Người có chỉ số EQ cao thường không để bản thân bị cuốn vào những việc khiến họ bị phân tâm hay sa sút trong công việc. Họ có khả năng xác định rõ đâu là ưu tiên, đâu là yếu tố gây nhiễu, từ đó chủ động loại bỏ những tác nhân không cần thiết như các cuộc trò chuyện vô nghĩa hay các mối quan hệ thiếu lành mạnh ra khỏi cuộc sống của mình. Nhờ đó, sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc của họ không chỉ ổn định mà còn liên tục được nâng cao, tạo tiền đề cho những bước tiến dài hạn và bền vững trong tương lai.
Hãy cùng ELLE điểm qua 10 điều người có EQ cao không bao giờ làm, là bí quyết giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống bên dưới nhé!
1. Liên tục phàn nàn
Thái độ sống đóng vai trò then chốt trong hành trình chạm tới thành công, bởi nó định hình cách chúng ta phản ứng trước nghịch cảnh, đưa ra quyết định và duy trì động lực hành động. Ở cùng một hoàn cảnh, người có thái độ tích cực sẽ chủ động tìm hướng giải quyết, trong khi người bi quan thường dễ buông xuôi hoặc trì hoãn. Sự khác biệt này tạo nên khoảng cách lớn về năng suất, khả năng phục hồi sau thất bại và mức độ phát triển cá nhân dài hạn.
Tiến sĩ Guy Winch, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Đại học New York, cho rằng việc nuôi dưỡng sự bất mãn hay thất vọng không những không giúp thay đổi thực tế, mà còn khiến con người dễ rơi vào cảm giác bất lực và tự ti. Về lâu dài, điều này có thể đẩy họ vào trạng thái tâm lý trì trệ và khó thoát khỏi vòng lặp luẩn quẩn.

Đối với những người có xu hướng mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực khi gặp vấn đề phát sinh, việc duy trì thái độ cởi mở, cầu thị trước những biến cố sẽ là một thử thách lớn. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là họ hoàn toàn không thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề hay cải thiện trạng thái cảm xúc của bản thân. Một trong những bước khởi đầu quan trọng họ cần lưu tâm là học cách nhận diện và gọi tên những suy nghĩ tiêu cực thay vì cố gắng chối bỏ hoặc lờ đi sự hiện diện của chúng.
2. Lo lắng về tương lai
Đôi khi, quá lo lắng về những điều chưa xảy ra đã khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội tận hưởng hiện tại một cách trọn vẹn. Những người sở hữu trí tuệ cảm xúc (EQ) cao thường có nhận thức rõ cuộc sống vốn chứa đựng vô số biến số, và tương lai là điều nằm ngoài khả năng kiểm soát tuyệt đối của con người. Thay vì để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng vì điều không thể lường trước, họ đã học cách chấp nhận thực tế và sẵn sàng thích nghi. Những người này không coi sự bất định là mối đe dọa, mà xem đó như một phần tự nhiên trong dòng chảy của cuộc sống. Do đó, họ chọn nuôi dưỡng cảm xúc và tư duy linh hoạt, để khi có thay đổi diễn ra, họ có thể điều chỉnh và bước tiếp một cách mạnh mẽ, đầy nội lực.
3. Theo đuổi sự hoàn hảo
Ngay cả khi đã nỗ lực hết sức, những “chuẩn mực” về thành công lý tưởng hay ôm đồm quá nhiều kỳ vọng không thực tế có thể khiến chúng ta không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo và bỏ qua việc công nhận những gì bản thân đã đạt được. Về lâu dài, điều này dễ khiến chúng ta kiệt sức, dễ thất vọng và mất kết nối với thực tại. Đồng thời, việc theo đuổi sự hoàn hảo một cách cực đoan là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc chứng lo âu, trầm cảm và khiến bạn mắc phải một số vấn đề về sức khỏe thể chất.
Trong khi đó, đa số những người thành công thường có xu hướng tập trung vào sự tiến bộ của bản thân, nhìn nhận sai lầm như một phần tự nhiên trong quá trình phát triển, không ngần ngại thử nghiệm và điều chỉnh để cải thiện bản thân theo hướng thực tế. Vì vậy để vượt qua nỗi ám ảnh này, bạn cần thay đổi cách nhìn về chính mình và cho phép bản thân được sai, được thử lại từ đầu. Khi bạn biết ghi nhận nỗ lực, sự tiến bộ của chính mình dù đó là một điều nhỏ nhoi, bạn sẽ cảm thấy những giá trị nội tại tích cực một cách sâu sắc và tiếp tục vững bước đi trên hành trình riêng, đồng thời điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong công việc và cuộc sống cá nhân, không bị lệ thuộc vào sự công nhận từ người khác.
BÀI LIÊN QUAN
4. Giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc hận thù thường khởi nguồn từ những tổn thương sâu sắc chưa được thấu hiểu hoặc chữa lành, trong nhiều trường hợp, nó còn là hệ quả của cơn giận dữ bị dồn nén theo thời gian. Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng sự oán giận không phải là cách hiệu quả để đối diện với nỗi đau. Trái lại, điều này chỉ khiến bạn tiếp tục bị mắc kẹt trong quá khứ. Khi một người cố chấp níu giữ những cảm xúc tiêu cực ấy, họ vô tình kéo dài sự dằn vặt nội tâm, khiến nỗi đau trở nên trầm trọng hơn và khó có cơ hội phục hồi cảm xúc một cách trọn vẹn.
Đồng thời, oán giận kéo dài có thể dẫn đến việc cá nhân phản ứng tiêu cực trong các mối quan hệ, ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận thế giới xung quanh. Điều này còn cho thấy sự thiếu vững vàng trong nội tâm của một người và khó khăn trong việc chấp nhận buông bỏ cảm giác bị tổn thương, những kỳ vọng không được đáp lại, hoặc nhu cầu phải được “đền bù” về mặt cảm xúc.
Trái lại, những người sở hữu chỉ số trí tuệ cao thường có khả năng nhận diện rõ những cảm xúc tổn thương đang tồn tại trong họ, từ đó tìm cách giải tỏa chúng ra thay vì tích tụ lại bên trong. Họ hiểu rằng sự hận thù không mang lại giá trị tích cực, và nếu tiếp tục giữ lấy nó, bản thân họ sẽ đánh mất sự bình yên nội tại và khả năng phát triển cá nhân. Bằng việc lựa chọn tha thứ, họ đã trao cho chính mình cơ hội sống nhẹ nhõm hơn, từng bước tạo dựng đời sống tinh thần tự do và hài hòa hơn với chính mình lẫn người khác.
5. Dễ dàng đồng tình với mọi thứ
Những người có chỉ số IQ và EQ cao thường vô cùng rõ ràng trong việc thiết lập ranh giới cá nhân và xác định đâu là nhu cầu cần được ưu tiên. Họ hiểu rằng việc nói “không” vào đúng thời điểm không chỉ là một kỹ năng giao tiếp quan trọng, mà còn là yếu tố then chốt giúp họ quản lý thời gian một cách hợp lý và duy trì trạng thái tinh thần ổn định. Thay vì chấp nhận những yêu cầu chỉ để làm hài lòng người khác, họ lựa chọn cách từ chối một cách khéo léo, dứt khoát nhưng không gây tổn thương các mối quan hệ xung quanh, bởi họ ý thức rõ rằng sự dễ dãi “gật đầu” không đồng nghĩa với lòng tốt hay hòa nhã.
Trong tâm lý học, ranh giới cá nhân là hệ thống những quy tắc vô hình để chúng ta thiết lập nhằm bảo vệ bản sắc cá nhân, bao gồm: suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin, giá trị sống và nhu cầu riêng. Ranh giới này giúp bạn xác định rõ mình là ai, giúp bạn cho phép điều gì xuất hiện trong đời sống của mình và cách bạn muốn người khác đối xử với mình như thế nào. Khi ranh giới được thiết lập một cách lành mạnh, bạn có thể vừa giữ được cái tôi cá nhân, vừa tạo dựng được kết nối sâu sắc với người khác nhưng không bị đánh mất chính mình.
Ví dụ, bạn có thể yêu thương một người vô điều kiện, nhưng vẫn có thể nói “không” khi họ bắt đầu đưa ra những đòi hỏi vượt quá khả năng của bạn. Bạn có thể lắng nghe người khác tâm sự, nhưng vẫn giữ khoảng cách cảm xúc để không bị cuốn theo vấn đề của họ. Đây chính là ranh giới giữa sự đồng cảm và hội chứng siêu đồng cảm – điểm khác biệt then chốt trong các mối quan hệ lành mạnh.
6. Dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội
Những người có chỉ số EQ cao thường có khả năng làm chủ công cụ thay vì để bản thân bị chi phối bởi các thông báo hay thuật toán từ mạng xã hội. Thay vì rơi vào trạng thái bị “cuốn theo” dòng chảy thông tin, họ chủ động chọn lọc nền tảng, kiểm soát thời gian sử dụng và biết dừng lại đúng lúc để bảo vệ sự tập trung và năng lượng cho bản thân và công việc. Đây là biểu hiện rõ nét của trí tuệ vận dụng, gồm tốc độ xử lý thông tin và khả năng điều tiết hành vi trong môi trường dễ gây xao nhãng.
Mặt khác, một trong những thói quen phổ biến ở những người này là thực hành “detox kỹ thuật số” – hành động tạm ngưng sử dụng mạng xã hội, hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử hoặc ngắt kết nối hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định, bởi họ nhận thức rõ rằng, để cho não bộ được hoạt động hiệu quả, họ cần những khoảng nghỉ không có luồng thông tin gây nhiễu, không bị các thông báo từ các ứng dụng liên tục quấy rầy.
Xem thêm
•10 đặc điểm của người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao
•7 thói quen của những người có chỉ số EQ cao
•9 bước giúp cải thiện chỉ số EQ của bạn
7. Mong đợi người khác thay đổi
Những người có chỉ số EQ cao thường không lãng phí thời gian và năng lượng vào việc mong đợi ai đó có thể thay đổi vì lời nói của mình, đặc biệt khi sự thay đổi đó chưa xuất phát từ nội lực của chính cá nhân đó. Họ hiểu rằng mọi quá trình điều chỉnh hành vi hay chuyển biến trong tư duy chỉ thực sự bền vững khi được thúc đẩy bởi nhận thức nội tại và mong muốn tự thân, chứ không phải từ kỳ vọng hay áp đặt bên ngoài.
Thay vào đó, người có EQ cao thường học cách điều chỉnh kỳ vọng một cách linh hoạt. Họ không vội vàng đặt niềm tin tuyệt đối, nhưng không khép lại sự mong chờ với thay đổi tích cực từ người khác. Họ quan sát hành vi thực tế, theo dõi mức độ cam kết, và quan trọng hơn, họ chú ý xem liệu sự thay đổi có được thể hiện một cách nhất quán và bền vững theo thời gian hay không.
Cách tiếp cận này giúp họ duy trì được trạng thái tinh thần cân bằng, giảm thiểu xung đột không cần thiết và tránh những tổn thương lặp lại do ảo tưởng hay kỳ vọng sai lệch. Quan trọng hơn, họ giữ được sự chủ động trong các mối quan hệ và không bị rơi vào trạng thái hoài nghi cực đoan. Nhờ đó, họ có thể xây dựng kết nối một cách thực tế và lành mạnh hơn, ngay cả khi đối diện với những người có tính cách vô cùng khác biệt.
8. Dành tình cảm cho những người không quan tâm đến mình
Dù bạn có dành bao nhiêu tình cảm, thời gian hay sự quan tâm cho một ai đó, điều đó không có nghĩa rằng họ có nghĩa vụ đáp lại theo cách bạn mong muốn. Những người có chỉ số EQ cao thường nhận thức rất rõ điều này. Họ không đầu tư cảm xúc một cách mù quáng, và càng không để bản thân bị mắc kẹt trong những kỳ vọng thiếu thực tế. Họ hiểu rằng tình yêu, dù sâu sắc và rộng lượng đến đâu, vẫn không thể bù đắp lại nếu đối phương không có đủ kiên nhẫn và quan tâm.
Từ đó, họ không cần đến sự xác nhận từ bên ngoài để biết rằng mình xứng đáng được yêu thương. Người thông minh và sâu sắc sẽ hiểu rằng giá trị bản thân không nằm ở ánh nhìn của người khác, nơ được nuôi dưỡng từ nhận thức rõ ràng về chính mình, về những gì bản thân đang có, những điều đã vượt qua, và cách họ đang đối xử với mọi người, mọi điều xung quanh.
Họ cho rằng một mối quan hệ lành mạnh không nên khiến một trong hai hoài nghi về giá trị của bản thân. Do đó, khi gặp phải “cờ đỏ”, họ sẵn sàng góp ý thẳng thắn mang tính xây dựng hoặc lựa chọn cách rời đi. Điều này xuất phát từ lòng tự trọng và nhận thức rõ ràng của người có EQ cao trong việc xây dựng những kết nối bền vững và lành mạnh.
9. Lý giải cảm xúc hộ người khác
Những người có trí tuệ cao hiểu rằng suy nghĩ và cảm xúc của người khác không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Thay vì áp đặt quan điểm hay cố gắng thay đổi cảm xúc của đối phương, họ chọn cách lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành một cách tinh tế.
Chẳng hạn, khi một người bạn buồn bã vì thất bại trong công việc, người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao không vội vàng nói: “Đừng buồn nữa” hay “Hãy vui lên đi”, vì họ hiểu rằng những lời khuyên sáo rỗng này có thể khiến đối phương cảm thấy bị xem nhẹ cảm xúc. Thay vào đó, họ chọn cách lắng nghe, đồng cảm và công nhận cảm xúc của người kia, bởi ai cũng có quyền được buồn và cần thời gian để vượt qua.
Tương tự, trong các mối quan hệ tình cảm, thay vì cố gắng thay đổi đối phương theo mong muốn của mình, họ học cách chấp nhận con người thật của người ấy. Nếu sự khác biệt quá lớn, họ sẵn sàng đưa ra lựa chọn phù hợp để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Vi
Tham khảo: Your Tango