Lifestyle / Bí quyết sống

[ELLE lắng nghe bạn] Nền tảng kinh tế trong thời đại sức khỏe tâm lý

Khi dịch bệnh trở nên nghiệm trọng, bên cạnh nỗi lo về thiệt hại kinh tế, chúng ta còn nên quan tâm đến cả sức khỏe tâm thần.

Câu hỏi này không phải để gỡ rối cho tôi, mà là cho mẹ tôi. Kể từ khi dịch bệnh lan rộng, các con của anh trai tôi phải ở nhà, mẹ tôi đã chuyển từ nhà tôi qua nhà anh để chăm sóc các cháu cho bố mẹ đi làm. Tuy nhiên, mẹ tôi vốn là người dễ xúc động, dễ nổi nóng, giờ đây lại phải chăm sóc cho hai cháu nhỏ, dọn dẹp nhà cửa cho cả nhà con trai, nên bà càng trở nên nóng giận và căng thẳng hơn. Mỗi khi tôi gọi điện hoặc sang chơi với mẹ, bà lại nói những lời chua chát, cay đắng và ngụ ý muốn chết quách cho xong. Tôi muốn mẹ trở về nhà sống với tôi như trước đây để chăm sóc, nhưng bà từ chối dứt khoát, và phủ nhận việc mình có vấn đề. Tôi nghĩ sức khỏe tâm thần của người già là điều không mấy ai nói đến trên truyền thông đại chúng, nên kể cả anh tôi cũng không ý thức được. Tôi phải làm gì?

Bạn thân mến, dịch bệnh đang gây ra rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, đúng như bạn nhận xét, chúng ta thường chỉ bàn tới vấn đề thiệt hại kinh tế, chứ không mấy ai nói đến những ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Đặc biệt, vấn đề sức khỏe tâm thần của người già thì lại càng ít được bàn đến nhất. Mẹ bạn thật may mắn khi có một cô con gái thấu hiểu và tinh tế để nhận ra vấn đề. Tuy nhiên, chỉ mình bạn nhận ra thôi thì chưa đủ, mà cả anh trai bạn nữa cũng cần ý thức rõ về chuyện này. Bạn nên thẳng thắn nói chuyện với anh trai và nói rõ tính nghiêm trọng của vấn đề. Nếu ức chế và căng thẳng kéo dài, mẹ bạn có thể bị những vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn căng thẳng hay trầm cảm. Những ức chế tâm lý có thể dẫn đến những vấn đề thể chất. Gia đình có thể đưa ra một giải pháp trung hòa như việc gia đình anh trai có thể thay phiên nhau nghỉ phép, để mẹ bạn có thể được về nhà ở cùng con gái trong một tuần. Thay vì cố gắng gọi ra vấn đề của mẹ, hãy tỏ ra nhõng nhẽo hoặc viện một cái cớ nào đó để bà hợp tác hơn. Chúc bạn may mắn.

kinh tế nỗi lo của mọi gia đình

Đi làm hay đi học tiếp, đó là câu hỏi tôi trăn trở mỗi ngày. Công việc thiết kế đồ họa của tôi đang tốt, nhưng tôi có cảm giác suốt năm qua, mọi thứ chỉ đang dừng ở đó. Tôi không phát triển hơn, cũng không có năng lượng sáng tạo dồi dào như trước đây. Tôi nghĩ mình cần một khoảng dừng, và bạn bè khuyên tôi nên du học chừng một năm. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ phải chi phần lớn tiền tiết kiệm của mình, và mất đi thu nhập trong một năm. Tôi đã gần 30 tuổi, không còn có thể mơ mộng như trước nữa, nhưng nếu cứ quanh quẩn thế này tôi cũng sẽ chẳng đi về đâu. Tôi nên làm gì?

Hoang Mang thân mến! 30 tuổi ư? Vẫn còn trẻ lắm. Và bạn cũng đừng quên rằng không có “deadline” nào cho sự mơ mộng cả. Nếu bạn cảm thấy cả năng lượng, kỹ năng lẫn nhu cầu sáng tạo của mình đang hao mòn, có lẽ đi học một năm chính là điều bạn thực sự cần. Đi học không chỉ giúp bạn tiếp cận với những điều mới mẻ, mà còn cho bạn cơ hội nhìn lại chính mình và xác định những gì mình còn thiếu. Đi học chắc chắn sẽ tốn kém về mặt kinh tế, nhưng sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm quý giá mà đôi khi có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Hơn nữa, nghề nghiệp của bạn có lẽ cũng vẫn cho bạn cơ hội làm việc và cải thiện kinh tế từ xa, làm cộng tác viên… và bạn vẫn sẽ có một phần thu nhập nào đó. Hãy cứ mộng mơ, hãy cứ dại khờ bạn nhé.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)