Lifestyle / Bí quyết sống

Những bài học về sức khỏe tâm thần khi làm trong ngành công nghiệp sáng tạo

Dường như sức khỏe tâm thần đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều người gần đây. Đặc biệt, đối với những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, áp lực để tạo ra sản phẩm đột phá ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của họ.

Khi đối mặt với hàng tấn áp lực từ cuộc sống, có vẻ người ta muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, cô đơn và cô lập – tất cả chúng ta đều có nguy cơ phải chịu đựng những vấn đề về tâm thần như vậy. Đặc biệt, những người làm trong ngành công nghiệp sáng tạo dường như dễ gặp phải các vấn đề tinh thần nhiều hơn. Không chỉ vì tính chất công việc phụ thuộc vào nguồn cảm hứng và sức khỏe trí óc, mà còn vì áp lực được công nhận – nhất là khi không có một thước đo cụ thể để đánh giá thành công của một tác phẩm nghệ thuật.

Ghi nhớ: Bạn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy nghĩ của mình

Như mọi bộ phận khác trên cơ thể, bộ não của bạn cũng là một dạng cơ bắp mà thôi. Nó hoạt động liên tục để điều khiển cơ thể và tâm trí của chúng ta. Đôi khi, dưới tác động của ngoại cảnh, bộ não chúng ta thường sản sinh ra những ý tưởng… kỳ quặc. Đây là lúc bạn nên cẩn thận!

cô gái ôm máy ảnh
Ảnh: Unsplash

Có thể, đó là suy nghĩ tiêu cực như: bạn không đủ giỏi hay không đủ xinh đẹp, tác phẩm lần này không tốt như tác phẩm lần trước… Những khi như thế, hãy dành sự tập trung của mình cho một thứ khác, ví dụ như ý tưởng mới chẳng hạn. So sánh bản thân với người khác hoặc với chính mình của ngày hôm qua chỉ càng làm cho khả năng sáng tạo của bạn bị ảnh hưởng mà thôi.

Đừng cố làm hài lòng người khác

Đồng ý rằng, khi làm trong lĩnh vực sáng tạo, việc tạo ra xu hướng và dẫn dắt suy nghĩ của khách hàng rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn làm khách hàng thấy hài lòng cũng như tăng doanh số bán hàng. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn cần làm hài lòng mọi người trong cuộc sống hàng ngày.

Điều này rất mệt mỏi và lãng phí thời gian. Nếu bạn không thích hay không đồng ý với một vấn đề gì, cứ mạnh dạn nêu lên ý kiến của bạn. Hãy trung thực. Bạn có thể dễ tính nhưng bạn không nên dễ dàng thỏa hiệp. Vì thế, đừng cố “lừa mình dối người”.

Trân quý từng giai đoạn của một quá trình

Chắc chắn ai làm trong lĩnh vực sáng tạo đều ao ước thực hiện được những tác phẩm ấn tượng. Đó là những tác phẩm mà khi nhìn vào, mọi người sẽ cảm thấy thán phục và được truyền cảm hứng. Nhưng bạn à, hãy nhớ, “hạnh phúc không phải là đích đến, mà là hành trình”.

cô gái cầm cây pháo hoa
Ảnh: Unsplash

Lên ý tưởng, ghi chép, minh họa và cả thất bại nữa, đều là kỷ niệm đáng trân trọng. Thông qua đó, bạn tìm ra được đúng con đường. Và chính những phút giây ấy sẽ làm bạn thêm yêu công việc của mình hơn.

Đừng ngại nếu phải nhờ đến sự giúp đỡ

Mở lời xin giúp đỡ từ đồng nghiệp dường như làm rất nhiều người cảm thấy ngại ngùng, thậm chí là mất mặt. Nhưng thật sự, đấy không phải là một vấn đề nghiêm trọng.

Ngành công nghiệp sáng tạo đòi hỏi bạn phải làm việc với rất nhiều người. Nếu so sánh với một mạng lưới, bạn chỉ là một mắt xích bé nhỏ thôi. Vì thế, khi cảm thấy bế tắc hoặc khó khăn, hãy nhớ rằng xung quanh bạn có rất nhiều người có thể giúp đỡ bạn.

Thất bại là một dạng của thành công

Ngành công nghiệp sáng tạo rất khắc nghiệt. Ở đó, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách và thất bại. Khách hàng đổi brief bất chợt hay chê ỏng chê ẹo thiết kế? Toàn là “chuyện thường tình ở huyện”!

cô gái ôm quyển kinfolk
Ảnh: Unsplash

Bạn nên giữ cho mình suy nghĩ: Mỗi lần thất bại là cơ hội để bạn làm lại tốt hơn. Thông qua đó, bạn sẽ nhận được những bài học từ kinh nghiệm thực tiễn, rèn giũa kỹ năng và trở nên kiên trì. Hãy biết ơn những lần thất bại, vì nếu chỉ có thành công, bạn sẽ không biết giá trị của sự cố gắng.

Hành động như thể bạn rất tự tin

Trước mỗi buổi thuyết trình, dù có tự tin đến mấy, đôi khi, bạn vẫn hơi hồi hộp đúng không? Những lúc như thế, hãy hít một hơi thật sâu, mỉm cười thật tươi và bước lên sân khấu. Chính những cử chỉ đó sẽ đánh lừa trí não của bạn trong phút chốc và khiến bạn tự tin hơn.

Hãy ngẩng đầu cao lên, thay đổi dáng đi và lên tông giọng. Chắc chắn mọi người sẽ bị cuốn hút bởi phong thái tự tin của bạn.

Đôi khi, lo lắng và phấn khích khá giống nhau!

Ngoài việc dành thời gian quan sát phản ứng của khách hàng, bạn cũng cần chú ý đến cảm xúc của chính mình. Cả sự lo lắng và phấn khích đều tạo ra nhiều phản ứng thần kinh giống nhau. Có điều, một cái được xem là tích cực, cái còn lại là tiêu cực.

Vì vậy, khi bắt đầu lo lắng về dự án mới, hãy cố thuyết phục bản thân rằng đó là sự phấn khích. Suy cho cùng, chẳng phải nó đều khiến tay bạn đổ mồ hôi, tim đập cực kì nhanh và cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể đó sao?

Biết chấp nhận: Ai cũng có những phút giây yếu lòng

Hãy dẹp nỗi sợ bị đánh giá qua một bên và dũng cảm thừa nhận nếu bạn có những phút yếu lòng. Lo lắng, sợ hãi hay tự ti là những cảm xúc rất đỗi “con người”. Do đó, cho phép bản thân được thể hiện cảm xúc là một cách tốt để mọi người dễ dàng đồng cảm với nhau. Bạn không muốn biến mình trở thành một cái máy khi làm việc trong nền công nghiệp sáng tạo đúng không? Vậy thì hãy dũng cảm thừa nhận nếu bạn đã có một ngày mà các ý tưởng cứ trôi qua bất chấp những nỗ lực của bạn.

cô gái nằm trên giường
Ảnh: Unsplash

Bằng cách tạo ra một nền văn hóa đồng cảm, ngành công nghiệp này sẽ phát triên mạnh hơn. Chúng ta càng hiểu nhau nhiều hơn, công việc của chúng ta sẽ càng tốt hơn.

Hãy chăm sóc não bộ của bạn vì nó là công cụ tốt nhất bạn có

Chúng ta đầu tư rất nhiều vào các công cụ chúng ta cần cho công việc của mình. Từ các thiết bị điện tử tối tân nhất đến các thứ cần thiết cho vẻ bề ngoài. Nhưng có bao giờ bạn dừng lại một giây để suy nghĩ về những thứ bạn đã đầu tư cho tâm trí mình chưa?

cô gái ăn trên giường
Ảnh: Unsplash

Không nghi ngờ gì, đó chính là công cụ quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Vậy mà chúng ta đối xử với nó rất tệ. Chúng ta thường bỏ bê nó bằng cách hứng chịu áp lực liên miên, thức khuya hay thậm chí thức xuyên màn đêm. Dù chúng ta luôn luôn sử dụng não, nhưng có vẻ không bao giờ dành cho nó sự quan tâm đúng mực.

Tâm trí của chúng ta phải được chăm sóc để hoạt động. Vì thế, hãy ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, thiền định, nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho bản thân. Nếu cần thiết, hãy uống thêm vitamin và đi đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng não bộ của mình. Khi bạn đối xử tốt với nó, chắc chắc bạn sẽ được sự trả công hậu hĩnh đấy!

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Xuân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Creative Boom
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)