6 mẹo giúp bạn lấy lại nhịp làm việc sau kỳ nghỉ Tết
Hối hả vùi mình vào công việc sau những ngày dài nghỉ Tết là tâm lý chung của nhiều người. Dù thế, cách làm này thường khiến bạn thêm áp lực và công việc cũng khó được giải quyết êm đẹp. Đâu là những điều bạn nên lưu ý để tránh khủng hoảng vào những ngày đầu trở lại với công việc?
Trở lại với guồng quay hối hả của công việc sau chuỗi ngày dài thảnh thơi của kỳ nghỉ Tết chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì chưa thể thích ứng kịp, bạn đôi khi có thể cảm thấy nặng nề, uể oải, không có tinh thần làm việc, dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Hiểu được điều đó, ELLE mách bạn 7 điều cần lưu ý để trở lại làm việc sau những ngày dài nghỉ Tết với tinh thần phấn khởi và thoải mái nhất.
1. Dọn dẹp không gian làm việc
Đối diện với hàng tá giấy tờ, tài liệu, đồ đạc trong văn phòng và cả những bức thư điện tử chưa mở có lẽ sẽ là viễn cảnh đầu tiên bạn phải đối diện khi trở lại với công việc sau kỳ nghỉ Tết. Vì lẽ đó, vài ngày trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, bạn nên dành thời gian mỗi ngày một ít kiểm tra tài liệu và thư điện tử của mình; phân loại và dọn dẹp tài liệu để tạo môi trường ngăn nắp, thoải mái cho bản thân khi trở lại bàn làm việc.
2. Xem qua lịch trình của bạn
Vì bạn đã tạm gác toàn bộ công việc lại nhiều ngày, việc kiểm tra lại lịch trình và thời gian biểu của bản thân là điều vô cùng cần thiết để chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ bất kỳ đầu việc nào. Với một số việc có tính chất quan trọng như thuyết trình hay gặp gỡ đối tác, bạn sẽ cần chuẩn bị ít nhất một ngày trước khi tới hạn. Vì vậy, xem qua lịch trình và ưu tiên những việc gần nhất luôn là điều cần thiết giúp bạn khỏi cảm giác choáng ngợp và quá tải trước khi kỳ nghỉ chính thức kết thúc.
3. Sắp xếp các đầu việc theo thứ tự ưu tiên
Trước tiên, để biết được đâu là công việc cần ưu tiên, bạn cần phải rà soát kỹ các tài liệu và thư tín của mình. Một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng là đừng đọc email theo thứ tự thời gian mà hãy chọn và đọc theo địa chỉ người gửi hoặc tiêu đề email. Từ đó, bạn có thể dễ dàng sàng lọc được đâu là công việc bạn cần ưu tiên và khi nào là ngày đáo hạn của công việc đó.
Sau đó, bạn nên lập một danh sách ghi cụ thể các công việc cần làm trong thời gian tới. Trong trường hợp bạn chưa thể lên được một danh sách với đầy đủ các đầu việc, bạn nên đảm bảo có được ít nhất năm đầu việc ưu tiên cần làm sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Việc này vừa giúp bạn không bỏ lỡ các công việc quan trọng, vừa cho bạn thời gian thêm vào danh sách của mình những đầu việc khác vào những ngày sau đó.
4. Không làm nhiều việc cùng lúc
Vùi đầu vào công việc và cố gắng hoàn thành tất cả càng sớm càng tốt là tâm lý chung của rất nhiều người vào tuần đầu sau khi trở lại với văn phòng và bàn giấy. Dù thế, bạn nên nhanh chóng trấn an bản thân và bình tĩnh giải quyết lần lượt từng đầu việc. Thúc ép bản thân hoàn thành công việc càng sớm càng tốt chỉ khiến bạn thêm rối ren, không biết nên bắt đầu từ đâu. Lần lượt hoàn tất từng đầu việc sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung, có được kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, cảm giác gạch đi từng đầu việc đã hoàn tất trong danh sách cũng giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và tăng thêm động lực để làm việc vào những ngày tiếp theo.
Gạt bỏ những thứ khiến bạn xao nhãng
Một lưu ý khác giúp bạn tập trung cao độ khi trở lại với công việc là gạt bỏ tất cả những thứ gây cản trở quá trình làm việc của bạn. Bạn có thể dọn dẹp thật gọn gàng nơi làm việc của mình, tránh đặt những món đồ có màu sắc sặc sỡ, dễ gây chú ý trong tầm mắt. Ngoài ra, để đảm bảo sự tập trung cao nhất có thể vào công việc, bạn cũng nên tắt điện thoại, tắt thông báo hoặc tạm khóa tài khoản mạng xã hội, đóng các ứng dụng không cần thiết khác để tránh xao nhãng khi làm việc.
Xem thêm
• 7 mẹo phong thủy cho năm mới thật sung túc
• Những vật dụng bạn cần loại bỏ trước năm mới
• 7 phong cách cắm hoa phổ biến phù hợp cho mọi dịp quan trọng
5. Lên kế hoạch làm việc kết hợp thư giãn
Trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lớn nhất năm không đồng nghĩa với việc bạn chỉ nên chú tâm vào công việc mà không dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Một buổi ăn trưa cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp vào ngày đầu trở lại văn phòng sẽ là một gợi ý hay để bạn dần dần trở lại với nhịp độ của công việc và đồng thời cho bản thân một khoảng nghỉ. Bên cạnh đó, trên đường đi làm, bạn nên bật bài nhạc mình yêu thích, nghe podcast, ăn món ăn khoái khẩu… để tâm trạng được phấn khởi hơn trước khi đối diện với loạt tài liệu và thư tín khô khan.
6. Dịu dàng với chính mình
Làm việc thật nhiều và ở lại thật lâu sau giờ làm vào những ngày đầu sau kỳ nghỉ lễ không đồng nghĩa với việc bạn đang làm tốt công việc của mình. Thay vì tập trung vào số lượng, hãy quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của cả công việc lẫn đời sống cá nhân của bạn. Do đó, bạn hãy từ tốn hoàn tất các công việc theo thứ tự trong danh sách đã lên, ra về đúng giờ sau khi đã hoàn thành công việc, cho bản thân một vài ngày để dần dần bắt nhịp lại với mọi thứ. Sau khi đã hoàn toàn trở lại nhịp sống, giờ giấc và lịch trình cũ, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và có nhiều năng lượng hơn để làm việc trong thời gian tiếp theo.
Bài: Vy Dương Thảo
Tham khảo: Lifehack