Cuộc sống mỗi người luôn tồn tại những thứ dư thừa, dù đó là vật dụng không cần thiết hay những món đồ chỉ dùng một lần rồi hoàn toàn bị quên lãng. Hầu hết mọi người không bao giờ sử dụng tất cả những gì mình có. Việc dùng ít nhưng mua nhiều không những tiêu tốn tiền của mà còn khiến bạn mất thời gian với việc dọn dẹp hay phải suy nghĩ để xử lý các món đồ dư thừa sao cho hợp lý. Dưới đây là 7 mẹo nhỏ giúp bạn nhanh chóng loại trừ những vật dụng không cần thiết để dọn dẹp không gian của bạn.
Nhiều thứ hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn
Bạn đã bao giờ nhìn vào tủ bếp và tự hỏi tại sao bạn có rất nhiều cốc hoặc ly nhưng bạn chỉ sử dụng 4/10 số đó? Hầu hết mọi người luôn nghĩ có nhiều hơn đồng nghĩa với việc tăng khả năng lựa chọn hơn và điều đó có thể làm mọi người hạnh phúc hơn. Nhưng thật ra không phải vậy, khi bạn có quá nhiều thứ để chọn, bạn có xu hướng khó xử và trở nên lúng túng hơn vì bạn không biết chọn gì trong tất cả số đó.
Thực tế, một lựa chọn dư thừa có thể sẽ khiến bạn giảm đi hạnh phúc hay niềm vui đang có. Bạn sẽ hối tiếc về những gì mình không chọn và rồi tự đổ lỗi cho bản thân khi lựa chọn mà bạn cho là hoàn hảo thực ra không tốt như mong đợi. Đối với cuộc sống của bạn, hãy suy nghĩ về các quyết định hàng ngày khiến bạn thất vọng. Thay vì bạn có 10 lựa chọn thì hãy giảm còn 3 hoặc 4, hay bạn cũng có thể chọn những gì mà mình thường xuyên sử dụng nhất. Như vậy bạn sẽ không phải mất thời gian cho những vật dụng không cần thiết. Đồng thời bạn cũng trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Tạo ra một cam kết cho chính mình
Khi có quá nhiều đồ đạc trong nhà, có nghĩa là bạn phải mất thời gian để dọn dẹp hay tìm kiếm những thứ đồ bạn cần trong mớ hỗn độn đó. Một đề nghị dành riêng cho bạn là hãy tạo ra một cam kết cho chính mình. Chẳng hạn như việc bạn đưa ra lời hứa rằng hôm nay sẽ dọn dẹp lại tủ quần áo của mình và bạn phải hoàn thành nhiệm vụ đó trong ngày. Hoặc bạn cũng có thể tự nhắc nhở bản thân việc để mọi thứ đúng theo vị trí ban đầu của nó, như vậy sẽ giúp bạn tránh khỏi rối ren khi tìm kiếm những món đồ.
Bạn chỉ cần áp dụng thói quen này trong vòng 1 tháng và cam kết thực hiện đúng kế hoạch. Sau 30 ngày, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt trong ngôi nhà của bạn. Vì đây là lời hứa của bạn nên bạn có quyền hứa những gì bạn muốn, đương nhiên bạn phải hoàn thành nó trong thời gian quy định. Điều này không chỉ giúp mọi thứ trong nhà bạn trở nên gọn ghẽ hơn mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian cho việc xử lý những vật dụng không cần thiết cũng như dễ dàng tìm kiếm bất cứ thứ gì bạn muốn. Hơn thế, việc làm này còn giúp sự tự tin của bạn tăng lên hơn so với trước.
Lắng nghe tiếng nói từ bên trong bạn
Những thứ chồng chất trong nhà bạn có thể là một dấu hiệu cho mong muốn được giải nén trong cơ thể bạn. Một vài nghiên cứu cho biết, cảm xúc của con người có thể ảnh hưởng đến những mớ hỗn độn trong gia đình. Chẳng hạn như việc buồn bã, mệt mỏi vì một lý do nào đó khiến bạn không muốn dọn dẹp ngôi nhà của mình, bạn vứt mọi thứ lung tung hay bạ đâu quăng đó… đến lúc bình tâm lại, bạn sẽ giật mình khi thấy khung cảnh hoang tàn. Vậy nên, hãy nhìn vào ngôi nhà và suy nghĩ xem tinh thần, sức khỏe bạn có đang ổn định không, hay có điều gì chưa được giải quyết khiến bạn phải bận tâm?
Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng mà vẫn không thấy bản thân có gì bất ổn, có lẽ nguồn gốc của mớ hỗn độn kia là do bạn lười biếng hoặc quá bận bịu cho việc dọn dẹp. Hãy ngồi dậy xử lý những món đồ không cần thiết và khiến ngôi nhà trở nên sạch sẽ hơn. Việc nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng hơn phần nào giúp tâm trạng trở nên thoải mái hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Cùng lên kế hoạch loại trừ những vật dụng không cần thiết
Đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi vì bản thân thì ra sức dọn dẹp trong khi một số thành viên khác lại mặc sức bừa bộn. Điều đó làm mọi thứ rối tung và khiến bạn trở nên căng thẳng hơn. Sự căng thẳng làm bạn cảm thấy mất kiểm soát và bất ổn, khi đó bạn có xu hướng chán nản hoặc suy nghĩ theo kiểu “Tôi không có khả năng tổ chức, sắp xếp” hay “Tôi cũng sẽ trở thành một người lộn xộn”… Vậy bí quyết cho bạn là trước khi bắt tay dọn dẹp, hãy yêu cầu thành viên trong gia đình cùng nói chuyện và đưa ra giải pháp cũng như lựa chọn. Lên kế hoạch để cùng giải quyết những vật dụng không cần thiết đồng thời sắp xếp lại mọi thứ trong ngôi nhà của bạn. Kế hoạch dọn dẹp phải được đưa ra một cách tỉ mỉ và thường xuyên, như vậy ngôi nhà của bạn sẽ trở nên sạch đẹp hơn.
Đặt mọi thứ bạn không cần vào hộp và xử lý nó
Mỗi lần chuyển nhà, bạn phải di chuyển cả những thứ cần thiết xen lẫn những vật dụng không cần thiết, điều đó khiến bạn gặp không ít trở ngại. Vậy nên cách tốt nhất bạn cần làm là kiếm một thùng carton lớn và bỏ tất cả những gì bạn không dùng vào đó rồi xử lý nó. Hoặc bạn cũng có thể phân loại các vật dụng theo nhóm như: bán lại, tái chế hoặc vứt đi… Việc làm này không những giúp bạn “tống” đi được một lượng lớn những vật dụng không cần thiết mà còn giúp bạn thu về một khoản tiền nhỏ. Bạn vừa có tiền mà ngôi nhà lại sạch sẽ. Đó không phải điều khiến bạn hạnh phúc hơn sao?
Nếu bạn lo sợ việc những món đồ vứt đi sẽ cần thiết vào thời gian sắp tới thì cũng chẳng sao cả. Giống như trên, bạn có thể chia nhóm các vật dụng theo tầm quan trọng và cần thiết, những món đồ bạn nghĩ sẽ dùng đến trong thời gian tới hãy bỏ riêng vào một hộp và đóng gói lại. Để lên trên thời hạn trong vòng 1 năm kể từ ngày đóng gói và sau 1 năm nếu bạn vẫn chưa mở hộp thì có lẽ bạn nên thực sự vứt nó đi.
Nâng cao thái độ của bạn với việc tự dọn vệ sinh
Làm sạch là công việc cần sự đầu tư và kỹ lưỡng. Nó là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Hãy nghĩ đến việc nếu không có những người dọn dẹp vệ sinh thì thành phố sẽ như thế nào? Mọi thứ sẽ thật kinh hoàng và hỗn loạn. Vậy nên, thay vì sợ hãi và cẩu thả trong việc dọn dẹp, hãy nghĩ rằng đó là một việc làm đáng giá, cần thiết để duy trì không gian sống của bạn. Nghĩ đến nó một cách đơn giản và tưởng tượng đến không gian sạch đẹp, trong lành sẽ giúp bạn có động lực hơn trong việc dọn dẹp. Ngoài ra, khi dụng cụ của bạn mang đến cho bạn niềm vui, bạn sẽ có nhiều khả năng sử dụng chúng hơn.
Công nhận những thành quả đạt được
Khi bạn hoàn thành công việc dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ, có khả năng nó sẽ không hoàn hảo như tiêu chí bạn đặt ra lúc ban đầu. Điều đó khiến bạn mệt mỏi và suy nghĩ “Tại sao dọn hoài vẫn không sạch?”. Bạn biết không, đây là một loại thái độ phổ biến ở con người. Nhà tâm lý học xã hội của trường Đại học California Davis Alison Ledgerwood chia sẻ: “Quan điểm của chúng ta về thế giới có khuynh hướng cơ bản để nghiêng về phía tiêu cực. Nhưng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ nếu chúng ta thực sự nỗ lực”.
Hãy thêm một mục nhỏ vào trong quy trình dọn vệ sinh của bạn: Hãy dành một phút, nhìn xung quanh và đánh giá cao những gì bạn đã đạt được. Điều đó giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về những gì bản thân đã làm, khiến bạn vui vẻ và thoải mái hơn.
—
Xem thêm:
Phải chăng chúng ta đang bất công với gam màu tươi sáng?
Những điều bạn cần làm trước khi quyết định kết thúc mối quan hệ
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ánh Trâm Theo: Tạp chí phái đẹp ELLE Nguồn: ideas.ted.com