Nghề nail ở Mỹ
(Phái đẹp – ELLE) Khi biết tôi là người Việt Nam, đa số người Mỹ đều hỏi đúng một câu: “Bạn có làm nail không?” Điều này cũng dễ hiểu vì người Việt Nam tại Mỹ đã và đang chiếm lĩnh thị trường làm móng tay hơn 30 năm nay
Từ thợ sơn móng tay đến bác sĩ tâm lý
Một ngày làm việc của người thợ làm nail kéo dài khoảng 12 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Trong suốt thời gian đó, người thợ làm nail phải ở trong một môi trường có nhiều hóa chất độc hại và lúc nào cũng ở trong tư thế lom khom. Vì vậy, đa số những người làm móng đều còn khá trẻ. Người thợ nail ở độ tuổi dưới 35 có đôi mắt tinh tường cũng như độ dẻo dai tốt hơn đồng nghiệp lớn tuổi. Phần lớn thu nhập của dân làm móng không phải nhờ vào khoản ăn chia với chủ tiệm (thông thường là 4:6) mà nhờ vào tiền tip của khách. Vì vậy, những người thợ này không chỉ dựa vào tài vẽ móng, sơn móng, hay đắp móng đẹp mà còn phải biết chiều khách nữa. Những người thợ nail trở thành bạn thân của khách hàng. Họ là nơi để khách trút bầu tâm sự cũng như làm… bác sĩ tâm lý cho khách hàng. Người thợ nail nào càng biết cách chiều chuộng và thân mật với khách thì đều có một danh sách khách hàng thân thiết sẵn sàng ngồi chờ. Đối với những người già không có con cháu sống gần, cô thợ nail dần dần trở thành người thân của họ. Những chuyến đi tới tiệm nail hằng tuần của họ không chỉ để làm đẹp mà còn vì tình cảm nữa.
Muôn hình vạn vẻ
Không như ở Việt Nam, làm móng ở Mỹ là một công nghệ. Để được làm ở tiệm, bạn phải đi học ở những trường chuyên dạy về làm đẹp (cosmetology schools.) Tùy vào quy định của từng tiểu bang mà thời gian thực tập có thể từ vài trăm đến vài ngàn giờ. Sau khi có đủ thời gian thực tập thì người học sẽ trải qua một kì thi lấy bằng với phần thi lý thuyết và thực hành. Chỉ khi có bằng rồi thì bạn mới được hành nghề chính thức.
Vì ngày càng có nhiều tiệm nail mở ra nên sự cạnh tranh và phá giá càng khốc liệt hơn. Nếu ngày xưa dịch vụ sơn móng tay thông thường có thể lên tới 20 đôla thì ngày nay có thể chỉ còn 10 đôla mà thôi. Với 25 đôla, bạn có thể được sơn cả móng tay móng chân cộng thêm massage chân trong bồn nữa. Người thợ phải biết cách kiếm được nhiều tiền nhất từ từng khách hàng của mình bằng những dịch vụ phụ trợ khác.
Những khách da trắng không thích móng tay, móng chân có kiểu dáng cầu kì mà chủ yếu chỉ làm French manicure mà thôi. Vì vậy, những người thợ làm nail sẽ khuyến khích họ đắp móng bột hoặc làm gel nail để có được một bộ móng tay đẹp hơn và lâu phai hơn. Họ gợi ý cho khách hàng của mình nên thử wax lông mày hoặc massage vai. Từ một dịch vụ trở thành 2, 3 và từ một hóa đơn 20 đôla có thể biến thành 100 đôla nếu khách hàng chấp nhận thực hiện theo gợi ý.
Không như khách da trắng, những cô gái da màu thích kiểu móng tay cầu kì và màu mè. Họ chính là mỏ vàng cho thợ làm nail. Một bộ móng tay giả với kiểu vẽ độc đáo cộng thêm gắn đá pha lê Swarovski có thể lên đến 100 đôla. Những cô gái này không ngại chi tiền cho bộ móng tay của mình, miễn là nó đẹp và độc.
Sự đẹp và độc này đôi khi cũng rất điên rồ. Trong một phóng sự của MTV, nữ rapper nổi tiếng Missy Elliott đã tới một tiệm nail với mục đích là cắt những con số 100 trên tờ 100 đôla để dán lên móng tay của mình. Ngoài ra, việc gắn vàng, bạc, kim cương hoặc ngọc trai trên móng tay của những rapper hoặc ca sĩ hip-hop nữ đã trở nên khá thông thường. Nếu như ngày xưa việc Missy Elliott dát 100 đôla vào móng tay là chuyện shock thì ngày nay các cô gái bình thường khác cũng đã bắt chước theo, mặc dù chỉ với tờ 5 đôla.
Nail-gineer và engineer
Vì lợi thế của nghề nail là dễ học và dễ kiếm tiền nên nhiều người phụ nữ Việt Nam khi tới Mỹ đã chọn con đường này để nuôi sống gia đình. Vì vậy mới có câu nói truyền miệng của giới trẻ gốc Việt tại Mỹ: “Cha mẹ tôi là nail-gineer (người làm nail) còn tôi là engineer (kỹ sư)”. Những người con này coi sự hi sinh của cha mẹ mình là niềm tự hào và là động lực để họ phấn đấu trong việc học.
Không còn những phòng nhỏ chật chội và ngột ngạt, các tiệm nail của thế hệ Việt Nam thứ hai ở Mỹ đều khang trang, sạch sẽ hơn, và có thêm nhiều dịch vụ mới: từ spa cho tới các dịch vụ về tóc, massage và làm đẹp khác, để đánh vào đối tượng khách hàng trẻ cũng như thành phần trung và thượng lưu ở Mỹ. Một lần nữa, diện mạo công nghệ làm nail của người Việt Nam tại Mỹ lại được thay đổi.
Làm nail thời suy thoái
Nghề làm nail bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ suy thoái kinh tế và cạnh tranh từ các nhóm nhập cư khác. Nếu như ngày xưa người ta có thể ung dung ra tiệm làm móng hằng tuần thì ngày nay những chi phí đó đã bị cắt. Các tiệm nail người Việt cũng đang bị tiệm Hàn Quốc lấn át. Nếu người Việt Nam sơn một bộ móng tay trong vòng 15-20 phút và cố làm thật nhanh để kiếm khách khác thì người thợ nail Hàn Quốc sẽ chăm chỉ sơn cho đến khi khách hài lòng. Họ chăm chút đến từng chi tiết và chỉ đến khi khách vui vẻ đứng dậy thì họ mới thôi.
Bài: Tương Dao – Ảnh: Strauss/Curtis/Corbis
Phái đẹp – ELLE