6 mẹo giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình
Lần cuối cùng bạn bất chấp làm điều gì đó mà không cần biết trước kết quả là khi nào? Bạn đã vượt qua được nỗi sợ nào chưa? Đã bao lâu bạn không không tận hưởng những chuyến du lịch? Và bạn có đang hết mình yêu ai đó? Nếu hầu hết câu trả lời là không thì có thể bạn đã vô thức thu mình vào một vùng đất nhỏ bé của riêng bạn – vùng an toàn.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có ước mơ khám phá những điều mới lạ, được nói những điều trái tim mong mỏi, bước tới những nơi mà ta muốn đi và được tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Thế nhưng những hoài bão quý giá ấy thường chỉ mạnh mẽ khi ta còn trẻ và dần bị vòng tròn an toàn của chúng ta kìm nén lại khi trải qua năm tháng. Bởi rất hiếm khi đam mê và sự nghiệp lại có thể hoà làm một, sự kìm nén là điều cần thiết để giúp ta có một cuộc sống ổn định, hoàn thành những trách nhiệm như chăm lo cho gia đình, làm hài lòng những kỳ vọng mà mọi người đặt lên ta… Trong quá trình trưởng thành, chúng ta đành phải bỏ lại những giấc mơ thời đôi mươi để thu mình vào một cái “vỏ ốc”, dù nhỏ bé nhưng an toàn. Chúng ta dần cảm thấy hài lòng với sự thoải mái khi làm những điều thường nhật ngày qua ngày. Thế nhưng, có nhiều chân trời mới lạ ngoài kia mà bạn nên khám phá, nhiều kiến thức mới bạn nên học hỏi và ai đó nên biết rằng trong mắt bạn họ xinh đẹp như thế nào.
Có nhiều hơn một lý do để bạn từ chối rời khỏi cuộc sống hiện tại để dấn thân vào một hành trình mạo hiểm nhưng cũng có vô vàn lý do để cỗ vũ bạn dám thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nếu một ngày bạn cảm thấy bí bách trong cuộc sống thường nhật của mình, đấy là lúc bạn cần nói lời từ biệt với vùng an toàn.
Hãy để yêu ELLE mách bạn 6 cách đơn giản để vượt qua giới hạn an toàn của bản thân nhé!
Vùng an toàn là gì?
Vùng an toàn là trạng thái tâm lý thoải mái mà con người có được khi được vây quanh bởi những điều quen thuộc, làm những việc không tốn sức lực và không có tính thử thách. Phần lớn chúng ta đều thích yên vị trong vòng tròn an toàn của bản thân bởi vì nó yên bình, đơn giản cũng như dễ dàng kiểm soát. Bất cứ điều gì nằm bên ngoài vòng tròn đó đều không chắc chắn và sự không chắc chắn dễ khiến chúng ta cảm thấy lo sợ. Vùng an toàn không ngừng thủ thỉ với chúng ta rằng hãy đắp chiếc chăn lên và nằm yên trong những điều thân thuộc thay vì mạo hiểm đương đầu với thế giới luôn không ngừng chuyển động ngoài kia.
Sự ổn định về mức lương, sự nghiệp khiến chúng ta dễ bằng lòng với công việc dù nó có bí bách và quanh quẩn với những điều lặp đi lặp lại ngày qua ngày. Đây cũng là cách vùng an toàn níu chân chúng ta khỏi việc bước chân đến những vùng trời mới, chinh phục những hoài bão, ước mơ mà ta ấm ủ. Nhưng ở lâu trong vùng an toàn, chúng ta sẽ càng sợ sệt những thứ bên ngoài giới hạn của chính mình, khiến cho cuộc sống của chúng ta càng ngày càng trở nên tẻ nhạt, vắng bóng dần những điều thú vị và có ý nghĩa. Sự phát triển chỉ đến với những ai dám lao ra khỏi rào cản an toàn của bản thân, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới lạ trong cuộc sống.
Tại sao rời khỏi vùng an toàn là một thử thách khó khăn?
Nỗi sợ những điều không chắc chắn
Chúng ta luôn tìm kiếm sự ổn định và chắc chắn trong cuộc sống từ sự nghiệp cho đến tình yêu. Vì thế mà bước chân ra khỏi vùng an toàn là một quyết định khó khăn, bởi đó là một hành trình đầy những điều không chắc chắn. Theo Psychology Today, khi đối diện với những điều mà bản thân không rõ liệu có phải là mối đe dọa hay không, chúng ta sẽ vô thức xem chúng là mối nguy hiểm. Do đó, đa số chúng ta đều không sẵn lòng đánh đổi sự ổn định của hiện tại để mạo hiểm theo đuổi một tương lai bất định.
Ngay cả khi bạn đã vượt qua vùng an toàn của mình thì nỗi sợ hãi vẫn có thể ngăn cản bạn tiến về phía trước.
Sự cám dỗ của cảm giác thoải mái
Bất kỳ ai cũng yêu thích sự thoải mái. Vùng an toàn là nơi cho chúng ta cảm giác này. Nó không ngừng thì thầm vào tai chúng ta rằng việc gì phải tập thể dục, vừa đau nhức vừa đổ mồ hôi trong khi có thể ngủ tiếp, đừng nỗ lực theo đuổi những hoài bão to lớn đầy rủi ro làm gì mà hãy sống an nhàn với cuộc sống hiện tại… Sự thoải mái là tác nhân lớn nhất níu chân chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Chỉ khi bạn đủ mạnh mẽ và quyết tâm để trả lời các câu hỏi “vì sao mình phải rời bỏ nơi trú ngụ yên bình để mạo hiểm, để chịu khó, chịu khổ?”, “mình có thực sự hài lòng với cuộc sống hiện tại không?”… bạn mới có thể thoát khỏi sự cám dỗ của cảm giác thoải mái.
Tư duy cố định
Nhà tâm lý học Carol Dweck cho rằng con người có 2 lối tư duy chính là tư duy cầu tiến (growth mindset) và tư duy cố định (fixed mindset).
Người có tư duy cố định luôn mặc định rằng sự thông minh và khả năng của bản thân là bẩm sinh và không thay đổi theo thời gian. Họ tin rằng nỗ lực không làm nên thành công, vì vậy họ không có động lực để tìm kiếm cơ hội phát triển và học hỏi các kỹ năng mới. Tư duy cố định khiến người sở hữu nó trở nên thụ động trong công việc và cuộc sống. Họ muốn giữ lại những gì quen thuộc và có xu hướng né tránh những cơ hội thách thức mới như một bản năng.
Thói quen
Càng lặp lại những hành vi nhất định, chúng ta càng bị mắc kẹt vào những khuôn mẫu cố định. Đôi khi, bạn làm việc “răm rắp” như một cỗ máy trong trạng thái vô thức, mất cảm nhận về những gì đang diễn ra. Bạn bị mắc kẹt trong vòng lặp tưởng chừng như vô tận khi 365 ngày mỗi năm đều diễn ra với một quy trình duy nhất. Thói quen giúp ta làm việc trơn tru hơn nhưng nó cũng có thể khiến bạn trở nên cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, những thói quen thường mang lại cảm giác an toàn và thoải mái, vì vậy hầu hết chúng ta đều e ngại phải thay đổi những điều đã bám rễ vào não bộ.
Làm thế nào để thoát ra khỏi vùng an toàn?
Năm 1908, một thí nghiệm được thực hiện bởi hai nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dodson đã tìm thấy mối quan hệ thú vị giữa hiệu suất làm việc và sự lo lắng. Họ phát hiện ra rằng những con chuột vượt một mê cung nhanh hơn khi bị sốc điện nhẹ. Tuy nhiên, những con chuột trở nên sợ hãi và hoảng loạn khi các cú sốc điện quá mạnh. Theo Định luật Yerkes – Dodson, áp lực hoặc lo lắng ở mức tối ưu sẽ làm tăng hiệu suất làm việc.
Cách tốt nhất để rời khỏi vùng an toàn của bạn là dần dần mở rộng nó và tìm ra mức độ căng thẳng mà bản thân có thể chịu được. Nếu bạn vội vã ném mình ra khỏi vùng an toàn, bạn có thể dễ dàng bị vấp ngã và khó lòng đứng dậy, thậm chí nhận lấy những tổn thương trong tâm lý. Vì vậy, hãy thực hiện từng bước nhỏ và bước đều mỗi ngày.
Làm một điều bạn luôn muốn làm
Những áp lực cuộc sống khiến chúng ta phải tạm gác lại những hoài bão một thời để theo đuổi một công việc có thể nuôi sống bản thân và gia đình hay hoàn thành những trách nhiệm luôn đè nặng trên vai. Dẫu rằng chúng ta vẫn có thể đạt được điều mình muốn nhưng niềm vui cuộc sống lại trở nên nhạt dần đi.
Vì vậy bước đầu tiên trong hành trình thoát khỏi vùng an toàn chính là thử thách bản thân bằng cách chọn một điều bạn luôn muốn làm và thực hiện nó. Điều này có thể là bất cứ điều gì từ học cách chơi piano, học một ngôn ngữ mới đến chạy marathon.
Thử thách tập thể dục
Thử thách thể chất không chỉ giúp bạn mở rộng vùng an toàn mà còn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Vì vậy, bạn hãy đặt ra những thử thách tập thể dục cho bản thân và thực hiện nó như chạy bộ hoặc đạp xe trong 30 ngày, plank 5 phút/lần…
Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên sẽ góp phần làm giảm tác động của sự căng thẳng lên cơ thể và làm giảm mức độ lo lắng. Điều này giúp bạn có động lực để thực hiện những điều vượt ngoài giới hạn an toàn của mình bởi một trong những rào cản để bước ra ngoài thế giới rộng lớn là cảm giác lo lắng, bất an.
Thay đổi thói quen của bạn
Những việc lặp đi lặp lại hàng ngày có thể bóp nghẹt bạn. Khi cảm thấy quá bí bách, hãy tự tin thay đổi những thói quen nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của bạn như thay đổi không gian làm việc, thay đổi thói quen thức khuya, thay đổi trong việc ăn uống…
Việc tái diễn thói quen muốn từ bỏ là điều bình thường và không có nghĩa là bạn đã thất bại.
Học các kỹ năng mới
Vùng an toàn là nơi khiến người ta thoải mái và dễ chịu nhưng đó không phải là nơi thích hợp để ươm mầm những ước mơ bởi nó sẽ kìm hãm sự phát triển của bạn. Nếu bạn chỉ “giậm chân tại chỗ” với những thứ đã biết, bạn sẽ ngày càng trở nên yếu kém trong thế giới đang không ngừng chuyển động ngoài kia.
Bạn nên đừng ngần ngại học các kỹ năng mới. Chúng sẽ mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh khi bạn bước vào một môi trường mới.
Đi du lịch
Muốn rời khỏi vùng an toàn, ta phải bước qua những nỗi sợ hãi. Thế nhưng, hành trình tìm lại đam mê và chính mình không hẳn là một cuộc mạo hiểm đầy rủi ro. Đôi khi, để thoát khỏi chiếc vỏ ngọt ngào ấy, bạn chỉ cần thay đổi bối cảnh quen thuộc đã trở nên nhàm chán bằng cách đi đến những vùng đất xa lạ.
Bạn nên chọn một điểm đến hoàn toàn mới cho chuyến đi của mình. Ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hòa mình vào lối sống địa phương sẽ mang lại cho bạn những góc nhìn đa dạng hơn về cuộc sống.
Đối mặt với một nỗi sợ
Bạn cần dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Dũng cảm không phải là loại bỏ nỗi sợ hãi mà là tiến về phía trước bất chấp sự tồn tại của nó.
Vì vậy, thay vì né tránh, bạn nên chọn một nỗi sợ đang kìm hãm bạn và đối đầu với nó. Nếu bạn luôn “tim đập chân run” mỗi khi thuyết trình, hãy luyện tập nói nhiều hơn bắt đầu từ các cuộc họp nhóm nhỏ và dần dần mở rộng quy mô đám đông.
Điều gì xảy ra khi bạn rời khỏi vùng an toàn?
Tăng khả năng phục hồi
Bạn càng mở rộng vùng an toàn của mình, khả năng phục hồi của bạn càng trở nên mạnh mẽ. Khi bước ra khỏi giới hạn, bạn có thể sẽ trải nghiệm nhiều điều mới lạ và khác biệt so với những gì bạn quen thuộc. Những thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực mà bạn phải đối diện trong hành trình này tạo điều kiện cho bạn học hỏi và giải quyết vấn đề, từ đó điều chỉnh cảm xúc về mức ổn định. Điều này giúp bạn vượt qua những trở ngại trong công việc và cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Vì vậy mà những vấp ngã không hẳn là đáng sợ, ở một khía cạnh nào đó chúng giúp bạn mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần. Tác giả Samuel Smiles đã nói rằng: “Chúng ta học được từ thất bại nhiều hơn thành công”.
Tự hiện thực hóa
Tháp nhu cầu Maslow có 5 tầng, trong đó “self-actualization” (tự hiện thực hóa) nằm ở tầng cao nhất. Đó là khi bạn có thể sử dụng và phát triển hết các tiềm năng của bản thân để thực hiện hoá những nhu cầu của mình.
Nếu bạn mãi ở trong vùng an toàn của mình, bạn sẽ không bao giờ biết bạn có thể đi xa đến đâu và làm được những điều lớn lao cỡ nào. Một khi bạn vượt qua nỗi sợ hãi khi nói lời từ biệt với vùng an toàn, bạn đã bắt đầu hành trình khám phá những khả năng tiềm ẩn và phát triển bản thân. Mỗi người đều nuôi dưỡng một giấc mơ riêng và không có giấc mơ nào có thể thành hiện thực nếu bạn mãi an nhàn trong vùng an toàn. Chỉ khi bước ra khỏi trạng thái nguội lạnh và trì trệ ấy, ta mới có thể bước tới những chân trời mới, theo đuổi những ước mơ tưởng chừng đã quên lãng.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận sự tự hiện thực hóa như một hành trình liên tục hơn là một đích đến.
Tự tin hơn
Sự tự tin và vùng thoải mái có mối tương quan trực tiếp với nhau. Điều này có nghĩa là vùng an toàn càng nhỏ thì bạn càng không tự tin vào bản thân và khả năng của mình. Thoát khỏi “cái kén” đó, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn và chúng là những chất xúc tác cho quá trình trưởng thành của bạn. Bạn càng thách thức những nỗi sợ hãi, bạn sẽ càng trở nên tự tin hơn.
Đối mặt với nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông sẽ làm tăng sự tự tin của bạn theo hai cách. Nó sẽ khiến bạn trở thành một diễn giả tự tin hơn trước nhiều người và nâng cao lòng tự trọng của bạn. Đồng thời, bạn sẽ tự hào về bản thân khi đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu.
Không còn sự hối tiếc
Ở trong vòng an toàn, bạn thường lặp đi lặp lại những thói quen cố hữu. Bạn gắn bó với công việc nhàm chán và mệt mỏi mỗi ngày mà không đi tìm một công việc mới. Bạn chọn không bày tỏ tình cảm với người bạn yêu bởi bạn sợ phải đối mặt với sự từ chối đầy đau đớn. Sự né tránh những rủi ro và thử thách trong cuộc sống khiến bạn bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị ở những chân trời xa lạ ngoài kia. Về sau, những điều này có thể trở thành sự nuối tiếc trong cuộc đời của bạn.
Bước ra khỏi vùng an toàn, bạn cho phép mình được thử thách, được thất bại để từ đó tận hưởng những ước mơ bạn đã kìm nén trong bấy lâu và khám phá ra những điều mới về chính bạn.
Xem thêm
• 7 kiểu tính cách thân thiện nhất trong bài trắc nghiệm tính cách MBTI
• 9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn
• Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực để đạt được hạnh phúc
Các bước để thoát ra khỏi vùng an toàn
1. Cảm nhận về bên trong và bên ngoài vùng an toàn của bạn
Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm rằng bạn cảm thấy thế nào khi sống trong vùng an toàn của mình bằng cách viết ra tất cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực xoay quanh tình huống hiện tại của bạn. Đồng thời, bạn hãy viết tất cả những nguyện vọng, mục tiêu hoặc những điều bạn muốn trải nghiệm ở bên ngoài vùng an toàn.
Viết có thể giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về cảm xúc của mình và tìm thấy động lực để rời khỏi vùng an toàn của mình.
2. Đặt mục tiêu
Bạn nên lập bảng mục tiêu để nhắc nhở bản thân phấn đấu. Tuy nhiên, hãy lựa chọn những mục tiêu thực tế, vừa sức với bản thân bởi khi đặt mục tiêu quá cao, chúng ta có xu hướng chán nản và bỏ cuộc ngay từ khi bắt đầu.
Bạn có thể sử dụng mô hình mục tiêu 5 yếu tố SMART:
- Specific – Cụ thể.
- Measurable – Đo lường được
- Achievable – Tính khả thi
- Relevant – Tính phù hợp
- Time Bound – Giới hạn thời gian
3. Thực hiện từng bước tiến nhỏ
Thoát khỏi vùng an toàn là một hành trình đầy khó khăn, đặc biệt là bước đi đầu tiên. Bạn nên thử chia mục tiêu của mình thành những hoạt động nhỏ để tạo bước đệm. Lão Tử – nhà triết học Trung Quốc đã từng nói: “Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng bước chân đầu tiên”.
Với mỗi bước đi, bạn nên chú ý nhận thức sự tiến bộ của bạn và hãy kỷ niệm những thành công dù lớn hay nhỏ của bạn.
4. Đối diện với mọi thứ bằng tinh thần lạc quan
Lao ra khỏi rào cản quen thuộc để dấn thân vào một thế giới lạ lẫm hoàn toàn là một quá trình nhiều rủi ro và đầy rẫy những khó khăn khôn lường. Vì vậy, không có gì sai nếu bạn vấp ngã hoặc thất bại. Chúng ta không nên nhắm đến sự hoàn hảo mà thay vào đó, hãy vui vẻ và khám phá những điều thú vị và ý nghĩa khi được trải nghiệm.
Dưới đây là cách để có một thái độ tích cực khi bạn phải đối mặt với những điều không chắc chắn:
- Có lòng trắc ẩn với bản thân khi bạn thất bại
- Xem thách thức thành cơ hội
- Đặt mục tiêu thực tế
- Hãy xem mỗi thất bại là một bài học
- Học cách lạc quan
5. Học hỏi mọi người xung quanh bạn
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta có xu hướng “bắt chước” hành động của số đông. Bên cạnh đó, ông bà ta cũng có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tất cả đều nhấn mạnh rằng mọi người xung bạn có thể phần nào thay đổi hành vi và tư duy của bạn. Khi tiếp xúc với những người có ý chí, bạn cũng có xu hướng tham gia chung với họ.
Có những người từng trải hỗ trợ sẽ giúp hành trình bước ra ngoài vùng an toàn của bạn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tự mình thực hiện.
Bài: Xuân Yến
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Better Up