Lifestyle / Bí quyết sống

Tìm hiểu về năng suất độc hại và cách khắc phục tình trạng này

Từ trước đến nay, năng suất làm việc và tinh thần tích cực luôn được xem là yếu tố quyết định trên hành trình phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự cân bằng, khái niệm năng suất sẽ dần trở nên độc hại, gây quá tải và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Vậy năng suất độc hại là gì, đâu là những biểu hiện và làm thế nào để vượt qua vấn đề này? Cùng ELLE tìm hiểu nhé!

Năng suất độc hại là gì?

Bắt nguồn từ động lực làm việc và áp lực thành tích, năng suất độc hại liên quan đến việc ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ hoặc công việc liên tục mà không xem xét tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Có thể hiểu đây là trạng thái khiến bạn thường xuyên có những suy nghĩ thôi thúc bản thân phải làm việc, hoạt động mọi lúc để đạt được năng suất cao. Kể cả khi có thời gian thư giãn, một người làm việc năng suất quá mức cũng luôn lo lắng và bồn chồn vì họ đang “không làm gì cả”.

năng suất độc hại và tác động
Ảnh: Unsplash/Aditya Saxena

Tương tự như sự tích cực độc hại, năng suất độc hại là những tình huống có thể được đặc trưng bởi sự nhấn mạnh phi thực tế vào việc duy trì quan điểm tích cực. Nỗi ám ảnh không lành mạnh về năng suất trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, căng thẳng, trầm cảm và làm suy giảm hiệu suất làm việc.

Biểu hiện của năng suất độc hại

Theo các chuyên gia tâm lý, để xác định những biểu hiện của năng suất độc hại, bạn có thể tự hỏi bản thân một số câu hỏi sau:

  • Bạn có đang ưu tiên việc chăm sóc bản thân không?; Bạn có thường xuyên phân bổ thời gian cho việc chăm sóc bản thân và thư giãn?; Bạn có đang bỏ bê sức khỏe thể chất và tinh thần để chạy theo tiến độ công việc?
  • Bạn có đang cân bằng giữa công việc và thời gian thư giãn hay thường cảm thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi?; Bạn đã cân bằng các cam kết công việc với cuộc sống cá nhân như thế nào? Bạn có thường hy sinh thời gian cá nhân cho công việc, dẫn đến tình trạng kiệt sức và mệt mỏi? Bạn có cảm thấy tội lỗi khi nghỉ giải lao và nghĩ rằng mình nên làm việc liên tục?
  • Bạn có xác định giá trị bản thân bằng năng suất làm việc không?; Liệu bạn có đang đánh giá bản thân bằng năng suất làm việc?; Bạn có cảm thấy lo lắng, thiếu sót khi không liên tục kiểm tra các nhiệm vụ trong danh sách việc cần làm?
cô gái làm việc quên thời gian với năng suất độc hại
Ảnh: Unsplash/Mariah Krafft

Xem thêm

• Nghề nghiệp phù hợp với các nhóm tính cách trong bài trắc nghiệm MBTI

• Những sự thật thú vị về nữ chính “Queen of tears” Kim Ji Won

• Toxic Femininity: Làm thế nào để đối phó với tính nữ độc hại trong cuộc sống?


Cần làm gì để vượt qua tình trạng này?

Để cải thiện chất lượng sống, nâng cao hiệu suất làm việc và bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của năng suất độc hại, bạn có thể tham khảo một số bí quyết đơn giản dưới đây:

1. Chăm sóc bản thân

Có thể nói chăm sóc bản thân là kim chỉ nam hướng chúng ta đến một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Và theo các chuyên gia tâm lý, việc này nên được thực hiện như một thói quen hàng ngày. Bạn có thể chăm sóc bản thân bằng bất kỳ hoạt động nào mang đến cho bạn sự nuôi dưỡng, thư giãn và thoải mái. Đó có thể là du lịch, bơi lội, đi bộ đường dài, thiền định, dành thời gian cho gia đình và bạn bè, tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm bổ dưỡng, đọc sách, trồng cây hoặc nấu ăn…

khái niệm năng suất độc hại
Ảnh: Unsplash/Kharytonova Antonina

2. Học cách sắp xếp thứ tự những điều cần ưu tiên

Khi cố gắng hoàn thành các mục tiêu trước thời hạn, chúng ta thường có xu hướng ôm đồm tất cả các đầu việc và bắt tay vào làm mà quên đi việc đặt ra ưu tiên, sắp xếp chúng theo thứ tự nhất định.

Để tránh việc này, bạn có thể tạo to-do list và chọn ra việc gì quan trọng nhất. Cụ thể, sẽ có hai yếu tố bạn cần cân nhắc là độ quan trọng (importance) và mức độ cấp thiết (urgency). Kết hợp hai yếu tố này, chúng ta có 4 mục chính:

  • Gấp và quan trọng
  • Quan trọng nhưng không gấp
  • Gấp nhưng không quan trọng
  • Không gấp và cũng không quan trọng

Mục đầu tiên chính là ưu tiên của bạn – việc bạn cần hoàn thành trước nhất. Sau đó là những việc quan trọng nhưng không quá gấp. Mục thứ ba và thứ tư là những việc bạn có thể đẩy vào danh mục làm việc của ngày hôm sau hoặc khoảng thời gian sau deadline.

3. Thiết lập ranh giới

Bạn cần xác định ranh giới rõ ràng để có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả. Bạn có thể cân nhắc vào khung giờ nào sẽ làm việc gì để từ đó kiểm soát và cân bằng cuộc sống. Ngoài ra, để tăng khả năng tập trung khi thực hiện một đầu việc nào đó, hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ để không bị phân tâm, lãng phí thời gian và làm giảm năng suất làm việc.

cô gái đọc sách nghĩ về năng suất độc hại
Ảnh: Pexels/Leticia Alvares

4. “Hôm nay tôi không muốn làm gì cả”

Thay vì cố gắng làm nhiều việc nhất có thể, đôi lúc bạn cũng cần lên lịch để “không phải làm gì”. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày để cách ly khỏi thiết bị thông minh, “detox” tâm trí và dành cho mình một khoảng lặng.

Học cách “tắt công tắc” khi cảm thấy quá tải, bạn sẽ thấy tâm trí nhẹ nhàng hơn và giúp khơi dậy nguồn cảm hứng khi quay trở lại làm việc. 

cô gái đọc sách nghĩ về năng suất độc hại
Ảnh: Unsplash/Anna Blake

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Tham khảo: Pure Wow

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)