Trong cuộc nói chuyện năm 2015 trên sân khấu TED, nhà nhân chủng học Frances Larson của Đại học Oxford mô tả cuộc hành quyết và hành động đăng tải nó trên mạng xã hội của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS là cuộc “hành quyết” với công chúng trên mạng. Theo bà, nó đã diễn tiến đúng với những gì kẻ chủ mưu mong muốn. Bởi hàng triệu người đã quá tò mò và bấm vào clip. Hãy quay lại câu chuyện gần gũi hơn. Một thanh niên trẻ có nickname Nguyen Thien đăng status nếu có đủ 40.000 like, cậu sẽ tự thiêu và nhảy cầu xuống kênh Tân Hóa. Cậu được 86.000 like sau một đêm, và vào ngày 20/9 cậu đã thức hiện lời hứa.
Nối tiếp vụ tự thiêu là những thách thức điên rồ không kém, như đủ 7.000 like sẽ khỏa thân chạy quanh trường đại học; đủ 100.000 like sẽ tự dùng dao đâm vào tay, đủ 60.000 like sẽ nhảy xuống và uống nước kênh, đủ 20.000 sẽ khỏa thân trên Facebook. Hành vi gần như chỉ có động cơ duy nhất là nỗi khát khao đến tuyệt vọng được cộng đồng biết đến, được lắng nghe, được nhìn thấy, đúng như lứa tuổi này khao khát. Nó cho thấy thực trạng đáng ngại rằng, người tham gia mạng xã hội, đặc biệt là tại Việt Nam quá khao khát có được like, share, comment để được trở nên nổi tiếng bằng bất cứ giá nào.
BÀI LIÊN QUAN
Trong thị trường cuồng nhiệt với mạng xã hội đó, nhãn hàng sẵn sàng trả tiền cho những fanpage, những cá nhân có được con số mơ ước, không kể đến nội dung của trang là gì. Vòng tuần hoàn của những người muốn “chơi nổi” trỗi dậy. Có tiền để nuôi những ý tưởng bất cần, kể cả làm tổn thương và gây nguy hiểm. Có giấc mộng nổi tiếng để nuôi những “kẻ hành quyết” sẵn sàng bạo tay cầm dao đâm vào cơ thể để quay một clip hàng trăm ngàn lượt thích. Và
cũng ở trong thị trường đó, bạn đọc, khán giả đã trở thành những kẻ gián tiếp tham gia vào cuộc hành quyết thật sự. Hình ảnh đám đông tụ tập quanh kênh Tân Hóa gây kẹt xe chờ đợi cảnh một người tự thiêu; mang xăng tới, hay bắt cô bé 1.000 like đốt trường; tán thưởng và chửi bới, làm những video đáp lại trào lưu, nhiệt tình ngồi xem chương trình phát trực tiếp chờ cô gái cởi quần cởi áo cũng giống với cuộc “hành quyết công cộng” được đề cập trong cuộc nói chuyện ở TED. Nó cho thấy con người im lặng, hăm hở và vô cảm thế nào khi chứng kiến một cái chết, tò mò và nhẫn tâm đến thế nào khi ngắm nhìn một hành động bạo lực. Quan trọng hơn, ở khoảng cách một cái like trên Facebook hay ngồi xem trực tuyến video, khán giả được an toàn. Họ trở thành những khán giả nồng nhiệt tìm thấy niềm vui trước hình ảnh tàn bạo, thậm chí hủy hoại danh dự và nhân tính của người trong video.
Trong cuộc trò chuyện với một phóng viên Thái Lan, cô đã kể với tôi: “Ở Thái Lan đã có hai cuộc tự tử trực tiếp trên Facebook. Một người treo cổ trên quạt trần và quay live cảnh đó. Tôi vẫn còn nhớ cánh quạt trần quay và xác người đó quay theo trên dây. Một cậu thanh niên bắn súng vào đầu tự tử vì bị mẹ than phiền. Video đó được hàng ngàn người chia sẻ, thậm chí chẳng có gì che chắn đi cảnh ghê rợn đó”. “Họ chết rồi. Những người tự tử và muốn chết đâu quan tâm đến ai. Nhưng những người sống, tại sao lại nhiệt tình chia sẻ một cảnh tàn bạo như thế?”, cô hỏi tôi.
BÀI LIÊN QUAN
Hôn nhân vs Facebook
Đặng Thanh Hằng, nghiên cứu sinh ngành Đông Nam Á hiện đại tại Đại học Duisburg Essen (Đức) giải thích: “Trào lưu này rất giống với áp lực bạn bè. Dưới áp lực bạn bè, những đứa trẻ vị thành niên làm bất cứ điều gì mà chúng có thể sẽ hối hận sau đó. Nhưng các em vẫn làm, vì đó là cách để chứng tỏ bản thân thật nhanh. Nhưng có bao nhiêu em nhận ra các em nhanh chóng sau đó trở thành nạn nhân của bạo hành trên mạng. Nếu các em quyết định lùi lại, đương nhiên sẽ bị mất mặt và đối diện với hàng loạt đe dọa cá nhân, như cô bé đốt trường đã bị”.
“Nhiều người sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện những gì mình đã hứa. Theo cách nào đó, họ trở thành nạn nhân và mắc kẹt trong chính lời thách thức mà họ đưa ra” – cô nói tiếp. Và đám đông hiếu kỳ cũng không tránh khỏi những thương tổn tinh thần
một cách vô hình. Họ hăm hở trở thành nạn nhân của chính họ, của chính cái ác họ đang gieo mầm và góp phần thực hiện những cuộc “hành quyết trên mạng”.
—
Xem thêm
Mạng xã hội – Chia sẻ bao nhiêu là đủ?
Sử dụng mạng xã hội thông minh
Tình yêu thời hiện đại: Cần lắm nhiều dũng cảm
Nhóm thực hiện
Khải Đơn ( Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE )