Lifestyle / Bí quyết sống

Giữa ngã rẽ cuộc đời, lựa chọn hướng đi nào cho riêng mình?

Đứng trước ngã ba đường, bạn sẽ chọn lối đi nào cho riêng mình khi cuộc đời có nhiều ngã rẽ?

Giữa ngã rẽ cuộc đời, lựa chọn hướng đi nào cho riêng mình?

Khi viết về những ngã rẽ cuộc đời, tôi đã kịp đọc một bài viết nói về sự vô thường, tức không có gì trường tồn mãi mãi. Con người chỉ sống được một giai đoạn và cuộc đời không phải lúc nào cũng thi vị. Vui có, buồn có, chán nản có, tị nạnh có, bất đồng có, hạnh phúc có, bực dọc có, mất kiềm chế có, mất kiên nhẫn có… Nhưng cũng vì cuộc đời là vô thường, những cảm xúc ấy rồi cũng bị cuốn vào gió hết cả khi chúng ta nằm xuống với đất mẹ. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn, và chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn phương án tốt nhất trong tâm thế vô thường nhất, bình yên nhất.

Người ta hay nói người bản lĩnh sẽ không bị khuất phục khi phải đứng trước những lựa chọn khó khăn. Người ta nói đúng. Nhưng người ta thường quên chỉ ra cách nào để có được bản lĩnh như thế. Những người bản lĩnh, họ phải tôi luyện thế nào? Họ phải đọc những gì và đi những đâu, thu thập những kiến thức như thế nào? Tôi nghĩ tùy sở thích, đam mê và cơ hội của mỗi người mà bạn có thể chọn con đường phát triển bản thân cho phù hợp. Bạn đọc gì, đi đâu cũng do bạn thích gì, muốn gì và có những cơ hội gì. Việc muốn trở thành một ai khác thì cũng hơi khó. Bạn muốn nhưng bạn không có khả năng và điều kiện thì bạn cũng không thể làm được. Tôi hiểu những kinh nghiệm quý báu không phải ai cũng sở hữu ngang nhau.

Giữa ngã rẽ cuộc đời, lựa chọn hướng đi nào cho riêng mình?

Sự kiện diễn ra trong cuộc sống dù không phải lúc nào cũng sóng gió, nhưng tôi chắc rằng mỗi chúng ta, ít nhiều cũng phải trải qua mấy ngã rẽ. Sự khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi, con đường nào mỗi khi đứng giữa ngã ba đường sẽ rất mệt mỏi nếu chúng ta không nắm được đầy đủ thông tin và kiến thức.

Cùng ELLE điểm qua những ngã rẽ, những cột mốc quan trọng của đời người nhé:

1. Chọn trường, chọn ngành, chọn đất nước để học

Thời ba mẹ chúng ta những năm 1960 chắc hiếm có chuyện phải đắn đo việc học trường nào, lại càng hiếm thấy cụm từ “du học”. Cứ là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cha mẹ nói sao con tin vậy. Việc học hồi đó không nặng nề như bây giờ, cũng không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ. Hiện nay, khái niệm du học nước ngoài phổ biến hơn bao giờ hết. Đi làm một thời gian rồi quay trở lại học tiếp cũng là một sự lựa chọn được nhiều người quan tâm. Nếu bạn đi du học nước ngoài thì lại phải cân nhắc thêm tình hình tài chính ngoài chuyện chọn trường học ở đâu, đất nước nào…v.v…

Giải pháp: Vấn đề ở đây bạn phải ngồi tự nhìn lại, liệt kê vốn liếng bạn có, khả năng chi trả, trình độ học vấn, mục tiêu nghề nghiệp, cơ hội kiếm thêm thu nhập khi còn đang đi học… nói chung là tất tần tật rồi sau đó đem ra cân nhắc. Sau khi phân tích, mổ xẻ mọi sự lựa chọn, có thể bạn sẽ dời lại kế hoạch này của mình một thời gian để bổ sung thêm nguồn năng lực đang có giới hạn.

2. Chờ tốt nghiệp và cầm đơn đi xin việc

Thời gian chờ gần tới ngày tốt nghiệp là thời gian bạn rất hào hứng với bao dự định về tương lai, sau đó là việc cầm đơn đi xin việc để có được một cuộc sống ổn định không phụ thuộc. Ban đầu mục tiêu của bạn là tìm được một công việc mơ ước, đúng chuyên ngành, thu nhập cao… Khổ nỗi nhà tuyển dụng chỉ trả cao cho những anh chị có kinh nghiệm và bằng cấp nước ngoài. Việc phải lựa chọn giữa một việc mình thích lương thấp với một việc lương cao nhưng nhàm chán, hay phải lựa chọn giữa công ty này với công ty kia với các vị trí công việc cũng na ná nhau khiến bạn đôi lúc phân vân không biết nên đi hướng nào. Nên chọn công ty ba mẹ giới thiệu hay tự vác đơn xin việc một mình để chứng tỏ khả năng độc lập, cái nào ít rủi ro hơn cũng khiến bạn băn khoăn không ít. Việc hoang mang với số vốn liếng kiến thức được học trên ghế nhà trường liệu có đủ để mang đến cho bạn sự tự tin khi đi xin việc, nhất là các kĩ năng mềm của bạn chưa có nhiều, và bằng cấp của bạn cũng không thuộc loại xuất sắc là những mối bận tâm không hề nhỏ.

Bạn nên làm việc chuyên tâm nơi công sở

Giải pháp: Để có được một tương lai rộng mở, những người thành công và nổi bật luôn tìm được cho mình những cơ hội học hỏi và cọ xát dù chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường, như đăng ký học thêm những khóa kỹ năng, tích cực tham gia những cuộc thi, hội thảo, giao lưu văn hóa do trường tổ chức, học thêm ngoại ngữ, kiếm việc làm thêm đơn giản dành cho sinh viên, mở rộng quan hệ bạn bè với những anh chị lớn tuổi… Còn những bạn hoang mang chưa biết mình nên xin vào làm công việc gì, ở đâu, hãy tiếp cận những chuyên gia nhờ họ tư vấn, khai phá thêm mong muốn của bản thân, chỉnh sửa giúp hồ sơ xin việc… 

3. Mâu thuẫn với đồng nghiệp và nhảy việc

Có được việc làm rồi và giữ lửa công việc để hoàn thành tốt nó là một câu chuyện. Môi trường làm việc rất quan trọng, dù lương bạn có ít một chút nhưng đồng nghiệp của bạn tốt, sếp của bạn tâm lý và bản thân bạn có nhiều cơ hội để trổ tài và phát huy năng lực lại càng quan trọng hơn. Tuy nhiên cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng. Cuộc sống sẽ có lúc xuất hiện mâu thuẫn. Đó là những mâu thuẫn về ý tưởng giữa người này với người kia, rồi là mâu thuẫn về quan điểm, tư duy và phương pháp làm việc. Công ty của bạn thì luôn có nhiều người ra vào, kẻ đến người đi theo từng giai đoạn, và bạn cũng phải kết giao lại từ đầu với những đối tượng mới, rồi tranh luận, nhỏ có lớn có, nếu không khéo dẫn đến mất đoàn kết không chừng. Kẻ hậm hực, người bằng mặt mà không bằng lòng, môi trường làm việc trở nên cực kì xã giao, ngột ngạt, ai cũng chỉ biết nghĩ về quyền lợi của bản thân mà quên mất lợi ích chung của tập thể. Những nguyên tắc tưởng chừng là điều hiển nhiên không cần phải thiết lập văn bản, nhưng rồi cũng phải thiết lập văn bản. Một khi chúng ta cảm thấy quá ngột ngạt và không được tôn trọng, ý tưởng nhảy việc luôn thường trực trong tâm trí, và rồi lại cái vòng luẩn quẩn, ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc, dẫn đến chán chường, thất vọng. Bạn sẽ cố gắng tìm một lý do để tiếp tục ở lại cống hiến, nhưng cũng chỉ được một thời gian mà thôi.

Chia sẻ bí quyết thành công dù làm việc tạm trạng kém

Giải pháp: Hãy bùng nổ vào thời điểm thích hợp. Hãy chân thành. Hãy cởi mở. Với đồng nghiệp trước. Sau đó nếu không hữu dụng, hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn với sếp trực tiếp. Tôi tin rằng, mọi người cần phải có chung chí hướng mới làm việc tốt với nhau, mọi tranh cãi đều có thể tránh xảy ra nếu có một văn bản quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người để không người nào giẫm đạp lên nhau. Trong công việc, hãy dùng deadline và hiệu quả hoàn thành công việc để nói chuyện với nhau. Hãy lập luận có sức thuyết phục, nói được làm được chứ không nên sử dụng những lý do biện hộ, đặc biệt là lý do bận quá, khó quá. Nếu bận và khó thế sao bạn có thể hứa làm như đúng rồi ngay từ thời điểm ban đầu? Sao đồng nghiệp khác làm được mà bạn lại không? Sự minh bạch và rõ ràng là cơ sở để có được một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Còn nữa, hãy yêu cầu sếp bạn tôn trọng khả năng làm việc của bạn cho đến khi bạn không chứng minh được khả năng của mình. Tất cả mọi người, ai cũng đều phải có cơ hội ngang nhau, trách nhiệm tương ứng với chức vụ được giao.

4. Kinh doanh độc lập

Có rất nhiều bạn, sau khi đi làm một thời gian cảm thấy cám cảnh phận làm công cho người khác. Ý nghĩ phải thành lập một doanh nghiệp riêng, phải tạo dựng tên tuổi riêng, phải có một sự nghiệp riêng dần le lói và bùng cháy, đặc biệt sau nhiều năm dài bạn cảm thấy bản thân bị đối xử bất công khi làm việc cho một công ty nào đó. Thêm nữa, với ý nghĩ làm công hoài thì chừng nào được thăng chức, chừng nào được tăng lương đủ để mua nhà, mua xe, du lịch châu Âu càng thôi thúc bạn đến với ý niệm: chỉ có kinh doanh thì mới giàu được. Thế là bắt đầu con đường làm chủ bản thân, xây dựng cơ ngơi và tìm kiếm khách hàng. Ngã rẽ và cũng là ngã ba đường của bạn là đây. Vậy giờ kinh doanh cái gì để có được từng này lời với vốn liếng từng ấy và có thể hoàn vốn trong vòng XYZ thời gian được hay không? Có nên hợp tác hay độc lập một mình? Kinh doanh online hay kinh doanh hàng quán? Đăng ký tên doanh nghiệp là gì? Địa điểm? Nhân sự? Marketing? Bài toán thu chi, điều hành doanh nghiệp luôn là một thử thách, không chỉ với những doanh nghiệp mới thành lập, mà còn cho cả những ông chủ lớn. Một quyết định sai lầm đủ để khiến một ly đi một ngàn dặm.

Bí quyết thành công : thời gian làm việc đúng chuẩn

Giải pháp: Trước khi quyết định kinh doanh, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau:

– Tại sao phải kinh doanh riêng? 

– Bạn có đủ vốn liếng kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin về ý tưởng bạn định kinh doanh?

– Bạn có lường trước những rủi ro có thể xảy ra? Nếu có, những phương án nào khả thi đủ để xoay xở? 

– Trong khoảng thời gian chờ hòa vốn, bạn có nguồn thu nhập nào để tồn tại, và nguồn thu nhập đó giúp bạn tồn tại trong bao lâu?

– Nếu kinh doanh thất bại, bạn sẽ ra sao?

5. Yêu đương, hẹn hò, giận hờn, chia tay

Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề học hành và sự nghiệp, hãy cùng nhau thảo luận về chuyện tình cảm một chút nhé. Không chỉ công việc mới khiến các bạn đau đầu trước những chọn lựa khó khăn. Chuyện tình yêu, hẹn hò, cưới xin cũng là một đề tài thú vị. Nó thú vị bởi nó cũng có nhiều giai đoạn phức tạp với những cảm xúc rối rắm. Yêu đương hạnh phúc thì không sao, chứ mỗi lần giận hờn đòi chia tay là một lần cặp đôi nào cũng phải tốn nhiều nước mắt. Yêu mà, sao tránh được những điều như thế?! Cuộc đời vô thường, không có gì bất biến, không có gì trường tồn mãi mãi như chúng ta đã nói từ đầu. Việc gì cũng phải có lúc quyết định nên làm thế nào? Nên đi hay ở lại? Nên khóc hay mạnh mẽ? Nên giận hờn trong bao lâu? Nên yêu người nào cưới người nào? Mỗi quyết định, mỗi sự lựa chọn là một khó khăn.

Nếu bạn được sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ luôn lường trước cho bạn những tình huống xấu nhất có thể xảy ra ở từng độ tuổi và chỉ cho bạn những phương pháp giải quyết tình huống thì còn gì bằng. Tuy nhiên, với xã hội ngày càng phát triển, thế giới ngày càng phẳng, con người có thể yêu nhau xuyên đại dương và vì thế những kinh nghiệm chỉ dạy từ bậc tiền bối dần trở nên lạc hậu. Rất khó để biến kinh nghiệm yêu của kẻ khác trở thành của mình. Mà khi bạn yêu thì hầu như trái tim luôn có lý lẽ riêng dù lý trí phản ứng kịch liệt. Việc tiếp tục yêu hay chia tay trở nên vô cùng khó khăn.

Thiên thần Victoria's Secret làm đám cưới

Giải pháp: Chúng ta không nên yêu quá nhanh hay trao đi niềm tin cho một người nào đó quá dễ dàng. Hãy cho người ấy thời gian đủ để chứng minh họ là người xứng đáng có được sự tôn trọng của bạn. Khi cả hai tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc, cố gắng hạn chế những giận dỗi vu vơ, những câu nói lẫy đòi đường ai nấy đi… trừ phi bạn thật sự muốn như vậy. Bạn có thể thử thách người mình yêu nhưng chớ đi quá xa. Người đàn ông nào cũng mong muốn một nơi bình yên, một cô gái không những xinh ngoan, mà còn tâm lý và thông minh. Chẳng ai thích một người con gái mè nheo, nóng giận vô cớ và lên lớp người đàn ông của mình bằng mọi giá. Dù bạn chọn kết cục chia tay sau khi đã cố gắng đủ nhiều, hãy mạnh mẽ vượt qua. Hãy luôn tâm niệm: đừng làm nô lệ cho quá khứ, cái mới chỉ đến khi cái cũ đã ra đi.

6. Lập gia đình, sinh con và nuôi dưỡng

Ngay cả khi hai bạn đã làm đám cưới và sinh con, đừng chủ quan tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi. Nếu không cố gắng giữ gìn tình yêu hàng ngày, vợ chồng vẫn có thể cãi nhau, tệ nhất là dẫn đến ly dị, sự phát triển của con cái sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ mối quan hệ của cha mẹ chúng. Những tranh cãi giữa vợ và chồng có nhiều nguyên nhân: mâu thuẫn về phương pháp nuôi dạy con cái, mâu thuẫn về cách chi tiêu trong gia đình, mâu thuẫn về việc phụng dưỡng ông bà hai bên, thậm chí mâu thuẫn với những thói quen sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên nếu chỉ là câu chuyện của hai người lớn với nhau thì không có gì đáng nói, nhưng khi vợ chồng có con, sự phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào môi trường nuôi dưỡng rất nhiều, từ gia đình, nhà trường lẫn ngoài xã hội, đặc biệt là giai đoạn tuổi vị thành niên. Người lớn phải luôn là tấm gương cho con cái noi theo. Dù bạn muốn hay không, hãy lựa chọn làm điều đúng đắn nhất có thể.

Giải pháp: Khi vợ chồng cãi nhau, hãy làm chuyện đó ở nơi riêng tư. Đừng để con tim có cơ hội tìm ra được lý do phải ly dị. Làm sao để làm được điều ấy? Hãy vun đắp cho tình yêu mỗi ngày. Hãy vẫn chăm sóc bản thân như những ngày đầu mới yêu. Vợ chồng nói chuyện với nhau cũng đừng nên quá tự nhiên và quên mất những lễ nghi như hồi mới quen. Lịch sự, tôn trọng lẫn nhau là kim chỉ nam cho mọi mối quan hệ vững bền. 

Tóm lại, chúng ta nên luôn không ngừng học hỏi. Học trên ghế giảng đường không đủ thì học ở ngoài đời, quan sát mọi người lẫn những sự việc xung quanh, thực hành và tự rút kinh nghiệm cho bản thân, bạn dần sẽ rèn luyện được khả năng vượt khó, vì thế mọi ngã rẽ cuộc đời tôi tin rằng bạn đều sẽ vượt qua hết.

Xem thêm

Giảm căng thẳng cuộc sống từ 10 câu tự vấn

Những câu nói hay về cuộc sống của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trắc nghiệm bản thân: Bạn có thấy cuộc sống hạnh phúc?

Nhóm thực hiện

Theo H.L / Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)