Trong quá trình trưởng thành, đôi khi chúng ta vô tình giữ lại những mối quan hệ không lành mạnh và không nhận ra rằng chúng đang âm thầm ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Nhận diện và can đảm nói lời tạm biệt với những mối quan hệ độc hại sẽ giúp bạn thu hút những điều tích cực và những người thực sự xứng đáng bước vào cuộc đời của mình.
Năm 2025 là dịp lý tưởng để dọn dẹp không gian sống và cả tâm trí của mình. Dưới đây là 4 mối quan hệ bạn nên xem xét và loại bỏ để bước vào năm mới với những kết nối tích cực và ý nghĩa hơn.
1. Mối quan hệ mập mờ
Đây là kiểu mối quan hệ thoáng qua, không ràng buộc và không đòi hỏi cam kết rõ ràng. Thoạt đầu, mối quan hệ này có vẻ hấp dẫn bởi sự tự do và không áp lực đến từ cả hai phía. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài “thoải mái” và “phóng khoáng” ấy lại ẩn chứa những hệ lụy nặng nề về mặt cảm xúc.
Điều này có thể được giải thích rằng, trong một mối quan hệ mập mờ thường sẽ có một người sở hữu nhu cầu hoặc kỳ vọng cao hơn trong khi người kia lại chỉ muốn một kết nối tạm thời, có thể rời đi bất cứ lúc nào. Nỗi bất an thường trực của người có kỳ vọng cao hơn sẽ khiến họ luôn cảm thấy lo lắng, sợ bị bỏ rơi hoặc cho rằng bản thân không được đáp lại tình cảm một cách xứng đáng. Điều này tạo ra một cảm giác không ổn định, khiến cả hai bên khó lòng xây dựng một mối quan hệ thực sự vững chắc và lành mạnh.
Càng kéo dài, mối quan hệ mập mờ không chỉ làm chúng ta mệt mỏi về mặt tinh thần mà còn bóp méo nhận thức của chúng ta về những mối quan hệ lành mạnh, khiến chúng ta tưởng rằng sự thiếu cam kết là điều cần thiết, trong khi nó thực chất chỉ là một vòng luẩn quẩn của sự cô đơn và lạc lõng. Thế nên, thay vì tiếp tục mắc kẹt trong những mối quan hệ nửa vời, bạn nên can đảm loại bỏ chúng và mở lòng đón nhận những mối quan hệ đích thực, nơi hai người có thể trung thực với nhau về cảm xúc và mong muốn của mình.
BÀI LIÊN QUAN
2. Tình bạn từ một phía
Trong muôn vàn các mối quan hệ độc hại, tình bạn một chiều có lẽ là kiểu quan hệ phổ biến nhất nhưng lại thường bị bỏ qua. Bản chất của một tình bạn đích thực phải là sự cân bằng giữa cho và nhận, nơi cả hai bên đều cảm nhận được tình cảm, sự ủng hộ và trân trọng từ đối phương. Thế nhưng, trong một tình bạn một chiều, sự cân bằng này không bao giờ tồn tại.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của một tình bạn một chiều là khi bạn luôn cảm thấy mình chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của họ. Bạn chỉ được nhớ đến khi họ cần đến, như một sự tiện lợi hơn là một người bạn thực sự. Trong mối quan hệ này, mọi sự tập trung đều xoay quanh cuộc sống, vấn đề và mong muốn của họ. Những khó khăn của bạn, những chia sẻ của bạn dường như chẳng bao giờ được lắng nghe một cách thấu đáo. Điều này khiến bạn luôn cảm thấy kiệt sức vì phải liên tục cho đi mà không nhận lại được gì.
Thay vì tiếp tục kiệt sức trong những tình bạn không cân xứng, hãy dành năng lượng và tình cảm của mình cho những người thực sự xứng đáng, những người coi trọng sự hiện diện của bạn và sẵn sàng đầu tư vào tình bạn như cách bạn đã làm với họ.
3. Mối quan hệ “tình yêu chiếu lệ”
Hành trình tìm kiếm hạnh phúc không hề dễ dàng, thế nên chúng ta đôi lúc lại vô tình chấp nhận một kiểu mối quan hệ được gọi là “tình yêu chiếu lệ” – nơi người kia chỉ làm vừa đủ để giữ chân ta ở lại, nhưng không bao giờ thực sự đầu tư vào việc vun đắp cho một tình yêu đích thực. Họ như những diễn viên đang diễn một vở kịch không hồi kết, nơi mọi lời hứa đều chỉ là những câu nói suông và mọi hành động đều được tính toán ở mức tối thiểu nhất có thể.
Đặc điểm của những “đối tác làm tròn nghĩa vụ” là họ luôn có vô vàn lý do để biện minh cho sự thiếu quan tâm của mình, họ luôn nói rằng mình bận rộn, cần thời gian và đang cố gắng, nhưng thực tế, đó chỉ là những lời biện minh để duy trì trạng thái bình thường của mối quan hệ. Điều đáng buồn là nhiều người trong chúng ta đã quen với việc chấp nhận những nỗ lực tối thiểu này, tự thuyết phục bản thân rằng “Ít còn hơn không” hoặc “Rồi mọi thứ sẽ tốt hơn“.
Nếu bạn đang trải qua những điều trên, có lẽ đã đến lúc bạn nên nhìn nhận một sự thật rằng: Tình yêu đích thực không thể đong đếm bằng những nỗ lực tối thiểu. Bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn những nỗ lực nửa vời, những lời hứa không thành hiện thực. Hãy can đảm từ bỏ những người như vậy để mở lòng đón nhận một tình yêu trọn vẹn, khi bạn và nửa kia cùng nỗ lực vun đắp để xây dựng hạnh phúc.
Xem thêm:
• 5 tư duy độc hại bạn cần loại bỏ để có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn
•Duy trì hạnh phúc trong tình yêu với quy tắc 2-2-2
• 9 kỹ năng cần có trước khi bước vào mối quan hệ tình cảm
4. Mối quan hệ “hút cạn” năng lượng cảm xúc
Một mối quan hệ khiến bạn tiêu hao cảm xúc là khi bạn cảm thấy kiệt quệ về mặt tinh thần sau mỗi lần tương tác với đối phương. Dù chỉ là một cuộc điện thoại ngắn hay một buổi trò chuyện, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn, họ chỉ tìm đến bạn để than vãn về cuộc sống, rằng công việc họ tồi tệ thế nào, các mối quan hệ tình cảm khiến họ đau khổ ra sao… Mặc dù bạn luôn đồng hành cùng họ trong mọi tình huống khó khăn, giúp họ vực dậy tinh thần để tiếp tục tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống, nhưng khi bạn chia sẻ về những vấn đề tương tự, họ lại trở nên thờ ơ và chỉ động viên bằng một câu ngắn gọn: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi mà”. Họ luôn nói về bản thân, và hầu như chẳng quan tâm về thành tựu hay những khó khăn mà đối phương phải trải qua. Những mối quan hệ này khiến một người liên tục mất đi năng lượng cảm xúc của mình, không cảm thấy được quan tâm, để rồi dần dần đánh mất đi sự đồng cảm, niềm vui sống và cả sự bình yên vốn có.
Năm 2025 là thời điểm phù hợp để bạn thiết lập ranh giới và bảo vệ năng lượng cảm xúc của mình. Việc rời xa những mối quan hệ không cân bằng không chỉ để giải phóng bản thân mà còn là cách để đôi bên có cơ hội phát triển theo hướng tích cực hơn. Hãy tin rằng, khi bạn đủ can đảm để thiết lập ranh giới rõ ràng trong các mối quan hệ, bạn đang tạo cho bản thân cơ hội để hướng đến một khởi đầu mới – nơi mọi sự trao đổi tình cảm đều diễn ra một cách cân bằng và lành mạnh.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Huy
Tham khảo: Thought Catalog