Lifestyle / Bí quyết sống

Lý trí và cảm xúc, bạn đã thật sự hiểu chính bản thân mình?

Tôi thường tin rằng, trí tuệ tượng trưng cho lý trí của chúng ta. Còn tình cảm, chính là đại diện cho cảm xúc.

Sự giao thoa giữa lý trí và cảm xúc, sẽ tạo nên những hành vi, lời nói, cách ứng xử…. hay tất cả những gì chúng ta thể hiện ra bên ngoài, tác động vào những người xung quanh, tác động vào cuộc sống mà ta đang sống. Chính vì vậy, có những khi hành động và lời nói của ta không đồng nhất với suy nghĩ của chính ta. Hay thật khó để phân biệt những người thật thà và những người giả tạo.

Có những người, mặc dù trong thâm tâm nghĩ tốt muốn làm điều tốt, nhưng cách thể hiện của họ tại sao lại “vô tình” làm tổn thương, khó chịu cho những người xung quanh? Cũng như vậy, có những người miệng nói lời êm ái, hành xử thì chu toàn, nhưng trong thâm tâm lại hướng tới những mục đích vị kỷ, đầy thực dụng, toan tính… làm sao ta có thể nhận thức được dễ dàng?

lý trí cảm xúc

Trong thế giới đầy rẫy những lời giả dối, những điểm mù, những mặt nạ mang hình người…, việc nhìn thấu bản chất của một sự việc, của hành động hay của một người không tránh khỏi khó khăn. Tôi vừa kết thúc một khóa học mà ở đó, sau khi giúp tôi nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu, những vấn đề trong quá khứ và hiện tại của mình; người ta đã nói với tôi rằng: Thực ra, lý trí và cảm xúc không thống nhất khiến tôi đưa ra những quyết định sai lầm, đối mặt với những hiểu lầm đáng tiếc, gặp phải những khủng hoảng trong tinh thần và cuộc sống… là bởi vì tôi chưa hiểu chính tôi, cũng như chưa lắng nghe chính mình bao giờ.

Vậy làm thế nào để cân bằng giữa lý trí và cảm xúc?

Làm thế nào để ta có một trí tuệ cảm xúc đúng đắn?

Làm thế nào để biết lúc nào ta nên dùng cảm xúc để truyền tải lý trí và ngược lại, dùng lý trí để bộc lộ cảm xúc của mình?

Phải chăng chỉ khi nào ta hiểu rõ ta là ai, ta muốn gì, ta cảm thấy như thế nào?

Lý trí và cảm xúc

Tôi có một nguyên tắc sống bất biến cho mình: Không kỳ vọng và không phán xét bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai trên đời. Như vậy, ta sẽ tránh cho mình những thất vọng và suy diễn về những điều chưa chắc đã xảy ra như ta tưởng.

Cảm xúc luôn làm cho con người ta yếu đuối. Nhưng việc bạn có cho phép chúng tác động lên mình hay không, lại là do bạn quyết định. Khi ta thực sự sống với bản thân mình, sống với những điều mình thích, theo cách mình muốn mà không bị ảnh hưởng hay tác động của bất kỳ ai bên ngoài, thì việc người khác đối xử như thế nào với bạn, việc cuộc sống của bạn diễn ra ra sao, không ảnh hưởng đến cách bạn tiếp nhận và xử lý thông tin bên trong mình.

Khi bạn bị đối xử tồi tệ, bạn bị tổn thương bởi những người không tốt; khi cuộc sống không diễn ra theo cách mà bạn mong muốn, những rủi ro, đen đủi cứ mãi đeo bám quanh bạn; khi những gì bạn làm luôn gặp trở ngại, khó khăn, thất bại hay lầm lẫn… hãy nhớ rằng, mọi câu hỏi đều có câu trả lời; đấy chính là khi, ta không chỉ lắng nghe được bên ngoài, mà còn lắng nghe được chính mình.

Và đấy cũng là khi, tiếng nói trực giác bên trong bạn lên tiếng.

Xem thêm 

11 bộ phim tâm lý, tình cảm xuất sắc nhất về chủ đề đồng tính

5 bí quyết chính giúp ứng xử thông minh theo triết lý đạo Phật

Điều trị vết thương tâm lý 4 giai đoạn hậu thất tình

Nhóm thực hiện

Lê Thủy Tiên (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)