Trong lĩnh vực thiên văn học, mặt trăng gây ảnh hưởng lên Trái Đất trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, mặt trăng điều khiển thủy triều lên xuống, ảnh hưởng đến vòng đời cũng như hành vi của nhiều loài động vật. Thậm chí, mặt trăng còn gây tác động đến sự ổn định của vòng quay Trái Đất xung quanh mặt trời. Ngoài ra, mặt trăng còn là nhân tố quan trọng trong chiêm tinh học, vì người ta cho rằng, hành tinh này là đại diện của cảm xúc, tâm trạng và ký ức. Khi trăng tròn, mọi cảm xúc được bộc lộ rõ ràng và mãnh liệt hơn bao giờ hết, trái lại, lúc trăng non, mọi cảm xúc được giấu kín đi, tâm trạng con người cũng an tĩnh và bình yên hơn. Đó là lý do vì sao, từ trước đến nay, mặt trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho lĩnh vực thi ca, hội họa.
Dưới đây là một số tác động của mặt trăng lên tâm trạng, cảm xúc của chúng ta, được giải thích dưới góc nhìn của khoa học và chiêm tinh học.
1. Một số giai đoạn trong chu kỳ mặt trăng có thể dẫn đến hành vi liều lĩnh hoặc bạo lực hơn
Một báo cáo được công bố bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có tiêu đề Bạo lực hình sự: Mối tương quan sinh học và các yếu tố quyết định nêu rằng, mặc dù không thể khẳng định mặt trăng có liên quan đến hành vi phạm tội hoặc tâm lý điên loạn, tuy nhiên, một vài nghiên cứu có chỉ ra mối tương quan giữa những yếu tố này. Bài báo cáo còn mô tả các phân tích về hồ sơ của cảnh sát ở một số khu vực tại Mỹ, nơi đã từng diễn ra các cuộc tấn công tàn bạo, các vụ giết người, tự sát, tử vong do tai nạn giao thông và các ca nhập viện cấp cứu tâm thần tăng cao. Tất cả những vụ việc này đều ứng với một số giai đoạn nhất định của chu kỳ mặt trăng. (Ví dụ, các vụ tấn công và giết người thường xảy ra vào thời điểm trăng tròn, còn các cuộc nhập viện cấp cứu tâm thần diễn ra trong tuần trăng thứ nhất).
BÀI LIÊN QUAN
2. Thời điểm trăng non có thể khiến bạn cảm thấy trầm tư và sống nội tâm hơn
Theo chiêm tinh học, trăng non là thời điểm chúng ta có xu hướng nhìn nhận bản chất bên trong để soi chiếu và hiểu hơn về cảm xúc của mình. Kristen Fletcher, nhà chiêm tinh học người Mỹ, cho rằng: “Vào thời điểm trăng non, mặt trăng không xuất hiện trên bầu trời và không có ánh sáng, đồng nghĩa với việc nguồn năng lượng bên trong chúng ta cũng giảm đi. Người ta có xu hướng cảm thấy mệt mỏi vào giai đoạn này và có khao khát hướng về nội tâm bên trong một cách tự nhiên”.
Nếu bạn muốn thiết lập một khởi đầu mới, trăng non là thời điểm thuận lợi để bạn suy ngẫm kỹ hơn về những gì bạn muốn trong đời mình và đặt ra những dự định thích hợp cho tương lai. Lý do là vì, trăng non đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mặt trăng mới nên năng lượng vũ trụ lúc này rất phù hợp để bạn bắt đầu những điều mới mẻ.
3. Giai đoạn nửa đầu của chu kỳ mặt trăng có thể khiến bạn cảm thấy có động lực hơn
Như đã đề cập ở trên, thời điểm trăng non là lúc chúng ta có thể thiết lập những dự định và mục tiêu mới cho cuộc đời. Vì vậy, khi mặt trăng tròn dần trong giai đoạn nửa đầu của chu kỳ, bạn sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng bên trong trào dâng và cảm thấy có động lực để thực hiện mọi thứ. Đây cũng là giai đoạn chứa đựng sự tươi mới và nhiều tiềm năng. Vì vậy, bạn hãy để ý kỹ sự thay đổi của tâm trạng, sự phát triển của nguồn năng lượng bên trong và động lực của bản thân trong 2 tuần giữa giai đoạn trăng non và trăng tròn nhé!
4. Thời điểm trăng khuyết và trăng tròn có thể khiến bạn cảm thấy cáu kỉnh vì mất ngủ
Vào thời điểm con người chưa sử dụng điện, những đêm trăng tròn là thời điểm người ta hoạt động nhiều nhất, bởi họ thích được tận hưởng thời gian nhiều hơn dưới ánh trăng. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, điều này vẫn còn đúng ở thời điểm hiện tại. Một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Current Biology năm 2013 chỉ ra rằng, giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng bởi chu kỳ của mặt trăng. Những người tham gia cuộc nghiên cứu khi ấy đã ngủ ít hơn và thời gian ngủ sâu không nhiều trong giai đoạn trăng tròn. Chất lượng giấc ngủ của họ cũng không được tốt vào thời thời điểm này, mặc dù họ được đưa vào một môi trường nghiên cứu không thể xác định được thời gian bên ngoài.
Trong một vài nghiên cứu khác, người ta chứng minh ngay cả những người sống ở thành thị, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cũng không ngủ nhiều trong những ngày trăng khuyết và trăng tròn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng của họ.
BÀI LIÊN QUAN
Tâm trạng buồn bực và bức xúc là do đâu?
5. Thời điểm trăng tròn có thể khiến bạn lo lắng nhiều hơn
Trong chiêm tinh học, thời điểm trăng tròn (vào giữa tháng âm lịch) là lúc năng lượng đang ở mức cao nhất, thúc đẩy mọi khía cạnh trong cuộc sống lên mức cao trào hoặc đưa đến sự kết thúc. Lúc này, mặt trăng hiện trên bầu trời rõ ràng nhất, là hình ảnh đối lập hoàn toàn với mặt trời vào ban ngày. Sự đối lập này tạo ra nguồn năng lượng khiến chúng ta luôn có tâm trạng lo lắng, căng thẳng và dễ xúc động. Thời điểm trăng tròn cũng có thể khiến bạn mơ thấy ác mộng nhiều hơn, là một trong những nguyên nhân làm bạn lo âu.
BÀI LIÊN QUAN
Tìm hiểu tâm trạng khi yêu
6. Thời điểm trăng tròn khiến bạn hòa đồng hơn, còn thời điểm trăng non khiến bạn thu mình lại
Nếu bạn cảm thấy bản thân mình hòa đồng và năng động hơn vào những ngày trăng tròn hoặc cảm thấy năng lượng giảm sút, khiến bạn muốn thu mình lại, đây có thể là những bản năng còn sót lại sau nhiều năm tiến hóa của loài người. Vào thời xa xưa, nhờ có ánh trăng vào thời điểm trăng tròn, con người có thể ra ngoài và tham gia vào nhiều hoạt động, nhưng vào những lúc tối tăm của thời điểm trăng non, con người sẽ ở trong nhà để tránh hiểm nguy cũng như có nhiều thời gian yên lặng để suy ngẫm hơn. Tuy ngày nay, chúng ta không cần phải đợi ánh sáng của trăng tròn để tụ họp gặp gỡ vào buổi tối, nhưng bản năng từ nhiều năm tiến hóa vẫn khiến tâm trạng và hoạt động của chúng ta thay đổi theo chu kỳ của mặt trăng.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Bustle