ngoài việc hay cáu kỉnh, khó chịu, mất ngủ còn làm chúng ta suy nghĩ và lo lắng quá mức. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, chúng ta cần tạo ra một không gian nghỉ ngơi thoải mái, yên tĩnh, hạn chế những thức uống từ caffein, tập luyện thói quen đi ngủ đúng giờ và không sử dụng các thiết bị điện tử 30 phút trước lúc ngủ.

2. Chế độ dinh dưỡng

Thực phẩm không chỉ tác động lên cơ thể vật lý mà còn lên cả tinh thần của chúng ta. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến chúng ta vui vẻ và khỏe khoắn hơn. Nếu bạn đang cảm thấy không thể kiếm soát tâm trạng của mình, hãy kiểm tra lại chế độ ăn uống trong tuần vừa qua và xem xem có thể thay đổi điều gì. Một số thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng có thể kể đến như: rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá, hay các loại đậu…

thức ăn ảnh hưởng đến cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Brooke Lark

3. Ít vận động

Khi tập luyện thể dục, não bộ sẽ tiết ra hormone endorphin – hóa chất giúp cải thiện tâm trạng và mang lại sự hưng phấn. Những bài tập ngắn, đơn giản như đi bộ, vận động nhẹ cũng có thể giúp chúng ta ngủ ngon và minh mẫn hơn về tinh thần.

4. những thay đổi lớn trong cuộc sống

Theo nhà tâm lý trị liệu Hilary Jacobs Hendel, những sự thay đổi lớn, những rắc rối trong mối quan hệ hay khủng hoảng thế giới như đại dịch có thể làm gia tăng sự căng thẳng, từ đó khiến chúng ta dễ xúc động, cáu gắt và ủ rũ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực hành chánh niệm hoặc các phương pháp thiền định sẽ giúp chúng ta điều chỉnh tâm trạng một cách hiệu quả.

cảm xúc của cô gái tóc xoăn nhắm mắt
Ảnh: Unsplash/Eli DeFaria

5. Những kỷ niệm đau buồn

Khi một sự kiện đau thương diễn ra trong cuộc sống, trạng thái cảm xúc của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nghiên cứu cho thấy nhiều người trở nên dễ xúc động hơn sau những trải nghiệm tiêu cực như xâm hại tình dục, bạo lực, tai nạn giao thông… Những cảm xúc của sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi, tức giận hay buồn bã có xu hướng tăng cao sau những trải nghiệm này. Không những vậy, kỷ niệm đau buồn còn khiến chúng ta cảm thấy nặng nề hoặc thậm chí không có xúc cảm về thế giới xung quanh.

6. Mất cân bằng nội tiết tố

Thông thường, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và thời kỳ mang thai sẽ dễ bị rối loạn cảm xúc bởi các hormone tiết ra trong những chu kỳ này. Họ sẽ cảm thấy khó chịu, gắt gỏng hoặc buồn vui vô cớ. Chúng ta cần hiểu rằng, cảm xúc chỉ như những đợt sóng đến rồi lại đi, vì vậy, hãy tập quan sát bản thân và để chúng được diễn ra tự nhiên.

7. các bệnh lý về tinh thần

Theo nhiều nghiên cứu, những căn bệnh về tinh thần có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái vô cảm hoặc thay đổi tâm trạng thường xuyên. Những vấn đề tâm lý điển hình có tác động lớn đến cảm xúc của chúng ta bao gồm bệnh trầm cảm, chứng rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn tăng động giảm chú ý…

cảm xúc cô gái nằm trên bãi cỏ
Ảnh: Unsplash/Mohammad Rezaie

8. Di truyền

Các nghiên cứu đã chứng minh di truyền học có một mối quan hệ mật thiết với tâm lý. Điều này có nghĩa rằng cảm xúc của chúng ta chịu ảnh hưởng một phần bởi ông bà, cha mẹ và tổ tiên.

9. “mất liên lạc” với cảm xúc của mình

Một số người có xu hướng kìm nén cảm xúc bởi họ tin rằng điều đó sẽ khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khi cảm xúc trở nên “quá tải”, họ cảm thấy chới với và không thể kiểm soát được bản thân. Trên thực tế, những người này đã “mất liên lạc” với cảm xúc của chính mình vì từ lâu họ đã không còn quan tâm đến cảm nhận của bản thân.

cảm xúc cô gái áo đen ngửa đầu
Ảnh: Unsplash/Mike Palmowski

10. Quá nhạy cảm

Lối sống tình cảm và dễ xúc động cũng có thể được xem là một khuynh hướng tự nhiên. Một số người về bản chất vốn đã nhạy cảm hơn người khác. Theo nghiên cứu, có tới 20% dân số thế giới là người nhạy cảm. Những người này thường có cảm nhận sâu sắc và cảm xúc mãnh liệt về cuộc sống.

Những phương pháp giúp cân bằng cảm xúc

1. học cách chấp nhận và buông bỏ

Việc chống đối, tránh né không những không giúp ta giải tỏa mà còn khiến ta cảm thấy nặng nề hơn. Vì vậy, thay vì phớt lờ, hãy thấu hiểu và bao dung những cảm xúc của bản thân. Cảm xúc là một dạng năng lượng vô hình mà chúng ta không thể nhìn thấy hay nắm bắt, do đó, đừng cố gắng kiểm soát những trạng thái tâm lý bên trong mà hãy học cách phản ứng một cách đúng đắn và thông minh.

2. nhận biết cảm xúc

Khi có một cảm xúc “ập” đến, hãy khoan phản ứng mà nên quan sát và nhận biết những trạng thái có mặt bên trong chúng ta. Cảm xúc vốn như là những đợt sóng khi ẩn khi hiện, vì vậy đừng để chúng “thống trị” và “thao túng” chúng ta.

Nhà tâm lý trị liệu Hendel đã chỉ ra hai loại cảm xúc chính mà chúng ta cần theo dõi đó là cảm xúc cốt lõi và cảm xúc ức chế. Theo cô, cảm xúc cốt lõi là những cảm nhận tuyệt vời, trong sáng, chúng tạo điều kiện cho chúng ta trên con đường hoàn thiện chính mình. Trái lại, cảm xúc ức chế ngăn cản chúng ta trải nghiệm những điều tốt đẹp, chúng bao gồm xấu hổ, lo lắng và tội lỗi.

cảm xúc cô gái mang áo trắng
Ảnh: Unsplash/Taisiia Stupak

3. hiểu rõ nguồn gốc

Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về những sự kiện đã gây nên cảm giác tiêu cực trong bạn. Bạn có thể tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại cảm thấy tức giận/xấu hổ/bất an như vậy?”, “Những cảm giác này liệu có ý nghĩa hay mang lại lợi ích gì cho tôi không?”. Bạn cần hiểu rõ vấn đề để có thể giải quyết thay vì “vật lộn” với những mớ hỗn độn bên trong mình.

4. Thiền

Thiền định sẽ giúp tâm trí bạn tĩnh lặng, từ đó, những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, giận dữ… sẽ lắng xuống. Bạn sẽ điều chỉnh được suy nghĩ, tâm trạng và tìm về với sự an lạc vốn có bên trong. Khi thiền, bạn có thể sử dụng câu thần chú sau: “Tôi hít vào sự bình yên, tình yêu và sự tha thứ. Tôi thở ra tất cả những gì không còn phục vụ cho tôi nữa”.

cảm xúc cô gái ngồi thiền
Ảnh: Unsplash/Matteo Di Iorio

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Tâm Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: mindbodygreen
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)