Ở NHÀ TÔI
Con trai tôi 9 tuổi đang giúp bố cháu dọn rửa chén bát và pha café cho mẹ sau bữa cơm tối. Đang ngồi đọc những nghiên cứu chuẩn bị cho bài viết này, tôi nghe được loáng thoáng đoạn đối thoại của hai bố con:
Con trai: “Ba à, ba chỉ cho con làm những công việc như thế này là để mai sau, khi con lớn, con có thể tự lo cho con, rồi lo cho vợ con của con đúng không ạ?”.
Ồng xã: “Đúng rồi, bây giờ con nhỏ, ba dạy con những việc nhỏ. Con lớn dần, ba sẽ dạy con những việc lớn hơn, cộng với những kiến thức con học ở trường, ở bạn, tất cả sẽ trang bị cho con trở thành một người lớn tự lập”.
Con trai: “Vâng, mai mốt con lớn, con cũng sẽ pha café cho vợ con, giống như ba”.
Ở NHÀ MỘT NGƯỜI BẠN
Tam, một người bạn thân của tôi dạy con quản lý số tiền tiêu vặt hàng tuần của con như sau. Chị đưa con tới siêu thị để biết số’ tiền 5 Euro của mình có thể mua được những vật dụng gì? Chị dạy con nếu không tiêu mà để dành số’ tiền đó, nó sẽ lớn dần như thế nào. Chị đến ngân hàng cùng con lập một tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn để thấy số’ tiền của con có thể sinh ra lãi kép. Chị dạy con giá trị của đồng tiền: nếu con tiêu số tiền đó để mua một quyển sách nó sẽ không còn đủ để mua một món đồ chơi nữa và chị nhắc con luôn nhớ dùng một phần số’ tiền của mình để làm từ thiện giúp đỡ người khác.
MỘT GIA ĐÌNH NGƯỜI VIỆT Ở SYDNEY
Tôi có một người bạn gái rất thân ở Sydney, Úc. Cách đây 5 năm, hai vợ chồng chị xin được visa nhập cư sang Úc theo diện người lao động có tri thức cao (high-skill labour). Cả hai vợ chồng đều là luật sư, chồng chị đã có bằng tiến sĩ luật ở Singapore và Anh, còn chị tốt nghiệp đại học Luật ở Việt Nam và cao học luật ở Singapore. Sang đến Sydney, tất cả bằng của anh chị đều không dùng để hành nghề được vì luật phổ thông và kinh tế mỗi nước một khác. Tài sản không nhiều, bụng bầu sắp sinh đứa con thứ hai, nhà cửa, công ăn việc làm không có, nếu muốn hành nghề luật, cả hai không có lựa chọn nào khác ngoài việc học lại 3-4 năm luật của Úc, trong khi phải lao động chân tay để nuôi sống cả nhà.
ĐƠN GIẢN VS. PHỨC TẠP
Đơn giản hay phức tạp, các triết gia và các nhà xã hội học chia thành hai nhóm: Một nhóm ủng hộ sự phức tạp, còn một nhóm ủng hộ sự đơn giản.
Bên phức tạp nói: thế giới vốn là phức tạp, cảm xúc của con người rất phức tạp và nó điều khiển trí óc, hành động của con người thành phức tạp. Cứ nhìn thực tại tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới mà xem. Sigmund Freud, rồi muộn hơn một chút, ở đầu thế kỷ 19, Carl Jung là cha đẻ của lý thuyết phức cảm tâm lý học tin rằng những yếu tố’ tác động và có ảnh hưởng quan trọng nhất tới các hành động của con người đều đến từ vô thức. Điều này đúng với cả một cá nhân hay tập thể một nhân loại. Tức là bản chất của cuộc sống là phức tạp và không tiên đoán được.
Nhóm phản bác lại tin đơn giản là chân lý và những chứng minh gần đây của họ cho thấy não con người ưa thích sự đơn giản. Một trong những chứng minh nổi tiếng và hay được phổ biến gần đây nhất của họ là dự án phông chữ do hai nhà tâm lý học của trường đại học Michigan (Mỹ), giáo sư Norbert Schwarz và học trò của ông Hyunjin Song thực hiện. Họ đã chứng minh được phông chữ có thể đánh lừa được não người. Cũng là hai bảng hướng dẫn nội dung giống nhau, một bảng dùng phông chữ đơn giản, bản kia có phông chữ phức tạp. Khi đưa bản hướng dẫn cho 2 nhóm người giống nhau, nhóm có bảng hướng dẫn với phông chữ đơn giản có xác suất hoàn thành công việc cao hơn và tốt hơn nhóm có bảng hướng dẫn với phông chữ phức tạp. Từ nghiên cứu chính này, có nhiều nghiên cứu ăn theo của nhóm đơn giản, nhằm đưa lý thuyết đơn giản vào phục vụ cuộc sống hàng ngày: nào là nếu cổ phiếu có tên dễ nhớ ta sẽ thành công hơn trong giao dịch, nào là người mẫu có khuôn mặt với các nét quen sẽ dễ dàng nổi tiếng. Những ai trong chúng ta hay phải thuyết trình, hoặc thường xuyên phải đưa ra đề xuất thuyết phục khách hàng đều biết những bài thuyết phục chỉ nên có nhiều nhất ba điểm chính. Nói nhiều hơn thính giả cũng không nhớ được…
Quay trở lại với những mẩu chuyện nhỏ của tôi ở trên. Bước đường để trở thành một người đàn ông thực thụ, để trong tương lai con trai tôi có thể là trụ cột cho gia đình của cháu sẽ không phải là một con đường thẳng tắp, nhưng trước
tiên, cháu đang làm đúng hai việc: ham học hỏi, chăm làm và nhận thức được những việc nhỏ như giúp đỡ bố mẹ, chăm sóc người thân, là một phần của quá trình trở thành người đàn ông chân chính.
Tương tự, con trai của bạn tôi chưa chắc đã trở thành một nhà kinh tế học để điều khiển một doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế thành công trong tương lai, nhưng chắc chắn cháu sẽ có khả năng quản lý tốt tài chính của cá nhân một cách hợp lý, hữu ích nhất.
5 năm sau ngày đặt chân tới nước Úc, vợ chồng người bạn thân của tôi đã đứng tên hai căn nhà khang trang ở Sydney, con trai đầu của chị vừa thi đỗ vào một trong những trường điểm hàng đầu của thành phố, chồng chị đã học xong bằng Luật và đang là luật sư cho chính phủ Úc, còn chị cũng đã hoàn thành gần xong bằng Luật của mình. Dù vất vả đến cỡ nào, gia đình bạn tôi cũng thanh thản, hạnh phúc vì họ biết đơn giản hóa những việc lớn và luôn tập trung để đạt được những mục đích mà họ kỳ vọng.
Còn kết luận của tôi? Một người giỏi là người có thể xâu những công việc đơn giản vào với nhau thành chuỗi hành động để giải quyết được vấn đề to lớn, phức tạp. Người đó phải hình dung được bức tranh khi đã hoàn thành, nhưng đồng thời sẽ đưa ra một ngàn nét vẽ đơn giản để tạo nên tuyệt tác phức tạp cuối cùng. Khả năng đơn giản hóa này, thêm sự bình tĩnh và tính kiên nhẫn, một quyết tâm dám làm, giống như con trai tôi và con trai bạn tôi, giống như vợ chồng người bạn thân kia, đào non, lấp bể cũng sẽ làm được. Khó mà dễ!
Bài vũ PHƯƠNG NHU – Ảnh TIM McCONVILLE/CORBIS.
Phái đẹp ELLE
ELLE.VN
Nhóm thực hiện